Thứ năm, 15 Tháng 9 2022 15:19

Kiểm định chất lượng đầu vào công chức ở Hàn Quốc

1. Tổ chức nền công vụ ở Hàn Quốc

Hàn Quốc là một quốc gia châu Á với diện tích 99,392 km và dân số khoảng hơn 50 triệu người. Trong những năm qua, Hàn Quốc đã tiến hành nhiều cải cách trong nền công vụ nhằm hướng tới một nền công vụ chuyên nghiệp và hiệu quả. Năm 2010, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá Hàn Quốc là một trong những quốc gia dẫn đầu về nỗ lực cải cách hành chính.

Số lượng công chức làm việc trong bộ máy công vụ Hàn Quốc khoảng 1.047.000 người (tháng 12/2016), trong đó làm việc trong bộ máy hành pháp là hơn 1.021.000 người. (430.000 trong bộ máy trung ương và hơn 371.000 trong bộ máy địa phương), bộ máy lập pháp là 4.300 người và bộ máy tư pháp khoảng 17.400 người[1]. Cơ quan quản lý nguồn nhân lực công vụ hiện nay ở Hàn Quốc là Bộ Quản lý nhân lực (Ministry of Personnel Management - MPM) được thành lập năm 2014.

Hiện nay, Hàn Quốc đang áp dụng mô hình công vụ chức nghiệp đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực theo hướng “mở, linh hoạt và hiệu quả[2]. Việc làm trong nền công vụ Hàn Quốc được quản lý theo Luật Công vụ quốc gia (sửa đổi năm 2004). Việc làm trong nền công vụ được chia thành hai loại: việc làm theo chức nghiệp, trong đó người lao động được bảo đảm vị trí công việc và có hy vọng được làm việc với tư cách là công chức cho tới khi nghỉ hưu; và việc làm ngoài chức nghiệp, trong đó người lao động không được bảo đảm vị trí công việc suốt đời. Việc làm không cố định được cho phép nhưng phải tuân theo quy định về khu vực tư trong Luật Tiêu chuẩn lao động. Quy định về việc làm thuộc khu vực công và khu vực từ có một số khác biệt. Ngạch công chức, viên chức trong các ngành giáo dục, cảnh sát, lực lượng quân đội, viên chức ngoại giao... có hệ thống việc làm vững chắc, ổn định riêng.

Trong quy định hiện hành, công chức Hàn Quốc được chia thành 9 bậc từ cao đến thấp, trong đó, bậc 1 là cao nhất và bậc 9 là thấp nhất. Hệ thống bậc được áp dụng đối với các nhóm nghề kỹ sư và hành chính: bậc cao nhất ứng với vị trí Bộ trưởng, thứ trưởng; bậc 1-2 tương ứng Tổng cục trưởng; bậc 3-4 tương ứng với người đứng đầu một cục, vụ, sở; bậc 5 tương ứng với cấp phó của người đứng đầu một cục, vụ, sở; và bậc 6-9 tương ứng với nhân viên.

Các nhóm nghề khác sử dụng một hệ thống bậc với tên gọi “bậc tương đương” để xác định vị trí của nhân viên tương ứng với những nhân viên thuộc nhóm nghề hành chính. Ví dụ, hiệu trưởng trường học công, trưởng đồn công an, nhà nghiên cứu đứng đầu ban, ngành trong các cơ quan nghiên cứu đều được xem là tương đương với một nhân viên bậc 4 trong nhóm nghề hành chính (trưởng ban của một cơ quan chính quyền trung ương). Trình độ chuyên môn và cấp bậc của từng vị trí thuộc chính quyền được quy định nghiêm ngặt.

2. Kiểm định chất lượng đầu vào công chức ở Hàn Quốc

Truyền thống tuyển dụng người làm việc trong bộ máy nhà nước ở Hàn Quốc đã có hơn 1.200 năm, khởi đầu từ năm 788 dưới thời Vua Wonseong[3]. Hàn Quốc sử dụng hệ thống tuyển dụng theo mô hình chức nghiệp tương đối nhiều hơn so với mức trung bình của các quốc gia OECD.

Quá trình tuyển dụng cạnh tranh được thực hiện đối với công chức các nhóm 5, 7 và 9 bằng các bài thi viết và phỏng vấn theo nguyên tắc bình đẳng về cơ hội, khách quan, công bằng. Chẳng hạn, đối với công chức nhóm 5, kỳ thi được thực hiện qua 03 vòng như được thể hiện ở Bảng dưới đây:

Bảng Quy trình tổ chức thi tuyển cho nhóm 5

Kỳ thi mở, cạnh tranh
Công bằng về cơ hội, quy trình lựa chọn công bằng, thi viết và phỏng vấn
Vòng 1

Câu hỏi nhiều lựa chọn (Trắc nghiệm)

Năng lực công chức (PSAT), tiếng Anh, lịch sử Hàn Quốc, Hiến pháp

Vòng 2

Câu hỏi dạng viết luận

-         Luật hành chính, Kinh tế học, Khoa học chính trị, Hành chính công và một chủ đề lựa chọn (chính sách công, lý thuyết về hệ thống thông tin, lý thuyết phương pháp toán học)

-         Các chủ đề khác về lĩnh vực chức năng của hành chính công nói chung

Vòng 3

Phỏng vấn năng lực

-         Thảo luận nhóm, trình bày cá nhân, phỏng vấn cá nhân

-         Đánh giá về quan điểm/năng lực, chuyên môn, tiềm năng sáng tạo và triển vọng phát triển với vị trí là công chức

Thời gian phỏng vấn cá nhân: 4 tiếng với công cức bậc 5, 2 tiếng với công chức bậc 7, 50 phút đối với công chức bậc 9

Nguồn: https://www.slideshare.net/RidhoFitrahHyzkia/the civil-service-system-of-the-republic-of-korea

Trong các cuộc thi cạnh tranh để trở thành công chức này, mức độ cạnh tranh rất cao. Năm 2010, tỷ lệ tuyển dụng cạnh tranh là 44,7%. Năm 2018, tỷ lệ chọn trong kỳ thi tuyển công chức cho thành phố Seoul còn cao hơn nhiều, tới 1/80. Chính quyền Seoul cho biết có khoảng 85.000 người nộp đơn dự tuyển ngày 20/7, bao gồm 40.000 người đến từ các tỉnh khác, để thi tuyển vào 1.133 vị trí[4]. Các mục tiêu tuyển dụng chú trọng tới giới tính, người khuyết tật và các nhóm có thu nhập thấp. Nếu tỷ lệ một giới vượt qua kỳ thi tuyển dụng thấp hơn 30% thì các ứng viên bổ sung của giới kia sẽ được tuyển dụng. Ngoài ra, 1% chỉ tiêu trong tổng số nhân viên mới dành cho những nhóm có thu nhập thấp và 3% chỉ tiêu dành cho người khuyết tật.

Nhân viên được tuyển chọn thông qua các kỳ thi tuyển dựa trên lý thuyết mở. Các vị trí cấp cao trong hệ thống công vụ chỉ dành cho các công chức trên bậc 3. Có hai loại hình thi tuyển khác nhau trước khi tuyển dụng: kỳ thi cạnh tranh mở và kỳ thi cạnh tranh về kinh nghiệm làm việc. Kỳ thi mở dành cho các cá nhân không có kinh nghiệm làm việc, trong khi kỳ thi về kinh nghiệm làm việc dành cho các nhà chuyên môn hoặc những người có kinh nghiệm (các Điều 8, 31 Luật Công vụ quốc gia).

Chế độ tuyển dụng, tiến cử nhân lực từ địa phương. được thực hiện từ năm 2005 làm cho cách thức tuyển dụng công chức nhà nước trở nên đa dạng, tạo nên sự thay đổi tích cực như tăng cường tính đại diện cho các vùng, miền địa phương trong các cơ quan nhà nước.

Yêu cầu về độ tuổi tối thiểu đối với các kỳ thi tuyển công chức của Hàn Quốc là từ đủ 20 tuổi đối với bậc 5 và bậc 7, từ đủ 18 tuổi đối với bậc 9. Giới hạn độ tuổi tối đa đã bị bãi bỏ vào ngày 01/01/2009. Do trước đây, giới hạn độ tuổi từ 20 đến 32 tuổi đối với bậc 5; từ 20 đến 35 tuổi đối với bậc 7; từ 18 đến 32 tuổi đối với bậc 9 nên số lượng các công chức mới ngoài 40 đến 50 tuổi đang gia tăng[5].

 


[1]https://www.slideshare.net/RidhoFitrahHyzkia/the-civil-service system-of-the-republic-of-korea

[2]Ngô Thành Can, Hoàng Vĩnh Giang: "Đặc điểm của hệ thống công vụ chức nghiệp Hàn Quốc". Tạp chí Tổ chức nhà nước điện tử, ngày 07/10/2015.

[3]https://www.slideshare.net/RidhoFitrahHyzkia/the-civil-service system-of-the-republic-of-korea.

[4]http://carverbuilder.vn/vitalenicommunity/tuyen-cong-thuc seoul-80-chon-1.35A50A6A.html

[5]Ngô Thành Can, Hoàng Vĩnh Giang: “Đặc điểm của hệ thống công vụ chức nghiệp Hàn Quốc", Tlad. 2. Xem Đặng Khắc Ánh (Chủ biên): Hành chính so sánh, Nxb. Bách khoa, Hà Nội, 2017

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành