Thứ năm, 14 Tháng 7 2022 23:00

Khái quát về nguyên tắc giám sát của cơ quan dân cử đối với hoạt động tố tụng của một số nước trên thế giới

Xuất phát từ nguyên quyền lực nhà nước phải được giám sát nên vấn đề kiểm soát hoạt động trong tố tụng hình sự cũng được đặt ra các quốc gia trên thế giới.Tuy nhiên, việc kiểm soát quyền lực trong tố tụng hình sự ở các quốc gia là không giống nhau, bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mô hình tổ chức, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, hình tố tụng hình sự các nước không giống nhau.

1. Hợp chủng quốc HoaKỳ

Hoa Kỳ có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ “tạo ra một cơ chế “kìm chế và đối trọng” giữa các cành quyền lực của Hiến pháp Mỹ là một biểu hiện rõ nét sự hạn chế quyền lực nhà nước của bản hiến pháp này”[1]. Tố tụng hình sự (TTHS)Hoa Kỳ được thiết kế theo mô hình tố tụng hình sự tranh tụng triệt để. Mô hình tranh tụng tự nó đã thiết kế cơ chế giám sát các hoạt động tố tụng hình sự của các chủ thể tham gia quá trình tố tụng hình sự. Các chủ thể có chức năng buộc tội, gỡ tội và xét xử theo cơ chế ba bên. Cơ chế này tạo điều kiện để bên buộc tội và bên gỡ tội luôn cọ xát, tranh tụng với nỗ lực cao nhất của mình, bằng các phương thức khác nhau để làm rõ sự thật vụ án, Tòa án là bên độc lập phán xét trên cơ sở lập luận, chứng cứ của hai bên đưa ra. Hoa Kỳ không có cơ quan độc lập kiểm sát hoạt động tố tụng hình sự trong quá trình giải quyết vụ án cụ thể. Đó là sự kiểm soát của bên gỡ tội đối với bên buộc tội và ngược lại; “Tòa án tối cao liên bang có thể kiểm soát hoạt động của các Tòa án khác thông qua thẩm quyền giải quyết các kháng nghị về tất cả các quyết định của Tòa án liên bang, quyền xét xử lại các vụ việc mà các Tòa án khác đã xét xử”[2].

Giám sát hoạt động TTHS của Hoa Kỳ nằm trong cơ chế kiểm soát quyền tư pháp thuộc lớp giám sát bên ngoài hệ thống TTHS:

“Tòa án cũng phải chịu sự kiểm soát của Nghị viện và nếu thẩm phán lạm dụng công quyền thì họ sẽ bị Hạ viện khởi tố và Thượng viện xét xử. Nếu bị kết án, họ sẽ bị cách chức và sẽ không có quyền giữ một chức vụ nào khác”[3]. Sự kiểm soát đối với tư pháp ở Hoa Kỳ được thể hiện ở các khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, kiểm soát thông qua cơ chế bổ nhiệm Thẩm phán: Tổng thống là người đề cử Thẩm phán liên bang và được Thượng viện phê chuẩn (theo quy định tại Mục 2 Điều 2 Hiến pháp Hoa Kỳ). Cách thức chọn lựa Thẩm phán của các bang lại rất đa dạng. Cụ thể, có bang, việc lựa chọn được tiến hành bằng hình thức bổnhiệm (do Thống đốc bang bổ nhiệm), có bang việc lựa chọn được tiến hành bằng cơ chế bầu cử theo đảng phái hoặc không theo đảng phái.

Thứ hai, sự kiểm soát tư pháp của Hoa Kỳ được thực hiện bằng bộ quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ Thẩm phán để phòng tránh các trường hợp xảy ra xung đột lợi ích (conflicts of interests). Ví dụ: Thẩm phán phải tuân thủ các quy định việc minh bạch hóa những món quà mà Thẩm phán được tặng, các khoản thu nhập ngoài lương mà Thẩm phán có được từ các hoạt động liên quan tới nghề nghiệp. Thẩm phán cũng phải thực hiện việc công khai hóa tài sản và thu nhập của mình để công chúng có thể biết và kiểm soát. Theo quy định tại Điều 455 ộ pháp điển số 28, Thẩm phán phải từ chối thụ lý và giải quyết các vụ việc mà do có lợi ích liên quan nên không bảo đảm tính vô tư, khách quan, độc lập trong quá trình giải quyết vụ việc. Các quy định tương tự cũng tồn tại trong các đạo luật của các bang quy định về hành vi của Thẩm phán.

