Thứ năm, 17 Tháng 2 2022 18:38

CƠ SỞ PHÁP LÝ VỀ MINH BẠCH NGÂN SÁCH Ở VIỆT NAM

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước nên Việt Nam cũng như các quốc gia khác luôn cần cơ chế quản trị tốt, minh bạch và có sự tham gia của người dân. Khi cần thiết, nhà nước cần củng cố thể chế, và thay đổi luật pháp nhằm đảm bảo minh bạch tài khoá và có cơ chế cho phép người dân và xã hội được biết và tham gia vào quá trình ngân sách sẽ đạt được mục tiêu công khai, minh bạch về ngân sách Nhà nước. Để thúc đẩy mức độ công khai, minh bạch ngân sách nhà nước tại Việt Nam, ngoài luật đồng bộ, cần có chế tài xử lý khi các đơn vị sử dụng ngân sách không thực hiện công khai ngân sách như quy định tại Điều 15 của Luật Ngân sách nhà nước. Quốc hội cần có chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị ngân sách không thực hiện công khai ngân sách theo như quy định.

Mục tiêu thúc đẩy minh bạch, giải trình ngân sách Nhà nước được đặt ra cụ thể:

- Hoàn thành cơ bản nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, với chi phí tuân thủ thấp, dựa trên hệ thống chính sách đã được hoạch định trong từng lĩnh vực phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

- Thể chế hóa nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước; phòng, chống tham nhũng; tăng cường hiệu quả quản trị nhà nước; tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, các thiết chế trong hệ thống chính trị theo tinh thần của Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.

Việt Nam cũng đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC). Điều này cho thấy Việt Nam có cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Cam kết đó thể hiện rất rõ ở việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2007, 2012), Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Việt Nam cũng đã cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (VSDG 16) tập trung vào lĩnh vực hòa bình, công bằng, bình đẳng, bao gồm chống tham nhũng và đảm bảo cơ chế minh bạch và hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật có liên quan đến công khai, minh bạch và tiếp cận thông tin của người dân trong quá trình ngân sách, trong đó bao gồm Luật Đầu tư công năm 2019 (Điều 14 - Công khai, minh bạch đầu tư công), Luật Kiếm toán nhà nước năm 2015 (Điều 50 - Công khai báo cáo kiểm toán và Điều 51 - Công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận. kiến nghị kiểm toán), Luật Tiếp cận thông tin năm 2015 và Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 đã được sửađổi nhằm thúc đẩy cơ chế minh bạch hơn trong tài chính quốc gia và địa phương, cùng với tăng cường hiệu quả quản lý nợ công với việc thông qua Luật Quản lý nợ công năm 2017.

Để cải cách thể chế và chính sách tài khóa, Việt Nam đã ban hành Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, tiến tới gần hơn với thông lệ quốc tế về minh bạch và chất lượng tài khoá, bao gồm yêu cầu công khai các loại tài liệu ngân sách nhà nước trong cả quá trình ngân sách[1] và xây dựng khuôn khổ tài khoá trung hạn[2].

Khung pháp lý cao nhất cho việc công khai thông tin ngân sách nhà nước là Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Khoản 1 Điều 15 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định chi tiết các thông tin phải được công khai, nội dung, hình thức và thời điểm công khai các thông tin. Các tài liệu bắt buộc phải công bố công khai theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 bao gồm: Dự toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân; Dự toán ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền quyết định; Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; Quyết toán ngân sách nhà nước được Quốc hội, Hội đồng nhân dân phê chuẩn.

Về nội dung công khai bao gồm: Số liệu và báo cáo thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân; Dự toán đã được cấp có thẩm quyền quyết định; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và quyết toán ngân sách nhà nước; Kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; trừ số Hiệu chi tiết, báo cáo thuyết minh thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia. Khoản 3 Điều 15 cũng nêu rõ nội dung công khai phải bảo đảm đầy đủ theo các chỉ tiêu, biểu mẫu do Bộ Tài chính quy định.

Về hình thức công khai, việc công khai ngân sách nhà nước được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức: công bố tại kỳ họp, niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hành ấn phẩm; thông báo bằng văn bản đến các cơ quan tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đưa lên trang thông tin điện tử; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về thời điểm công khai, Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước phải được công khai chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân gửi đại biểu Hội đồng nhân dân. Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền quyết định, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, kết quả kiểm toán ngân sách nhà nước, kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước phải được công khai chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày văn bản được ban hành. Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước hàng quý, 06 tháng phải được công khai chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày kết thúc quý và 06 tháng. Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước hàng năm được công khai khi Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp giữa năm sau.

Nếu xét về mức độ công khai, minh bạch ngân sách Nhà nước thì Việt Nam có một số công cụ được áp dụng thông qua các cuộc khảo sát theo các tiêu chí như: chỉ số công khai ngân sách quốc gia (OBI-Open Budget Index); Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan trung ương (MOBI- Ministry Open Budget Index) và 10 Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI- Provincial Open Budget Index)[3]. Trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ đã đăng công khai có sẵn đầy đủ, kịp thời các thông tin tài liệu ngân sách của Chính phủ, các tỉnh/thành phố và các bộ cơ quan trung ương. Các chỉ số OBI, MOBI và POBI là công cụ thúc đẩy Chính phủ; các tỉnh thành phố; các bộ, cơ quan trung ương có thể tham chiếu và đo đạc mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách nhà nước và mức độ thực thi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. Đồng thời, cũng là công cụ giúp tăng niềm tin của người dân và các đối tác phát triển đối với các đơn vị quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước thông qua các hình thức minh bạch, giải trình và sự tham gia về ngân sách.

Kết quả khảo sát OBS, MOBS VÀ POBS cho thấy Việt Nam còn ít hoặc chưa công khai đấy đủ các thông tin về ngân sách nhà nước theo như quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ tốt của quốc tế. Chỉ số OBI 2017 của Việt Nam đạt 15/100 điểm, chỉ số POBI 2018 trung bình của 63 tỉnh, thành phố đạt 50.9/100 điểm và chỉ số MOBI 2018 trung bình của 17 bộ, cơ quan trung ương đạt 11/100 điểm. Tuy nhiên, đến các năm 2021 điểm xếp hạng của Việt Nam trong khảo sát OBS 2021 ở cả 3 trụ cột minh bạch, sự tham gia của công chúng và giám sát ngân sách đều tăng 6 điểm so với OBS 2019. Điểm xếp hạng mức độ minh bạch ngân sách (OBI) của Việt Nam năm 2021 đạt 44/100 điểm, tiệm cận với xếp hạng trung bình thế giới là 45/100 điểm, tăng 6 điểm so với OBI 2019, xếp hạng thứ 68 trên 120 quốc gia tham gia khảo sát OBS 2021, tăng 9 bậc so với OBI 2019. So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, điểm xếp hạng OBI 2021 của Việt Nam cao hơn Campuchia và Myanmar.

Nhìn vào kết quả OBS2021 có thể thấyViệt Nam có xu hướng tăng qua mỗi kỳ đánh giá đặc biệt có bước tiến lớn, chứng tỏ Chính phủ và đặc biệt là Bộ Tài chính Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các cải cách ngân sách, đặc biệt là minh bạch ngân sách, công khai thông tin về quản lý và sử dụng nguồn lực công để người dân có thể tham gia thảo luận về ngân sách. Những cải cách về ngân sách có thể cần tới cơ chế chính thức để công chúng biết và tham gia nhằm nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách trong cả quá trình lập, thực hiện, giám sát ngân sách với vai trò của Bộ Tài Chính, Quốc hội, Kiểm toán nhà nước. Bộ Tài Chính và các cơ quan bộ ngành có thể tiếp tục các nỗ lực và thực hành tốt hiện tại để công khai minh bạch ngân sách ở các ngành, các cấp ngân sách.

 


[1]Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 (Điều 15) và Thông tư số 343/2016-TT-BTC

[2]Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2000 của Quốc hội ban hành về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

[3]Tổ chức đối tác về ngân sách quốc tế (International Budget Patntership), Open Bulget survey. "Thi huylAww Internationalbudget.org/open-budget-survey/methodology/ Khảo sát mức độ công khai ngân sách bộ, cơ quan trung ương (MOHS. Minlitre Open Budget Survey) và khảo sát công khai ngân sách tỉnh (FOBS-Province Open Budget Survy) do BTAR CDI và VERP thực hiện từ 2017 được xây dựng dựa trên các tiêu chí quốc tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD), Tổ chức Kiểm toán Quốc tế (INTOSAI). Xem thêm www.ngansachvietnam.net

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành