Thứ sáu, 25 Tháng 3 2022 23:36

TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH TRONG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Trách nhiệm giải trình và Chính phủ kiến tạo phát triển đều là những khái niệm mới du nhập vào xã hội chính trị Việt Nam. Nếu như trách nhiệm giải trình được tiếp cận dưới nhiều góc độ và tên gọi khác nhau trong khoảng 10 năm trở lại đây, thì Chính phủ kiến tạo phát triển mới chính thức được nhận diện về khả năng áp dụng sau năm 2016. Khách quan nhận định có thể thấy, Chính phủ kiến tạo phát triển ở Việt Nam hiện nay đang trong quá trình chuyển đổi về nhận thức và bắt đầu có những động thái tạo lập cơ sở để có bước chuyển đổi trong hoạt động trên thực tế. Còn vấn đề trách nhiệm giải trình mặc dù đã có được định hình chính trị, pháp lý tương đối rõ ràng, nhưng đến nay vẫn chưa xác lập được sự ảnh hưởng cần thiết lên tổ chức và hoạt động của Nhà nước Việt Nam theo hướng kiến tạo phát triển. Thực tiễn này được nhận diện qua các vấn đề cụ thể sau:

Thứ nhất, hệ thống thể chế pháp lý hiện hành chưa có sự đồng nhất và chuyên biệt về trách nhiệm giải trình của nhà nước. Vấn đề trách nhiệm giải trình còn nhiều quy định bất cập gây khó khăn cho khả năng tiếp cận quyền yêu cầu nhà nước giải trình của người dân. Cụ thể, người có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước giải trình phải có quyền, lợi ích liên quan đến nội dung yêu cầu giải trình. Quy định này đã vô tình giới hạn khả năng yêu cầu của các chủ thể. Đơn cử, một công dân hay tổ chức sẽ không có quyền yêu cầu nhà nước có trách nhiệm giải trình về chi phí xây dựng tuyến tàu trên cao Hà Đông - Cát Linh, ngay cả khi cá nhân hay tổ chức đó sinh sống hoặc có trụ sở tại Hà Nội. Vì theo quy định của điều kiện tiếp nhận yêu cầu TNGT thì vấn đề yêu cầu TNGT phải có “liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp" của người hay tổ chức yêu cầu. Như vậy, sẽ khó để chứng minh được lợi ích của một công dân có sự gắn bó chặt chẽ với tuyến tàu trên cao Hà Đông - Cát Linh hay các dự án công cộng hoặc các hoạt động lễ hội khác.

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật hiện hành thi bí mật quốc gia cũng là nội dung không nằm trong danh mục chịu trách nhiệm giải trình.

Khi đối chiếu với các quy định về những nội dung thuộc bí mật nhà nước được quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000, thì ngoài những “tin, tài liệu khác mà Chính phủ xác định thuộc độ Tối mật”, “tin, tài liệu khác mà Chính phủ xác định thuộc độ Tuyệt mật" còn danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Mật do người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của cơ quan, tổ chức để nghị Bộ trưởng Bộ Công an quyết định. Quy định này có sự mâu thuẫn. Cụ thể, quyền xác định các thông tin thuộc bí mật nhà nước được trao cho cơ quan hành pháp thay vì lập pháp, cộng với sự thiếu hụt cơ chế bảo hiến mạnh mẽ dễ gây ra tình trạng cơ quan hành chính nhà nước tùy tiện xác định những nội dung thuộc bí mật nhà nước nhằm né tránh trách nhiệm giải trình. Thực tế này vẫn chưa được khắc phục trong Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 khi đã cụ thể hoá chức năng xác định danh mục bí mật nhà nước cho Chính phủ và các Bộ trưởng. Trên thực tế, rất nhiều nội dung thuộc danh mục này thuộc lĩnh vực hành pháp, vẫn sẽ phải đối mặt với nguy cơ lợi dụng thẩm quyền này để chối bỏ trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước. Thứ hai, Quốc hội với cơ chế tổ chức và hoạt động hiện hành khó có thể yêu cầu và giám sát trách nhiệm giải trình của Chính phủ một cách thực sự hiệu quả. Cụ thể:

Quốc hội Việt Nam được hình thành theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu. Song trên thực tế, tư tưởng đại diện chi phối việc hình thành này. Quốc hội phải đầy đủ các thành phần: giới tính, học thức, văn hoá, dân tộc và vùng miền. Nghĩa là đại biểu được cơ cấu theo phương pháp đại diện. Điều này có thể dẫn đến trình độ đại biểu không đồng đều. Việc lắng nghe trách nhiệm giải trình của Chính phủ để làm cơ sở cho biểu quyết dự thảo chính sách hay bỏ phiếu tín nhiệm cần có cả hiểu biết cao về chuyển môn lẫn những hiểu biết mang tính khái quát về đời sống chính trị, xã hội. Nghĩa là năng lực của người lắng nghe rất quan trọng. Với cách thức hình thành như trên khó để có được sự đảm bảo năng lực này.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội năm 2015, đại biểu Quốc hội chuyển trách hiện nay ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, có thể có 65% đại biểu không chuyển trách. Các đại biểu không chuyên trách có tỷ lệ lớn kiêm nhiệm chức vụ hành chính. Với vị thế “hai vai" này, đại biểu Quốc hội không chuyển trách khó lòng yêu cầu trách nhiệm giải trình của Chính phủ một cách khách quan và quyết liệt. Không những thế, với điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội chưa đảm bảo: không có văn phòng riêng, thư ký riêng và chế độ đãi ngộ còn thấp, khiến cho cả đại biểu chuyên trách cũng khó khăn trong thực hiện thẩm quyền giám sát Chính phủ một cách thường xuyên và hiệu quả.

Thứ ba, Toà án nhân dân chưa thể hiện được vai trò yêu cầu và giám sát trách nhiệm giải trình của Chính phủ thông qua quyền tư pháp, mặc dù Toà án đứng đầu nhánh quyền Tư pháp, thực hiện chức năng xét xử được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013. Toà án chỉ có duy nhất quyền yêu cầu trách nhiệm giải trình của Chính phủ trong trường hợp xét xử các khiếu kiện của công dân. Tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và các thành viên Chính phủ lại không phải là đối tượng được khiếu kiện. Do đó, trên thực tế, Toà án không thể thực hiện thẩm quyền này. Nguyên nhân của tình trạng này ngoài việc mối tương quan và phân định quyền lực của ba nhánh quyền chưa thực sự rõ ràng, thì việc không trao quyền bảo hiến và giải thích pháp luật cho hệ thống Toà án đã phần nào làm giảm sức mạnh của nhánh quyền tư pháp. Toà án không nắm giữ chức năng bảo hiến sẽ không thể yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm giải trình.

Thứ tư, cơ chế áp dụng các hậu quả bất lợi đối với trách nhiệm giải trình của Chính phủ và giám sát việc thực hiện các hậu quả hậu giải trình chưa được thực hiện hiệu quả. Hiện nay các chế tài cụ thể khi Chính phủ thực hiện TNGT thất bại chưa được cụ thể hoá. Điều này có nguyên do một phần từ cách thức tổ chức và vận hành chưa thực sự phân định cụ thể quyền và trách nhiệm của Chính phủ, song một phần khác cũng do nhiều quy phạm không đầy đủ thành phán. Mà cụ thể, trong trường hợp này là thiếu các chế tài.

Chính vì sự thiếu chi tiết trong việc thể chế trách nhiệm mà trên thực tế hậu quả về nhân sự đã không được nhận diện và thực thi.

Trong những năm gần đây, "lời hứa" của một số Bộ trưởng ở phiên chất vấn trước được các Đại biểu Quốc hội nhắc lại để kiểm chứng về tính trách nhiệm của các thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, thực chất việc nhắc lại chỉ dừng ở hoạt động truy vấn về trách nhiệm, không phải để quy trách nhiệm hậu trách nhiệm giải trình. Một số Bộ trưởng miễn cưỡng nhận trách nhiệm, nhưng đến nay vẫn chưa ghi nhận trường hợp thành viên Chính phủ nào phải gánh chịu một trách nhiệm cụ thể. Mặt khác, cách thức phân định mức độ tín nhiệm chưa tạo ra được áp lực cần thiết lên các thành viên Chính phủ và kết quả này cũng không thể trở thành cơ sở để yêu cầu người đó từ chức hay bãi nhiệm. Đồng thời, sự ghi nhận thiếu chi tiết về các hậu quả bất lợi mà Chính phủ phải gánh chịu đã gây khó khăn trong việc áp dụng các hậu quả này trên thực tế..

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành