1. Giới thiệu hệ thống công vụ - công chức Nhật Bản
Nhật Bản (Japan) là quốc gia nằm ở khu vực Đông Á với một quần đảo gồm khoảng 6.852 đảo. Với dân số là 127,3 triệu người, Nhật Bản là quốc gia đông dân thứ 11 trên thế giới. Theo Hiến pháp năm 1947 của Nhật Bản, Nhật Bản theo thể chế quân chủ lập hiến, trong đó: Nhật hoàng là nguyên thủ tượng trưng về mặt đối ngoại. Nhà nước được tổ chức theo chế độ tam quyền phân lập[1]. Nhật Bản là nước thành viên của Liên hợp quốc, khối APEC, các nhóm G7, G8 và G20, đồng thời được xem như một cường quốc với nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới.
Nền công vụ Nhật Bản là một nền công vụ tiêu biểu với sự hài hòa giữa yếu tố hiện đại với các giá trị truyền thống Nhật Bản. Nền công vụ Nhật Bản được hình thành khá sớm, là sự kế thừa và phát triển của chế độ quan chức trong chế độ phục tùng Thiên Hoàng. Nhật Bản áp dụng chế độ công vụ theo mô hình hỗn hợp, tức vừa có đặc điểm của mô hình chức nghiệp, vừa có đặc điểm của mô hình việc làm. Đặc điểm của mô hình chức nghiệp thể hiện trong nền công vụ Nhật Bản ở các nội dung về phương thức trả lương, đãi ngộ, chế độ làm việc suốt đời, tức là làm việc trong nền công vụ cho đến tuổi nghỉ hưu. Nét đặc thù của nền công vụ Nhật Bản là tính thứ bậc cao và chặt chẽ, cũng là đặc trưng cơ bản của mô hình chức nghiệp, do ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo. Song, các đặc điểm của mô hình việc làm lại thể hiện trong nền công vụ Nhật Bản ở việc tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá, đào tạo bồi dưỡng công chức gắn chặt với vị trí việc làm. Theo đó, công chức làm việc theo các vị trí công việc nhất định được nghiên cứu, mô tả rõ ràng. Công chức phải đáp ứng các yêu cầu của vị trí công việc này và chỉ có thể thay đổi chuyên môn, vị trí bằng việc vượt qua các kỳ thi để chuyển đổi.
Nền công vụ Nhật Bản luôn nỗ lực trong cải cách nhằm xây dựng, duy trì và phát triển hình ảnh cơ quan công quyền trong sạch, liêm chính, tạo dựng được niềm tin, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, do đó đạo đức công vụ được đặc biệt chú trọng. Bên cạnh đó, hệ thống công vụ Nhật Bản dựa trên chế độ thực tài - mọi người được đổi xử công bằng, đều có cơ hội như nhau, đồng thời với việc coi trọng sự gắn bó, nền công vụ Nhật Bản đánh giá cao năng lực dựa trên kinh nghiệm tích lũy “suốt đời” của công chức.
Theo Luật Công chức của Nhật Bản, công chức gồm toàn bộ những người làm công ăn lương do Ủy ban Nhân sựquốc gia quản lý. Công chức ở Nhật Bản bao gồm tất cả những người làm việc trong các cơ quan nhà nước và cá đơn vị sự nghiệp nhà nước như các bệnh viện công, trường học công. Tuy nhiên, số bệnh viện công, trường học công và các đơn vị sự nghiệp khác ở Nhật Bản rất ít do sự phát triển mạnh mẽ của khu vực tư nhân.
Luật Công vụ quốc gia Nhật Bản quy định hai loại công chức: công chức đặc biệt và công chức phổ thông[2]. Chức vụ đặc biệt bao gồm Thủ tướng, bộ trưởng, thành viên Quốc hội, người đứng đầu các cơ quan công quyền do được bầu cử, thẩm phán... và chức vụ phổ thông. Công chức chính phủ giữ chức vụ bình thường được quy định tại đạo luật công vụ quốc gia, công chức chức vụ bình thường ở chính quyền địa phương thì thực hiện theo đạo luật công vụ địa phương[3].
Chế độ công chức Nhật Bản gắn liền với vị trí, vai trò đặc biệt của Cơ quan Nhân sự quốc gia (National Personnel Authority - NPA) - một cơ quan độc lập với các chức năng chính gồm: thực hiện thi tuyển chọn và xác định các tiêu chuẩn bổ nhiệm, bãi nhiệm, bảo đảm sự công bằng trong quản trị nhân sự; xây dựng các chương trình đào tạo cho các loại công chức, đặc biệt công chức cấp trung ương; đề xuất, kiến nghị lên Quốc hội và Chính phủ về chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc cho công chức quốc gia; nghiên cứu các hệ thống trong nước và quốc tế về quản lý nhân sự, thực hiện giải pháp quản lý nhân sự để đáp ứng nhu cầu thời đại với tư cách là cơ quan chuyên môn về quản trị nhân sự.
2. Khung năng lực của công chức Nhật Bản
Vào khoảng những năm 2007-2008, hệ thống công vụ của Nhật Bản được cải cách trong đó quản lý dựa vào năng lực và quản lý hiệu suất được đưa vào như là nền tảng cơ bản cho quản lý nhân sự nhằm làm cho quản lý hiệu suất (quản lý theo kết quả) trở nên linh hoạt hơn. Khung năng lực của Nhật Bản có tên gọi năng lực tiêu chuẩn để hoàn thành nhiệm vụ và được áp dụng cho các vị trí tiêu chuẩn trong chính phủ theo thứ bậc của tổ chức. Hệ thống bổ nhiệm mới xác định các vị trí chuẩn mực trong chính phủ theo cấp độ của tổ chức và tính đa dạng của các công việc. Hệ thống cũng phân biệt năng lực chuẩn mực để hoàn thành các nhiệm vụ (SCAD) được đòi hỏi đối với công chức chính phủ. Công chức được bổ nhiệm dựa vào kết quả của bản đánh giá cá nhân xem xét xem liệu ứng viên tham gia nền công vụ có năng lực cần thiết để thực thi công việc được giao hay không. Hệ thống này được kỳ vọng là thúc đẩy cách thức tuyển dụng theo công trạng và làm hệ thống bổ nhiệm hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn[4].
Các năng lực công chức mới bắt buộc phải có bao gồm làm chính sách, lập kế hoạch, kỹ năng thuyết trình, khi năng vận dụng, điều phối, đàm phán, xây dựng sự đồng thuận, tư duy đổi mới và sáng tạo, tư duy logic và lãnh đạo. Ngoài ra, các phẩm chất đặc biệt như sự thành thạo nghĩ ngữ và chuyên gia trong các lĩnh vực chiến lược bao gồm kinh tế, tài chính và kỹ thuật cũng được đánh giá thông qua các kênh khác nhau.
3. Vận dụng khung năng lực vào tuyển dụng công chức ở Nhật Bản
Quy trình tuyển dụng và lựa chọn cho công chức quốc gia của Nhật Bản được thay đổi từ năm 2012 trên cơ sở để xuất vận dụng quản lý dựa vào năng lực và hiệu quả vào nền công vụ từ giai đoạn 2007-2008. Các thay đổi này bao gồm: (1) Sự giới thiệu đầy đủ về quản lý nguồn nhân lực dựa trên năng lực và hiệu quả công việc; (2) Hệ thống thi tuyển mới bảo đảm tính đa dạng của tuyển dụng; (3) Hệ thống thi tuyển mới để đánh giá kỹ năng lập kế hoạch của ứng viên; (4) Phương pháp thi tuyển mới để đánh giá tư duy logic, kỹ năng vận dụng, lập kế hoạch và khả năng thuyết trình; (5) Kỳ thi công bằng và trung lập[5].
Có 4 hình thức thi tuyển: (1) Đánh giá năng lực lập chính sách vĩ mô của các ứng viên có bang thạc sĩ; (2) Đánh giá kỹ năng chung (giống hình thức thi tuyển hiện tại) củacác ứng viên có bằng cử nhân, chứng chỉ trung học hoặc kinh nghiệm làm việc; (3) Đối với các công việc và chức năng đặc biệt; (4) Đối với những nhân sự có kinh nghiệm được tuyển dụng từ khu vực tư[6].
Sự thay đổi quan trọng nhất là thay đổi về nội dung thi và phương pháp đánh giá. Phương pháp đánh giá mới hướng tới việc tuyển dụng những ứng viên có tư duy logic, khả năng ban hành chính sách, đàm phán với người khác và xây dựng sự đồng thuận. Do đó, có phần thi trao đổi với ứng viên trong đó yêu cầu ứng viên giải quyết vấn đề hay đưa ra đề xuất chính sách. Các phẩm chất quan trọng khác như thành thạo ngôn ngữ và chuyên gia trên các lĩnh vực chiến lược như kinh tế, tài chính, kỹ thuật sẽ được đánh giá ở các kênh khác nhau.
Về đối tượng tuyển dụng: Yêu cầu ứng cử viên thi tuyển là công dân Nhật Bản, phù hợp độ tuổi (giới hạn tối thiểu và tối đa), không yêu cầu bằng cấp học thuật[7].
Về hình thức và nội dung thi tuyển: Kỳ thi tuyển dụng công chức quốc gia do Cơ quan Nhân sự quốc gia Nhật Bản tổ chức. Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển công chức quốc gia phải trải qua 2 vòng thi. Ở vòng thi thứ nhất, thí sinh phải làm một bài thi trắc nghiệm, một bài thi luận; ở vòng thi thứ hai, thí sinh phải vượt qua một cuộc phỏng vấn trực tiếp. Nếu thí sinh nào qua được 2 vòng thi này thì Cơ quan Nhân sự quốc gia Nhật Bản sẽ gửi danh sách đến các bộ ngành cần tuyển dụng để các thí sinh tham gia phỏng vấn tại các Bộ.
Nội dung thi gồm bài kiểm tra kiến thức chung, kiến thức chuyên ngành và phỏng vấn. Đối với kiểm tra kiến thức chuyên ngành, các bài kiểm tra được chia thành các lĩnh vực chuyên sâu như luật, kinh tế, vật lý... để từng ứng viên lựa chọn theo chuyên ngành của mình. Những ứng viên đỗ bài thi viết được lọt vào vòng phỏng vấn. Nhật Bản coi trọng việc kiểm tra, đánh giá năng lực ứng dụng khả năng tư duy logic thay cho kiểm tra kiến thức; quan tâm kiểm tra nhân cách, thái độ công tác; kiểm tra năng lực lập kế hoạch và năng lực trình bày của ứng viên qua phần thảo luận chính sách để kiểm chứng trong quá trình tuyển dụng. Để đo lường năng lực của con người không chỉ đo lường trí tuệ, đo lường kiến thức mà còn phải đánh giá các khả năng khác như: khả năng lên kế hoạch, khả năng thuyết minh, khả năng tư duy, khả năng lý giải, tích tích cực, tính xã hội, khả năng thích ứng, năng lực viết luận, mức độ kiến thức, mức độ trí tuệ.
Do đó, nội dung đề thi hướng tới việc đánh giá năng lực tổng hợp, khả năng tư duy, khả năng thích ứng của các thí sinh trong công việc ở thời điểm hiện tại. Đề thi trắc nghiệm, viết hướng tới việc đánh giá năng lực cơ bản củathí sinh để phù hợp với năng lực cần thiết đối với công chức nhà nước, gồm: kiến thức cơ bản (khả năng suy luận loại trừ, khả năng tư duy số học,...); kiến thức, kỹ thuật chuyên môn (được trang bị trong trường đại học); nhân cách (phủ hợp với công việc, thể lực). Vì thế, nội dung ra đề thường là lĩnh vực thời sự (tình hình quốc tế, chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội trong những năm qua), tiếng Anh (hiểu được nội dung, ý chính của các bài báo bằng tiếng Anh), xã hội (địa lý, lịch sử, tình hình xã hội của Nhật Bản và thế giới), khoa học tự nhiên (kiến thức vật lý, hóa học, sinh học cơ bản).
Ví dụ tham khảo[8]: Đề thi (xã hội - thời sự) kỳ thi công chức quốc gia Nhật Bản:
Hãy chọn đáp án thích hợp trong số các bài viết về Liên hợp quốc:
(Đáp án đúng: 1)
Bên cạnh đó, nội dung thi còn hướng vào việc đánh giá thí sinh có hiểu biết văn phong (đọc câu văn hiện đại, hiểu được nội dung, nắm bắt được ý đồ tác giả, ý chính đoạn văn), phán đoán lập luận (khả năng suy luận loại trừ, chủ yếu sử dụng phương pháp tam đoạn luận), suy luận số học (khả năng tư duy số học, sử dụng kiến thức cơ bản về chữ số và toán học để suy luận).
[1]http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCN VietNam/ChiTietVeQuocGia?diplomacyNationld=267&diplomacyZoneld =85&vietnam=0 truy cập ngày 28/3/2019
[2]Xem Luật Công vụ quốc gia Nhật Bản năm 1947, được bổ sung chỉnh sửa năm 2012.
[3]Xem Hirai B., and S., Hara (2009): Getting the Right Competencies in Government: Management of Competencies in the Japanese National Service System, presentation to the OECD Public Employment and Management Working Party, Paris, 15-16 December; Kudo, H. (2016). Building executive capacity in the Japanese Civil Service. Sharpening the sword of state (97
[4]Xem Hirai B., and S., Hara (2009): Getting the Right Competencies in Government: Management of Competencies in the Japanese National Service System, presentation to the OECD Public Employment and Management Working Party, Paris, 15-16 December
[5]Xem Kudo, H. (2016): Building executive capacity in the Japanese Civil Service, Sharpening the sword of state (97)
[6]Xem Kudo, H. (2016): Building executive capacity in the Japanese Civil Service, Sharpening the sword of state (97)
[7]Xem Kudo, H. (2016): Building executive capacity in the Japanese Civil Service, Sharpening the sword of state (97)
[8]Xem Bộ Nội vụ, JICA: Tài liệu Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức thi tuyển công chức Nhật Bản, Hà Nội, 2016