Thứ ba, tư pháp ở Hoa Kỳ được kiểm soát bởi các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực tư pháp. Liên đoàn luật sư Hoa Kỳ còn thiết lập riêng một Ủy ban thường trực về Tư pháp độc lập (Standing Committee on Judicial Independence - SCJI) với các nhiệm vụ như: hỗ trợ các Tòa án và các đoàn luật sư phát hiện, phòng ngừa và phản ứng lại với các biểu hiện vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử; nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của tư pháp độc lập và việc chọn lựa các Thẩm phán có đủ phẩm chất, năng lực phù hợp làm việc cho hệ thống Tòa án Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy nguyên tắc pháp quyền; tiếp nhận và xử lý, hỗ trợ xử lý các khiếu nại từ các đoàn luật sư cáo buộc về các hành vi vi phạm nguyên tắc độc lập tư pháp [https://www.americanbar.org/groups/committees/american_judicial_system].

2. Vương quốc Anh

Nhà nước có chính thể Quân chủ Đại nghị với cơ chế phân quyền rõ rệt. Nghị viện kiểm soát hoạt động của Chính phủ và “hình thức kiểm soát đặc biệt nhất là bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ”, “Thủ tướng có thể đề nghị Nữ hoàng giải tán Hạ viện và tuyển cử Hạ viện mới trong trường hợp Nghị viện bất tín nhiệm Chính phủ”[4]. Với Tòa án, “Hệ thống Tòa án đặt dưới sự lãnh đạocủa Chủ tịch Thượng viện. Vị Chủ tịch này vừa là Chánh án Tòa án tối cao, vừa là thành viên của Chính phủ”[5].

“Riêng đối với Tòa án thì Nhà Vua và Chủ tịch Thượng viện sẽ bổ nhiệm thẩm phán theo đề nghị của Chính phủ và Thượng viện thì trở thành cơ quan tối cao phán quyết, xét xử các vụ việc bị kháng án của tất cả các tòa án, là tòa đưa ra quyết định cuối cùng và không bị kháng án”[6].

Cơ quan giám sát của Nghị viện ở Vương quốc Anh đó là cơ quan Thanh tra Nghị viện được gọi chính thức là Uỷ viên hội đồng về quản lý hành chính của Nghị viện, có nhiệm vụ điều tra các khiếu nại của công dân được chuyển đến qua các nghị sỹ, khi cho rằng có sự bất công do quản lý điều hành kém. Trong quá trình điều tra, Thanh tra Nghị viện có quyền tiếp xúc với tài liệu của tất cả các bộ và triệu tập những người mà Thanh tra muốn thu thập chứng cứ. Khi điều tra kết thúc, Thanh tra gửi báo cáo cùng với những phát hiện của mình tới nghị sĩ đã chuyển đơn khiếu nại (cùng với bản sao cho người khiếu nại). Trong các báo cáo có liên quan tới vấn đề xét xử, Thanh tra Nghị viện có kiến nghị cơ quan có liên quan sửa chữa (điều này có thể bao gồm kiến nghị bồi thường về tài chính cho người khiếu nại trong một số trường hợp thích ứng) không có kháng cáo đối với Thanh tra Nghị viện. Thanh tra Nghị viện gửi báo cáo hàng năm tới Nghị viện.

3. Cộng hòa Pháp

Bộ máy nhà nước của Pháp được tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân lập để kiểm soát quyền lực nhà nước. Quốc hội Pháp gồm hai viện với chức năng lập pháp và kiểm soát hoạt động Chính phủ. Tổng thống có thể tuyên bố giải tán Nghị viện (nhưng không thể giải tán quá một lần mỗi năm).

“Nghị viện có thể thành lập một Tòa án cấp cao để xét xử Tổng thống và các thành viên chính phủ khi họ phạm tội phản bội Tổ quốc hoặc các tội phạm hình sự khác”[7]. Các thành viên của Tòa án này được lựa chọn từ các nghị sĩ của hai viện với số lượng ngang nhau.

Tòa phá án đặt tại thủ đô Paris là Tòa án cấp cao nhất để kiểm soát hoạt động hệ thống Tòa án thường (ngoài Tòa án cấp cao do Nghị viện thành lập và Tham chính viện - đứng đầu của hệ thống Tòa Hành chính). Tòa phá án không xem xét nội dungcụ thể vụ án mà chỉ xem xét việc áp dụng pháp luật tố tụng một cách chính xác, bản án xét xử không đúng thủ tục bị hủy bỏ và giao hồ sơ về cho Tòa án xét xử lại.

“Kiểm soát toàn bộ hoạt động của cơ quan tư pháp là Hội đồng thẩm phán tối cao do Tổng thống làm chủ tọa, Bộ trưởng Bộ tư pháp là Phó Chủ tịch và có thể thay thế Tổng thống. Hội đồng này gồm 9 hội viên do Tổng thống bổ nhiệm với nhiệm kỳ 4 năm”[8]. Hội đồng thẩm phán tối cao có quyền: “bổ nhiệm các thẩm phán Tòa phá án và các chánh tòa phúc thẩm, phát biểu ý kiến về sự bổ nhiệm các thẩm phán khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ tư pháp, kỷ luật hoặc trừng phạt các thẩm phán vi phạm pháp luật”[9].

Như vậy, theo mô hình của Cộng hòa Pháp: kiểm soát thủ tục tố tụng của các Tòa án thường do Tòa phá án thực hiện (không xem xét nội dung vụ án). Kiểm soát toàn bộ hoạt động của các cơ quan tư pháp là Hội đồng thẩm phán tối cao do Tổng thống làm Chủ tịch Hội đồng, Hội đồng này kiểm soát về việc bổ nhiệm, xử lý vi phạm đối với thẩm phán. Hoạt động giám sát không xem xét các vụ án cụ thể để đảm bảo độc lập xét xử của Tòa án.

4. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc)

Trung Quốc tổ chức nhà nước theo nguyên tắc tập quyền, quyền lực nhà nước tập trung ở Đại hội đại biểu nhân dân (Quốc hội). Quốc hội giám sát tối cao đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước. Mô hình tố tụng hình sự Trung Quốc về cơ bản là mô hình tố tụng thẩm vấn có kết hợp yếu tố tranh tụng. Cả ba cơ quan: Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án đều có quyền thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội; bị can, bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội.

Giám sát hoạt động tư pháp được Quốc hội giao cho Viện kiểm sát. Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện trưởng Viện kiểm sát do Quốc hội bầu và chịu trách nhiệm trước Quốc hội; Viện kiểm sát địa phương chịu sự giám sát của Đại hội Đại biểu nhân dân địa phương. Viện kiểm sát giám sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) của Trung Quốc chịu sự kiểm sát của Việnkiểm sát, đồng thời chịu sự giám sát của chính quyền địa phương, phụ thuộc chính quyền địa phương về ngân sách và nhân sự.

“Theo quy định tại Điều 5 Luật tố tụng hình sự Trung Quốc thì Tòa án nhân dân thực hiện chức năng xét xử độc lập theo luật và không bị can thiệp bởi bất kỳ cơ quan hành chính, tổ chức hoặc cá nhân nào. Tuy nhiên, trên thực tế Tòa án không được hoàn toàn độc lập. Hoạt động của Tòa án bị giám sát bởi Ủy ban pháp luật chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc”[10]. Như vậy, thực hiện giám sát hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng ngoài Viện Kiểm sát còn có cơ quan của Đảng cộng sản Trung Quốc giám sát, việc giám sát có thể bao gồm đối với cả những vụ án cụ thể.

5. Liên bang Nga

Cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp của Liên bang Nga được giao cho Viện kiểm sát. Cơ quan này có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Theo quy định tại Điều 1 Luật Viện kiểm sát Nga năm 1996: “Viện kiểm sát Liên bang Nga là một hệ thống các cơ quan được xây dựng theo nguyên tắc tập trung thống nhất, nhân danh Liên bang Nga thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân thủ pháp luật đối với tất cả các đạo luật đang có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga”[11]. Có lưu ý là, Viện kiểm sát không thực hiện kiểm sát động xét xử của Tòa án và những người tham gia tố tụng trong tố tụng dân sự và tố tụng hình sự. Đây là quy định đảm bảo hoạt động độc lập của Tòa án.

Từ các việc nghiên cứu mô hình giám sát tư pháp ở một số quốc gia trên thế giới, rút ra một số kết luận sau đây:

Thứ nhất, việc kiểm soát quyền lực tư pháp đã trở thành quy luật mang tính khách quan trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở các quốc gia. Cho dù quyền tư pháp luôn đề cao tính độc lập nhưng không có nghĩa là nó không bị kiểm soát. Bởi lẽ: “Nếu không giới hạn quyền tư pháp thì ngành tư pháp sẽ lộng quyền, công lý sẽ không được bảo đảm, xã hội sẽ rơi vào chế độ pháp trị chuyên chế”[12].

Thứ hai, cơ chế kiểm soát quyền tư pháp ở các quốc gia phụ thuộc vào quan niệm về quyền tư pháp với tất cả các đặc điểm của nó, phụ thuộc vào nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước đó là nguyên tắc phân quyền. Việc kiểm soát quyền tư pháp trong cơ chế phân quyền là hết sức mềm dẻo. Theo đó, kiểm soát quyền lực nhà nước đối với tư pháp từ phía lập pháp và hành pháp là không rõ rệt. Nói cách khác sự độc lập tư pháp được tuyệt đối tôn trọng. Lập pháp, hành pháp kiểm soát tư pháp chủ yếu là kiểm soát về mặt tổ chức, kinh phí chứ tuyệt đối không can thiệp hoạt động có tính chất chuyên môn của tư pháp.

Thứ ba, cơ chế kiểm soát hiệu quả nhất đối với tư pháp ở các nước phân quyền đó chính là cơ chế tự kiểm soát bên trong của hệ thống tố tụng hình sự mà mô hình tố tụng hình sự tranh tụng được coi là có khả năng tự kiểm soát rất hiệu quả. Đó là sự kiểm soát của bên gỡ tội đối với bên buộc tội và ngược lại; sự kiểm soát của tòa cấp trên với tòa cấp dưới theo cơ chế tố tụng chứ không phải cơ chế hành chính.

Thứ tư, cơ chế kiểm soát tư pháp ở các nước được thực hiện bằng các cơ chế đa dạng trong đó cơ chế giám sát bên ngoài đặc biệt là giám sát của dư luận được coi trọng và có hiệu quả cao. Cơ chế này đề cao tính minh bạch trong hoạt động tư pháp và trách nhiệm giải trình của các cơ quan tư pháp.

 


[1]Nguyễn Đăng Dung (2005), Sự hạn chế quyền lực nhà nước, NX Đại họcQuốc gia Hà Nội, tr.237

[2]Nguyễn Chí Dũng (2009), Cơ chế pháp lý giám sát hoạt động tư pháp ở ViệtNam, Luận án tiến sĩ Luật, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr.53

[3]Nguyễn Thị Hồi (2003), “Kinh nghiệm nước ngoài về kiểm soát quyền lực nhà

nước”, Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay, NX Công an nhân dân, tr.513

[4]Nguyễn Thị Hồi (2003), “Kinh nghiệm nước ngoài về kiểm soát quyền lực nhà

nước”, Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay, NX Công an nhân dân, tr.503

[5]Nguyễn Chí Dũng (2009), Cơ chế pháp lý giám sát hoạt động tư pháp ở ViệtNam, Luận án tiến sĩ Luật, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr.52

[6]Nguyễn Thị Hồi (2003), “Kinh nghiệm nước ngoài về kiểm soát quyền lực nhà

nước”, Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay, NX Công an nhân dân, tr.503

[7]Nguyễn Thị Hồi (2003), “Kinh nghiệm nước ngoài về kiểm soát quyền lực nhà

nước”, Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay, NX Công an nhân dân, tr.516

[8]Nguyễn Thị Hồi (2003), “Kinh nghiệm nước ngoài về kiểm soát quyền lực nhà

nước”, Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay, NX Công an nhân dân, tr.518

[9]Nguyễn Thị Hồi (2003), “Kinh nghiệm nước ngoài về kiểm soát quyền lực nhà

nước”, Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay, NX Công an nhân dân, tr.519

[10]Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/79/142.

[11]Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, http://tks.edu.vn/thong-tin- khoa-hoc/chi-tiet/120/313

[12]Nguyên Đăng Dung (2018), “Sự giới hạn của quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền”, Kỷ yếu Hội thảo Chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội,tr.17

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành