Thứ tư, 02 Tháng 11 2022 20:43

Giới thiệu sự hình thành và vai trò của hợp đồng gia nhập

Khó có thể nói chính xác hợp đồng gia nhập được hình thành từ khi nào. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của nhiều học giả cho thấy hợp đồng gia nhập ra đời từ giữa thế kỷ XIX, gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp ở các quốc gia phương Tây. Hệ quả của cuộc cách mạng công nghiệp này là năng suất lao động gia tăng, hàng hóa sản xuất với số lượng nhiều hơn và chất lượng tốt hơn, dịch vụ cũng trở lên ngày càng đa dạng. Trong bối cảnh đó, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ được thương nhân chào bán tới số lượng lớn người mua có nhu cầu giống nhau. Chính vì vậy, xuất phát từ tính lặp đi lặp lại của các giao dịch cùng loại và làm thế nào để giảm bớt thời gian, tiền bạc cho mỗi lần giao dịch? Phân chia rủi ro và hạn chế trách nhiệm ra sao cho hợp lý?... Các thương nhân khi đó đã soạn sẵn hợp đồng thành từng mẫu nhất định và áp dụng hàng loạt đối với những khách hàng khi mua, sử dụng cùng một loại hàng hóa, dịch vụ của họ.

Hợp đồng gia nhập bắt nguồn từ luật dân sự Pháp và được Tòa án sử dụng để hạn chế sự lạm dụng quyền lực khi giao kết hợp đồng thông qua các điều kiện chung và các điều khoản tiêu chuẩn. Quá trình phát triển của hợp đồng gia nhập tại các Tòa án vào cuối thế kỷ XIX minh chứng bằng việc hợp đồng gia nhập được đưa vào văn bản luật năm 1901 (Salleilles, De la Déclaration de Volonte 229). Khái niệm hợp đồng gia nhập được đưa vào khoa học luật Hoa Kỳ năm 1919 khi Harvard Law Review xuất bản bài viết của Edwin W. Patterson (Chính sách Bảo hiểm Nhân thọ, 33 Harv.L.Rev. 198[1]).

Từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX, một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật hợp đồng gia nhập nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế sự lạm dụng của thương nhân trong giao kết và thực hiện hợp đồng, điển hình là: Luật Bảo vệ người tiêu dùng Đài Loan năm 1994; ĐLHĐGNHQ năm 2011; Chỉ thị số 93/13/EEC; Bộ luật Dân sự Québec (Canada);Bộ luật Tiêu dùng Pháp năm 1993Bộ luật Dân sự Cộng hòa Liên bang Đức năm 2002. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc nghiên cứu loại hợp đồng này mới được một số nhà nghiên cứu tiến hành trong thời gian gần đây. Ở góc độ luật thực định, một số nội dung về hợp đồng gia nhập mới chỉ chính thức được qui định tại Điều 406 Bộ luật dân sự năm 1995 với tên gọi là “hợp đồng theo mẫu”, sau này được Bộ luật dân sự năm 2005 và Bộ luật dân sự năm 2015 kế thừa và sửa đổi, bổ sung.

Như vậy, sự xuất hiện của hợp đồng gia nhập là kết quả tất yếu, khách quan của cuộc cách mạng công nghiệp khi mà ở đó hàng hóa, dịch vụ gia tăng nhanh chóng đòi hỏi phải giảm thiểu chi phí cho mỗi lần giao dịch khi mua, bán hàng hóa, dịch vụ. Việc thương nhân sử dụng hợp đồng gia nhập để giao kết với khách hàng có nhu cầu mua, sử dụng cùng một loại hàng hóa, dịch vụ nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian, tiền bạc cũng như hạn chế rủi ro trong quá trình giao kết hợp đồng. Trong nền kinh tế thị trường, việc sản xuất, mua, bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ bị tác động bởi các quy luật kinh tế như: Quy luật cung cầu; quy luật giá trị; quy luật cạnh tranh sẽ dẫn đến thị trường được mở rộng và đa dạng, xuất hiện nhiều hơn các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ; hàng hóa được sản xuất nhiều, chất lượng tốt hơn; dịch vụ cũng đa dạng và phong phú hơn. Tất cả những điều này dẫn đến hệ quả là giao thương sẽ diễn ra nhiều hơn. Do đó, để giảm thiểu chi phí về thời gian, tiền bạc cho mỗi lần giao dịch nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường cũng như giúp cho việc lưu thông hàng hóa, dịch vụ nhanh chóng thì việc sử dụng hợp đồng gia nhập để giao kết với khách hàng là sự lựa chọn tất yếu của thương nhân. Chính vì vậy, nếu như sự xuất hiện của hợp đồng gia nhập là kết quả tất yếu, khách quan của cuộc cách mạng công nghiệp thì sự tồn tại và ngày càng được sử dụng rộng rãi của loại hợp đồng này là kết quả tất yếu, khách quan của nền kinh tế thị trường.

Mặc dù là sản phẩm hạn chế nguyên tắc tự do hợp đồng nhưng việc ra đời, tồn tại của loại hợp đồng này và ngày càng được sử dụng rộng rãi cho thấy đây là kết quả tất yếu, khách quan của nền kinh tế thị trường. Hơn nữa, không phải nội dung nào của hợp đồng gia nhập cũng mang tính tiêu cực. Thực tiễn cho thấy, hợp đồng gia nhập ra đời và được sử dụng rộng rãi đã có vai trò rất quan trọng đối vớithương nhân, người mua hàng hóa, dịch vụ nói riêng và xã hội nói chung, điều này được minh chứng ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, với việc sử dụng hợp đồng gia nhập, thương nhân có thể dùng một mẫu hợp đồng đã soạn sẵn các điều khoản để chào bán tới số lượng lớn khách hàng có nhu cầu mua, sử dụng cùng một loại hàng hóa, dịch vụ. Qua đó, cả bên bán và bên mua đều có thể tiết kiệm được thời gian sức lực và chi phí trong đàm phán, thỏa thuận hợp đồng[2]. Nếu như trong giao kết hợp đồng truyền thống, thương nhân phải đàm phán riêng lẻ với từng khách hàng, rồi dựa trên nội dung đàm phán đó để “chốt” lại các điều khoản của hợp đồng trước khi ký chính thức thì giờ đây thương nhân chỉ việc soạn thảo các điều khoản chung trong một hợp đồng, rồi dùng hợp đồng đó áp dụng cho số lượng lớn khách hàng. Chính vì vậy, hợp đồng gia nhập là công cụ quan trọng để thương nhân nâng cao sức cạnh tranh của mình trên thị trường bởi thời gian và tiền bạc là hai yếu tố quan trọng trong kinh doanh, nếu giảm bớt đáng kể thời gian, tiền bạc mà công việc vẫn hoàn thành, chất lượng vẫn đảm bảo, đương nhiên là thương nhân có được lợi thế cạnh tranh trên thương trường.

Thứ hai, khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ thông qua việc giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập, khách hàng sẽ không mất nhiều chi phí về thời gian, tiền bạc để đàm phán về các điều khoản của hợp đồng với thương nhân bởi thương nhân là bên đưa ra hợp đồng với các điều khoản soạn sẵn, khách hàng chỉ “chấp nhận” hoặc “không chấp nhận” và khi đã chấp nhận, mặc nhiên họ đã thiết lập quan hệ hợp đồng với thương nhân. Chính vì vậy, việc sử dụng hợp đồng gia nhập mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng, làm giảm đáng kể chi phí về thời gian, tiền bạc của họ.

Thứ ba, thực tiễn cho thấy hợp đồng gia nhập chủ yếu được giao kết liên quan đến thương mại, dịch vụ khi so sánh với các loại hợp đồng truyền thống khác. Điều này cho thấy hợp đồng gia nhập có vai trò rất quan trọng trong các lĩnh vực kể trên, nhất là hiện nay thương mại điện tử rất phát triển mà trong hoạt động này các bên đều giao kết bằng hợp đồng gia nhập. Chính vì vậy, các giao dịch liên quan đến thương mại, dịch vụ mà sử dụng hợp đồng gia nhập sẽ làm giảm rất nhiều chi phí về thời gian, tiền bạc của các bên tham gia, từ đó thúc đẩy các giao dịch liên quan đến thương mại, dịch vụ phát triển.

Thứ tư, việc sử dụng hợp đồng gia nhập trong các giao dịch mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cùng loại chính là một trong những phương thức giao dịch hiệu quả để các bên nhanh chóng thỏa mãn được nhu cầu của mình, cả thương nhân và khách hàng đều tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và nguồn lực được tiết kiệm đó sẽ đầu tư sang việc khác, từ đó nâng cao hiệu quả cho các bên giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập, gián tiếp mang lại lợi ích cho xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong nền kinh tế thị trường, vấn đề tiết kiệm chi phí về thời gian, tiền bạc trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng có ý nghĩa rất quan trọng, đó chính là một trong những điều kiện tiên quyết để tăng chỉ số cạnh tranh của không chỉ thương nhân mà còn cho cả nền kinh tế của mỗi quốc gia.

Bên cạnh những mặt hạn chế là gây bất lợi cho người tiêu dùng ký hợp đồng (lạm dụng vị trí cao của người sử dụng hợp đồng gia nhập); người tiêu dùng khó có thể nhận thức được đầy đủ về hợp đồng gia nhập bởi thiếu nội dung giải thích, ghi không rõ nội dung hợp đồng mẫu cho người tiêu dùng thì không thể phủ nhận là hợp đồng gia nhập có nhiều ưu điểm, sử dụng hợp đồng gia nhập sẽ giúp giảm thời gian đàm phán, giúp thống nhất hóa, định hình hóa nội dung hợp đồng, quan tâm tối đa tới quyền lợi của người sử dụng hợp đồng mẫu[3]. Như vậy, vai trò quan trọng nhất của hợp đồng gia nhập là rút ngắn thời gian đàm phán, tiết kiệm chi phí giao dịch cho các bên trong quan hệ hợp đồng[4]. Chính từ những lợi ích do hợp đồng gia nhập mang lại như vậy mà hợp đồng này đã và đang ngày càng được sử dụng phổ biến trong đời sống xã hội. Theo học giả John J. A. Burke, trong nền kinh tế tiên tiến, hợp đồng gia nhập chiếm tới hơn 99% trong tất cả các loại hợp đồng thương mại và tiêu dùng trong chuyển giao hàng hóa, dịch vụ và phần mềm[5].

 


[1]Contract of Adhesion. http://www.lexinter.net/LOTWVers4/contract_of_ad h esion.htm, access at 9: 15 AM, date April 26th,2016

[2]Nguyễn Thị Hằng Nga (2016), Pháp luật về điều kiện thương mại chung - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận án Tiến sĩ Luật học, chuyên ngành Luật Kinh tế, Trƣờng Đại học Luật HàNội, tr.38

[3]Bộ Công Thương (2015). “Tập huấn về đăng hợp đồng theo mẫu điều kiện giao dịch chung”.http://www.moit.gov.vn/vn/Pages/Tinchuyende.aspx?Machuyende=&IDNews=5351, truy cập vào 20: 17', ngày 16/6/2016

[4]Nguyễn Thị Hằng Nga (2016), Pháp luật về điều kiện thương mại chung - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận án Tiến sĩ Luật học, chuyên ngành Luật Kinh tế, Trƣờng Đại học Luật HàNội, tr.38, 39,41

[5]John J. A. Burke (2000), “Contract as Commodity: A NonfictionApproach”,Seton Hall Legislative Journal, (24), pp. 288.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành