Thứ ba, 09 Tháng 8 2022 00:13

Giới thiệu về minh bạch ngân sách và quản trị nhà nước

Trong quá trình đổi mới, vấn đề minh bạch ngân sách và quản trị Nhà nước nhằm làm tăng hiệu quả ngân sách và huy động sự tham gia của các bên trong việc quản lý nguồn lực cho phát triển, kể cả từ người dân, việc minh bạch ngân sách đã trở thành tất yếu và cần thiết. Xu hướng là càng ngày càng mở cả về thông tin và quá trình xây dựng ngân sách nên nguyên tắc minh bạch là một trong những yêu cầu cơ bản và quan trọng nhất trong quản trị Nhà nước.

Đặc trưng cơ bản của quản trị tốt là nguyên tắc minh bạch, bởi khi đưa ra các quyết định và việc thực hiện các quyết định của Nhà nước phải tuân thủ các luật lệ và quy tắc. Minh bạch trong quản trị Nhà nước có nghĩa là thông tin về quá trình ban hành và thi hành các quyết định đó phải được công khai để mọi người, đặc biệt là những người chịu ảnh hưởng bởi các quyết định đó biết được. Để đảm bảo minh bạch thì các thông tin đã nêu phải được công khai một cách đầy đủ, dưới những dạng thức dễ hiểu, bao gồm trên các phương tiện truyền thông, để mọi người có thể trực tiếp tiếp cận[1].

Trong quy trình lập pháp và trách nhiệm giải trình, minh bạch là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của chính sách và hiệu quả thực thi chính sách vào đời sống xã hội. Các cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm giải trình trước những chủ thể bị ảnh hưởng bởi các quyết định hay hành động của mình. Không thể có trách nhiệm giải trình nếu không tôn trọng và thực hiện các nguyên tắc pháp quyền và sự minh bạch.

Đối với lĩnh vực ngân sách, mối quan hệ giữa công dân và nhà nước là những quyết định về cách những nguồn lực công được huy động và chi tiêu. Những câu hỏi liên quan đến ngân sách rất quan trọng, nó quyết định chiến lược điều hành của Chính phủ đối với nền kinh tế xã hội của một quốc gia. Việc tăng hay giảm chi ngân sách nhà nước có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới cuộc sống của người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế như phụ nữ, người nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số.

Dữ liệu về ngân sách Nhà nước thể hiện được các ưu tiên của nhà nước thông qua các chính sách và chương trình, đây cũng là công cụ kinh tế mạnh mẽ nhất của nhà nước để đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người yếu thế. Minh bạch chu trình ngân sách sẽ đem lại cơ hội cho người dân được tham gia vào tiến trình xây dựng chính sách và phân bố nguồn lực.

Nhà nước cần công bố đầy đủ tất cả các thông tin về ngân sách Nhà nước một cách kịp thời và có hệ thống[2], bởi nếu ngân sách nhà nước không được công khai, minh bạch, thông tin về ngân sách khó tiếp cận và số liệu không đủ độ tin cậy thì không thể phân tích các số liệu này cho việc giám sát và đánh giá hiệu quả của phân bố, sử dụng ngân sách của nhà nước. Khi người dân được tiếp cận thông tin về ngân sách nhà nước, có kỹ năng và có cơ hội tham gia vào quy trình ngân sách cùng với nhà nước sẽ giúp cải thiện chất lượng cung cấp các dịch vụ công và hiệu quả quản trị của nhà nước. Minh bạch ngân sách là công cụ trao quyền cho người dân để ảnh hưởng tới các chính sách, chương trình và phân bố nguồn lực. Minh bạch ngân sách đòi hỏi nhà nước cần chủ động trong quy trình ngân sách và cung cấp các tài liệu ngân sách và thông tin trong tài liệu ngân sách cần được thể hiện đơn giản, dễ hiểu, đảm bảo logic và thân thiện với người dân[3]. Các thông tin ngân sách cũng cần phải được cung cấp một cách kịp thời để người dân có thể tham gia hiệu quả vào chu trình ngân sách.

Hiệu quả quản trị Nhà nước được nâng cao khi có sự tham gia của người dân trong quá trình quản lý ngân sách. Theo nghiên cứu của OECD, khi người dân được tiếp cận thông tin về ngân sách nhà nước, có kỹ năng và có cơ hội tham gia vào quy trình ngân sách cùng với nhà nước và chính quyền địa phương đã dẫn tới những cải thiện đáng kể về cung cấp các dịch vụ công và hiệu quả quản trị của nhà nước[4].

Tác động của mình bạch ngân sách với quản trị nhà nước thể hiện rõ ràng trên các vấn đề sau:

Thứ nhất, minh bạch ngân sách sẽ giúp giảm tham nhũng, tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực công[5]. Nếu ngân sách nhà nước được công khai cho người dân một cách đầy đủ, kịp thời thì sẽ giúp cho việc giảm sát quá trình lập ngân sách, chi tiêu tốt hơn. Nhà nước và chính quyền địa phương ít có khả năng thao túng ngân sách, nhân viên ít có cơ hội để thực hiện các hành vi tham nhũng hơn. Ngân sách nhà nước thể hiện các ưu tiên của nhà nước thành các chính sách và chương trình hành động. Tuy nhiên, ngay cả khi ngân sách đã được phân bố cho các chương trình cụ thể, bao gồm dành cho các nhóm yếu thế, nhóm dễ bị tổn thương thì việc quản lý yếu kém, sử dụng sai mục đích, tham nhũng có thể dẫn tới các khoản ngân sách này không tới được các nhóm thụ hưởng như kỳ vọng của nhà nước.

Thứ hai, minh bạch ngân sách là công cụ giúp tăng niềm tin của người dân về nhà nước. Ở nhiều nơi trên thế giới, nhận thức và thái độ của người dân về nhà nước thường mang tính tiêu cực. Nhà nước trong con mắt của người dân thường gắn với tham nhũng, chất lượng dịch vụ công kém, hệ thống hạ tầng không đảm bảo, sử dụng lãng phí các nguồn lực công. Nếu ngân sách phân bố cho các chính sách và chương trình được công khai cho người dân sẽ giúp cho việc thực thi chính sách được tốt hơn, từ đó tăng niềm tin của người dân với nhà nước.

Thứ ba, minh bạch ngân sách, đặc biệt là minh bạch việc phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước, sẽ giúp người dân giám sát được việc tiến thuế của họ được sử dụng có hiệu quả hay không, đây sẽ là động lực làm tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước vì người dân có thể đóng thuế nhiều hơn để nhà nước thực hiện đúng chức năng của mình nếu họ tin rằng tiền thuế của mình được chi tiêu hợp lý, hiệu quả. Bên cạnh đó, Nhà nước thực hiện công khai, minh bạch ngân sách cũng góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững số 16 về minh bạch, giải trình có sự tham gia của người dân.

Thúc đẩy minh bạch ngân sách cần sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm Quốc hội và HĐND các cấp, cơ quan kiểm toán, các cơ quan truyền thông, các tổ chức xã hội và người dân.

 


[1] Vũ Công Giao và cộng sự, Quản trị nhà nước hiện đại. Những vấn đề lý luận và thực tiễn, 2017, tr. 43.

[2] OECD, 2002. Best practices for Budget transparency.

[3] Tổ chức đối tác về ngân sách quốc tế (International Budget Parntership), The Power of Making Simple : A Good Government Guide to Developing citizen budget. Tal https://www.internationalbudget.org/publications/ the-power-of-making-it-simple-a-government-guide-to-developing-citizens-budgets/

[4] Bellantoni, A., 2014. Citizens' Participation in Public Policy-Making. Paris: OECD. Thi https://siteresources.worldbank.org/EXTSOCIALDEVELOPMENT/Resources/244362-1193949504055/4348035-1352736698664/ BT What Why How.pdf

[5] Worldbank, Budget transparency: What, Why and How? Tai https://siteresources.worldbank.org/ EXTSOCIALDEVELOPMENT/Resources/244362-1193949504055/4348035-1352736698664/BT What Why How.pdf

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành