Thứ ba, 09 Tháng 8 2022 06:24

Một số vấn đề cơ bản về sở hữu và chế độ sở hữu được quy định trong hiến pháp

Từ xa xưa các ngành khoa học xã hội như kinh tế, triết học và luật đã coi sở hữu là một đối tượng nghiên cứu quan trọng bởi vì sở hữu mang một phạm trù rộng và nó là nền tảng để xác định nhiều mối quan hệ trong xã hội. Dưới góc độ khoa học kinh tế, sở hữu ở đây được tiếp cận dưới góc độ là một phạm trù kinh tế - chính trị, như vậy, nội dung quan trọng của nó là xác lập mối quan hệ giữa người với người trong tổ chức sản xuất xã hội. Mặt khác, đối với khoa học triết học, thì sở hữu ở đây được coi như một mặt quan trọng của quan hệ sản xuất, gắn liền với một hình thái kinh tế - xã hội nhất định. Tuy vậy, các nhà luật học lại cho rằng khái niệm và bản chất của sở hữu bắt nguồn từ luật học thông qua việc xác định quan hệ pháp luật về tài sản, nguồn gốc của các quan hệ dân sự. Từ góc độ sở hữu mang ý nghĩa xã hội khi được pháp điển sẽ trở thành quyền sở hữu và từ quyền sở hữ đó khi thực hiện dưới một cơ chế xã hội nhất định sẽ được coi là chế độ sở hữu của quốc gia đó[1].

Khái niệm sở hữu không được định nghĩa cụ thể trong bộ Tư bản- một tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Marx, mà theo ông sở hữu chỉ là điều kiện, là phương tiện sản xuất chứ không phải là mục tiêu mà xã hội hương tới. Khi nghiên cứu, phân tích phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa nhằm tìm tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, Marx mới nghiên cứu cụ thể vấn đề sở hữu. Thông qua một loạt các tác phẩm kinh điển trong suốt quá trình nghiên cứu của mình, như Bản thảo kinh tế triết học, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước, Những nguyên lý của chủ nghĩa Cộng sản… Marx mới đưa khái niệm sở hữu vào nghiên cứu. Tuy nhiên, K. Marx cũng không đưa ra một khái niệm cụ thể nào về sở hữu. Trong những tác phẩm kinh điển trên, ông đã đưa ra một phạm trù nghiên cứu về sở hữu nói chung, theo đó, đặc trưng cơ bản của sở hữu là sở hữu là quan hệ giữa con người và tư liệu sản xuất, có sở hữu mới có điều kiện sản xuất, sở hữu không chỉ đơn thuần là vật dụng, nó còn là quan hệ giữa con người với nhau về vật dụng, sở hữu là sự chiếm hữu mang tính xã hội, sở hữu là điều kiện của sản xuất[2].

Vấn đề đặt ra ở đây là phải xác định được nội dung, bản chất, nội hàm của sở hữu. Theo đó, sở hữu luôn mang trong mình bản chất của kinh tế và pháp lý. Như vậy, dù tồn tại dưới hình thức nào thì sở hữu luôn phản ánh các mối quan hệ kinh tế, giai cấp, xã hội và pháp lý nhất định. Do vậy, chế độ sở hữu của một quốc gia sẽ phản ánh giai cấp thống trị của quốc gia đó, và lợi ích của ai trong xã hội được bảo vệ.

Tuy nhiên, các nhà học giả tư sản lại không phân định sở hữu dưới góc độ pháp luật và kinh tế như chủ nghĩa Marx. Ở châu Âu, các quốc gia theo hệ thống luật châu âu lục địa thì quyền sở hữu được xác định dựa trên các quy định của Luật La Mã cổ đại. Theo đó, quyền sở hữu được thực hiện khi chủ sở hữu thực hiện hành vi sở hữu thông qua ba quyền cơ bản đó là quyền sử dụng, quyền quyết định và quyền thu lợi[3].Tuy nhiên, do sự phân hóa cách tiếp cận ở các quốc gia, bên cạnh cách hiểu truyền thống, quyền sở hữu còn được hiểu chỉ bao gồm hai quyền năng là quyền hưởng dụng (thực chất, quyền (người) hưởng dụng (usufructuary) bao gồm quyền sử dụng (usus) và quyền thu lợi (fructus)) và quyền định đoạt. Ví dụ Bộ luật Dân sự Pháp quy định: “Quyền sở hữu là quyền được hưởng dụng và định đoạt tài sản một cách tuyệt đối nhất, miễn là không sử dụng tài sản vào những việc pháp luật cấm”[4]. Như vậy, có thể nhận thấy rẳng, ở một mức độ nào đó, sự chiếm hữu thực tế được coi là “biểu hiện bề ngoài” của quyền sở hữu[5]. Theo đó, cần phải xác định phạm vi và nội hàm của quyền sở hữu theo nhiều cấp độ. Ở cấp độ tổng quan, chỉ nên đề cập nội dung của quyền sở hữu một cách khái quát, bao trùm mọi quyền có tính chất tư pháp về tài sản. Do đó, trong từng lĩnh vực pháp luật cụ thể tiếp tục xác định những quyền năng cụ thể của quyền sở hữu theo hướng có sự phân biệt khái niệmsở hữu trong các lĩnh vực pháp luật khác nhau như luật hiến pháp, luật dân sự, luật kinh tế[6].

Ở các quốc gia theo hệ thống án lệ, quyền sở hữu ở đây được tiếp cận theo hướng quyền sở hữu là quyền tài sản. Cách tiếp cận này có ưu điểm là sự xác định rõ ràng và khả năng mở rộng phạm vi quyền sở hữu không bị gò bó trong ba quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Điều này, tạo tiền đề cho việc tiếp cận các quyền được linh hoạt hơn. Do quy định của pháp luật quyền sở hữu khá trừu tượng và không liệt kê chi tiết các quyền. Tuy nhiên, xem xét quyền sở hữu dưới dạng đồng nhất với quyền tài sản dẫn tới việc khó phân định quyền sở hữu và quyền sử dụng. Tuy nhiên, điều này không tách biệt quyền sử dụng ra khỏi quyền sở hữu. Điều này chỉ xác lập quyền sử dụng của người không phải sở hữu tài sản thông qua việc trao quyền của chủ sở hữu và như vậy trọng tâm của chủ thể dần chuyển sang phía chủ thể sử dụng.

Như vậy, có thể thấy rằng, khái niệm về quyền sở hữu của các nước theo hệ thống luật châu âu lục địa và hệ thống án lệ đã có những điểm chung trong việc đưa ra định nghĩa về quyền sở hữu dưới dạng thức các quyền tài sản cụ thể căn cứ trên đối tượng sở hữ và phương thức tổ chức thực hiện quyền này theo từng lĩnh vực với những mục tiêu kinh tế, chính trị cụ thể. Ở đây nhấn mạnh các tiếp cận quyền sở hữu dựa trên việc tạp trung vào quyền sử dụng và phân chia các quyền năng sở hữu cho các chủ thể khác.

Khái niệm sở hữu khi được pháp điển hóa sẽ trở thành quyền sở hữu và quyền này được thực hiện dưới một cơ chế xã hội nào đó thì sẽ hình thành chế độ sở hữu của xã hội đó. Theo đó, nếu xét trên quan điểm hình thức, “chế độ sở hữu” là tổng thể các quy định pháp lý điều chỉnh vấn đề sở hữu của một quốc gia. Như vậy, có thể nói chế độ sở hữu là tổng thể các quy định trong hiến pháp điều chỉnh vấn đề sở hữu. Trên thực tế, chế độ sở hữu mang tính chính trị- pháp lý nhằm xác định chủ thể chi phối, kiểm soát và phân phối các nguồn lực, tài sản trong xã hội. Theo đó, chế độ sở hữu phải được Hiến pháp quy định làm căn cứ xác định những nguyên tắc cơ bản của đời sống chính trị của một quốc gia, cụ thể như xác định chủ thể của quyền lực nhà nước, các thức và phương thức phân phối quyền lực và kiểm soát quyền lực nhà nước cũng như các nguồn lực trong xã hội. Tóm lại, chế độ sở hữu được xác lập dựa trên nội dung và hình thức thực chất. Chế độ sở hữu ở đây được hiến pháp quy định với ý nghĩa là các quan hệ sở hữu đã được luật hóa nhằm xác định chủ thể có quyền chi phối, kiểm soát và phân phối các tài sản, nguồn lực trong xã hội của một quốc gia cụ thể.

 


[1]Lương Minh Cừ, Vũ Văn Thư (2011), Sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay: một số nhận thức về lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị Quốc gia, HàNội

[2]Trần Thị Kim Cúc (2010), Tìm hiểu di sản lý luận của các nhà kinh điển Chủ nghĩa Mác - Lênin, Nxb. Chính trị Quốc gia, HàNội

[3]Nguyễn Ngọc Điện, Quyền sở hữu và quyền chiếm hữu - bài học về tình huống luật xa rời cuộc sống, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (điện tử)

[4]Bộ luật Dân sự Pháp (Bản tiếng Việt), Trương Quang Dũng, Đoàn Thanh Loan, Hồ Thu Phương, Đào Thị Nguyệt Ánh dịch, Nxb. Tư pháp, 2005, HàNội

[5]Nguyễn Ngọc Điện, Quyền sở hữu và quyền chiếm hữu - bài học về tình huống luật xa rời cuộc sống, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (điện tử)

[6]Hà Thị Mai Hiên (1996), Quyền sở hữu của công dân ở Việt Nam, Luận án Phó tiến sĩ Khoa học Kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Hà Nội

Sửa đổi lần cuối Thứ hai, 02 Tháng 1 2023 06:31

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành