In trang này
Thứ sáu, 07 Tháng 10 2022 17:32

Phân tích phương án xý lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ

Thế chấp quyền đòi nợ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên thế chấp sử dụnng quyền đòi nợ thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên thế chấp đối với bên nhận thế chấp. Thế chấp quyền đòi nợ là một biện pháp có tính chất vật quyền nhằm bảo đảm cho quan hệ trái quyền.

Khi có dấu hiệu cho thấy nghĩa vụ được bảo đảm không được thực hiện đúng thì việc xử lý tài sản bảo được áp dụng. Bên nhận thế chấp có quyền chủ động lựa chọn phương thức xử lý phù hợp và có thể áp dụng đồng thời nhiều phương thức khác nhau để bảo đảm hiệu quả của việc xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ.

Theo khuyến nghị của Ủy ban Luật thương mại Quốc tế Liên Hiệp Quốc (UNCITRAL) xử lý tài sản bảo đảm là trụ cột thứ ba (X thứ ba) trong cấu trúc mô hình 4X của giao dịch bảo đảm hiện đại có các nội dung cơ bản: căn cứ xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ; phương thức xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ.

Về căn cứ xử lý tài sản thế chấp là quyền đòinợ

Việc xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ dẫn đến hệ quả làm chấm dứt hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ, từ đó quyền đòi nợ của bên thế chấp cũng được định đoạt theo hướng dịch chuyển cho bên nhận thế chấp hoặc bên thứ ba để bù đắp cho những lợi ích của bên nhận thế chấp. Quá trình xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ để lại hậu quả pháp lý sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều chủ thể khác nhau, do vậy việc xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ chỉ được thực hiện khi có căn cứ được pháp luật quy định. Trình tự thủ tục xử lý tài sản bảo đảm sẽ hợp lý khi có đầy đủ dấu hiệu cho thấy nghĩa vụ được bảo đảm không được thực hiện đúng[1]. Tại Điều 9 Bộ luật Thương mại thống nhất Hoa Kỳ, Luật về bảo đảm bằng động sản ở một số bang của Canada và New Zealand đều quy định việc áp dụng biện pháp xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp có sự kiện vi phạm[2].

Trình tự thủ tục xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ phát sinh khi có căn cứ xác định nghĩa vụ được bảo đảm bị vi phạm khi đến hạn. Trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ, bên có nghĩa vụ không trả nợ gốc, lãi theo theo đúng thỏa thuận thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Trình tự thủ tục xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ phát sinh khi nghĩa vụ được bảo đảm bị vi phạm trước thời hạn theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trước hạn theo yêu cầu của bên nhận thế chấp thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu xử lý tài sản thế chấp theo các nội dung đã thỏa thuận tại hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ. Trình tự thủ tục xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ cũng phát sinh khi pháp luật quy định tài sản thế chấp phải được xử lý để bên thế chấp thực hiện các nghĩa vụ khác. Cuối cùng, trình tự thủ tục xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ phát sinh trong trường hợp các bên thỏa thuận. Trường hợp này đòi hỏi sự thống nhất ý chí, hợp tác cùng đồng ý phối hợp thực hiện xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ để đáp ứng nhu cầu của mỗi bên.

Về phương thức xử lý tài sản thế chấp là quyền đòinợ được tiến hành theo cách thức định đoạt tài sản đó nhằm bù đắp quyền lợi cho bên nhận thế chấp khi nghĩa vụ được bảo đảm có sự vi phạm. Kết quả của sự định đoạt đối với tài sản thế chấp bao giờ cũng được quy đổi ra tiền - được xem là thước đo ngang giá chung so với giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm[3]. Theo Ủy ban Luật thương mại Quốc tế Liên Hiệp Quốc, bên nhận thế chấp và bên thế chấp đã thỏa thuận trước về phương thức xử lý tài sản thế chấp trong hợp đồng thế chấp, nên khi phát sinh quyền xử lý tài sản thế chấp, không cần có thỏa thuận gì thêm với bên thế chấp, hoặc nếu không có thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp thì sẽ áp dụng quy định của pháp luật về biện pháp bảo đảm, theo đó, bên nhận thế chấp có quyền chủ động và lựa chọn phương thức xử lý nào phù hợp nhất đối với từng loại tài sản, và có thể áp dụng đồng thời nhiều phương thức khác nhau để bảo đảm hiệu quả của việc xử lý tài sản thế chấp[4]. Về lý thuyết vật quyền, bên nhận thế chấp có quyền xử lý tài sản thế chấp, không phụ thuộc vào ý chí của bên thế chấp[5].

Về bản chất quyền đòi nợ là tài sản vô hình nên việc xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ có một số điểm khác biệt so với xử lý tài sản hữu hình. Bên thế chấp sẽ chuyển quyền vào lợi ích từ bên có nghĩa vụ trả nợ cho bên nhận thế chấp. Bên nhận thế chấp quyền đòi nợ có quyền yêu cầubên có nghĩa vụ trực tiếp trả tiền mang ý nghĩa quan trọng nhất, giúp bên nhận thế chấp có sự chủ động tuyệt đối, không phụ thuộc vào thái độ hợp tác hay không của bên thế chấp trong việc định đoạt đối với quyền đòi nợ. Đối với trường hợp quyền đòi nợ đến hạn trước thời điểm phát sinh căn cứ xử lý tài sản thế chấp thì bên có nghĩa vụ trả nợ có trách nhiệm chuyển khoản tiền trả nợ vào tài khoản của bên thế chấp mở tại ngân hàng theo chỉ định của bên nhận thế chấp trong thời hạn hợp lý, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo xử lý quyền đòi nợ. Bên thế chấp không được quyền yêu cầu ngân hàng giải tỏa và thực hiện giao dịch đối với số tiền này kể từ thời điểm tiền được chuyển vào tài khoản, đồng thời bên có nghĩa vụ trả nợ cũng không được quyền yêu cầu ngân hàng giải tỏa và thực hiện giao dịch đối với số tiền này. Bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu ngân hàng phong tỏa số tiền này và chỉ được quyền yêu cầu ngân hàng giải tỏa số tiền đã phong tỏa để thanh toán nghĩa vụ được bảo đảm trong trường hợp có căn cứ xử lý xử lý tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật. Trường hợp bên nhận thế chấp thực hiện được các phương thức kiểm soát, chi phối và quản lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ thì việc xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ sẽ thuận lợi hơn. Trường hợp các bên đã có thỏa thuận về việc bên có nghĩa vụ trả nợ sẽ thanh toán trực tiếp cho bên thế chấp thông qua tài khoản của bên thế chấp mở tại bên nhận thế chấp, nếu bên nhận thế chấp là tổ chức tín dụnghoặc ngân hàng do các bên chỉ định thì bên nhận thế chấp sẽ tiến hành xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ theo cách chủ động trích tiền trong tài khoản, nếu bên nhận thế chấp là tổ chức tín dụng hoặc yêu cầu ngân hàng do các bên chỉ định trích tiền: trong tài khoản khi bên có nghĩa vụ trả nợ thanh toán tiềnqua tài khoản của bên thế chấp; trong tài khoản của bên thế chấp đã bị phong tỏa theo nội dung đã được thỏa thuận trước với bên thế chấp.

Đối với trường hợp quyền đòi nợ đến hạn sau thời điểm đến hạn của nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận thế chấp được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ phải thanh toán khoản nợ đó cho mình tại thời điểm quyền đòi nợ đến hạn. Bên có nghĩa vụ trả nợ thanh toán không có nghĩa vụ trả nợ cho bên nhận thế chấp khi quyền đòi nợ chưa đến hạn, trừ trường hợp có thỏa thuậnkhác.

Như vậy, việc xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ luôn có liên quan đến bên thứ ba - bên có nghĩa vụ trả nợ cho bên thế chấp, theo đó bên nhận thế chấp sẽ thay thế vị trí của bên thế chấp để tiếp nhận quyền và lợi ích từ bên có nghĩa vụ trả nợ. Xuất phát từ căn cứ phát sinh nghĩa vụ, bên có nghĩa vụ trả nợ chỉ thực hiện nghĩa vụ trả nợ, thanh toán hay bồi thường cho bên nhận thế chấp khi có chứng cứ pháp lý về việc bên nhận thế chấp có quyền đối với quyền đòi nợ thế chấp. Trong trường hợp này, các chứng cứ xác định bên có nghĩa vụ trả nợ đã nhận được thông báo bằng văn bản của bên thế chấp hoặc bên nhận thế chấp về thế chấp quyền đòi nợ có giá trị pháp lý khẳng định quyền của bên nhận thế chấp đối với quyền đòinợ.

 


[1]Nguyễn Ngọc Điện, Đỗ Thị Bông (2019), “Những vấn đề cần được làm rõ khi áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (20),tr.45

[2]Sự kiện vi phạm (“default”). “Default” là thuật ngữ chỉ tình trạng bên có nghĩa vụ bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ bao gồm cả nghĩa vụ trả nợ và các nghĩa vụ khác theo thoả thuận giữa các bên.

[3]Vũ Thị Hồng Yến (2013), Tài sản thế chấp và xử lý tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành, Luận án tại Trường Đại học Luật Hà Nội,tr.60

[4]United Nations Commission on International Trade Law(2010),Legislative Guide on Secured Transactions, Vienna, p. 496

[5]Nguyễn Bích Thảo (2015), “Về chế định các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (22),tr.13

Sửa đổi lần cuối Thứ ba, 03 Tháng 1 2023 16:32