Thứ hai, 18 Tháng 7 2022 15:19

Góp ý hoàn thiện quy định của pháp luật về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn

Pháp luật một số nước trên thế giới quy định việc thành lập một cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn sẽ có nhiều lợi thế, vì nguồn lực đầu tư cho cơ quan này sẽ tốt hơn (cả về con người, tài chính, cơ sở vật chất, kinh nghiệm), bảo đảm tính độc lập, không bị tác động bởi các yếu tố khác, hạn chế làm ảnh hưởng đến bí mật kinh doanh, bí mật khách hàng của các cơ quan, tổ chức có liên quan như thuế, ngân hàng, kho bạc, cơ quan đăng ký bất động sản... Cơ quan này chỉ hoạt động trên các tiêu chuẩn các quy định của pháp luật được áp dụng cho cơ quan chống tham nhũng hay cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực công. Ngoài ra, việc kiểm soát tài sản, thu nhập không thể tách rời với việc hoạt động của các cơ quan chuyên ngành khác như thuế, ngân hàng… nên cần phải huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức này vào quá trình theo dõi biến động về tài sản, thu nhập để kiểm soát có hiệu quả.

Tuy nhiên, sựmâu thuẫn được đặt ra là cùng với việc quy định phạm vi đối tượng chịu sự kiểm soát tài sản, thu nhập rất rộng như Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 thể hiện thì việc chỉ quy định một cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập có thể thực thi hiệu quả nhiệm vụ hay không là một vấn đề cần cân nhắc thận trọng. Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005lựa chọn số đối tượng chịu sự kiểm soát tài sản, thu nhập rất lớn, nên pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập đang quy định cho hầu hết cơ quan của Đảng, các cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng thuộc cấp ủy và cán bộ do cơ quan mình quản lý. Các quy định này đã dẫn đến dàn trải, khó đầu tư nguồn lực cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và nâng cao năng lực, kinh nghiệm cho cán bộ thực hiện. Đồng thời, với mô hình tổ chức quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay (tập trung, thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau) thì việc bảo đảm tính độc lập, hoạt động minh bạch, khách quan của cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập này là rất khó thực hiện, nhất là đối với đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ khi tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người đứng đầu.

Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 được sửa đổi đã thu hẹp một bước các đầu mối cơ quan, đơn vị có chức năng kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta trong tình hình hiện nay; hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan này trong bối cảnh họ vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ chính khác như công tác thanh tra, kiểm tra, tổ chức, cán bộ; phù hợp với tinh thần của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, cấp phó…[1] . Tuy nhiên, các quy định này của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 vẫn có tính kép kín trong nội bộ từng nhánh quyền lực và trong cơ quan, tổ chức; quy định về thẩm quyền của các cơ quan này chưa thực sự rõ ràng… nên khó có thể bảo đảm khách quan trọng kiểm soát tài sản, thu nhập (chẳng hạn Thanh tra Chính phủ trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên Chính phủ nếu phát hiện có vi phạm thì xử lý như thế nào nếu không phải là báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định). Cán bộ làm công tác kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn kiêm nhiệm nên khó có thể đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, nhất là nghiệp vụ xác minh nguồn gốc tài sản, thu nhập. Quy định về quan hệ phối hợp chưa rõ ràng, nhất là s phối hợp giữa Cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập với Kho bạc, Tổ chức tín dụng, Cơ quan quản lý đất đai… trong việc cung cấp thông tin, tài liệu để vừa bảo đảm Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện tốt nhiệm vụ nhưng không làm ảnh hưởng đến tính bảo mật thông tin khách hàng của các cơ quan, tổ chức khác.Do đó, trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 về nội dung này theo hướng:

Thứ nhất, về nhiệm vụ, quyền hạn: phân định rõ ràng cơ quan quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập với cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Theo đó cơ quan quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập chỉ có chức năng thu, lưu trữ và chuyển dữ liệu của bản kê khai đó vào Cơ sở giữ liệu quốc gia về bản kê khai (dữ liệu số hóa); còn nhiệm vụ, quyền hạn trong việc xác minh tài sản, thu nhập chỉ nên giao cho cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập.

Thứ hai, về đầu mối cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn: nên thành lập cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập độc lập ở trung ương, có những thẩm quyền đặc biệt như theo dõi, điều tra các tài khoản ngân hàng, cổ phần, tài khoản mua, bán, chi tiêu và các tài khoản khác của người có chức vụ, quyền hạn, thậm chí là cả những người có liên quan đến người có hành vi tham nhũng; có quyền phong tỏa tài khoản khi cần thiết và được quyền áp dụng một số biện pháp xử phạt phù hợp, trong quá trình kiểm soát, nếu thấy có dấu hiệu của trốn thuế thì chuyển hồ sơ sang cơ quan thuế để tiến hành xử lý; nếu có dấu hiệu của tội phạm thì phải chuyển ngay vụ việc sang cơ quan điều tra để tiến hành thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quy định như vậy để bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật về ngân hàng, các tổ chức tín dụng, đất đai, dân sự… và nhất là quyền con người đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Từ đó cũng nhằm đầu tư nguồn lực tốt nhất cho hoạt động của các cơ quan này (tuyển dụng những người có năng lực, kinh nghiệm trong việc điều tra, xác minh về nguồn gốc tài sản, bảo đảm tính độc lập của cơ quan này với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhằm tăng cường liêm chính; bảo đảm cơ sở vật chất, tài chính… cho hoạt động của các cơ quan này).

Thực tiễn công tác kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua cho thấy, do Luật giao cho nhiều đầu mối cơ quan, đơn vị có chức năng này nhưng quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục còn chung chung, đã dẫn đến họ chỉ thực hiện mang tính hành chính, thủ tục nhiều hơn là về mặt nội dung. Mặt khác, doLuật giao cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị tự xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình nên cũng rất khó bảo đảm khách quan khi tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó. Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 tuy có thu hẹp chủ thể có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và cụ thể hóa rõ hơn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác minh tài sản, thu nhập nhưng vẫn khó bảo đảm tính độc lập, khách quan, nhất là đối với những vị trí công tác là thành viên Chính phủ, thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, người đứng đầu các tổ chức thành viên của Mặt trận. Do đó, về lâu dài vẫn cần thiết có một cơ quan chuyên trách, độc lập trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thì mới tăng cường được hiệu quả công tác này”[2].

Thứ ba, về trình tự, thủ tục kiểm soát tài sản, thu nhập: Mặc dù Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018đã có những bổ sung rất quan trọng về nhiệm vụ và quyền hạn của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và Tổ xác minh tài sản, thu nhập (Điều 31 và Điều 46), trong đó bao gồm các quyền như: yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai cung cấp thông tin có liên quan và giải trình khi có biến động về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên; có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đang quản lý tài sản áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại hoặc chuyển dịch tài sản, thu nhập… Các quy định này góp phần bảo đảm tính minh bạch, giúp cho các chủ thể có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện nhiệm vụ khách quan, độc lập và hạn chế tối đa s can thiệp trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, vẫn cần quy định rõ ràng, cụ thể về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan này; quy định cụ thể về trình tự, thủ tục trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập và xác minh bản kê khai cũng như xác minh nguồn gốc về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn để bảo đảm chặt chẽ, tránh được s tùy tiện, lạm dụng nhằm mục đích tư lợi hoặc trả thù cá nhân.

Thứ tư, về thẩm quyền của các cơ quan khác tham gia kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn: Để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi thì chung ta cần sớm nghiên cứu sửa đổi các luật có liên quan như: Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Tố tụng hình sự… giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện kết hợp giữa việc xác minh tài sản, thu nhập với điều tra một số tội phạm về tham nhũng; cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn phải có có thẩm quyền tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong một số trường hợp nhất định để phục vụ cho việc khởi tố, điều tra. Đồng thời, cho phép cơ quan này có thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp thông tin về người có chức vụ, quyền hạn (bao gồm cả bản kê khai tài sản, thu nhập, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người có chức vụ, quyền hạn…) khi có căn cứ cho rằng, người có chức vụ, quyền hạn có hành vi tham nhũng hoặc khi có tố cáo về tham nhũng; yêu cầu cơ quan thuế cung cấp thông tin về tình hình kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân của người có chức vụ, quyền hạn và người thân của họ; yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin về các giao dịch của người có chức vụ, quyền hạn… Bên cạnh đó, cần giao một số thẩm quyền về xử lý người có chức vụ, quyền hạn vi phạm và kiến nghị xử lý trách nhiệm, tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng cho các cơ quan này để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thời gian tới.

 


[1]Ban Chấp hành Trung ương Cộng sản Việt Nam (2017), Nghị quyết số 18- NQ/TW ngày 25/10/2017, Về một số vấn đề cần tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệuquả

[2]Theo ông Ngô Mạnh Hùng - Phó cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, tháng 5/2020

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành