In trang này
Thứ tư, 20 Tháng 7 2022 20:26

Biện pháp thế chấp quyền đòi nợ theo xác lập hiệu lực đối kháng với bên thứ ba

Thế chấp quyền đòi nợ là một biện pháp có tính chất vật quyền nhằm bảo đảm cho quan hệ trái quyền. Tính chất vật quyền của biện pháp thế chấp quyền đòi nợ được thể hiện trên cơ sở bên nhận thế chấp quyền đòi nợ có quyền yêu cầu trực tiếp bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền, quyền kiểm soát quyền đòi nợ, quyền ưu tiên thanh toán và các quyền này có giá trị đối kháng với bên thứ ba. Đặc điểm của biện pháp thế chấp quyền đòi nợ là có đối tượng là quyền đòi nợ, phụ thuộc vào hợp đồng làm phát sinh quyền đòi nợ và có tính chất quyền trên quyền góp phần quan trọng về mặt kinh tế bởi nó thể hiện tính hấp dẫn của quyền đòi nợ trong các giao dịch dân sự là tính thanh khoản cao (dễ dàng chuyển hóa thành tiền với chi phí giao dịch thấp) và có tính chất quay vòng, luân chuyển (revolving) theo chu kỳ kinhdoanh.

Việc xác lập hiệu lực đối kháng với bên thứ ba khi thực hiện biện pháp thế chấp quyền đòi nợ xoay quanh cách thức, phương thức kiểm soát, chi phối và quản lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ hoặc đăng ký, công khai biện pháp thế chấp quyền đòinợ.

Trong mô hình 4X của giao dịch bảo đảm hiện đại thì xác lập hiệu lực đối kháng với bên thứ ba là trụ cột thứ hai (X thứ hai) theo khuyến nghị củaỦy ban Luật thương mại Quốc tế Liên Hiệp Quốc (UNCITRAL). Biện pháp thế chấp quyền đòi nợ về xác lập hiệu lực đối kháng với bên thứ ba có các nội dung như: Phương thức kiểm soát, chi phối và quản lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ; công khai/đăng ký biện pháp thế chấp quyền đòi nợ[1].

Mối quan hệ giữa hai bên trái chủ và thụ trái phát sinh quan hệ đối nhân, trong đó trái chủ chỉ có quyền yêu cầu thụ trái thực hiện nghĩa vụ, chứ không có quyền yêu cầu ai khác. Quyền đối vật, trái lại, phát sinh hiệu lực đối với tất cả mọi người và phải được mọi người tôn trọng[2]. Từ kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, pháp luật các nước có sự tách bạch giữa các điều kiện xác lập vật quyền bảo đảm theo thỏa thuận và thủ tục cần thiết để vật quyền bảo đảm đó có hiệu lực với bên thứ ba thông qua việc đăng ký vật quyền bảo đảm hoặc hay hành vi chuyển giao tài sản bảo đảm[3]. Pháp luật của các nước luôn có sự phân định rạch ròi giữa hiệu lực của giao dịch bảo đảm giữa các bên và hiệu lực đối kháng với bên thứ ba giúp phần một mặt thúc đẩy, khuyến khích việc hình thành vật quyền bảo đảm theo thỏa thuận giữa các bên.Mặt khác,sự phân định giữa hiệu lực của giao dịch bảo đảm với các bên và hiệu lực đối kháng với bên thứ ba cho phép bên thứ ba có thể chủ động tiếp cận để nhận biết tình trạng của tài sản đó thông qua những công cụ hữu hiệu[4]. Theo các quy định tại Điều 9 Bộ luật Thương mại thống nhất Hoa Kỳ và các quy định tương tự tại Luật về giao dịch bảo đảm bằng động sản của Canada và New Zealand, quyền lợi bảo đảm có hiệu lực đối kháng với bên thứ ba sau khi đã được xác lập và có hiệu lực giữa hai bên, và chủ nợ có bảo đảm thực hiện một trong các phương thức sau: chiếm hữu tài sản bảo đảm, kiểm soát tài sản bảo đảm hoặc đăng ký quyền lợi[5]. Do đó, các nội dung về hiệu lực đối kháng với bên thứ ba của biện pháp thế chấp quyền đòi nợ xoay quanh cách thức, phương thức kiểm soát, chi phối và quản lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ hoặc đăng ký, công khai biện pháp thế chấp quyền đòinợ.

1. Phương thức kiểm soát, chi phối và quản lý tài sản thế chấp là quyền đòinợ

Đối với tài sản thế chấp là động sản vô hình như tài khoản tiền gửi, thư tín dụng, cổ phiếu, chứng khoán, quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán và các loại giấy tờ có giá, cổ phiếu, trái phiếu.v.v.. thì thường áp dụng phương thức kiểm soát, chi phối và quản lý tài sản. Theo Ủy ban Luật thương mại Quốc tế Liên Hiệp Quốc, quyền lợi bảo đảm đối với tài khoản tiền gửi ngân hàng phát sinh hiệu lực đối kháng vớingười thứ ba nếu bên nhận bảo đảm kiểm soát, chi phối tài khoản tiền gửi đó theo một trong ba cách: Bên nhận bảo đảm chính là ngân hàng nơi mở tài khoản (Bên nhận bảo đảm, bên bảo đảm và ngân hàng nơi mở tài khoản ký kết thỏa thuận, trong đó, ngân hàng đồng ý tuân theo chỉ dẫn của bên nhận bảo đảm về việc trích nợ từ tài khoản mà không cần có sự đồng ý của bên bảo đảm;Bên nhận bảo đảm đứng tên chủ tài khoản đó)[6]. Tại Điều 9 Bộ luật Thương mại thống nhất Hoa Kỳ cũng quy định phương thức kiểm soát, chi phối và quản lý đối với các tài sản thế chấp dạng này được áp dụng khi bên nhận thế chấp chính là tổ chức tín dụng mở, quản lý tài khoản tiền gửi, thư tín dụng, cổ phiếu, chứng khoán, quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán và các loại giấy tờ có giá, cổ phiếu, trái phiếu của bên thế chấp[7]. Trường hợp bên nhận thế chấp không phải là tổ chức tín dụng thì bên nhận thế chấp có thể thỏa thuận với bên thế chấp để trao quyền kiểm soát, chi phối và quản lý tài sản thế chấp cho tổ chức tín dụng đang mở, quản lý các tài khoảnđó.

Đối với việc thế chấp quyền đòi nợ, bên nhận thế chấp quyền đòi nợ thường đề cao việc quản lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ nhằm hạn chế rủi ro khi nhận thế chấp quyền đòi nợ. Bên nhận thế chấp thường yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ tham gia ký cam kết về việc bên có nghĩa vụ trả nợ sẽ thanh toán khoản tiền trực tiếp vào tài khoản của bên thế chấp mở tại ngân hàng theo chỉ định bên nhận thế chấp để quyền đòi nợ thế chất được quản lý. Bên nhận thế chấp có thể thực hiện các giải pháp để bảo vệ quyền lợi của mình như: yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ phải thanh toán tiền qua tài khoản duy nhất của bên thế chấp mở tại ngân hàng theo chỉ định bên nhận thế chấp; áp dụng nguyên tắc tiền về đến đâu thu nợ đến đấy; khi tiền về tài khoản của bên thế chấp mở tại ngân hàng theo chỉ định bên nhận thế chấp, tài khoản này sẽ được bên nhận thế chấp phong tỏa hoặc yêu cầu phong tỏa theo nội dung đã được thỏa thuận trước với bên thế chấp[8].

Bên nhận thế chấp có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ tham gia vào giao dịch thếchấp quyền đòi nợ nhằm mục đích kiểm soát, giám sát quyền đòi nợ, bảo đảm kiểm soát việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán giữa bên có nghĩa vụ trả nợ và bên thế chấp[9] để kiểm soát, chi phối và quản lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ. Việc kiểm soát, chi phối và quản lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ cũng giúp bên nhận thế chấp hạn chế tối đa trường hợp bên có nghĩa vụ trả nợ và bên thế chấp câu kết, thông đồng với nhau làm giảm giá trị của quyền đòi nợ, ngầm thực hiện trả nợ cho nhau, nằm ngoài tầm kiểm soát của bên nhận thế chấp. Sự tham gia của bên có nghĩa vụ trả nợ vào giao dịch thế chấp quyền đòi nợ như một biện pháp chi phối, giám sát, quản lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ, đểtránh trường hợp các rủi ro cho bên nhận thế chấp phát sinh từ việc bên thế chấp và bên có nghĩa vụ trả nợ có các hành vi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đối tượng của giao dịch thế chấp. Bên có nghĩa vụ tham gia vào hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ là hình thức bên có nghĩa vụ trả nợ đã biết về giao dịch thế chấp quyền nợ và bên nhận thế chấp quyền đòi nợ hoặc bên thế chấp không cần phải thực hiện thủ tục thông báo, cung cấp thông tin cho bên có nghĩa vụ trả nợ. Việc kiểm soát, chi phối và quản lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ được đưa ra như một giải pháp nhằm mục đích hạn chế trường hợp bên có nghĩa vụ trả nợ cố tình không đồng ý, thực hiện cản trở việc thực hiện thế chấp quyền đòi nợ giữa bên thế chấp và bên nhận thếchấp.

2. Công khai biện pháp thế chấp quyền đòi nợ

Thế chấp quyền đòi nợ xác lập vật quyền bảo đảm của bên nhận thế chấp trên quyền đòi nợcó hiệu lực đối với các bên trong giao dịch thế chấp quyền đòi nợ và có hiệu lực đối kháng với các chủ thể khác có quyền, lợi ích xung đột với bên nhận thế chấp trên cùng quyền đòi nợ thế chấp.Các chủ nợ khác của bên thế chấp, bên mua, bên nhận chuyển nhượng quyền đòi nợ được xem là các chủ thể bên thứ ba không tham gia vào giao dịch thế chấp quyền đòi nợ, nên không thể biết được sự tồn tại của giao dịch thế chấp quyền đòi nợ. Bên nhận thế chấp quyền đòi nợ đương nhiên muốn được ưu tiên trước các chủ thể khác được gọi là đối kháng với quyền lợi của các chủ thể khác. Vì vậy, cần phải có cơ chế công khai hóa giao dịch thế chấp quyền đòi nợ bằng các phương thức như đăng ký biện pháp thế chấpquyềnđòi nợ, bên nhận thế chấp cung cấp thông tin cho bên có nghĩa vụ trả nợ hoặc bên nhận thế chấp quyền đòi nợ quản lý quyền đòi nợ thế chấp. Khi được công khai giao dịch thế chấp quyền đòi nợ mới có hiệu lực đối kháng với bên thứ ba, nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai của giao dịch, hạn chế rủi ro cho các bên thứ ba khi thực hiện biện pháp thế chấp quyền đòi nợ. Như vậy, mục đích của các phương thức xác lập hiệu lực đối kháng với bên thứ ba nhằm thông báo cho tất cả các bên thứ ba biết về sự tồn tại của biện pháp thế chấp quyền đòi nợ, giúp họ đưa ra quyết định sáng suốt trước khi tham gia các giao dịch khác liên quan đến tài sản thế chấp là quyền đòi nợ, đồng thời tạo căn cứ rõ ràng để xác định thứ tự ưu tiên giữa bên nhận thế chấp và bên thứba.

Từ góc độ pháp luật so sánh, các hệ thống pháp luật có những cách tiếp cận khác nhau về phương thức xác lập hiệu lực đối kháng đối với bên thứ ba khi thực hiện biện pháp thế chấp quyền đòi nợ. Thực tế việc đăng ký công khai biện pháp thế chấp quyền đòi nợ để xác lập hiệu lực đối kháng đối với bên thứ ba đối với quyền đòi nợ được coi là phương thức phù hợp. Đối với pháp luật của Đức quy định đối với thế chấp quyền đòi nợ, nếu muốn xác lập hiệu lực đối kháng thì bên nhận thế chấp phải gửi thông báo đối với bên có nghĩa vụ trả nợ[10]. Hệ thống pháp luật của Pháp cũng quy định thế chấp quyền đòi nợ sẽ có hiệu lực đối kháng với các bên và cả bên thứ ba vào thời điểm nó được lập thành văn bản.Tuy nhiên, việc thế chấp quyền đòi nợ phải được thông báo đối với bên có nghĩa vụ trả nợ thì mới làm phát sinh hiệu lực đối với họ.Trường hợp không thông báo, bên có nghĩa vụ trả nợ chỉ thanh toán cho chủ nợ trực tiếp là bên thế chấp quyền đòi nợ[11]. Đối với các quy định về phương thức thông báo tới bên có nghĩa vụ trả nợ, về lý thuyết, là rất cần thiết để đảm bảo rằng họ sẽ thanh toán cho bên nhận thế chấp thay vì cho bên thế chấp. Thực tế cho thấy, việc thông báo cho bên có nghĩa vụ trả nợ chỉ thể hiện mối quan hệ giữa bên nhận thế chấp quyền đòi nợ và bên có nghĩa vụ trả nợ không liên quan đến việc xác định hiệu lực đối kháng với bên thứ ba. Bên cạnh đó, phương thức thông báo cho bên có nghĩa vụ trả nợ không thực sự tiện lợi nếusốlượng bên có nghĩa vụ trả nợ rất lớn[12]. Vì vậy, trình tự thủ tục đăng ký, công khai biện pháp thế chấp quyền đòi nợ để xác lập hiệu lực đối kháng đối với bên thứ ba đối với quyền đòi nợ được coi là phương thức phù hợp, đơn giản và tiện lợi.

Tính đối kháng tuyệt đối của vật quyền nói chung và của vật quyền bảo đảm nói riêng có được hiệu quả mong muốn cần phải để mọi người nhận biết được tính đối kháng của vật quyền[13]. Công khai vật quyền bảo đảm là một trong những thiết chế đóng vai trò quan trọng nhất trong việc đảm bảo tính hiệu quả, tính xác định và tính dự báo trước của hệ thống pháp luật giao dịch bảo đảm[14]. Chính vì công khai vật quyền bảo đảm đem lại hệ quả pháp lý quan trọng là xác lập hiệu lực đối kháng với bên thứ ba, nên công khai vật quyền bảo đảm còn là căn cứ pháp lý đầu tiên để xác định thứ tự quyền ưu tiên thanh toán dựa trên nguyên tắc xác định quyền ưu tiên thanh toán theo thời điểm vật quyền bảo đảm có hiệu lực đối kháng với bên thứ ba[15]. Việc đăng ký vật quyền bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có tác dụng thông tin cho người thứ ba về sự tồn tại của vật quyền và là điều kiện để vật quyền được tôn trọng. Biện pháp đăng ký được áp dụng đối với lợi ích bảo đảm đối với cả các loại tài sản và là biện pháp được khuyến khích nhằm xác lập thứ tự ưu tiên, ngoại trừ những lợi ích bảo đảm được hoàn thiện theo cách thủ đắc quyền sở hữu và những lợi ích bảo đảm tự động hoàn thiện hoặc không cần phải hoàn thiện[16].

Thế chấp quyền đòi nợ có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Trình tự thủ tục đăng ký thế chấp quyền đòi nợ sẽ bảo đảm quyền lợi cho bên nhận thế chấp khi xác định thứ tự ưu tiên thanh toán so với bên nhận thế chấp khác. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm là biện pháp bảo đảm an toàn cho biện pháp thế chấp quyền đòi nợ. Các bên trong quan hệ thế chấp quyền đòi nợ có thể kiểm tra một cách thuận lợi quyền đòi nợ dùng để bảo đảm thông qua việc đăng ký giao dịch bảo đảm. Về bản chất, đăng ký giao dịch bảo đảmkhithếchấpquyềnđòinợcóýnghĩanhưlàsựtuyênbốquyềncủabênnhận thế chấp đối với quyền đòi nợ để công chúng và bên có nghĩa vụ trả nợ biết về giao dịch thế chấp quyền đòi nợ.Đồng thời, quyền đòi nợ sẽ được thông báo gián tiếp về sự hạn chế quyền của bên thế chấp đối với tài sản thế chấp.

 


[1]Nguyễn Bích Thảo (2015), “Về chế định các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (22),tr.16

[2]Nguyễn Ngọc Điện (2014), “Sự cần thiết của việc vận dụng lý thuyết về vật quyền bảo đảm vào quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, (2+3), tr.42.

[3]Bùi Thị Thanh Hằng, Đỗ Giang Nam (2014), “Thứ tự quyền ưu tiên giữa các vật quyền bảo đảm trong bối cảnh sửa đổi bộ luật dân sự”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (1),tr.26

[4]United Nations Commission on International Trade Law(2010),Legislative Guide on Secured Transactions, Vienna, p.66

[5]VCCI (2006), Báo cáo tổng hợp kinh nghiệm của một số quốc gia về pháp luật về giao dịch bảo đảm, địa chỉ:http://vibonline.com.vn/bao_cao/bao-cao-tong-hop-kinh-nghiem-cua-mot-so-quoc-gia-ve-phap-luat-ve-giao-dich-bao-dam[truy cập:06/12/2020].

[6]United Nations Commission on International Trade Law (2016), ModelLawon  Secured                Transactions,Link:https://uncitral.un.org/en/texts/securityinterests/modellaw/secured_transactions, [truy cập:18/10/2020]

[7]VCCI (2006), Báo cáo tổng hợp kinh nghiệm của một số quốc gia về pháp luật về giao dịch bảo đảm, địa chỉ:http://vibonline.com.vn/bao_cao/bao-cao-tong-hop-kinh-nghiem-cua-mot-so-quoc-gia-ve-phap-luat-ve-giao-dich-bao-dam[truy cập:06/12/2020]

[8]Ngô Thị Như Huế (2014), Bảo đảm tiền vay bằng quyền đòi nợ tại các tổ chức tín dụng theo pháp luật Việt Nam, Luận văn thạc sỹ, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, HàNội, tr.56

[9]Phạm Thị Hồng (2015), Pháp luật về thế chấp quyền đòi nợ tại các ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay, Luận văn tại Khoa Luật – Đại học Quốc gia HàNội, tr.54

[10]Đỗ Giang Nam, Lê Trọng Dũng (2020), “Xu thế sử dụng động sản làm tài sản bảo đảm và các vấn đề cần quan tâm khi xây dựng Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”, Sách xây dựng Nghị định của Chính phủ về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, NXB Tư pháp,tr.83

[11]Đỗ Giang Nam, Lê Trọng Dũng (2020), “Xu thế sử dụng động sản làm tài sản bảo đảm và các vấn đề cần quan tâm khi xây dựng Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”, Sách xây dựng Nghị định của Chính phủ về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, NXB Tư pháp,tr.83, 84

[12]United Nations Commission on International Trade Law(2010),Legislative Guide on Secured Transactions, Vienna, p.50

[13]Nguyễn Ngọc Điện (2014), “Sự cần thiết của việc vận dụng lý thuyết về vật quyền bảo đảm vào quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, (2+3), tr.42

[14]Pierre Voirin, Gilles Goubeaux (1999), Droit Civil: Personnes – Famille, Incapacité – Biens, Obligations – Sûreté(27), p.103

[15]Bùi Thị Thanh Hằng, Đỗ Giang Nam (2014), “Thứ tự quyền ưu tiên giữa các vật quyền bảo đảm trong bối cảnh sửa đổi bộ luật dân sự”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (1),tr.27

[16]VCCI (2006), Báo cáo tổng hợp kinh nghiệm của một số quốc gia về pháp luật về giao dịch bảo đảm, địa chỉ:http://vibonline.com.vn/bao_cao/bao-cao-tong-hop-kinh-nghiem-cua-mot-so-quoc-gia-ve-phap-luat-ve-giao-dich-bao-dam[truy cập:06/12/2020].