Thứ năm, 14 Tháng 7 2022 21:19

Phân tích so sánh một số chế định bảo vệ cổ đông thiểu số ngoài thiết chế quản lý nội bộ

Việc đưa ra các biện pháp cụ thể để hoàn thiện pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần ở Việt Nam hiện nay đang là yêu cầu được đặt ra. Để thực hiện được việc làm này phải bắt đầu từ khía cạnh pháp luật thông qua việc sửa đổi, bổ sung những quy định về bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt cần chú trọng đến một số chế định pháp lý bảo vệ cổ đông thiểu số ngoài thiết chế quản lý nội bộ như: Bảo vệ cổ đông thiểu số thông qua thiế chế hỗ trợ ngoài công ty, thông qua tòa án và trọng tài kinh tế.

1. Bảo vệ cổ đông thiểu số thông qua thiết chế hỗ trợ ngoài công ty

Bên cạnh các cơ chế bảo vệ cổ đông thiểu số thông qua các thiết chế quản lý nội bộ[1], vấn đề bảo vệ cổ đông thiểu số còn có thiết chế hỗ trợ thông qua các hiệp hội: Pháp luật các nước đề có quy định về các hiệp hội đóng góp cho việc bảo vệ cổ đông thiểu số. Tuy nhiên ở Việt Nam, chưa có một tổ chức mang tính đại diện cho các nhá đầu tư chứng khoán cá nhân như là dạng Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Trong những trường hợp nhất định, một cổ đông riêng lẻ khó có thể tựbảo vệ quyền lợi của mình do những hạn chế về năng lực, chuyên môn, về tài chính và thời gian cũng như không đủ khả năng nhất định để thực hiện hành động đáng kể để bảo vệ quyền lợi cho mình. Do vậy, một cách thức bảo vệ hữu hiệu phải tìm hiểu nữa là cần có một tổ chức đứng ra làm đại diện cho họ, các cổ đông thiểu số phải liên kết thành các hội, hiệp hội để bảo vệ mình. Thông qua các tổ chức này các cổ đông có thể thể hiện được tiếng nói, nguyện vọng chính đáng của mình Hội, hiệp hội cổ đông thiểu số sẽ là những đối trọng của các cổ đông nắm giữ đa số cổ phần và những người quản lý công ty. Theo pháp luật ở một số nước, thẩm quyền của hiệp hội bảo vệ nhà đầu tư trong việc tham dự các cuộc họp, phiên điều trần giải quyết khiếu nại của nhà đầu tư do cơ quan quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán tiến hành, có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi của các hội viên là các nhà đầu tư chứng khoán. Cụ thể:

Philippines có Hiệp hội Cổ đông Philippines (Share PHIL), Share PHIL được tổ chức vào năm 2011 bởi một nhóm các chuyên gia và các nhà đầu tư thị trường chứng khoán nhỏ để giải quyết nhu cầu cho một tổ chức đầu tư mạnh mẽ có thể phục vụ như một chất xúc tác cho thị trường vốn năng động và bền vững, đây là một tổ chức phi lợi nhuận có vai trò ủng hộ việc giáo dục công chúng làm cho họ hiểu được sự phức tạp của đầu tư và cách đầu tư của họ có thể giúp thúc đẩy hoạt động kinh tế phát triển. Nhiệm vụ của Share PHIL là thúc đẩy phát triển thị trường vốn thông qua vận động, giáo dục và khai sáng của các cổ đông[2].

Singapore có Hiệp hội nhà đầu tư chứng khoán[3](SIAS), hiệp hội này được thành lập vào năm 1999 với vai trò và nhiệm vụ bảo vệ nhà đầu tư bằng nhiều cách trong đó có cách làm việc với các công ty niêm yết công khai để tiếp cận với các nhà đầu tư bán lẻ thông qua chương trình truyền thông doanh nghiệp để cho phép các nhà đầu tư xác định nguyên tắc cơ bản của mộtcông ty và xem xét lâu dài công ty để đầu tư, đồng thời hiệp hội cũng là “tiếng nói” dành cho các cổ đông thiểu số.

Malaysia cũng có Hiệp hội bảo vệ nhà đầu tư[4] (MIA), MIA được thành lập vào năm 1986 nhằm tạo một sân chơi bình đẳng giữa các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các nhà đầu tư cổ phiếu trong công ty cổ phần

Thái Lan có hiệp hội các nhà đầu tư Thái Lan được thành lập vào năm 1983, hiệp hội là trung tâm trao đổi tin tức, thông tin và đầu tư, duy trì lợi ích của nhà đầu tư và đặc biệt là bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư nhỏ lẻ[5].

Riêng ở Việt Nam cũng có Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) và Hiệp hội các Nhà kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB), các hiệp hội này cũng có chức năng nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, giúp các nhà đầu tư am hiểu pháp luật và an tâm bỏ vốn đầu tư vào các doanh nghiệp Tuy nhiên chúng ta chưa có một tổ chức mang tính đại diện cho các nhà đầu tư chứng khoán cá nhân Việt Nam như là dạng Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Nhiều nước trên thế giới đã có những hiệp hội các nhà đầu tư, các cổ đông nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các cổ đông vì trong những trường hợp nhất định, cổ đông riêng lẻ khi bị ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp thì khó có thể tự bảo vệ bản thân do bị hạn chế về chuyên môn, tài chính và thời gian, lúc này cần có một tổ chức hiệp hội các cổ đông đứng ra bảo vệ, bênh vực quyền lợi sẽ được dễ dàng và nhanh chóng hơn.

2. Bảo vệ cổ đông thiểu số thông qua tòa án và trọng tài

Bảo vệ cổ đông thiểu số thông qua tòa án và trọng tài: cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, pháp luật các nước đem so sánh ở trên đều quy định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp để cổ đông thiểu số bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, quyền khởi kiện không dành cho cổ đông quá nhỏ sở hữu cổ phần dưới 1% thì không được quyền khởikiện.

Quyền khởi kiện của CĐTS

Quyền khởi kiện là một nội dung quan trọng trong luật về doanh nghiệp ở các nước và là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ bảo vệ nhà đầu tư của ngân hàng thế giới. Pháp luật của Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan đều cung cấp cho cổ đông nói chung và cổ đông thiểu số nói riêng quyền khởikiện ở Tòa án để bảo vệ quyền lợi cho mình. Theo đó, cổ đông nói chung và cổ đông thiểu số nói riêng có quyền khởi kiện tại tòa án về việc công ty hoặc các thành viên Hội đồng quản trị hoặc những người khác có hành vi vi phạm về quyền hợp pháp của họ. Quyền này có phần khác nhau giữa các nước mà phần lớn được quy định rộng rãi theo luật công ty của Singapore và Malaysia, những nước này cũng trao quyền cho các tòa án những quyền lực cụ thể và linh hoạt để thi hành quyền của cổ đông và đền bù những sai lầm[6].Ở Singapre, Malaysia cổ đông có quyền kiện những hoạt động của công ty khi công ty đàn áp hoặc không công bằng đối với cổ đông, riêng những vấn đề sau thì 4 nước đều có quy định giống nhau: có quyền kiện những thành viên Hội đồng quản trị hoặc các nhân viên quản lý có hành vi vi phạm pháp luật như vi phạm nghĩa vụ của thành viên hội đồng quản trị, gian lận và cung cấp thông tin sai lệch mà gây thiệt hại cho công ty, hoặc cho cá nhân cổ đông; có quyền yêu cầu Tòa án giải thể công ty vì những lý do khác nhau, có quyền nhận lệnh của tòa án bắt buộc thực hiện, ngăn ngừa hoặc hủy bỏ các hoạt động vi phạm luật hoặc thỏa thuận thành lập hoặc điều lệ của công ty bao gồm nhưng giao dịch không đúng thẩm quyền[7]. Ví dụ sau đây điển hình cho việc cổ đông thiểu số khởi kiện công ty ở Singapore: tình huống là các cổ đông mong muốn tự đánh giá tình trạng tài chính của công ty, nhưng công ty đã không tổ chức các cuộc họp thường niên (“AGMs”) trong một số năm. Cụ thể: Nguyên đơn, Ezion Holdings (“Ezion”), là CĐTS, Teras Cargo Transport Pte Ltd (“Teras Cargo”) là bị đơn. Vấn đề này được Tòa án tối cao Singapore giải quyết theo hướng bảo vệ quyền lợi cho cổ đông thiểu số[8]. Hoặc 1 trường hợp khác của Philippines, trong Parke và Daily New (1962) chương 927, cổ đông thiểu số đã tìm cách ngăn chặn việc công ty thanh toán vượt quá quy định, hoặc trong vụ án Telegraph Works của Menier và Hopper (1894) chương 350, Menier là cổ đông thiểu số của công ty điện báo Châu Âu đã khởi kiện Hopper, một cổ đông lớn của công ty điện báoChâu Âu và được tòa án bảo vệ quyền lợi chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số[9].

Theo Điều 161 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về nguyên tắc, cổ đông dù lớn hay nhỏ, với tư cách là chủ sở hữu công ty thì đều có quyền kiến nghị, yêu cầu đối với công ty và khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột quyền lợi, thì giải pháp cuối cùng là có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với người quản lý công ty. Đây là một trong những quyền quan trọng nhất của cổ đông. Tuy nhiên, quyền khởi kiện ra toà không dành cho cổ đông quá nhỏ. Chỉ cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng trở lên mới có quyền khởi kiện và phải trả chi phí khởi kiện khi bị bác đơn. Tuy nhiên, hướng tới việc bảo vệ hiệu quả cổ đông thiểu số, Luật doanh nghiệp năm 2020 đã bỏ điều kiện về thời hạn nắm giữ cổ phần nhưng giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ, qua đó giảm thiểu các điều kiện khiến cho các cổ đông thiểu số khó bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Trên thực tế các cổ đông thiểu số cũng bắt đầu thực hiện quyền mà pháp luật trao cho để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm hại nhưng việc khởi kiện của cổ đông thiểu số về công ty thường rất ít[10]. Nguyên nhân là do: thứ nhất, về mặt tâm lý, người dân Á Đông nhìn chung không thích kiện; thứ hai là về mặt thủ tục phức tạp; thứ ba là về mặt ý thức của nhà đầu tư, họ chưa quen với việc kiện tụng, mà thường quen với việc gửi đơn kiến nghị hơn. Phần lớn các nhà đầu tư nhỏ thường khiếu nại lên Ủy ban chứng khoán (UBCK) hay Sở Giao dịch chứng khoán, chứ họ không thực hiện quyền khởi kiện dù đây là quyền rất lớn và thực hiện triệt để hơn. Các cơ quan như Sở giao dịch hay UBCK cũng chỉ kiến nghị các công ty giải quyết chứ không được quyền trực tiếp giải quyết những vấn đề như quyền hủy nghị quyết hội đồng quản trị, hủy nghị quyết của đại hội cổ đông, vì những quyền này thuộc về tòa án. Một yếu tố nữa khiến việc kiện tụng ít xảy ra là thi hành án. Ngay cả khi đã thắng kiện ở tòa, thì việc thihành án cũng rất lâu, thêm vào đó việc kiện là vì lợi ích chung của công ty, nhưng cổ đông thiểu số là người chịu thiệt ít hơn, nên cũng có tâm lý ngại khởi kiện.

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao việc hỗ trợ chi phí cho cổ đông khi khởi kiện, kể cả trong trường hợp khởi kiện không thành công. Bên cạnh đó còn những quy định như: trước khi khởi kiện, nhóm cổ đông nắm giữ 10% cổ phần có quyền kiểm tra các chứng từ liên quan đến giao dịch, nguyên đơn có thể yêu cầu bất kỳ chứng từ nào từ bị đơn hoặc nhân chứng trong quá trình xét xử, nguyên đơn có thể trực tiếp đặt câu hỏi cho bị đơn và nhân chứng trước tòa, … là những điểm mà WB đánh giá cao; trong khi đó Việt Nam lại không cho phép những điều này, khiến điểm của chỉ số thành phần này rất thấp[11]. Mức đánh giá của WB 2017 về khởi kiện người quản lý ở Việt Nam rất thấp chỉ có 2 điểm/10.

Tóm lại: Như trên đã phân tích, hệ thống pháp luật các nước đem so sánh có những điểm tương đồng với nhau, việc này xuất phát do quy luật thị trường không phân biệt quốc gia. Trong thương mại các thương gia tạo ra “luật chơi”, các “luật chơi” ấy trở thành các thông lệ chung nhất rồi pháp luật mới pháp điển hóa thành luật. Đặc biệt là trong yêu cầu hội nhập hiện nay, đòi hỏi pháp luật phải tương thích. Sự tương thích này không nhất thiết phải hoàn toàn như nhau, nhưng tiến tới gần gũi nhau.

Về sự khác nhau: Trước hết các quốc gia có chủ quyền nên không bị lệ thuộc vào quốc gia khác. Tuy nhiên, hội nhập đòi hỏi áp dụng Quy chế tối huệ quốc và Đối xử quốc gia, có nghĩa là nếu một quốc gia áp dụng với công dân của mình thế nào thì phải áp dụng với công dân nước khác trong hiệp định như với công dân quốc gia mình.

Đồng thời các yếu tố về văn hóa, chính trị ở các nước cũng ảnh hưởng đến sự tương đồng và khác nhau về những quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ cổ đông thiểu số. Cụ thể:

Về văn hóa, người châu Á có truyền thống làm kinh tế gia đình, có thể đây là điểm tương đồng. Tuy nhiên sự gắn kết gia đình ở mỗi nước cũng có thể khác nhau.

Về chính trị, sự khác biệt quan trọng nhất cần nhấn mạnh ở Việt Nam là một quốc gia chuyển đổi từ quản lý kinh tế tập trung - kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường, các yếu tố tập trung - kế hoạch hóa vẫn còn ảnh hưởng cả đối với công ty cổ phần, cho nên có một số quy định pháp luật khác với những nước so sánh.

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là một cách thức chuyển đổi và là điểm khác biệt cơ bản của Việt Nam với các nước. Khi cổ phần các doanh nghiệp lớn, thường Nhà nước vẫn là cổ đông lớn (ví dụ Vietinbank, Vietcombank, VIDB, EVN...) nên nguy cơ cơ chế tập trung - kế hoạch hóa vẫn ảnh hưởng đến công ty cổ phần. Mặt khác, khi cổ phần hóa, người làm công trở thành cổ đông, thường là cổ đông thiểu số, nhưng suy nghĩ của họ thường vẫn như người làm công điều đó dẫn tới sự cần thiết phải bảo vệ họ.

 


[1]Xem thêm “Phân tích so sánh chế định bảo vệ cổ đông thiểu số thông qua các thiết chế quản lý nội bộ” trên trang web….

[2]Web of Philippines investors’ Association, http://sharephil.org/, (update 16/6/2018)

[3]Shareholder communication,https://sias.org.sg/partnerssupporters/shareholder-communication/, (access22/6/2018).

[4]Web of Malaysiain investors’ Association, http:/ia.org.my/, (update 16/6/2018)

[5]Web of Thailand investors’ Association, http://www.thaiinvestors.com/, (update16/6/2018)

[6]Viện nghiên cứu quản lý trung ương (1999), Báo cáo nghiên cứu so sánh luật công ty ở bốn quốc gia Đông Nam á: Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippines, Dự án UNDPVIE/97/016, tr.56-57

[7]Viện nghiên cứu quản lý trung ương (1999), Báo cáo nghiên cứu so sánh luật công ty ở bốn quốc gia Đông Nam á: Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippines, Dự án UNDPVIE/97/016, tr.57-68

[8]Liu Xuanyi (2016), Shareholder access to company financials: no right to know? - Ezion Holdings v Teras Cargo Transport Pte Ltd [2016] SGHC, http://www.singaporelawblog.sg/blog/article/170, (access 22/6/2018)

[9]Elias (2016), Minority shareholders can bring proceeding under section 236, 237 of Corporations Act 2001,http://www.jinslegalstory.com/corporate-law/minority-shareholders- can-bring-proceeding-section-236-237-corporations-act-2001/ (access 3/7/2018).

[10]Trung Nghĩa (2015), Cổ đông thiểu số tại Việt Nam ngại khiếu kiện,http://cafef.vn/thi-truong-chung-khoan/co-dong-thieu-so-tai-viet-nam- ngai-khieu-kien-20151110112621954.chn, (truy cập10/5/2018).

[11]Lê Thị Xuân Huế (2017), Bảo vệ CĐTS ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp, http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/91-8946-bao-ve-co-dong-thieu- so-o-viet-nam-thuc-trang-va-giai-phap.html, (truy cập22/6/2018)

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành