Thứ tư, 16 Tháng 2 2022 18:13

PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH BẢO ĐẢM QUYỀN ĐƯỢC CHĂM SÓC SỨC KHỎE TRONG PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI

1. Bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe trong pháp luật quốc tế

Bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe không chỉ được ghi nhận trong Điều 25.1 của Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người (UDHR) và Điều 12.1 của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) năm 1966 mà còn được nghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế như các công ước quốc tế, Nghị định thư, Hiến chương.

Tại Điều 5(e)(iv) Công ước quốc tế về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CEDR) năm 1965 đã khẳng định các Quốc gia thành viên cam kết không có sự phân biệt đối xử và bảo đảm bình đẳng về quyền được tiếp cận với y tế công cộng, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và dịch vụ xã hội dưới mọi hình thức đối với tất cả mọi người ở bất kể màu da, chủng tộc, nguồn gốc, xuất xứ, màu da hay tiếng nói nào.

Hay như tại Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) năm 1979 việc bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe đối với phụ nữ phải được các Quốc gia thực hiện thông qua các biện pháp dựa trên nguyên tắc bình đẳng trong việc tiếp cận với các thông tin, kiến thức giáo dục đảm bảo sức khỏe và tư vấn kế hoạch hóa gia đình trong Điều 10 (h); được bảo vệ và đảm bảo về sức khoẻ, an toàn lao động và chức năng sinh đẻ trong Điều 11 (f). Ngoài ra, trong Điều 12.2, các quốc gia thành viên phải có những biện pháp phù hợp và thích đáng để đảm bảo phụ nữ được tiếp cận cần thiết trong quá trình từ khi thai nghén cho đến sau sinh đẻ và đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho phụ nữ trong giai đoạn mang thai và cho con bú.

Nội dung về việc đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe còn được cụ thể hóa trong Điều 24 của Công ước về Quyền trẻ em (CRC) năm 1989, trẻ em được hưởng tiêu chuẩn sức khỏe ở mức cao nhất có thể và có khả năng được tiếp cận với các cơ sở chữa bệnh, đồng thời các Quốc gia phải có những biện pháp để bảo đảm bất cứ trẻ em nào cũng có quyền được hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Còn tại Điều 11 của Hiến chương xã hội châu Âu năm 1961 sửa đổi, các Quốc gia thành viên phải có những biện pháp thích hợp để cung cấp các cơ sở tư vấn và giáo dục nhằm nâng cao sức khỏe cho mọi người và khuyến khích trách nhiệm cá nhân trong việc bảo vệ sức khỏe; đồng thời để ngăn chặn sự lây lan của các loại dịch bệnh khác nhau.

Với quy định được ghi nhận trong Điều 16 của Hiến chương châu Phi về Quyền con người và Quyền của các dân tộc năm 1981, các quốc gia thành viên của Hiến chương này sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe của người dân và đảm bảo rằng người dân nào cũng được chăm sóc y tế khi phát sinh bệnh.

Tại Điều 10 của Nghị định thư Bổ sung của công ước châu Mỹ về quyền con người trong lĩnh vực các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1988, mọi người đều có quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Để đảm bảo thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe cho người dân, các Quốc gia thành viên cần áp dụng các biện pháp thích hợp và hiệu quả để mọi cá nhân đều được chăm sóc sức khỏe cần thiết; các dịch vụ y tế được mở rộng; phổ cập tiêm chủng các bệnh truyền nhiễm; phòng ngừa và điều trị bệnh; giáo dục nâng cao kiến thức của người dân về việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; đáp ứng những nhu cầu của người có điều kiện hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế.

2. Bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe theo pháp luật của một số quốc gia trên thế giới

Bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe theo pháp luật Thụy Điển

Tại Thụy Điển, chăm sóc sức khỏe (CSSK) ban đầu được thực hiện thông qua các trung tâm CSSK, có các bác sĩ, y tá, và điều dưỡng viên làm việc tại các phòng khám ngoại trú để khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho phục vụ người dân, cung cấp các dịch vụ CSSK một cách toàn diện, đầy đủ. Tại đây, các y tá còn có trách nhiệm đến thăm các bệnh nhân đang được chăm sóc sức khỏe tại nhà. Nhà nước cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đến người dân.

Cấp độ chăm sóc thứ hai được thực hiện bởi 40 bệnh viện cấp Hạt. Khi có nhu cầu chăm sóc và khám chữa bệnh chuyên sâu hơn, thay vì ở tuyến chăm sóc ban đầu, người bệnh được chuyển lên các tuyến bệnh viện có chuyên môn cao hơn như mắt, tai, mũi họng, … Các bệnh viện cấp Hạt có khả năng điều trị hầu hết các loại bệnh cho người dân. Ngoài các bệnh viện cấp Hạt, Thụy Điển cũng có các bệnh viện lớn và chuyên sâu hơn trong khám chữa bệnh đó là các bệnh viện Trung cấp Hạt. Những bệnh viên này có khả năng chữa trị chuyên biệt cho người bệnh.

Cấp độ chăm sóc sức khỏe còn được thực hiện bởi các bệnh viện đa khoa của khu vực và tại các trường đại học trong ngành y tế. Đây là nơi cung cấp các trung tâm nghiên cứu y học, khoa học, giảng dạy, đem đến những kỹ thuật chuyên môn cao để phục vụ người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong cả nước. Tại Thụy Điển, bệnh viện Khu vực là tuyến bệnh viện lớn nhất, duy trì việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe theo pháp luật Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, Luật Bảo hiểm y tế được ban hành năm 1963, trong đó nhằm hướng tới mục tiêu Bảo hiểm y tế toàn dân, Chính phủ khuyến khích các mô hình Bảo hiểm y tế tự nguyện tại cộng đồng. Vào năm 1977, các doanh nghiệp tại Hàn Quốc phải tuân thủ quy định về việc tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc cho người lao động. Sau đó, quy định tham gia Bảo hiểm y tế bắt buộc dần được mở rộng đến các đối tượng khác nhau trong xã hội chưa tham gia Bảo hiểm y tế, chủ yếu là những người lao động tự do, nông dân, người có thu nhập thấp.

Chế độ chăm sóc sức khỏe tại Hàn Quốc có sử dụng đến Bảo hiểm y tế bắt buộc. Theo đó, mỗi người dân đều phải tham gia Bảo hiểm y tế và tính đến năm 1989, Hàn Quốc đã đạt được độ bao phủ toàn dân về BHYT, chỉ 12 năm sau khi triển khai bảo hiểm y tế xã hội. Đối tượng được bảo vệ và ưu tiên trong việc triển khai bảo hiểm y tế bắt buộc là công nhân khu vực chính thức trong các công ty lớn, công nhân ở các công ty nhỏ hơn, người lao động tự do. Để đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe cho người dân khi có nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế thì không thể không có quy định bắt buộc tham gia Bảo hiểm y tế. Đây là một trong những giải pháp vô cùng hữu hiệu để Chính phủ có thể hướng tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Nhằm mở rộng độ bao phủ, hình thức tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, tức là bao gồm cả nhân thân của những người lao động cũng được tiếp cận với Bảo hiểm y tế cũng được Chính phủ tính đến, điều này giúp đẩy nhanh việc bao phủ đồng thời giảm mức độ rủi ro về tài chính đối với những cá nhân trong hộ gia đình và tăng mức chia sẻ giữa các thành viên với nhau nếu như rơi vào hoàn cảnh ốm đau, bệnh tật. Nhằm bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân được thực hiện có hiệu quả, Hàn Quốc đã hợp nhất tất cả tổ chức BHYT tư nhân để tạo thành một hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia với cùng một gói lợi ích thống nhất cho người tham gia BHYT mà không phụ thuộc vào mức đóng BHYT khác nhau.

Có 2 cơ quan chuyên trách về bảo hiểm y tế, độc lập nhau và đều trực thuộc Bộ Y tế và phúc lợi Hàn quốc, đó là: Bảo hiểm Y tế Quốc gia và Giám định dịch vụ Bảo hiểm Y tế có nhiệm vụ tham mưu, làm chuyên gia trong công tác khám, chữa bệnh.

Bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe theo pháp luật Thái Lan

Thái Lan được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là một quốc gia điển hình thành công trong triển khai dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu với hơn 99% dân số được bao phủ chăm sóc sức khoẻ. Bên cạnh các chiến lược đa dạng phương thức BHYT, Thái Lan còn đa dạng các loại hình cơ sở y tế tham gia hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

Tại Thái Lan, để hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe nhân dân, Chính phủ đã triển khai chương trình 30 Bạt dành cho những công dân chưa tham gia BHYT, những đối tượng này chủ yếu là người lao động tự do, nông dân hoặc những người có thu nhập thấp. Nguồn hỗ trợ là ngân sách Nhà nước. Theo chương trình này, những người tham gia được cấp thẻ BHYT miễn phí, được kê đơn, phát thuốc miễn phí khi đến khám chữa bệnh ngoại trú hoặc điều trị nội trú; tuy nhiên mỗi lần đến khám chữa bệnh những đối tượng này phải đóng một khoản tiền là 30 Bạt, phải đăng ký với các cơ sở y tế. Nhờ đó, tỷ lệ người dân không có bảo hiểm y tế tại Thái Lan đã giảm đáng kể.

Nhằm đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân một cách bình đẳng, không phân biệt đối xử, Thái Lan đã xây dựng hệ thống dịch vụ y tế theo vùng, là tạo điều kiện chia sẻ tốt hơn trong từng khu vực về tài chính nguồn nhân lực, thông tin, thuốc, công nghệ. Ngoài ra, nước này còn triển khai Kế hoạch dịch vụ có nhiệm vụ phát triển dịch vụ y tế, bao gồm chăm sóc sức khỏe ban đầu và toàn diện là một trong 15 kế hoạch dịch vụ mà tất cả các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế công cộng sẽ sử dụng làm kế hoạch và triển khai thực hiện. Cuối cùng phải kể đến Hệ thống y tế tuyến huyện có chức năng tăng cường sự tham gia của cộng đồng; chia sẻ tài nguyên và phát triển nhân lực; cung cấp chăm sóc sức khoẻ thiết yếu.

3. Kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam

Như các quốc gia trên, tại Việt Nam, việc quy định tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình được quy định rõ ràng và cụ thể để nâng cao mức bao phủ y tế toàn dân. Cụ thể, trong Luật BHYT sửa đổi số 46/2014/QH13 năm 2014 của Quốc hội đã quy định NSNN được dùng vào việc mua thẻ BHYT cho nhóm đối tượng yếu thế như người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi trên 80 tuổi và người có công với Cách mạng; hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ cho đối tượng cận nghèo, hỗ trợ 50% mệnh giá cho đối tượng học sinh sinh viên.

Việc sử dụng NSNN giúp bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên, việc này cũng sẽ đặt ra vấn đề đó là nếu chính sách có thay đổi thì tỷ lệ người tham gia BHYT sẽ có nguy cơ giảm xuống nếu việc thay đổi chính sách có liên quan đến hỗ trợ cho những người tham gia Bảo hiểm y tế, đặc biệt là với những đối tượng được hưởng mức hỗ trợ cao. Tại một số tỉnh, thành phố còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, việc hỗ trợ sẽ khó duy trì đối với những đối tượng như người cận nghèo, học sinh sinh viên, hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp do mức ngân sách có hạn.

Để đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe cho người dân, Luật BHYT 2014 cũng có những quy định về việc tham gia BHYT theo hộ gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai còn nhiều hạn chế. Một phần là do nhận thức của người dân về trách nhiệm tham gia BHYT theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro còn chưa cao, nhiều người vẫn cho rằng khi ốm hoặc có bệnh mới đi chữa và mới cần đến BHYT. Một phần nữa là đối với những gia đình có thu nhập và mức sống dưới mức trung bình thì việc tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình sẽ là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến kinh tế khi mà các thành viên trong hộ gia đình không thuộc đối tượng được hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT.

Từ thực trạng của Việt Nam và việc nghiên cứu các quốc gia khác, kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam đó là dựa vào thuế để hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Quỹ sẽ được hình thành từ nguồn thuế mà mọi người dân đã trở thành đối tượng đóng góp quỹ, với điều kiện và khả năng của chính họ, liên kết và chia sẻ giữa người giàu và người nghèo trong xã hội. Cách tạo nguồn thu từ thuế cũng là cách thức đơn giản nhất mà Nhà nước có thể thực hiện.

Việc minh bạch thông tin tại các quốc gia về dịch vụ, giá thuốc, giá dịch vụ… đóng vai trò quan trọng để đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe cho người dân. Do việc khi quản lý thuốc và quy định giá thuốc thì sẽ hạn chế được hang hóa kém chất lượng, giúp tiết kiệm chi phí và đảm bảo việc sử dụng thuốc được hiệu quả.

Tạo điều kiện cho bệnh viện công và bệnh viện tư nhân có thể hoạt động bình đẳng. Nhà nước chi trả chi phí khám bệnh chữa bệnh các ca bệnh một cách công bằng. Do đó, giúp duy trì cạnh tranh và việc cung cấp dịch vụ tốt cho người dân có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh cao trong ngành y tế giúp họ nhanh chóng khỏi bệnh và có hiệu quả.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành