Thứ năm, 23 Tháng 6 2022 15:46

Bảo đảm quyền công dân trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã nêu rõ: “Đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế”. Để thực hiện chủ trương này, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền (NNPQ) có một ý nghĩa quan trọng. Một đặc điểm của Nhà nước pháp quyền hiện đại là sự bảo đảm một cách đầy đủ các quyền và tự do của cá nhân (con người).

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân là nhà nước mà trong đó pháp luật giữ vai trò thống trị trong đời sống nhà nước, đời sống xã hội và nó luôn luôn được phát triển, hoàn thiện; bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở pháp luật và nhằm thực thi pháp luật; quyền lực nhà nước luôn luôn thống nhất nhưng có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp vì lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; giữa Nhà nước với cá nhân có mối quan hệ pháp lý bình đẳng về quyền, nghĩa vụ và về trách nhiệm pháp lý khi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhau; cá nhân được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp và Nhà nước bảo đảm, mở rộng các quyền và lợi ích hợp pháp đó; Nhà nước tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các điều ước quốc tế, trong đó có các điều ước về quyền con người mình đã ký kết hoặc tham gia.

Trong Nhà nước pháp quyền, các đạo luật phải ghi nhận và bảo vệ các quyền của các cá nhân và các tổ chức của họ. Trong nhà nước đó các đạo luật có giá trị bắt buộc chung và đặt ra nghĩa vụ của tất cả các chủ thể pháp lý phải tuân thủ và tôn trọng các quyền con người, quyền công dân. Trách nhiệm qua lại giữa Nhà nước và cá nhân được thể hiện trong việc hạn chế bằng pháp luật các quyền hạn của các cơ quan nhà nước, trong nghĩa vụ của Nhà nước về việc bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong việc thiết lập các biện pháp truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với các công chức và Nhà nước nói chung do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm của mình gây thiệt hại tới các quyền con người, quyền công dân.

Các tiêu chí chung, cơ bản của NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành những phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu cơ bản của việc xây dựngmột nhà nước như vậy. Xây dựng một Nhà nước pháp quyền đạt được đầy đủ các tiêu chuẩn như nêu trên là sự nghiệp vô cùng gian khổ, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu của cả dân tộc Việt Nam. Các tiêu chí cơ bản của NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt nam của dân, do dân, vì dân tự bản thân cũng chính là những tiền đề, điều kiện quan trọng nhất để xây dựng thành công một NNPQ vì con người, cho con người. Các tiền đề, điều kiện đó quan hệ gắn bó, chặt chẽ với nhau, phụ thuộc vào nhau và ảnh hưởng, tác động lẫn nhau.

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân cũng như mục tiêu cao nhất về tổ chức, hoạt động của nó là tất cả vì con người, cho con người. Xuất phát từ quan điểm coi lợi ích con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa nói chung, của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân nói riêng, chúng ta lại càng thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao vai trò của pháp luật trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở nước ta. Việc các cá nhân thật sự được hưởng các quyền và lợi ích chính đáng của mình nhờ pháp luật sẽ là một trong những tiền đề, điều kiện quan trọng nhất cho việc thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu khác trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, việc thực hiện thành công những nhiệm vụ, mục tiêu này cũng sẽ là tiền đề, điều kiện để thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về quyền con người, quyền công dân.

Tuy nhiên, giải pháp trong việc hoàn thiện các thiết chế liên quan đến bảo đảm quyền công dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền cần hướng đến:

Thứ nhất, đề cao vai trò của hệ thống Tòa án trong việc bảo hộ pháp lý cho công dân. Trong trật tự Nhà nước pháp quyền, Tòa án là cơ quan có vai trò hàng đầu trong việc bảo vệ công lý. Nhiệm vụ bảo đảm quyền công dân trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, hệ thống cơ quan Tòa án có vai trò trung tâm, thực hiện vai trò giám sát đối với hoạt động của các thiết chế khác. Do đó, một trong những nội dung trọng tâm trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các cơ chế bảo đảm quyền công dân trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước đó là phải kiện toàn hệ thống cơ quan Tòa án, cả về tổ chức và hoạt động.

Đầu tiên việc hoàn thiện pháp luật bảo đảm vai trò của tư pháp trong việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người, trong đó, cần nghiên cứu mở rộng thẩm quyền của tư pháp: bổ sung thẩm quyền xét xử hành vi vi hiến xâm hại đến quyền con người, quyền công dân; giao cho tư pháp quyền giải thích Hiến pháp và luật.

Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn về án lệ ở Việt Nam, đồng thời tổng kết việc xây dựng, áp dụng án lệ tại Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng. Trong tố tụng hình sự, bổ sung và quy định rõ các nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng, quyền im lặng... Trong tố tụng dân sự, tiếp tục làm rõ các vấn đề lý luận về nguyên tắc “tòa án không được viện lí do không có luật để từ chối xét xử”.

Tiếp đến cần nâng cao tính độc lập của tư pháp với các nội dung cần ưu tiên như: thực hiện hình tranh tụng dân chủ tại tòa; cải cách hình hệ thống tòa án, theo đó, tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; nâng cao tính độc lập trong xét xử, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động xét xử, bảo đảm nhiệm kỳ của thẩm phán, thay đổi phương thức bổ nhiệm thẩm phán, bảo đảm tài chính của tòa án và thu nhập của thẩmphán.

Thứ hai, cần xây dựng và hoàn thiện các tổ chức xã hội dân sự, bảo đảm xã hội dân sự có các tổ chức mang tính chất tự nguyện, tồn tại song song với Nhà nước, bị ràng buộc bởi một hệ thống luật pháp và các giá trị văn hóa. Trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, xã hội dân sự không chỉ đóng vai trò giám sát, phản biện mà còn nâng cao ý thức công dân. Việc bảo đảm quyền công dân trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước không thể không kể đến vai trò của các tổ chức xã hội dân sự. Do đó, cần tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc, tạo môi trường hoạt động và phát triển các tổ chức dân sự trong khuôn khổ pháp luật, theo đó:

Một là tạo cơ sở pháp lý để các cá nhân có thể tự do tham gia, thành lập, sinh hoạt trong các tổ chức xã hội dân sự.

Hai là tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức tự quản hoạt động tuân thủ pháp luật, phát huy được vai trò của các tổ chức này trong quản lý xã hội, đồng thời, trong khuôn khổ pháp luật, các tổ chức xã hội phải đề cao vai trò của mình nhằm hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, vai trò là đại diện hợp pháp bảo đảm, bảo vệ quyền lợi ích cho các thành viên, hướng các thành viên của họ trong đời sống thường ngày biết tuân thủ pháp luật, các quy tắc đạo đức, xây dựng xã hội lành mạnh.

Ba là, cần sớm ban hành một đạo Luật về Hội nhằm bảo đảm việc sử dụng và thực thi quyền tự do lập hội của người dân một cách hiệu quả, thúc đẩy, tạo môi trường hoạt động và phản biện của các tổ chức thuộc xã hội dân sự, đồng thời thống nhất quản lý nhà nước về hội.

Thứ ba, cần thiết lập cơ chế tài phán hiến pháp, đây là hình thức bảo hiển. Tuy nhiên, khi nhắc đến tài phán hiến pháp muốn nhấn mạnh đến vai trò của pháp trong việc giám sát, bảo vệ việc tuân thủ Hiến pháp trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Bảo vệ Hiến pháp cũng là bảo vệ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Các quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp có thể bị xâm hại trực tiếp bởi những hành vi của các chủ thể trong xã hội, bao gồm các cơ quan nhà nước trong quá trình thực thi quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp hoặc các chủ thể xã hội khác. Trong đó, sự vi phạm hiến pháp trong hoạt động lập pháp có thể tạo nên sự tước đoạt hoặc hạn chế một quyền cơ bản được ghi nhận trong Hiến pháp của tất cả các công dân trong một quốc gia. Hiện nay, Quốc hội vẫn là cơ quan giám sát tối cao đối với các hoạt động của các cơ quan nhà nước, đối với việc thi hành và tuân thủ Hiến pháp. Tức là, nước ta chưa có một cơ chế để giám sát hiệu quả hoạt động của Quốc hội mà mới chỉ có chính Quốc hội giám sát hoạt động của mình. Cách thức vận hành này có thể tạo nên những nguy cơ vi hiến chúng tôi đã đề cập ở trên. Do vậy, để bảo đảm quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp một cách hữu hiệu, cần phải có một cơ chế bảo hiến độc lập. Mặt khác, để bảo đảm tính chuyên trách, độc lập, đủ năng lực thực hiện vai trò bảo vệ Hiến pháp nói chung và bảo vệ chế độ pháp lý của công dân (là những quyền hiến định của công dân), chúng tôi kiến nghị việc thiết lập cơ chế bảo hiến với thiết chế là Tòa án Hiến pháp. Kiến nghị này xuất phát từ những ưu điểm đã được thừa nhận chung của Toà án Hiến pháp trong việc bảo đảm quyền công dân trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Theo đó, trong phạm vi trách nhiệm hoạt động của mình, toà án hiến pháp có quyền tối hậu về diễn giải hiến pháp. Là cơ quan tài phán, nó không xuất hiện trong cuộc tranh giành quyền lực chính trị chính nó quyết định về các tiêu chí về luật hiến pháp trong tranh giành quyền lực. Là toà án, nó có vị thế độc lập về tổ chức, hoạt động và nhân sự đối với các cơ quan nhà nước khác, đối với các chính đảng và các đoàn thể xã hội khác.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành