Thứ năm, 11 Tháng 8 2022 00:10

Phân loại nợ của tổ chức tín dụng từ góc nhìn của nhà làm luật

Phân loại nợ là việc các tổ chức tín dụng căn cứ vào các tiêu chí nhất định để đánh giá mức độ rủi ro của các khoản cho vay và các cam kết ngoại bảng, trên cơ sở đó phân loại nợ vào các nhóm thích hợp. Hay nói cụ thể hơn, phân loại nợ là việc các tổ chức tín dụng sắp xếp các khoản nợ vào các nhóm tương ứng với mức rủi ro của từng khách hàng trên cơ sở kết quả phân tích đánh giá về khách hàng[1].

Có thể nói rằng, trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng việc phân loại nợ chính xác có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi lẽ nếu việc phân loại khoản nợ thiếu chính xác thì sẽ gây bất lợi cho cả hai bên chủ thể trong hợp đồng tín dụng đó. Cụ thể là, về phía khách hàng nếu việc phân loại nợ vào nhóm có mức độ rủi ro cao hơn mức rủi ro tương ứng của khách hàng sẽ có khả năng làm giảm uy tín của khách hàng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ. Trong khi đó, bản thân các tổ chức tín dụng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro cao hơn, làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến lợi nhuận củatổ chức tín dụng.

Về vấn đề này, có quan điểm cho rằng: “Phân loại nợ được hiểu là quá trình các ngân hàng xem xét lại các danh mục cho vay của mình và đưa các khoản vay vào các nhóm khác nhau dựa trên rủi ro và các đặc điểm tương đồng khác của khoản vay”[2].

Phân loại nợ của tổ chức tín dụng thực chất là hoạt động của các tổ chức tín dụng căn cứ vào các tiêu chí về định tính (khả năng trả nợ của khách hàng) và tiêu chí định lượng (thời gian quá hạn trả nợ) để nhằm mục đích xác định rủi ro và khả năng thu hồi khoản nợ. Việc thường xuyên xem xét và phân loại nợ giúp cho các tổ chức tín dụng có thể kiểm soát chất lượng danh mục cho vay của mình và trong trường hợp cần thiết sẽ có các biện pháp xử lý các vấn đề phát sinh một cách kịp thời, từ đó tránh hoặc giảm thiểu tối đa rủi ro tín dụng có thể xảyra.

Trên thực tế, hoạt động phân loại nợ thường được áp dụng đối với các khoản nợ phát sinh trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng. Với mục đích của hoạt động phân loại nợ là hạn chế và phòng ngừa thấp nhất tổn thất, xác định rủi ro và khả năng thu hồi khoản nợ thì tổ chức tín dụng sẽ dự liệu và đưa ra phương án để hạn chế rủi rothông qua việc trích lập dự phòng rủi ro. Dự phòng rủi ro là số tiền được trích lập và hạch toán vào chi phí hoạt động để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra đối với nợ của tổ chức tín dụng. Dự phòng rủi ro gồm dự phòng cụ thể và dự phòng chung. Dự phòng cụ thể là số tiền được trích lập để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra đối với từng khoản nợ cụ thể. Dự phòng chung là số tiền được trích lập để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra nhưng chưa xác định được khi trích lập dự phòng cụ thể[3].

Thông thường, các ngân hàng thường sử dụng hệ thống phân loại nội bộ phức tạp hơn các hệ thống phân loại qui định bởi các nhà giám sát ngân hàng. Việc phân loại và lập dự phòng gây nhiều khó khăn cả về mặt lý thuyết lẫn thực tế cho nên các quốc gia các sự lựa chọn rất đa dạng cho hệ thống phân loại và lập dự phòng[4].

Laurin, A., Majnoni, G., Ferencz, G., Maimbo, S., Shankar, R., & Wane, F. (2002)[5], cũng đã khẳng định về việc phân loại nợ và lập dự phòng. Theo đó, mặc dù đã có những điểm tương đồng, nhưng vẫn chưa có qui định và tiêu chuẩn quốc tế thống nhất được thừa nhận. Ví dụ về cách phân loại nợ và tỉ lệ trích lập dự phòng đã xuất hiện trong khuôn khổ pháp lý ở nhiều quốc gia, nhưng ở từng quốc gia lại có những sự khác biệt. Chẳng hạn: Các ngân hàng ở Đức được yêu cầu phân loại nợ thành 4 nhóm và qui định dự phòng cụ thể cho cả 4 nhóm này, bao gồm: Cho vay không rủi ro – loans with no discernible; Cho vay có dấu hiệu rủi ro - loans with inscreased latent risk; Nợ có dấu hiệu không thu hồi - nonperforming loans; và (iv) Nợ xấu – bad loans. Trong khi đó, ở Nhật Bản nợ được phân loại thành 5 nhưng chỉ qui định dự phòng cụ thể cho 3 nhóm cuối với tỉ lệ lần lượt là 15%; 70% và 100%. Còn ở Trung Quốc nợ cũng được phân loại thành 5 nhóm, qui định cả dự phòng chung và dự phòng cụ thể. Tỉ lệ dự phòng lần lượt cho cả 5 nhóm là: 1%, 3%, 25%, 75% và 100%. Hay ở Tây Ban Nha nợ được phân thành 6 nhóm, có qui định dự phòng chung với tỉ lệ trích lập dự phòng là 0,51% và qui định dự phòng cụ thể cho 3 nhóm cuối là 10%, 25-100%, 100%. Lý giải về sự khác biệt này giữa các quốc gia hay nói cách khác việc phân loại nợ không dựa trên một khung cụ thể, thống nhất, theo Laurin và các tác giả, đó là bởi các nhà giám sát ngân hàng đã sửa đổi cách phân loại để phù hợp với yêu cầu giám sát của họ[6].

Ngân hàng thanh toán quốc tế (Bank for International Settlements - BIS) vớihệ thống phân loại nợ gồm 5 nhóm nợ đang được sử dụng rộng rãi,đó là: Nợ đủ tiêu chuẩn (Khoản vay khả năng được thanh toán); Nợ cần chú ý đặc biệt (Các khoản cho vay với doanh nghiệp mà có thể khó khăn trong việc thu hồi); Nợ dưới chuẩn (Các khoản cho vay tiền lãi hoặc gốc thanh toán đã quá hạn 3 tháng. Ngân hàng sẽ trích tỉ lệ 10% dự phòng cho các khoản vay bịxếp vào loại dưới chuẩn); Nợ nghi ngờ (Là những khoản vay nghi ngờ trong việc thanh toán được xác định sẽ gây ra tổn thất. Ngân hàng trích tỉ lệ dự phòng 50% cho các khoản cho vay nghi ngờ); (v) Nợ khả năng mất vốn (Các khoản nợ được đánh giá không khả năng thu hồi được áp dụngcác biện pháp bảo vệ theo Luật phá sản. Các ngân hàng sẽ trích tỉ lệ dự phòng 100% cho các khoản vay này)[7].

Ngân hàng thế giới (World Bank - WB) cũng phân loại nợ thành 5 nhóm dựa trên các tiêu chí về thời gian quá hạn trả nợ và khả năng trả nợ. Cụ thể như sau: Nhóm 1: Nợ đạt tiêu chuẩn: Là những khoản nợ không nghi ngờ gì về khả năng trả nợ. Tài sản bảo đảm hoàn toàn bằng tiền hoặc tương đương. Quá hạn dưới 90 ngày; Nhóm 2: Nợ cần theo dõi: Là những khoản nợ có những điểm yếu tiềm tàng có thể ảnh hưởng tới khả năng trả nợ. Những khoản nợ đã được thỏa thuận lại. Quá hạn dưới 90 ngày; Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn: Là những khoản nợ có nhược điểm rõ rệt về tín dụng có thể ảnh hưởng tới khả năng trả nợ. Những khoản nợ đã được thỏa thuận lại. Quá hạn từ 90-180 ngày; Nhóm 4: Nợ đáng ngờ: Là những khoản nợ không chắc thu hồi được toàn bộ nợ dựa trên các điều kiện hiện tại. Có khả năng thất thoát. Quá hạn từ 180-360 ngày; Nhóm 5: Nợ mất vốn: Là những khoản nợ không thu hồi được. Quá hạn hơn 360ngày.

Ở Việt Nam, các tổ chức tín dụng dựa trên các tiêu chí phân loại được đưa ra bởi cơ quan có thẩm quyền và dựa vào hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ do chính tổ chức tín dụng xây dựng và cập nhật hàng năm để tự thực hiện phân loại nợ. Đồng thời, kết quả phân loại nợ của tổ chức tín dụng cũng có sự điều tiết của bên thứ ba độc lập là Trung tâm Thông tin tín dụng của ngân hàng Nhà nước (CIC) nhằm đảo bảo nguyên tắc cơ bản là một khách hàng trong nền kinh tế chỉ thuộc một nhóm nợ, hoặc thuộc một nhóm xếp hạng tín dụng. Theo đó, việc phân loại nợ có thể dựa trên phương pháp định lượng hoặc phương pháp định tính hoặc kết hợp cả hai phương pháp nêu trên với 5 nhóm nợgồm: Nợ đủ tiêu chuẩn: Là những khoản nợ trong hạn hoặc quá hạn dưới 10 ngày. Nợ có khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi vay đúng hạn; Nợ cần chú ý: Là những khoản nợ quá hạn từ 10-90 ngày. Nợ điều chỉnh hạn trả nợ lần đầu. Nợ có khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi nhưng có dấu hiệu suy giảm khả năng trả nợ;Nợ dưới tiêu chuẩn: Là những khoản nợ quá hạn từ 91-180 ngày. Nợ gia hạn lần đầu. Miễn hoặc giảm lãi. Nợ không có khả năng thu hồi nợ gốc và lãi khi đến hạn. Có khả năng tổn thất; Nợ nghi ngờ: Là những khoản nợ quá hạn từ 181- 360 ngày. Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu nhưng lại tiếp tục quá hạn dưới 90 ngày. Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai… Có khả năng tổn thất cao; Nợ có khả năng mất vốn: Là những khoản nợ quá hạn trên 360 ngày. Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu nhưng lại tiếp tục quá hạn từ 90 ngày trở lên. Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai nhưng lại quá hạn. Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên. Nợ không có khả năng thu hồi, mất vốn[8].

Như vậy, hoàn toàn đồng ý với quan điểm của tác giả Đinh Thị Thanh Vân[9] khi cho rằng, cách phân loại nợ, cách xếp các nhóm nợ của tổ chức tín dụng ở Việt Nam có sự thống nhất với nhiều quốc gia trên thế giới (Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Singapore). Hay nói cách khác, phân loại nợ của tổ chức tín dụng ở Việt Nam được xác định theo sát thông lệ quốc tế là phù hợp và cho dù phân loại nợ theo phương pháp định lượng hay định tính thì các khoản nợ xấu (nợ thuộc các nhóm 3, 4, 5) vẫn có tỉ lệ trích lập dự phòng cao hơn các nhóm nợ khác (tương ứng 20%, 50% và100%).

 


[1]Lê Thị Thu Thủy (chủ biên) (2016), Sách chuyên khảo: Pháp luật về các biện pháp hạn chế rủi ro trong hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng ở Việt Nam và một số nước trên thế giới, NxbĐHQGHN, tr.38

[2]Đinh Thị Thanh Vân (2012), “Nợ xấu, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo qui định Việt Nam và thông lệ quốc tế’, Tạp chí Tài chính ngân hàng (79),tr.7-15

[3]Ngân hàng nhà nước (2013), Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam qui định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, HàNội

[4]BCBS – Basel Committee on Banking supervision (2006), Sound credit risk assessment and valuation for loans, BIS Press and Communication, Basel, Switzerland

[5]Laurin, A., Majnoni, G., Ferencz, G., Maimbo, S., Shankar, R., & Wane, F. (2002), Bank loan classification and provisioning practices in selected developed and emerging countries, Basel Core Principles LiaisonGroup

[6]Laurin, A., Majnoni, G., Ferencz, G., Maimbo, S., Shankar, R., & Wane, F. (2002), Bank loan classification and provisioning practices in selected developed and emerging countries, Basel Core Principles LiaisonGroup

[7]Nguyễn Thị Hoài Phương (2012), Quản lý nợ xấu tại các NHTM Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, HàNội

[8]Ngân hàng nhà nước (2013), Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam qui định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, HàNội

[9]Đinh Thị Thanh Vân (2012), “Nợ xấu, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo qui định Việt Nam và thông lệ quốc tế’, Tạp chí Tài chính ngân hàng (79),tr.7-15.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành