Thứ hai, 18 Tháng 4 2022 00:18

Giới thiệu về kiểm định chất lượng đầu vào công chức ở Trung Quốc

1. Chế độ công vụ của Trung Quốc

Trung Quốc có diện tích 9,6 triệu km; dân số 1,39 tỷ người; gồm 23 tỉnh, 4 thành phố trực thuộc trung ương, 5 khu tự trị, 2 đặc khu hành chính (Hồng Kông, Ma Cao). Từ năm 1978 đến năm 2018, sau 40 năm cải cách, mở cửa, Trung Quốc đã đạt thành tựu nổi bật: chiếm 15% GDP thế giới. GDP đầu người năm 1978 là 190 USD, cuối năm 2017 là 9.000 USD. Thu ngân sách năm 2017: đạt 2.600 tỷ USD[1].

Cơ cấu quản lý theo chiều dọc gồm 5 cấp hành chính; (1) Cấp trung ương. (2) Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu tự trị; (3) Quận (ở thành phố trực thuộc trung ương), thành phố trực thuộc tỉnh, châu (thuộc Khu tự trị (4) Huyện, thành phố cấp huyện, văn phòng làm việc của quận (thành phố trực thuộc trung ương) tại các tuyến đường, khu phố. (5) Xã, thị trấn (hội đồng nhân dân ở thôn, làng, cộng đồng dân cư không phải là cấp hành chính).

Cơ cấu quản lý theo chiều ngang gồm 4 hệ thống hệ thống đảng; Đại hội đại biểu nhân dân (có 5 cấp); hành chính (Quốc Vụ viện - Chính phủ và các cấp chính quyền); Hội nghị Hiệp thương chính trị. Ngoài Đảng Cộng sản, Trung Quốc còn có 8 đảng phái dân chủ, tham gia đóng góp ý kiến cho Đảng Cộng sản. Hội nghị hiệp thương chính trị được xem như cơ chế tư vấn.

Từ khi thành lập nước năm 1949 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc cải cách, trong đó tập trung cải cách tổ chức bộ máy, cải cách công vụ, công chức, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức với chu kỳ cơ bản là 5 năm 1 lần.

Trước năm 1993, Nhà nước Trung Quốc đã ban hành không ít văn bản pháp quy về công tác nhân sự, nhưng vẫn chưa hoàn thiện, thiếu quy định chung về quản lý nhân sự.

Để thay đổi tình hình đó, Hội nghị toàn thể Trung ương khóa 18 kỳ họp thứ ba (tháng 3 năm 1988) đặt ra yêu cầu cấp bách phải xây dựng Luật công chức nhà nước để bảo đảm cho việc thực hiện chế độ công chức nhưng mãi tới sau khi triển khai việc cải cách thể chế kinh tế và thể chế chính trị, trên cơ sở nghiên cứu chế độ quản lý nhân sự của các nước, việc xây dựng chế độ công chức nhà nước mới chính thức được đề ra.

Điều lệ tạm thời về công chức nhà nước được ban hành chính thức vào tháng 8 năm 1993. Nội dung cơ bản của Điều lệ gồm các vấn đề như: nguyên tắc chung; quyền lợi và nghĩa vụ của công chức; quy định cụ thể về quản lý công chức; bộ máy quản lý công chức...

Hiện nay, việc quản lý công chức được thực hiện theo Luật Công chức năm 2006. Các quy định của Điều lệ tạm thời hầu như được đưa vào Luật Công chức. Theo Luật Công chức, công chức trung ương và địa phương được chia thành hai loại: công chức lãnh đạo (có thể từ chức trưởng phòng trở lên) và công chức không lãnh đạo, tức là những công chức sự vụ và kỹ thuật. Cả hai loại đều phải qua thi tuyển công khai và công bằng. Luật Công chức năm 2006 xác định lại phạm vi của khái niệm công vụ bằng cách xóa bỏ sự khác biệt giữa cán bộ và công chức.

Với việc áp dụng định nghĩa mới này, tất cả nhân sự trong khu vực công: toàn bộ lực lượng lao động của Chính phủ, Đảng, Đại hội đại biểu nhân dân, Hội nghị Hiệp thương Chính trị, các tổ chức tư pháp và kiểm sát, các tổ chức đảng phái dân chủ (tức là các tổ chức của 8 đảng phải dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc) đều được gọi là công chức.

Bên cạnh Luật Công chức năm 2006, việc quản lý nhân sự của Trung Quốc còn dựa trên những văn bản pháp luật riêng lẻ quản lý công chức, là các pháp quy về các vấn đề như: thi cử, tuyển dụng, sát hạch, thưởng phạt... quy định cụ thể các nội dung của Luật Công chức. Ngoài ra còn có các quy định chi tiết về các biện pháp tiến hành, quy định tỉ mỉ về những vấn đề cụ thể trong quá trình thực hiện.

2. Kiểm định chất lượng đầu vào công chức

2.1 Chủ thể kiểm định

Trung Quốc là một ví dụ điển hình của hình thức tuyển dụng tập trung. Trung Quốc vận dụng mô hình công vụ chức nghiệp trong xây dựng nhà nước. Tuyển dụng công chức căn cứ vào Điều 21 Luật Công vụ năm 2005, trong đó quy định rõ việc tuyển dụng công chức nhà nước theo các nguyên tắc cơ bản là: công khai, đánh giá chặt chẽ, cạnh tranh bình đẳng và lựa chọn người giỏi nhất. Tổng cục Công chức nhà nước (thuộc Bộ Nhân sự và An sinh xã hội) phụ trách toàn bộ các khâu tuyển dụng. Các cơ quan chính quyền công bố các vị trí cần tuyển dụng để các ứng viên đăng ký vào vị trí ứng tuyển và nộp hồ sơ qua mạng internet. Đề thi được cơ quan chủ trì kỳ tuyển dụng thống nhất trên cả nước.

Việc tuyển dụng căn cứ theo thành tích đạt được trong các kỳ thi, có tham khảo thêm quá trình công tác, trình độ học vấn, phẩm chất đạo đức, sức khỏe để chọn ra những người ưu tú, xuất sắc tham gia thi tuyển tương ứng với các loại công chức:

(1) Tuyển dụng những công chức không thuộc các chức danh lãnh đạo: áp dụng cách thi cử công khai, mang tính chất cạnh tranh;

(2) Tuyển dụng công chức chuyên môn, kỹ thuật trong số nhân viên có văn bằng, chứng chỉ về kỹ thuật chuyển ngành: thông qua thi vấn đáp và thẩm tra tư cách, thi kỹ thuật chuyên môn để chọn những người giỏi vào làm việc;

(3) Tuyển dụng những công chức đảm nhiệm chức danh lãnh đạo trong số các nhân viên, công chức của cơ quan hoặc các đơn vị khác ngoài các cơ quan hành chính: thông qua thi tuyển đặc biệt. Những người đạt kết quả trong kỳ thi này phải qua đào tạo ở Học viện Hành chính Quốc gia rồi mới được nhậm chức.

2.2 Đối tượng kiểm định

Điều kiện đầu tiên để tham gia thi công chức: Ứng viên phải là công dân Trung Quốc, tối thiểu có bằng cao đẳng và trong độ tuổi 18-35. Kỳ thi kéo dài 5 giờ và được chia thành hai phần: (1) Kiểm tra năng lực với 135 câu hỏi về toán, các kiến thức về tình hình thế giới, ngôn ngữ và logic (trong 2 giờ); (2) Viết một bài luận (trong 3 giờ). Vượt qua được cả hai phần thi, các thí sinh sẽ tiếp tục làm các bài thi về chuyên môn và dự phỏng vấn với cơ quan nhà nước mà họ nộp đơn xin việc.

2.3 Nội dung kiểm định

Kỳ thi tuyển dụng công chức được chia thành hai vòng: thi viết và vấn đáp. Thi viết có các bài trắc nghiệm kiểm tra kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên môn, trắc nghiệm kỹ năng phân tích tổng hợp và kiểm tra kỹ năng thực tế được xem là bước kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Vượt qua phần thi viết thí sinh mới được tham gia phần thi vấn đáp. Thi vấn đáp kiểm tra khả năng phản ứng, tâm lý và kỹ năng thảo luận theo nhóm.

Kỳ thi tuyển dụng công chức của Trung Quốc quan trọng và cạnh tranh không kém kỳ thi vào đại học của các sĩ tử. Số lượng người mong muốn làm cho Nhà nước tăng lên nhanh chóng, từ 120.000 thí sinh năm 2004 lên hơn 1.4 triệu người năm 2010. Trong kỳ thi cuối năm 2018, hơn 1 triệu thí sinh phải cạnh tranh gay gắt cho 16.000 công việc (tỷ lệ chọi 1:64). Tại các cơ quan cấp bộ như Cục Năng lượng quốc gia hay Bộ Văn hóa, có tới gần 5.000 hồ sơ ứng tuyển cho chỉ một vị trí duy nhất.

2.4 Cơ chế giám sát

Kiểm định chất lượng đầu vào công chức của Trung Quốc được giám sát nội bộ bởi Bộ Nhân sự và An sinh xã hội, và cơ chế giám sát của Bộ Thanh tra thuộc Quốc vụ viện. Việc giám sát của Bộ Thanh tra mang tính độc lập có thể thực hiện trước, trong và sau kỳ thi; có thể giám sát quá trình thực hiện trong nhiều năm trước chứ không chỉ giám sát năm mà có tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

 


[1] Số liệu của Đoàn cán bộ lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh đi nghiên cứu về cải cách hành chính tại Trung Quốc từ ngày 27/4-06/5/2018

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành