Thứ sáu, 21 Tháng 10 2022 17:27

Một số tiêu chí nhằm đánh giá mức độ hoàn thiện của chế định trưng cầu dân ý

Tính toàn diện

Mức độ đầy đủ của hệ thống quy phạm, nguyên tắc, định hướng và mục đích của pháp luật, đây được xem là tiêu chuẩn đầu tiên và định lượng[1] quan trọng để đánh giá. Tính toàn diện của chế định phải được thể hiện cả ở mức độ chung và mức độ cụ thể trong nội dung các quy định, điều khoản. Ở mức độ chung chế định trưng cầu dân ý phải thể hiện đầy đủ ở việc quy định chi tiết đối tượng áp dụng; nguyên tắc trưng cầu; nội dung trưng cầu; thời gian trưng cầu; phạm vi trưng cầu; giám sát việc tổ chức trưng cầu; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong trưng cầu dân ý; trình tự, thủ tục quyết định việc trưng cầu dân ý và tổ chức trưng cầu dân ý; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu dân ý. Mức độ cụ thể yêu cầu tất cả các quy định thuộc về chế định này phải điều chỉnh được mọi nội dung liên quan đến trưng cầu dân ý, trong trường hợp cần thiết thì có thể viện dẫn hoặc tham chiếu các chế định tương tự để giải quyết không bỏ sót bất kỳ vấn đề nào.

Tính thống nhất và đồng bộ

Do chế định pháp luật về trưng cầu dân ý là một bộ phận không tách rời của Luật Hiến pháp nên tất cả các quy định của chế định đều phải căn cứ trên nội dung Hiến pháp, thống nhất với các quy định của Hiến pháp và không được trái hay mâu thuẫn với các điều khoản của Hiến pháp. Hay nói cách khác, Hiến pháp là nền tảng, là cơ sở pháp lý quan trọng hình thành nên chế định trưng cầu nên luật được xây dựng sau phải thống nhất với Hiến pháp. Mặt khác, các quy định của chế định trưng cầu dân ý phải có sự tương đồng, thống nhất với các quy phạm pháp luật của các chế định khác cùng chuyên ngành như chế định bầu cử, chế định quyền con người, v.v…

Tính phù hợp, khả thi và ổn định

Nội dung các quy định của chế định trưng cầu phải phản ánh đúng tình hình phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với trình độ dân trí, mặt bằng nhận thức bình quân chung của một quốc gia. Quá trình xây dựng và soạn thảo các quy định pháp luật nếu không lưu ý đến điều kiện kinh tế - xã hội thực tiễn, nhận thức về pháp luật cũng như ý thức chấp hành của người dân thì văn bản pháp luật được ban hành cũng khó được nhân dân đón nhận, ủng hộ và áp dụng trong thực tế cuộc sống. Pháp luật phải phù hợp và song hành với cuộc sống thì mới có thể đạt được tính khả thi. Trái lại, một khi các quy định của chế định trưng cầu dân ý được xây dựng và ban hành quá cao so với nhận thức chung của toàn xã hội ở thời điểm hiện tại, quy định đó không thể thi hành được trong thực tế nên cũng trở nên không khả thi. Ngược lại, nếu các chế định lại quá thấp so với mặt bằng chung thì cũng không phát huy được giá trị và hiệu quả như mong muốn.

Bản chất của pháp luật là có tính ổn định tương đối nên các chế định pháp luật nếu thường xuyên thay đổi, bổ sung, cập nhật chứng tỏ trình độ, năng lực của đội ngũ soạn thảo còn nhiều bất cập, chưa bao quát toàn diện các quan hệ xã hội cần điều chính cũng như các yêu cầu, đòi hỏi của người dân, thực tiễn cuộc sống; thiếu tính dự đoán, định hướng cho sự phát triển của các quan hệ xã hội này trong tương lai gần hoặc xa. Một văn bản luật sau khi được thông qua và có hiệu lực thi hành mà chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc phạm vi đối tượng điều chỉnh của nó trong một khoảng thời gian ngắn rồi phải thay đổi liên tục thì được hoạt động lập pháp của quốc gia đó được đánh giá là vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thật sự khoa học và đảm bảo chất lượng.

Tính công khai, minh bạch

Thể hiện ở nội dung các quy phạm pháp luật trong chế định phải rõ ràng, dễ hiểu, đơn nghĩa, thống nhất trong cách hiểu; các ý phải sắp xếp theo trật tự nhất định, logic, không mâu thuẫn với nhau. Quá trình từ khi bắt đầu xây dựng các quy định chuyển sang giai đoạn lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia pháp luật và người dân cho đến khi văn bản được thông qua và ban hành phải được công bố công khai bằng nhiều hình thức trên các phương tiện khác nhau để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nội dung chế định trưng cầu dân ý được xây dựng đảm bảo tính minh bạch đối với từng quy định, điều khoản, chương mục sẽ giúp cho người dân thấu hiểu và nắm bắt toàn bộ không chỉ ở ý nghĩa câu từ mà cao hơn là biết được mục đích, ý chí mong muốn của nhà làm luật trong việc kiến tạo nên luật này. Việc công khai toàn bộ quá trình xây dựng luật sẽ cung cấp cho người dân cái nhìn toàn cảnh về hoạt động lập pháp trong giai đoạn hiện nay, góp phần nâng cao ý thức pháp luật, nhận thức được vai trò, tầm quan trọng không thể thiếu của việc tham gia đóng góp ý kiến trong việc soạn thảo và thực hiện pháp luật của nhân dân vì hơn ai hết quần chúng là đối tượng thực thi chủ yếu các quy định pháp luật.

Tính công bằng, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên

Chế định trưng cầu dân ý cần được xây dựng dựa trên nguyên tắc tạo điều kiện cho mọi người dân không phân biệt giới tính, dân tộc, thành phần, giai cấp, tôn giáo, địa vị xã hội, điều kiện kinh tế v.v… đều có cơ hội như nhau trong việc trực tiếp tham gia thể hiện ý chí của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nhằm hướng tới mục đích chung là tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sự đồng thuận xã hội. Bên cạnh đó, luật cũng cần chú trọng đến việc quy định các điều khoản nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên Nhà nước và nhân dân trong toàn bộ quá trình thực hiện trưng cầu dân ý trên tinh thần quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại, đặt lợi ích cộng đồng, lợi ích chung cao hơn lợi ích cá nhân. Nhà nước trên tinh thần phát huy dân chủ có trách nhiệm tạo điều kiện để người dân trực tiếp quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, dân tộc, cử tri quyền lựa chọn tham gia hoặc không tham gia bỏ phiếu trưng cầu. Tuy nhiên, một khi người dân đã lựa chọn bỏ phiếu thì phải nghiêm túc tuân thủ quy trình, thủ tục do Nhà nước đặt ra từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc. Việc tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định kể trên là một trong những biện pháp hiệu quả giúp bảo đảm quyền lợi cho tất cả các bên, tránh mâu thuẫn hay xung đột không đáng có xảy ra.

Tính phù hợp với pháp luật quốc tế

Việc mở rộng và phát huy dân chủ nói chung và dân chủ trực tiếp nói riêng đã và đang được rất nhiều quốc gia trên thế giới duy trì và vận dụng trong thực tiễn lãnh đạo, quản lý đất nước. Hiện nay việc tăng cường dân chủ, coi trọng chủ quyền nhân dân được coi là xu thế chung đang có chiều hướng được ủng hộ và phát triển mạnh tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Việt Nam chúng ta đang trong quá trình hội nhập hóa, quốc tế hóa học tập và kế thừa kinh nghiệm quản trị quốc gia của các Nhà nước tiến bộ và phát triển đi trước nên tất yếu không thể nằm ngoài xu thế cùng vận động và phát triển. Do vậy nội dung chế định trưng cầu dân ý được chúng ta xây dựng và soạn thảo phải trên tinh thần thống nhất nguyên tắc: học tập và kế thừa kinh nghiệm, bài học giá trị và tích cực do dân chủ trực tiếp để lại của các quốc gia đi trước, vận dụng sao cho hài hòa, hợp lý vào thực tiễn tình hình quốc gia hiện nay; cần có cái nhìn biện chứng trong quá trình so sánh, đối chiếu và đúc kết lại, chúng ta không sao chép theo kiểu rập khuôn máy móc nhưng cũng không phủ định hoàn toàn, đối lập với các quốc gia không cùng thể chế chính trị. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến các điều ước, hiệp ước quốc tế mà chúng ta đã phê chuẩn hoặc tham gia, nội dung các điều khoản trong chế định được soạn thảo thời gian sau này không được trái với các văn bản quốc tế đã ký kết trước đó, quá trình nội luật hóa cần chú trọng sự phù hợp giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế, đó là nguyên tắc mà bất cứ quốc gia nào trong giai đoạn hội nhập cũng đều phải tuân thủ.

Tính hiệu lực, hiệu quả:

Trưng cầu dân ý được nhìn nhận là một trong những công cụ hiệu quả nhất trong thực thi dân chủ trực tiếp – bên cạnh bầu cử, tạo điều kiện và cơ hội cho người dân có thể trực tiếp tham gia và quản lý nhà nước và xã hội; trực tiếp quyết định hay lựa chọn phương án phù hợp với ý chí, nguyện vọng của đại đa số quần chúng đối với các vấn đề quan trọng của quốc gia, dân tộc hoặc của một địa phương, vùng, miền lãnh thổ nhất định; phê chuẩn Hiến pháp hoặc các đạo luật quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, của cộng đồng. Chính phủ của một quốc gia nhất định khi tiến hành tổ chức trưng cầu dân ý phải tôn trọng và công nhận kết quả trưng cầu, bắt buộc phải thực hiện theo quyết định của nhân dân nếu đó là cuộc trưng cầu dân ý bắt buộc dù cho có đi ngược lại mong muốn của chính phủ hiện tại. Chính vì vậy, chế định trưng cầu dân ý của một quốc gia chỉ được nhìn nhận là hiệu quả khi mà bản thân chế định đó, trong các quy định cụ thể chứa đựng, bao hàm được những nội dung nêu trên, đảm bảo thực hiện và duy trì, phát triển được giá trị, ý nghĩa thực sự của hoạt động trưng cầu, củng cố và bảo vệ chủ quyền nhân dân. Nếu một chế định trưng cầu dân ý nào đó được xây dựng nên mà không phản ánh được giá trị và bản chất vốn có từ trước đến nay của hoạt động trưng cầu, không bảo đảm và phát huy được quyền lực trực tiếp của nhân dân thì chế định đó chỉ mang tính hình thức, trang trí chứ không thể đem lại bất kỳ hiệu quả nào cho người dân. Mặt khác việc xây dựng nên một chế định trưng cầu dân ý cần phải tuân thủ đầy đủ các trình tự, thủ tục, quy định của hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ khâu soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định cũng như thông qua, phổ biến, ban hành và tổ chức thực hiện, có như vậy chế định này mới được nhìn nhận là hợp pháp và có hiệu lực thực sự để thực thi, áp dụng vào thực tế xã hội.

 


[1]Nguyễn Minh Đoan (2011), Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nxb. Chính trị quốc gia, HàNội

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành