Thứ ba, 28 Tháng 6 2022 15:58

Khái quát các quy định về Bảo đảm quyền công dân trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước trong Hiến pháp năm 2013

Cơ chế pháp lý bảo đảm quyền công dân trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước ở Việt Nam đã có những cơ sở chính trị - pháp lý ban đầu khá vững chắc. Hiến pháp sửa đổi năm 2013 ra đời đã đánh dấu một bước tiến mới trong nhận thức về yêu cầu bảo đảm quyền con người, quyền công dân nói chung và trong hoạt động bảo đảm quyền công dân trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, từ đó, củng cố nền tảng pháp lý vững chắc hơn cho hoạt động bảo đảm quyền công dân trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước ở Việt Nam. Tuy vậy, thực trạng hoạt động bảo đảm quyền công dân trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước ở Việt Namvẫn còn nhiều hạn chế, chưa thật sự có nhiều kết quả như mong muốn.

Hiến pháp năm 2013 đã được Quốc Hội khóa XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Một trong những nội dung quan trọng của bản Hiến pháp này là chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được để lên cao, đưa lên vị trí trang trọng trong Hiến pháp năm 2013, thể hiện nhận thức mới, đầy đủ, sâu sắc hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Có thể nói trong lịch sử lập hiến Việt Nam, quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp chưa bao giờ được các nhà soạn thảo cân nhắc cẩn trọng như lần này. Từ vị trí thứ năm, Chương quyền công dân trong Hiến pháp 1992 được chuyển lên vị trí thứ hai trong Hiến pháp 2013 thể hiện sự quan tâm vượt bậc, cũng như nhận thức của các nhà lập hiến Việt Nam về tầm quan trọng của quyền con người và quyền công dân.

Từ thực trạng pháp luật hiện hành về bảo đảm quyền công dân nói chung và bảo đảm quyền công dân trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước ở Việt Nam, có thể thấy, tuy hệ thống pháp luật về bảo đảm quyền công dân còn chưa đồng bộ, thống nhất, nhưng chúng ta đã bước đầu thiết lập những nền tảng Hiến định và luật định cho bảo đảm quyền công dân trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước ở Việt Nam.

Tiếp tục kế thừa những thành tựu của các Hiến pháp trước đây, ngày 28/11/2013, Hiến pháp Việt Nam được Quốc hội sửa đổi và thông qua, đánh dấu một bước phát triển mới trong các quy định về bảo đảm quyền công dân ở nước ta. Có thể nói rằng, Hiến pháp hiện hành đã có những bước phát triển mới trong việc thiết lập những nền móng ban đầu cho cơ chế bảo đảm quyền công dân ở Việt Nam.

Cơ quan hành chính Nhà nước bao gồm Chính phủ và Ủy ban Nhân dân các cấp. Chế định về Chính phủ được Hiến pháp 2013 quy định tại chương VII, từ Điều 94 đến Điều 101. Các nội dung quy định về chế định này đã có sự kế thừa những nội dung của các bản Hiến pháp trước, đồng thời cũng bổ sung thêm những nội dung mới sao cho phù hợp với những yêu cầu, đòi hỏi của thực tế.

Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội và là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 94 Hiến pháp 2013). Hoạt động của Chính phủ có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến việc đảm bảo, thúc đẩy và phát triển quyền tự do dân chủ của công dân. Hiến pháp 2013 quy định về vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cũng như về cơ chế thực hiện quyền lực của Chính phủ đều có những sửa đổi, bổ sung theo tinh thần đổi mới theo hướng, đề cao vị trí, vai trò là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất; bảo đảm tính độc lập tương đối, tăng cường tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo và tính dân chủ pháp quyền trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến ở nước ta, Hiến pháp quy định trực tiếp nhiệm vụ của Chính phủ trong việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân- một nhiệm vụ hiến định: “Bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội” (Khoản 6 Điều 96). Từ đây, xã hội, Nhân dân, mọi người có quyền đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn đối với Chính phủ trong việc thực hiện bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Về mối quan hệ phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa Chính phủ với cơ quan quyền lực cao nhất, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Quy định này đã phản ánh sự gắn bó chặt chẽ và thống nhất trong việc thực hiện quyền lập pháp và quyền hành pháp của Nhà nước ta. Là cơ quan chấp hành của Quốc hội, Chính phủ không chỉ có nhiệm vụ tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước (khoản 1 Điều 96), báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước mà còn có trách nhiệm giải trình trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Cùng với các quy định nêu trên, Hiến pháp 2013 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định khác theo hướng làm rõ hơn chức năng, mối quan hệ giữa Chính phủ với Quốc hội và các cơ quan Nhà nước khác, như: bỏ quy định về thẩm quyền của Quốc hội “quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh”; phân định rõ hơn phạm vi chính sách và các vấn đề quan trọng do Quốc hội và Chính phủ quyết định trên một số lĩnh vực, theo đó Chính phủ có thẩm quyền đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; trình dự án luật, dự án ngân sách Nhà nước và các dự án khác trước Quốc hội; trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội (khoản 2 Điều 96); ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật (Điều 100)… Về mối quan hệ phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân, Hiến pháp năm 2013 không có quy định trực tiếp về cơ chế phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ “cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Chính phủ có trách nhiệm quản lý về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước và chế độ công vụ, công chức. Đồng thời, phối hợp với Tòa án nhân dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm, các vi phạm Hiến pháp, pháp luật, giữ vững kỷ cương pháp luật nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và các chủ trương, chính sách của Nhà nước... Về phía Tòa án nhân dân, là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, Tòa án nhân dân thực hiện chức năng kiểm soát việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp thông qua nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp vàluật.

Ngoài ra, Hiến pháp 2013 còn quy định về Ủy ban Nhân dân các cấp tại Điều 114 “Ủy ban Nhân dân cấp chính quyền địa phương do Hội đồng Nhân dân cùng cấp bầu cơ quan chấp hành của Hội đồng Nhân dân, cơ quan hành chính Nhà nướcđịa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng Nhân dân cơ quan hành chính Nhà nướccấp trên”. Về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Nhân dân, khoản 2 Điều 114 tiếp tục quy định “Ủy ban Nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng Nhân dân” đồng thời có bổ sung nhiệm vụ “thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan Nhà nước cấp trên giao”.

Sửa đổi lần cuối Thứ tư, 30 Tháng 11 2022 18:57

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành