Thứ sáu, 22 Tháng 4 2022 15:56

Khái quát về khái niệm quyền công dân và bảo đảm quyền công dân

1. Khái niệm quyền công dân

Khái niệm công dân thường gắn với một quốc gia cụ thể và được ghi nhận thông qua quốc tịch; và “quyền công dân” có thể được hiểu là những gì được hưởng, được bảo vệ mà một quốc gia dành cho công dân của nước mình. Cách hiểu này cũng giống như học thuyết các quyền pháp lý (legal rights) về nguồn gốc của quyền công dân, trong đó cho rằng các quyền con người không phải là bẩm sinh, vốn có một cách tự nhiên mà do các nhà nước xác định và pháp điển hóa thành pháp luật hoặc xuất phát từ truyền thống văn hóa.

Điều 14, Hiến pháp năm 2013 quy định “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay, quyền công dân là các quyền được quy định trong pháp luật của một quốc gia nhất định thông qua hình thức là quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quốc gia đó bảo đảm thực hiện.

Chủ thể của quyền công dân là các cá nhân, với các quyền và nghĩa vụ pháp lý do Nhà nước quy định còn gọi là địa vị pháp lý của công dân. Mặt khác, quyền công dân là khái niệm luôn gắn liền với khái niệm nhà nước, với chủ thể có khả năng bảo đảm thực hiện và tôn trọng các quyền đó nên trong mối quan hệ giữa công dân với Nhà nước thì các quyền cơ bản của công dân luôn được xác định bởi chế định quốc tịch, chỉ những người mang quốc tịch của một quốc gia mới được hưởng các quyền công dân mà pháp luật quốc gia đó quy định và thừa nhận. Hiến pháp năm 2013 xác định tại khoản 1 Điều 17: “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”, theo đó, quốc tịch Việt Nam là cơ sở duy nhất để xác định công dân Việt Nam, từ đó xác định quyền và nghĩa vụ của công dân trong mối quan hệ với Nhànước.

Từ những luận giải trên có thể hiểu khái niệm về quyền công dân như sau: Quyền công dân do Nhà nước ghi nhận và bảo đảm bằng pháp luật đối với cá nhân người mang quốc tịch của quốc gia, thể hiện ở mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong các quan hệ xã hội nhất định.

Tuy gắn bó nhưng quyền con người và quyền công dân vẫn có những khu biệt, không hoàn toàn trùng khớp. Quyền công dân thể hiện mối quan hệ giữa công dân với nhà nước, trong khi quyền con người thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân với toàn thể cộng đồng nhân loại. Quyền con người được áp dụng đối với tất cả mọi người, nhưng quyền công dân của một quốc gia nhất định thì chỉ được quốc gia đó ghi nhận, bảo đảm đối với những người có quốc tịch của nước mình. Quyền con người có một hệ thống chuẩn quốc tế chung nhưng không phải mọi quốc gia đều thừa nhận một hệ thống quyền công dân giống nhau. Không phải tất cả các hệ thống quyền công dân của mọi quốc gia đều hoàn toàn tương thích với hệ thống quyền con người. Quyền công dân chỉ là một cấp độ của quyền con người, xét trong mối quan hệ giữa cá nhân với nhà nước. Như vậy “quyền con người là những giá trị mà cộng đồng quốc tế nhận thức, thừa nhận, còn quyền công dân chỉ là nhận thức và thừa nhận của một quốc gia cụ thể”.

Có thể so sánh quyền con người, quyền công dân trong các nhóm quyền như sau:

Các nhóm quyền công dân:

Hệ thống các quyền công dân sẽ khác nhau ở các quốc gia, xuất phát từ nhận thức, hoàn cảnh khác nhau trong việc công nhận các quyền công dân. Và ngay cả trong một quốc gia nhưng vào các thời kỳ khác nhau thì hệ thống quyền công dân cũng khác nhau. Vì vậy, việc phân loại dưới đây chỉ mang tính chất tương đối và hệ thống các quyền công dân dưới đây chỉ liệt kê một số quyền công dân chung nhất.

-   Nhóm quyền về chính trị, bao gồm một số quyền sau: quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội; quyền tham gia thảo luận các vấn đề chung của đất nước; quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước; quyền biểu quyết khi trưng cầu ý dân; quyền bầu cử và ứng cử; quyền khiếu nại, tốcáo…

-    Nhóm quyền về kinh tế, văn hóa và xã hội, bao gồm một số quyền sau: quyền lao động; quyền tự do kinh doanh; quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; quyền sáng tác văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hóa khác; quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp; quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khỏe; quyền đối với nhà ở…

-   Nhóm quyền về dân sự, bao gồm các quyền cơ bản như: quyền tự do đi lại, cư trú ở trong nước; quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; quyền được thông tin; quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bất khả xâm phạm về thân thể; quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự khi bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật hoặc do hành vi trái pháp luật của các chủ thểkhác…

2. Khái niệm bảo đảm quyền công dân

Theo Từ điển hành chính, “Bảo đảm” là trách nhiệm của một chủ thể (cá nhân, tổ chức) phải làm cho quyền, lợi ích của chủ thể bên kia chắc chắn được thực hiện, được giữ gìn, nếu xảy ra thiệt hại thì phải bồi thường. Bảo đảm được tiến hành bằng những biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sựnhư cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, phạt vi phạm. Nhà nước có nghĩa vụ hàng đầu trong việc bảo đảm các quyền con người, quyền công dân.

Điều này phù hợp với nguyên tắc của Luật nhân quyền quốc tế “Các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền tài phán của mình các quyền đã được công nhận trong công ước này...”. Dưới góc độ khoa học pháp lý, Từ điển luật học có diễn giải một cách cụ thể: Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho các quyền công dân được ghi trong các đạo luật phải được thực thi, phải tạo điều kiện cho công dân hưởng các quyền đó. Khi các quyền của công dân có dấu hiệu vi phạm thì phải áp dụng các biện pháp để loại trừ. Cán bộ, công chức nhà nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp họ không hành động để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân.

Bảo đảm quyền công dân là một trong những nội dung, yêu cầu của Hiến pháp 2013, khi nói đến quyền công dân thì “không tách rời nghĩa vụ công dân”. Do vậy, quyền công dân thực chất là quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp và pháp luật đối với mọi công dân, là cơ sở xác định địa vị pháp lý của một công dân, cơ sở xác lập quyền và nghĩa vụ của công dân trong từng lĩnh vực cụthể.

Hiện nay các nhà nghiên cứu còn có nhiều quan điểm khác nhau, tuy nhiên các nhà nghiên cứu đều cho rằng, bảo đảm quyền của công dân là việc tạo ra các tiền đề, điều kiện cần thiết để công dân thực hiện được quyền của mình. Việc xác định bảo đảm quyền công dân dựa trên các chủ thể như: Nhà nước; các tổ chức, hiệp hội quần chúng; người dân. Trong đó, Nhà nước là chủ thể quan trọng nhất. Như vậy, bảo đảm quyền công dân là việc Nhà nước tạo các điều kiện, tiền đề cần thiết để công dân thực hiện các quyền công dân của họ, bằng việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật và các công cụ quản lýkhác.

Cần phân biệt bảo đảm với bảo vệ quyền công dân:

Bảo vệ quyền là trách nhiệm pháp lý của Nhà nước trong thực thi các biện pháp nhằm ngăn chặn, chống lại mọi hành vi xâm hại đến các quyền cơ bản của người dân. Như vậy, bảo đảm quyền là trách nhiệm pháp lý của Nhà nước trong việc giữ gìn, thúc đẩy, tạo điều kiện để người dân thực hiện các quyền của mình một cách tốt nhất, tăng cường tính chủ động của người dân. Đây là mối quan hệ giữa Nhà nước và các cá nhân, liên quan đến khía cạnh quyền công dân.

Bảo vệ quyền đặt ra một hành lang, loại bỏ hành vi xâm phạm, bồi thường tổn hại, bù đắp lợi ích đã mất nhằm khắc phục tình trạng ban đầu, trong khuôn khổ các quy trình, thủ tục pháp lý của pháp luật quốc gia. Bảo đảm quyền thiết lập cơ chế nhằm giữ gìn, thúc đẩy, tạo điều kiện để người dân được hưởng và thực thi quyền một cách tốtnhất.

Bảo vệ quyền luôn luôn là cơ chế trực tiếp, được thực hiện khi có sự vi phạm đến từ hành vi của con người như lạm dụng quyền cảnh sát, quyền hình phạt để bắt giữ, ngược đãi người dân bất hợp pháp, ngược đãi và còn có thể cướp đi mạng sống của họ; phân biệt đối xử về mặt luật pháp; vi phạm nhân quyền giữa các cá nhân. Quy phạm điều chỉnh cho việc thực thi bảo vệ quyền là pháp luật quốc gia. Bảo vệ quyền nhấn mạnh khía cạnh thể chế, tiếp cận từ phía Nhà nước (chủ thể thực hiện bảo vệ), phụ thuộc thái độ chủ quan của Nhà nước.

Bảo đảm quyền cũng nhấn mạnh khía cạnh thể chế, tiếp cận từ phía Nhà nước - chủ thể thực hiện bảo đảm, nhưng không chỉ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Nhà nước trong việc cân nhắc về khả năng thực hiện trách nhiệm của mình mà còn phải phụ thuộc vào năng lực của Nhà nước trong quá trình bảo đảm quyền. Bảo đảm quyền: được thực hiện dựa trên các yêu cầu và nhận thức về quyền con người, quyền công dân, nhằm tạo điều kiện thực hiện, thúc đẩy thực thi quyền trên cơ sở pháp luật quốc gia.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành