In trang này
Thứ ba, 04 Tháng 10 2022 15:48

Thực tiễn tham gia vụ tranh chấp của Guinea Xích Đạo với tư cách bên thứ ba tại Tòa án công lý Quốc tế (ICJ)

Guinea Xích Đạo tham gia với tư cách là bên thứ ba tại ICJ trong vụ kiện “Land and maritime boundary between Cameroon and Nigeria (Cameroon v. Nigeria: Equatorial Guinea intervening)” - Vụ kiện phân định biên giới đất liền và biển giữa Cameroon và Nigeria[1]. Trong vụ kiện này, Guinea Xích Đạo đã thể hiện vai trò của mình khi tham gia với tư cách bên thứ ba cụ thể như sau:

Ngày 29/3/1994, Cameroon đã nộp đơn khởi kiện Nigeria ra ICJ về việc phân định chủ quyền đối với bán đảo Bakassi và yêu cầu Tòa xác định biên giới trên biển giữa hai nước kể từ năm 1975.

Ngày 30/6/1999, nước cộng hòa Guinea Xích Đạo đã nộp đơn xin tham gia với tư cách bên thứ ba vào vụ việc. Hai bên tranh chấp là Cameroon và Nigeria đã nhận được thông báo về việc xin tham gia vào vụ kiện với cách bên thứ ba hai nước này đã đồng ý với đề nghị này.

Ngày 21/10/1999, ICJ đã ra quyết định cho phép Guinea Xích Đạo tham gia vào vụ tranh chấp với tư cách là bên thứ ba căn cứ theo Điều 62 của Quy chế của Tòa ICJ. Trong quyết định này của Tòa án, những ý kiến trình bày và lập luận pháp của Guinea Xích Đạo được Tòa ghi nhận cụ thể như sau:

Guinea Xích Đạo đã trình bày căn cứ pháp lý cho rằng mình có quyền tham gia vào vụ tranh chấp giữa Cameroon và Nigeria với tư cách là bên thứ ba theo Điều 62 của Quy chế của Tòa án Công lý quốc tế và nước này đã thông báo với Tòa về lợi ích hợp pháp của mình có thể bị ảnh hưởng bởi phán quyết của Tòa:

“Thứ nhất, để bảo vệ quyền hợp pháp của nước Cộng hòa Guinea Xích Đạo trong vùng vịnh Guinea bằng mọi biện pháp pháp lý sẵn có, và về vấn đề này, được phép sử dụng quy trình thủ tục được quy định tại Điều 62 Quy chế của Tòa.

Thứ hai, để thông báo cho Tòa về quyền và lợi ích hợp pháp của Guinea Xích Đạo có thể bị ảnh hưởng bởi phán quyết của Tòa có liên quan đến tuyên bố ranh giới biển giữa các bên tranh chấp trước Tòa.”[2]

Quan điểm và lập luận của Guinea Xích Đạo khi nộp đơn đề nghị tham gia với tư cách là bên thứ ba trong vụ việc tranh chấp cũng được ghi nhận trong quyết định này của Tòa. Theo đó:

“Trong bối cảnh thực tế rằng Guinea Xích Đạo có mặt trước Tòa. Guinea Xích Đạo mong muốn rất rõ ràng rằng mình không có ý định tham gia vào thủ tục tố tụng giải quyết tranh chấp liên quan đến đất liền giữa Cameroon và Nigeria bao gồm việc xác định chủ quyền đối với bán đảo Bakassi. Guinea Xích Đạo chỉ quan tâm đến việc giải quyết của Tòa liên quan đến xác định biên giới trên biển liên quan vụ tranh chấp; và như đã được giải thích cụ thể trong phần trình bày ở phần dưới, mục đích tham gia của Guinea Xích Đạo để thông báo cho Tòa về quyền và lợi ích hợp pháp của Guinea Xích Đạo do vậy những điều này không ảnh hưởng khi Tòa tiến hành thủ tục tố tụng để giải quyết vấn để ranh giới trên biển giữa Cameroon và Nigeria, là các bên tranh chấp trong vụ việc trước đó. Guinea Xích Đạo không tìm cách để trở thành bên tranh chấp trong vụ việc này.”

“Căn cứ theo pháp luật quốc gia, Guinea Xích Đạo tuyên bố quyền chủ quyền và quyền tài phán liên quan đến việc này theo quy định của pháp luật quốc tế về đường trung tuyến giữa Guinea Xích Đạo và Nigeria cũng như giữa Guinea Xích Đạo và Cameroon. Đây là quyền và lợi ích hợp pháp mà Guinea Xích Đạo tìm cách để bảo vệ chính Guinea Xích Đạo. Guinea Xích Đạo mong muốn nhấn mạnh rằng mình không tìm kiếm một quyết định của Tòa về ranh giới của nước này với Cameroon hoặc Nigeria. Tuy nhiên, Guinea Xích Đạo thực sự muốn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nếu đường ranh giới trên biển của Cameroon Nigeria được quyết định bởi Tòa sẽ không nên vượt qua đường trung tuyến với Guinea Xích Đạo. Nếu Tòa xác định đường ranh giới trên biển giữa Cameroon và Nigeria được kéo dài đến vùng biển của Guinea Xích Đạo, và được xác định bởi đường trung tuyến, thì quyền và lợi ích của Guinea Xích Đạo sẽ không bị thiệt hại. Mục đích của Guinea Xích Đạo đã được trình bày và thể hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa và Guinea Xích Đạo trình bày quan điểm của mình về việc các tuyên bố về ranh giới trên biển của Cameroon hoặc Nigeria có thể hoặc có thể không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Guinea Xích Đạo”[3].

Ngày 10/10/2002, ICJ đã ra phán quyết về vụ kiện. Trong phán quyết này, ICJ đã ghi nhận những quan điểm, lập luận pháp lý của Guinea Xích Đạo tham gia với tư cách là bên thứ ba về những nội dung vụ việc như sau:

“Yêu cầu của Guinea Xích Đạo rất đơn giản và thẳng thắn, được hình thành theo lập luận của Tòa có ý nghĩa tốt trong thực tiễn cộng đồng quốc tế và phù hợp với thực tiễn của ba quốc gia trong khu vực liên quan: yêu cầu Tòa từ chối phân định ranh giới trên biển giữa Nigeria và Cameroon ở bất kỳ khu vực nào gần với Guinea Xích Đạo hơn các bên tranh chấp trước Tòa. Guinea Xích Đạo tin rằng mình đã đưa ra những lý do chính đáng để Tòa chấp nhận điều này.”[4]

“Chúng tôi yêu cầu Tòa không phân định ranh giới trên biển giữa Cameroon và Nigeria ở các khu vực gần Guinea Xích Đạo hơn là bờ biển của hai bên tranh chấp hoặc bày tỏ bất kỳ ý kiến nào có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chúng tôi trong bối cảnh đàm phán ranh giới trên biển của chúng tôi với những quốc gia láng giềng... Bảo vệ lợi ích của nước thứ ba theo thủ tục tố tụng này có nghĩa là việc phân định giữa Nigeria và Cameroon được quyết định bởi Tòa nhất thiết phải ở phía bắc của đường trung tuyến giữa đảo Bioko của Guinea Xích Đạo và phần đất liền.”[5]

Ngoài những nội dung trình bày cụ thể của Guinea Xích Đạo được ghi nhận và phản ánh trong phán quyết nêu trên, Tòa án còn ghi nhận tóm tắt những yêu cầu pháp lý của Guinea Xích Đạo trước Tòa trong toàn bộ quá trình xét xử vụ việc như: “Tòa án sẽ tóm tắt ngắn gọn các lập luận của Guinea Xích Đạo liên quan đến tiến trình ranh giới trên biển giữa Cameroon và Nigeria. Về cơ bản, Guinea Xích Đạo yêu cầu Tòa án "kiềm chế phân định ranh giới trên biển giữa Nigeria Cameroon ở bất kỳ khu vực nào gần Guinea Xích Đạo hơn so với các Bên tranh chấp trước Tòa án" hoặc "bày tỏ bất kỳ ý kiến nào có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích của Guinea Xích Đạo trong bối cảnh các cuộc đàm phán ranh giới trên biển của các nước láng giềng”[6].

Từ nội dung vụ kiện trên, ta có thể nhận thấy Guinea Xích Đạo đã thể hiện rõ vai trò khi tham gia với tư cách là bên thứ ba trong vụ kiện. Guinea Xích Đạo đã trình bày cơ sở pháp lý, quan điểm và lập luận trước cơ quan giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Những ý kiến này đã được ghi nhận và xem xét trong những báo cáo, quyết định và phán quyết của Tòa trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa các bên. Từ việc tham gia của Guinea Xích Đạo trong vụ kiện này đã cho thấy một cách thức tham gia và sử dụng hiệu quả cơ chế giải quyết tranh chấp đề bảo vệ quyền lợi thiết thực của mình tại ICJ.

 


[1] International Court of Justice (2002), Land and maritime boundary between Cameroon and Nigeria (Cameroon v. Nigeria: Equatorial Guinea intervening), Judgment of 10 October 2002, La Haye

[2] International Court of Justice (2002), Land and maritime boundary between Cameroon and Nigeria (Cameroon v. Nigeria: Equatorial Guinea intervening), Judgment of 10 October 2002, La Haye, tr.7

[3] International Court of Justice (2002), Land and maritime boundary between Cameroon and Nigeria (Cameroon v. Nigeria: Equatorial Guinea intervening), Judgment of 10 October 2002, La Haye, tr.6-7

[4] International Court of Justice (2002), Land and maritime boundary between Cameroon and Nigeria (Cameroon v. Nigeria: Equatorial Guinea intervening), Judgment of 10 October 2002, La Haye, tr.6-7

 

[6] International Court of Justice (2002), Land and maritime boundary between Cameroon and Nigeria (Cameroon v. Nigeria: Equatorial Guinea intervening), Judgment of 10 October 2002, La Haye, đoạn 284, tr.140