In trang này
Thứ sáu, 21 Tháng 1 2022 21:47

Giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển pháp luật về quỹ đầu tư chứng khoán ở Việt Nam

Pháp luật về quỹ đầu tư chứng khoán đã trải qua hơn 25 năm hình thành và phát triển tại Việt Nam.

Hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh về quỹ đầu tư chứng khoán có thể tổng kết qua ba giai đoạn phát triển như sau:

Giai đoạn từ năm 1998 - 2006: đây là giai đoạn đầu của quá trình hình thành và phát triển thị trường chứng khoán nói chung và các quỹ đầu tư chứng khoán nói riêng. Trong giai đoạn này, các văn bản pháp luật đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển cho các quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam bao gồm:

- Nghị định số 48/1998/NĐ-CP ngày 11/7/1998 của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán;

- Nghị định 144/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán;

- Quyết định số 73/2004/QĐ-BTC ngày 03/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ.

Giai đoạn từ năm 2006 – 2019: đây là giai đoạn với sự ra đời Luật chứng khoán năm 2006. Trên cơ sở Luật Chứng khoán, hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến lĩnh vực quản lý quỹ đã được xây dựng theo hướng chuẩn hóa các quy định theo thông lệ quốc tế và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cụ thể:

- Nghị định số 14/2007/NĐ-CP ngày 19/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán;

- Quyết định số 35/2007/QĐ-BTC ngày 15/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động công ty quản lý quỹ;

- Quyết định số 45/2007/QĐ-BTC ngày 05/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế thành lập và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán;

- Quyết định số 63/2005/QĐ-BTC ngày 14/9/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ kế toán quỹ đầu tư chứng khoán.

Trong giai đoạn này, các văn bản pháp luật điều chỉnh quỹ đầu tư chứng khoán tiếp tục được hoàn thiện bổ sung để phù hợp với quá trình phát triển kinh tế xã hội, thông lệ quốc tế và khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Trong giai đoạn này, pháp luật về quỹ đầu tư chứng khoán được hoàn thiện đầy đủ với 07 văn bản được ban hành, cụ thể như sau:

- Thông tư số 183/2011/TT-BTC ngày 16/12/2011 của Bộ trưởng Bộ tài chính hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở [2];

- Thông tư số 198/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ trưởng Bộ tài chính chế độ kế toán áp dụng đối với quỹ mở;

- Thông tư số 212/2012/TT-BTC ngày 5/12/2012 của Bộ trưởng Bộ tài chính hướng dẫn thành lập, tổ chức và hoạt động công ty quản lý quỹ [3];

- Thông tư số 224/2012/TT-BTC ngày 26/12/2012 của Bộ trưởng Bộ tài chính hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ đóng, quỹ thành viên [4];

- Thông tư số 227/2012/TT-BTC ngày 27/12/2012 của Bộ trưởng Bộ tài chính hướng dẫn thành lập, tổ chức và hoạt động công ty đầu tư chứng khoán;

- Thông tư số 228/2012/TT-BTC ngày 27/12/2012 của Bộ trưởng Bộ tài chính hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ bất động sản [5];

- Thông tư số 229/2012/TT-BTC ngày 27/12/2012 của Bộ trưởng Bộ tài chính hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ hoán đổi danh mục [6];

- Nghị định số 88/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện;

- Thông tư số 86/2017/TT-BTC ngày 15/8/2017 của Bộ trưởng Bộ tài chính hướng dẫn một số điều Nghị định số 88/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện.

Điểm nổi bật của chính sách trong giai đoạn này là sự ra đời của văn bản hướng dẫn thành lập và hoạt động hai loại hình quỹ mới với nhiều ưu điểm, bao gồm: quỹ mở và quỹ hoán đổi danh mục.

Quỹ mở là sản phẩm nền tảng của thị trường chứng khoán, mà dựa vào đó thành viên thị trường sẽ phát triển lớp các sản phẩm khác nhau vận hành trên cơ chế giao dịch quỹ mở, điển hình như quỹ hoán đổi danh mục, các chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện.

Quỹ hoán đổi danh mục có những ưu điểm của cả quỹ mở và quỹ đóng, đồng thời loại bỏ những hạn chế của hai loại hình quỹ này, cụ thể:

- Quỹ hoán đổi danh mục có tính minh bạch cao hơn quỹ đóng và quỹ mở do danh mục chứng khoán cơ cấu của quỹ hoán đổi danh mục được công bố hàng ngày;

- Phù hợp với nhiều loại hình nhà đầu tư: các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài do không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài;

- Chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục có tính thanh khoản cao do được niêm yết và giao dịch hàng ngày trên sở giao dịch chứng khoán;

- Chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục là công cụ đầu tư ít rủi ro do danh mục đầu tư của quỹ được đa dạng hóa;

- Chi phí quản lý quỹ hoán đổi danh mục thấp hơn nhiều so với quỹ đóng, quỹ mở truyền thống do quỹ hoán đổi danh mục được quản lý thụ động, đầu tư theo danh mục chỉ số đã được xác định sẵn.

Việc ban hành đồng bộ, đầy đủ các văn bản pháp luật về quỹ đầu tư chứng khoán đã có những tác động tích cực đến các quỹ đầu tư chứng khoán nói riêng và đến thị trường chứng khoán nói chung. Tính đến thời điểm cuối năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam có 43 công ty quản lý quỹ với tổng vốn điều lệ là 3,54 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản quản lý của các công ty quản lý có sự tăng trưởng mạnh. Nếu như vào thời điểm cuối năm 2011, tổng giá trị tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ là hơn 98 nghìn tỷ đồng thì đến cuối năm 2020 là 435 nghìn tỷ đồng (gấp hơn 4 lần so với thời cuối năm 2011), trong đó tổng giá trị danh mục đầu tư của khách hàng ủy thác là hơn 378 nghìn tỷ đồng và tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ là gần 57 nghìn tỷ đồng. Trung bình tăng trưởng tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ trong 10 năm qua là hơn 16%/năm.

Tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ tăng qua các năm đến từ các nguyên nhân sau:

- Pháp luật về công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán đã được ban hành đồng bộ, đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán;

- Sự phát triển của nền kinh tế nói chung (GDP tăng từ 2,8 triệu tỷ đồng năm 2010 lên 6,3 triệu tỷ đồng), quy mô của thị trường chứng khoán (vốn hóa tăng từ 546 nghìn tỷ đồng năm 2010 lên 4,3 triệu tỷ đồng năm 2020), số lượng công ty niêm yết, sự cải thiện của chỉ số VnIndex đặc biệt là từ cuối năm 2017 trở lại đây; đồng thời cũng thể hiện nỗ lực của các công ty quản lý quỹ trong bối cảnh ngành quản lý quỹ là một ngành mới, nhà đầu tư trong nước chưa có thói quen ủy thác đầu tư mà thường là tự mình đầu tư.

Số lượng, loại hình quỹ và quy mô giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư chứng khoán có sự phát triển đáng kể trong 10 năm qua. Tính đến cuối năm 2020, thị trường có 57 quỹ đầu tư chứng khoán, trong đó có 44 quỹ đại chúng, chiếm 77% bao gồm 02 quỹ đóng, 34 quỹ mở, 07 quỹ hoán đổi danh mục, 01 quỹ đầu tư bất động sản.

Cùng với sự phát triển về số lượng, loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư chứng khoán từ năm 2017 đến nay cũng tăng trưởng vượt trội, tăng 91% trong năm 2017 và tăng 52% trong năm 2018. Đến cuối năm 2020, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đã đạt 57 nghìn tỷ đồng, cao gấp 8 lần so với cuối năm 2012 (7,2 nghìn tỷ đồng).

Sự tăng trưởng giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư chứng khoán trong giai đoạn từ 2016-2020 xuất phát từ một số lý do sau:

Thứ nhất, pháp luật về quỹ đầu tư chứng khoán đã được ban hành đầy đủ, tạo điều kiện cho nhiều loại hình quỹ đầu tư chứng khoán được thành lập, phù hợp với nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư.

Thứ hai, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán từ cuối năm 2017 đã khiến cho các khoản đầu tư của các quỹ đầu tư chứng khoán có lãi hơn, được phản ánh vào giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư.

Thứ ba, hỗ trợ từ nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc đầu tư vào các quỹ hoán đổi danh mục do ưu thế về tính minh bạch và chi phí hoạt động thấp và không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Thứ tư, chất lượng quản lý quỹ của các công ty quản lý quỹ ngày càng được cải thiện, thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư tham gia vào quỹ, góp phần tăng quy mô của các quỹ đầu tư chứng khoán.

Giai đoạn từ năm 2020: pháp luật về quỹ đầu tư chứng khoán được hoàn thiện bởi việc ban hành Luật Chứng khoán năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hệ thống văn bản pháp luật về quỹ đầu tư chứng khoán bao gồm:

- Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật chứng khoán (Nghị định 155/2020/NĐ-CP);

- Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định 156/2020/NĐ-CP);

- Thông tư số 99/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ tài chính hướng dẫn về hoạt động công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán (Thông tư 99/2020/TT-BTC);

- Thông tư số 98/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ tài chính hướng dẫn về hoạt động và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán (Thông tư 98/2020/TT-BTC).

Như vậy theo quy định pháp luật hiện hành, các quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam bao gồm: Quỹ đại chúng (quỹ mở, quỹ đóng, quỹ hoán đổi danh mục, quỹ bất động sản, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng dạng đóng) và Quỹ phát hành riêng lẻ (quỹ thành viên dạng đóng, công ty đầu tư chứng khoán phát hành riêng lẻ dạng đóng).