Thứ sáu, 18 Tháng 2 2022 18:33

Khái quát cơ sở pháp lý về trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 khẳng định: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức"[1], đồng thời quy định: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liệu, hách dịch, cửa quyền"[2]. Những quy định này là cơ sở hiến định tạo nên các mối quan hệ quyền lực giữa chủ thể tối cao của quyền lực - Nhân dân với nhà nước nói chung, được nhân dân ủy quyền thực hiện quyền lực nhà nước, đồng thời, là cơ sở hình thành chế độ trách nhiệm, trách nhiệm giải trình của nhà nước trước nhân dân. Nhà nước là một khái niệm trừu tượng, đồng thời là một thực thể tồn tại thông qua các cơ quan nhà nước với đội ngũ cán bộ, công chức tạo thành. Bộ máy nhà nước ở Việt Nam hiện nay bao gồm: các cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan - thiết chế độc lập, được hợp thành từ các cán bộ, công chức.

Do vậy, tất cả các cơ quan nhà nước, trong đó có cơ quan hành chính nhà nước đều có bổn phận giải trình (trả lời) trước nhân dân về các chính sách, pháp luật, hành vi, hoạt động do mình thực hiện, còn cán bộ, công chức phải giải trình trước cơ quan nhà nước, người đứng đầu cơ quan nhà nước, cấp trên, người dân về hoạt động công vụ của mình. Trong cơ quan nhà nước người đứng đầu cơ quan là người chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của cơ quan, do đó người đứng đầu là người thay mặt cơ quan có nghĩa vụ, trách nhiệm giải trình về mọi mật hoạt động của cơ quan khi có yêu cầu giải trình.

Để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quan hệ trách nhiệm của nhà nước, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, bảo đảm sự công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong nhiều văn bản pháp luật ở Việt Nam những năm gần đây đã sử dụng thuật ngữ "giải trình" với những nội dung, ý nghĩa khác nhau. Trong Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, tại Điều 61 quy định cá nhân, tổ chức vi phạm "được đưa ra ý kiến, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình" thực chất là giải trình về hành vi của mình, hay Luật Thanh tra năm 2011 tại Điều 57 quy định: Đối tượng thanh tra có quyền: giải trình về những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra. Từ những quy định này có thể thấy giải trình được hiểu là sự lý giải, biện minh, là quyền của đối tượng chịu sự tác động của quyền lực, trong mối quan hệ quyền lực, là phương tiện để bảo vệ quyền. Điều này cũng không khác gì trong lĩnh vực hình sự, bị cáo có quyền tự bào chữa hay nhờ luật sư, những người khác bào chữa cho mình. Nhưng trong một số văn bản khác lại quy định giải trình là nghĩa vụ, bổn phận của cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện công vụ khi ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính, ví dụ tại khoản c Điều 13 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định người bị khiếu nại có nghĩa vụ giải trình về tính hợp pháp, đúng đắn của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại khi người giải quyết khiếu nại hoặc cơ quan, đơn vị kiểm tra, xác minh yêu cầu... Như vậy, ở khía cạnh này trách nhiệm giải trình là nghĩa vụ, bốn phận của người bị khiếu nại. Luật Tố tụng hành chính năm 2015 tuy không trực tiếp quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước với tư cách là - đương sự - người bị kiện trong vụ án hành chính, mà quy định các đương sự có quyền "trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cử và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác. thực chất ở đây, cơ quan hành chính - người bị kiện "giải trình" trước bên khởi kiện, trước tòa án để biện minh cho việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính của mình.

Trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước như là phương thức để phòng chống tham nhũng do đó, ngày 23/11/2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, Kỳ họp thứ 4 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, Luật này đã bổ sung Điều 324 quy định “Khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trước cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó" và bổ sung Điều 46 quy định về nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài vẫn tăng thêm. Trên cơ sở các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13, để bảo đảm cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Kế thừa những quy định nói trên về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 một mặt định nghĩa trách nhiệm giải trình “là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao"[3], đồng thời quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Người thực hiện trách nhiệm giải trình là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình. Trường hợp báo chí đăng tải thông tin về vi phạm pháp luật và có yêu cầu trả lời các vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền phải giải trình và công khai nội dung giải trình trên báo chỉ theo quy định của pháp luật. Việc giải trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giám sát hoặc còn cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khác được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan[4].

 


[1]Khoản 1, 2 Điều 2 Hiến pháp năm 2019

[2]Khoản 2 Điều 8 Hiến pháp năm 2013

[3]Khoản 5 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

[4] Điều 15, Luật Phòng chống tham nhũng 2018.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành