Thứ ba, 26 Tháng 8 2014 00:00

Kinh nghiệm xây dựng và ban hành chính sách thuế đối với kinh tế cá thể, tiểu chủ của một số nước trên thế giới.

1. Kinh nghiệm Nhật Bản

Kinh tế cá thể ở Nhật Bản chịu sự điều chỉnh của Luật thuế TNCN. Thuế TNCN của Nhật Bản ra đời từ 1887, lúc đầu loại thuế này chỉ áp dụng với một số khoản thu nhập thường xuyên quan trọng nên số thuế đạt được không cao. Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung đến năm 1947, sau đại chiến thế giới 2, thuế TNCN được áp dụng với hầu hết các khoản thu nhập của cá nhân nên số thuế ngày càng tăng và thường chiếm trên 30% tổng số thuế của Nhật Bản.

Đối tượng đánh thuế là số thu nhập phát sinh trong năm dương lịch qua 10 nguồn: hộ gia đình, cá nhân kinh doanh (sản xuất, buôn bán, dịch vụ ...); lao động (tiền lương, tiền công, tiền thưởng...); cho thuê bất động sản (nhà đất); các khoản cổ tức (do pháp nhân chia cho cá nhân); lãi qua vốn (trái phiếu, cho vay tiền gửi tiết kiệm...); hoạt động lâm nghiệp (nuôi trồng rừng, khai thác gỗ, chuyển nhượng tài sản (nhà đất, máy móc thiết bị....); trợ cấp một lần khi thôi việc (của cán bộ công nhân viên chức nhà nước hoặc người làm công cho hộ tư nhân); thu nhập bất thường lớn (trúng thưởng cá cược đua ngựa, giải thưởng ...); thu nhập khác (thù lao, nhuận bút). Những khoản thu nhập thuộc diện đánh thuế đều được quy định rõ trong luật với chế độ khấu trừ các khoản chi cần thiết để tạo ra thu nhập đánh thuế.

Đối tượng nộp thuế được phân biệt theo hai loại: Người cư trú là cá nhân có địa chỉ cư trú tại Nhật Bản một năm và người không cư trú là cá nhân khác không thuộc người cư trú. Thuế đối với người được cư trú được tính trên tổng thu nhập phát sinh tại Nhật Bản và nước ngoài; đối với người không cư trú, thuế chỉ tính trên số thu nhập phát sinh tại Nhật Bản.

Nguyên tắc tính thuế tính theo tài liệu kê khai của từng người nộp thuế. Trên thực tế, lúc đầu chỉ có khoảng 20% số đối tượng nộp thuế thực hiện kê khai. Số còn lại nộp thuế theo mức khoán do cơ quan thuế theo mức khoán do cơ quan  thuế ấn định qua tài liệu phối hợp với chính quyền địa phương. Đến nay, đã có khoảng 50% số người nộp thuế thực hiện chế độ kê khai thuế theo “mẫu màu xanh”, biểu hiện cá nhân nộp thuế có tín nhiệm và người nộp thuế cũng tự hào khi được nộp thuế theo chế độ này. Đồng thời, với việc tuyên truyền, giải thích để người nộp thuế thông hiểu và thực hiện nghiêm chỉnh luật thuế TNCN, cơ quan thuế đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra thí điểm và xử lý nghiêm khắc các vi phạm để từng bước đưa việc lập sổ kế toán và nộp thuế đúng pháp luật.

2. Kinh nghiệm của  Hồng Kông

Theo bài “Hongkong Excellent Taxes” của chuyên gia nghiên cứu về thuế Alan Reynolds, kinh tế cá thể ở Hồng Kông  thuộc đối tượng phải chịu sự điều chỉnh của Luật thuế thu nhập, thuế thu nhập ở Hồng Kông được xây dựng theo tinh thần thuế suất đồng loạt như sau:

Có hai loại thuế thu nhập cho người đóng thuế lựa chọn:

1. Thuế thu nhập theo mức thu: Thu nhập được chia ra làm 4 nấc (4 mức thu) với các thuế suất 2%, 8%, 14% và 20%. Chấp nhận loại thuế này, người đóng thuế có thể trích giảm những khoản chi cho từ thiện tối đa là 25% thu nhập để tính thuế, hoặc trích giảm tối đa cả năm là 13.000 đô la Mỹ trong thu nhập để tính thuế nếu phải chi trả tiền mua nhà, mua xe hơi (dưới dạng trả góp, trả dần). Ngoài ra người đóng thuế được tính những khoản trích giảm khác từ thu nhập để tính thuế - ví dụ như chi cho học tập của bản thân, nuôi người già là người thân thuộc, tiền bảo hiểm cho về hưu.

2. Thuế thu nhập theo thuế suất chuẩn (standard rate): 16% thu nhập, không có khoản trích giảm nào để tính thuế. Nói chung những người có thu nhập cao thường chọn loại thuế này.

Thuế suất đồng loạt 17,5%, đánh vào lãi của các công ty, 16% đánh vào lãi của các hộ kinh doanh cá thể (coi đây là thuế thu nhập cá nhân), thuế suất đồng loạt 16% đánh vào bất động sản.

Hồng Kông không có thuế giá trị gia tăng, không có thuế nhập khẩu. Thu nhập của cổ đông từ lợi tức cổ phần không đưa vào thu nhập cá nhân để tính thuế, vì đã đánh vào lãi của công ty 17,5% (trong khi đó thuế đánh vào lãi của hộ kinh doanh cá thể là 16%). 

3. Kinh nghiệm của Trung Quốc.

Theo số liệu của Cục Quản lý hành chính công thương Trung Quốc, năm 2005, số hộ công thương cá thể ở thành phố và nông thôn Trung Quốc có khoảng 24,386 triệu, số người làm việc khoảng 48,58 triệu người, tăng 70% và 90,1% so với năm 1995; Cũng thời gian đó, Trung Quốc có khoảng 600.000 doanh nghiệp tư nhân, tăng 474,5%, với tổng số người làm việc là 8,217 triệu người,  tăng 382,8% so với năm 1995. Tổng số lao động trong các doanh nghiệp tư nhân và cá thể chiếm 7,2% tổng số lao động xã hội, các doanh nghiệp đó tạo ra 11,5% giá trị công nghiệp của cả nước. Cũng theo thống kê, trong kế hoạch 5 năm lần thứ VIII, tổng doanh thu của các doanh nghiệp tư nhân và  và hộ cá thể đạt 1.471,9 tỷ NDT, nộp thuế cho Nhà nước đạt 100,74 tỷ NDT.

Trong cuộc khảo sát của Đoàn Chính phủ Trung Quốc tại tỉnh Triết Giang, nơi có khu vực tư nhân bao gồm doanh nghiệp và hộ cá thể phát triển mạnh ở Trung Quốc, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết, Trung Quốc sẽ kiên trì chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, lấy kinh tế nhà nước làm chủ thể. Song song với việc củng cố và phát triển kinh tế công hữu, Trung Quốc sẽ khuyến khích, ủng hộ và hướng dẫn kinh tế tư nhân bao gồm cả doanh nghiệp và hộ cá thể phát triển ổn định. Chính phủ Trung Quốc sẽ bảo vệ quyền lợi của các chủ kinh doanh theo pháp luật, xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn kinh tế tư nhân và cá thể phát triển; tạo thị trường công bằng và môi trường huy động vốn thông thoáng cho các doanh nghiệp tư nhân và hộ cá thể; đồng thời xây dựng môi trường dư luận ủng hộ phát triển kinh tế tư nhân, cá thể. Để thực hiện được chủ trương này, Trung Quốc đã có một số giải pháp tích cực như sau:

Sử dụng công cụ như vốn, thuế để thúc đẩy kinh tế tư nhân, cá thể phát triển. Nhà nước bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp tư nhân và hộ cá thể theo pháp luật. Đồng thời, doanh nghiệp tư nhân và hộ cá thể căn cứ theo pháp luật triển khai kế hoạch sản xuất-kinh doanh và nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động. Một khi quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp tư nhân và hộ cá thể bị xâm phạm, mà doanh nghiệp đã có đơn kiến nghị, thì các cơ quan chức năng của Chính phủ phải kịp thời thụ lý, đối xử công bằng và ấn định thời gian giải quyết.

Để cho chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, cá thể đi vào cuộc sống, từ năm 1994, Trung Quốc đã thực hiện một cuộc cải cách thuế căn bản:

  1. Mở rộng thuế giá trị gia tăng trong hệ thống thuế doanh thu (gồm VAT, thuế sản phẩm và thuế môn bài). Từ năm 1994, thuế giá trị gia tăng đã được áp dụng cho không chỉ khối các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ, sản xuất mà còn bao gồm cả các hộ kinh doanh cá thể. Đến năm 1995, thuế VAT đã chiếm 42% tổng thu ngân sách.
  2. Cuộc cải cách mới hệ thống thuế bắt đầu từ năm 2002 nhằm đảm bảo cho Nhà nước kiểm soát kinh tế vĩ mô tốt hơn bao gồm những nội dung chính:

- Chuyển thuế VAT từ dạng thuế dựa trên sản xuất sang VAT dựa trên tiêu dùng, tương tự như hệ thống thuế giá trị gia tăng của các nước phương Tây;

- Cải thiện thuế hàng hóa, sửa lại các khoản mục thuế thông qua việc tăng, giảm và từng bước loại bỏ các hàng hóa chung chịu thuế, đưa các hàng hóa tiêu dùng cao cấp thành tiêu điểm của thuế hàng hóa;

- Thống nhất hệ thống thuế doanh nghiệp, không phân biệt thành phần, nhưng có tiêu chí riêng cho khối doanh nghiệp và khối các hộ kinh doanh cá thể.

- Cải thiện hệ thống thuế thu nhập cá nhân bằng cách đưa ra một hệ thống thuế thu nhập cá nhân có phân loại, hợp lý hóa việc khấu trừ trước thuế, hình thành tiêu chí điều chỉnh tỷ lệ thuế hợp lý hơn;

- Cải thiện hệ thống thuế địa phương, đảm bảo cho chính quyền địa phương là cơ quan có thẩm quyền về chính sách thuế.

- Cải cách sâu hơn thuế ở nông thôn bao gồm hủy bỏ thuế nông nghiệp đặc biệt, từng bước giảm thuế nông nghiệp, hình thành chính sách thuế ưu đãi đối với những hộ kinh doanh ở vùng sản xuất lương thực chủ yếu.

 Bài học cho Việt Nam.

  • Để huy động nguồn lực tài chính, nhà nước có thể sử dụng các hình thức khác nhau như: phát hành thêm tiền để trang trải các nhu cầu chi tiêu cần thiết của Nhà nước; phát hành trái phiếu để vay trong và ngoài nước; bán một phần tài sản quốc gia; thu thuế. Tuy nhiên, các biện pháp nêu trên, trong nhiều trường hợp sẽ gặp phải những khó khăn. Do đó, nói chung ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, để huy động tập trung nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu chi tiêu cần thiết của Nhà nước, thuế là một nguồn thu quan trọng. Các hộ kinh doanh cá thể tuy là quy mô nhỏ song với ưu thế là số đông nên trên thực tế nguồn huy động vào ngân sách từ bộ phận này lại không phải là nhỏ.
  • Công bằng trong chính sách thuế là một đòi hỏi khách quan. Để có một chính sách thuế tốt điều quan trọng nhất là người nộp thuế phải cảm nhận được là họ được đối xử công bằng. Có công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế mới động viên các thành phần kinh tế trong xã hội hăng hái lao động, do đó mới đảm bảo được các mục tiêu kinh tế và chính trị của đất nước. Khi được đối xử công bằng, người nộp thuế sẽ tự giác trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế. Từ đó hiệu quả của chính sách thuế sẽ cao, công tác quản lý của cơ quan thuế cũng thuận lợi hơn.
  • Thực hiện đánh thuế thu nhập cá nhân thay vì đánh thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các hộ kinh doanh cá thể và tiểu chủ.

Hầu hết các nước trên thế giới đều thực hiện thu thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh cá thể, họ không thu thuế GTGT và thuế TNDN đối với bộ phận kinh doanh cá thể.

Nếu áp dụng thuế TNCN thì có thể bao quát được đại bộ phận các nguồn thu nhập có thể động viên, khai thác cho NSNN. Với chính sách hợp lý, mở rộng diện đánh thuế, diện nộp thuế, mỗi người chỉ phải nộp một ít thuế nhưng theo phương châm “góp gió thành bão”, năng nhặt chặt bị, NSNN có thể thu được một số lớn. Thuế TNCN sẽ từng bước chiếm được vị trí quan trọng trong các loại thuế trực thu nói riêng và tổng số thuế nói chung. Thuế TNCN cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và hiểu biết về thuế TNCN  đối với nhân dân Việt Nam từng bước được nâng cao qua việc thực hiện thuế thu nhập cao trên mười năm nay cũng dễ được đồng tình ủng hộ qua chính sách thu hợp lý và công tác tuyên truyền, giải thích chính sách thuế được sâu rộng.

Sửa đổi lần cuối Thứ sáu, 31 Tháng 10 2014 09:31

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành