Thứ sáu, 15 Tháng 4 2022 00:48

Góp ý một số nội dung liên quan đến các loại tài sản công được đưa ra đấu giá

Đấu giá tài sản công (TSC) là quá trình đưa tài sản công ra bán công khai nhằm tìm kiếm được người mua trả giá cao nhất hợp lệ thông qua quá trình cạnh tranh trả giá. Có thể xem quá trình đấu giá tài sản nói chung và đấu giá tài sản công nói riêng là quá trình giao kết hợp đồng mua bán tài sản một cách đặc biệt nên việc xác định các loại tài sản công được đưa ra đấu ra rất quan trọng, cần phải được quy định chặt chẽ bởi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Hiện nay, các loại tài sản công đưa ra đấu giá hiện được liệt kê tại khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá tài sản và được quy định chi tiết tại các văn bản pháp luật chuyên ngành về quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công, như: Tài sản đấu giá là QSDĐ khi nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được điều chỉnh bởi Luật Đất đai năm 2013, các Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; Nghị định số 44/2014/NĐ-CP; Nghị định số 45/2014/NĐ-CP; Nghị định số 46/2014/NĐ-CP; Nghị định số 135/2016/NĐ-CP; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP; Nghị định số 123/2017/NĐ-CP; Nghị định số 136/2018/NĐ-Chính phủ; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Nghị định số 148/2020/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP; các Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT;Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT; Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT, v.v… Loại tài sản này sẽ được đấu giá theo cách thức đấu giá quyền sử dụng đất để nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.

Tài sản đấu giá là tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (các cơ quan nhà nước,đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội). Tài sản công thuộc nhóm này được điều chỉnh bởi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; các Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; Nghị định số 165/2017/NĐ-CP; Nghị định số 167/2017/NĐ-CP; các Thông tư số 144/2017/TT-BTC; Thông tư số 37/2018/TT-BTC, v.v.. Tùy theo tài sản công là loại tài sản gì và được giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị nào quản lý, xử lý sẽ có thể sẽ được đấu giá theo hình thức bán đấu giá tài sản công, hoặc thanh lý tài sản công bằng bằng hình thức đấu giá; hoặc cho thuê tài sản công bằng hình thức đấu giá.

Tài sản công đấu giá là tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được điều chỉnh bởi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Thi hành án dân sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; các Nghị định số 166/2013/NĐ-CP; Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; Nghị định số 29/2018/NĐ-CP; Nghị định số 33/2020/NĐ-CP, Nghị định số 181/2021/NĐ-CP; các Thông tư số 57/2018/TT- BTC; Thông tư số 144/2017/TT-BTC; Thông tư số 173/2013/TT-BTC, v.v.. tài sản công thuộc nhóm này bao gồm: Tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật (tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; vật chứng vụ án, tài sản khác bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự); tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự; hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan; tài sản của quỹ bị giải thể (tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện bị giải thể nhưng không có quỹ khác có cùng Mục đích hoạt động nhận tài sản chuyển giao hoặc bị giải thể do hoạt động vi phạm Điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự); tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước (tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ nhưng chưa hạch toán ngân sách nhà nước và hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Nhà nước Việt Nam); tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động; tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án.

Tài sản đấu giá là tài sản kết cấu hạ tầng được điều chỉnh bởi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công các Nghị định số 129/2017/NĐ-CP; Nghị định số 43/2018/NĐ-CP; Nghị định số 44/2018/NĐ-CP; Nghị định số 45/2018/NĐ-CP; Nghị định số 46/2018/NĐ-CP; Nghị định số 33/2019/NĐ-CP; Nghị định số 43/2022/NĐ-CP; các Thông tư số 47/2018/TT-BTC; Thông tư số 86/2019/TT-BTC, v.v.. tài sản công thuộc nhóm này bao gồm: Tài sản tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải; tài sản kết cấu hạ tầng hàng không; tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt quốc gia; tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch. Tùy từng trường hợp, tài sản kết cấu hạ tầng có thể được đấu giá theo hình thức đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng, đấu giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng,v.v..

Tài sản đấu giá là tài sản công tại doanh nghiệp gồm: tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý và đã được tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, được điều chỉnh bởi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014; các Nghị định số 91/2015/NĐ-Chính phủ; Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; Nghị định số 32/2018/NĐ-CP; Nghị định số 140/2020/NĐ-CP; Thông tư số 219/2015/TT-BTC, v.v..; và tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh tại doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước; đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm và được miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê; tài nguyên): được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 99 quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Điều 88 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, v.v..

Tài sản đấu giá là tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước có liên quan đến đấu giá được điều chỉnh theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công Nghị định số 70/2018/NĐ-CP; Thông tư số 63/2018/TT-BTC và Thông tư số 10/2019/TT-BTC, v.v.. Liên quan đến việc đấu giá đối với nhóm tài sản này có thể bao gồm việc đấu giá tài sản phục vụ hoạt động của dự án; đấu giá tài sản là kết quả của dự án, đấu giá tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, v.v..

Tài sản đấu giá là hàng dự trữ quốc gia được điều chỉnh theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Dự trữ quốc gia năm 2012; Nghị định số 94/2013/NĐ-CP; Nghị định số 128/2015/NĐ-CP; Thông tư 89/2015/TT- BTC; Thông tư số 92/2018/TT-BTC, v.v…

Tài sản đấu giá là quyền khai thác khoáng sản được điều chỉnh theo quy định của Luật Khoáng sản; Nghị định số 22/2012/NĐ-CP; Nghị định số67/2019/NĐ-CP; Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC, v.v…

Tài sản đấu giá là tần số vô tuyến điện được điều chỉnh theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện; Nghị định số 88/2021/NĐ-CP và Quyết định số 835/QĐ-TTg, v.v..

Ngoài các văn bản pháp luật nêu trên, việc xử lý tài sản công đưa ra đấu giá trong nhiều trường hợp còn phải thực hiện theo những quy định về phân cấp quản lý, xử lý tài sản công của các bộ, ngành, địa phương, như các quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định bán đấu giá tài sản công, phân cấp thẩm quyền quyết định giá khởi điểm, v.v.. Hiện nay, hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền trong quản lý, xử lý TSC để áp dụng trong địa phương mình. Bên cạnh đó, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng đã ban hành quy định về đấu giá quyền sử dụng đất khi nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.

Nghiên cứu quy định của pháp luật về đấu giá tài sản công từ thời điểm Việt Nam ban hành văn bản pháp luật chuyên ngành đầu tiên về đấu giá tài sản (Nghị định số 86/CP năm 1996) trở lại đây, có thể nhận thấy Việt Nam đã ngày càng mở rộng phạm vi các loại tài sản công được bán theo phương thức đấu giá. Đây là xu hướng chung của các nước trên thế giới, xuất phát từ tính ưu việt của việc xử lý tài sản công thông qua đấu giá. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, giữa quy định của Luật đấu giá tài sản và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công lại đang có sự “vênh” nhau. Luật đấu giá tài sản được ban hành năm 2016, trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành và không sử dụng khái niệm “tài sản công”. Tên các tài sản công được liệt kê tại khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá tài sản được quy định theo các văn bản pháp luật chuyên ngành về từng loại tài sản công đưa ra đấu giá, bởi trước đó, các luật được ban hành trước Luật Quản lý, sử dụng tài sản công không sử dụng khái niệm “tài sản công” mà sử dụng nhiều khái niệm khác nhau để quy định về loại tài sản này như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 sử dụng khái niệm “tài sản nhà nước”; Bộ Luật dân năm 2015 đưa ra khái niệm “hình thức sở hữu nhà nước”, “thuộc về Nhà nước”; Luật Giáo dục đại học năm 2012 cũng sử dụng khái niệm “thuộc sở hữu Nhà nước”; Luật Di sản văn hóa năm 2001 lại quy định “thuộc sở hữu toàn dân”, v.v..

Sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành và có hiệu lực, tên một số loại tài sản công trong Luật đấu giá tài sản không phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng, ví dụ như quy định về “Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước” tại điểm a khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá tài sản.Theo quy định tại các Điều 49 và Điều 59 Luật đấu giá tài sản, đây là tài sản không được đấu giá khi chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá. Tên tài sản này đã được Luật đấu giá tài sản quy định theo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 và tương ứng với nhóm tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 1 Điều 4, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực (01/01/2018), căn cứ các quy định tại Luật đấu giá tài sản (Điều 49, 59) và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thì chỉ không đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đối với nhóm tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Một số loại tài sản công khác, ví dụ tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, vẫn thực hiện việc đấu giá khi chỉ có một người theo quy định tại các Điều 49, Điều 59 Luật đấu giá tài sản và Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10/04/2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập, quyền sở hữu của nhà nước. Từ thời điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực, tất cả các tài sản công phải bán thông quan đấu giá đều không được đấu giá trong trường hợp chỉ có một người theo hợp quy định tại Điều 49 và Điều 59 Luật đấu giá tài sản. Do vậy, quy định hiện nay trong Luật đấu giá tài sản về tên một số loại tài sản công không còn phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đã gây ra một số khó khăn trong quá trình áp dụng.

Mặt khác, ngoài những tài sản công đã được liệt kê tại khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá tài sản, đến nay, đã có thêm một số tài sản công được đưa ra đấu giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công nhưng chưa được quy định trong Luật đấu giá tài sản như: tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải; tài sản kết cấu hạ tầng hàng không; tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch. Ngoài ra, một số Bộ ngành hiện cũng đang xây dựng các văn bản pháp luật để trình Chính phủ ban hành các quy định về quản lý, khai thác một số tài sản công qua đấu giá, như: Bộ Công an đang xây dựng đề án đấu giá biển số xe, v.v.. Như vậy, tới đây, sẽ tiếp tục có thêm những tài sản công được đưa ra đấu giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công nhưng chưa được Luật đấu giá tài sản quy định. Do vậy, cần nghiên cứu để sửa đổi cho phù hợp quy định khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá tài sản về tài sản đấu giá làtài sản công.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành