Thứ năm, 15 Tháng 9 2022 16:10

Đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nguyên tắc giám sát của cơ quan dân cử đối với hoạt động tố tụng hình sự

1. Mô hình tổ chức quyền lực của bộ máy nhà nước

Việc kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung và kiểm soát hoạt động tố tụng hình sự nói riêng là một bộ phận của tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước do đó, nó bị ảnh hưởng bởi mô hình tổ chức quyền lực của bộ máy nhà nước. Sự ảnh hưởng này thể hiện ở các khía cạnh chủ thể giám sát, đối tượng giám sát, các hình thức và phương pháp giám sát.

Ở các nước mà bộ máy nhà nước tổ chức theo nguyên tắc phân quyền, quyền lực tư pháp của Tòa án bị kiểm soát bởi các nhánh quyền lực khác là lập pháp và hành pháp.

“Việc phân định rạch ròi lập pháp, hành pháp và tư pháp về chức năng cũng như về nhân sự cùng với cơ chế kiềm chế và đối trọng trong hoạt động giữa các bộ phận quyền lực đã tạo ra một trật tự có tính ổn định tương đối, hạn chế sự lạm dụng quyền lực”[1].

“Kiềm chế, đối trọng ở đây được thực hiện giữa các bộ phận cấu thành Nhà nước, trong nội bộ Nhà nước, vì thế việc kiểm soát quyền lực ở đây được thực hiện chủ yếu là từ phía Nhà nước mà hoàn toàn không chịu ảnh hưởng hoặc ít chịu ảnh hưởng từ phía xã hội”[2].

Nguyên tắc phân quyền trong tổ chức quyền lực nhà nước đề cao giám sát từ nội bộ các cơ quan nhà nước, đề cao hệ thống tự kiểm soát của nhà nước và kiểm soát từ phía xã hội ít ảnh hưởng hơn. Mô hình tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc phân quyền, chủ thể giám sát là các cơ quan nhà nước có nhiều cơ chế kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước, trong đó có cơ chế giám sát hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng.

Đối với việc giám sát hoạt động tố tụng hình sự chủ yếu thông qua mô hình tố tụng hình sự đó là sự kiểm soát lẫn nhau giữa các chủ thể của tố tụng hình sự thông qua mô hình tranh tụng trong tố tụng hình sự. Ở đó việc buộc tội được kiểm soát bởi hoạt động gỡ tội của người bào chữa, bởi sự độc lập của Tòa án trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa.

Ưu điểm của mô hình tổ chức nhà nước này đối với việc kiểm soát hoạt động tư pháp là ở chỗ nó đảm được tính độc lập của các cơ quan xét xử đồng thời hạn chế được sự lạm quyền và phát hiện sự lạm quyền, đề cao được trách nhiệm cá nhân. Không chỉ vậy, mô hình tổ chức nhà nước theo nguyên tắc phân quyền với đặc trưng là hạn chế quyền lực nhà nước đã tạo ra cơ chế giám sát chặt chẽ từ phía chủ thể giám sát là các cơ quan nhà nước.

Ở các nước theo mô hình tập quyền việc giám sát quyền lực tư pháp nói chung và giám sát hoạt động tố tụng hình sự cũng có những đặc thù về chủ thể giám sát, đối tượng giám sát và phương pháp giám sát. Với đặc trưng là quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp trong việc thực hiện quyền lập hành pháp và tư pháp. Mô hình này đề cao quan hệ giám sát của nhân dân, giám sát xã hội với nhà nước “Đó là quan hệ giữa nhân dân với Nhà nước, giữa người chủ đích thực của quyền lực nhà nước với quyền lực đó”[3] . Mô hình nhà nước trong cơ chế tập quyền có đặc điểm và đặc điểm đó tác động đến việc giám sát hoạt động tố tụng hình sự ở các phương diện sau đây:

Thứ nhất, chủ thể giám sát quan trọng nhất là các cơ quan dân cử như Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Ngoài ra các chủ thể giám sát khác đó là các cơ quan trong hệ thống chính trị như Đảng cầm quyền, các tổ chức đoàn thể quần chúng.

Thứ hai, đối tượng giám sát là hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng là Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát nhân dânTòa án nhân dân với nội dung đó là xem xét tính hợp pháp của các hoạt động tố tụng hình sự, vấn đề tôn trọng quyền con người trong tố tụng hình sự, vấn đề oan sai trong tố tụng hình sự, vấn đề hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp hình trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật… Như vậy đối tượng giám sát trong mô hình nhà nước tập quyền rộng hơn so với mô hình tổ chức nhà nước theo nguyên tắc phân quyền.

Thứ ba, từ mô hình tổ chức tập quyền dẫn tới hình thức và phương pháp giám sát hoạt động tố tụng hình sự cũng có tính chất đặc thù. Phương pháp giám sát phổ biến là yêu cầu các cơ quan tư pháp hình sự báo cáo công tác, chất vấn và trả lời chất vấn của cơ quan tư pháp, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ trong cơ quan tư pháp do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, thành lập các Ủy ban lâm thời, tổ chức các đoàn giám sát đối với cơ quan tiến hành tố tụng

Ưu điểm của mô hình tổ chức nhà nước theo nguyên tắc tập quyền là nó đảm bảo được tính thống nhất của quyền lực xét về khía cạnh tổ chức thực hiện quyền lực. Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nhân dân giao phó quyền lực của mình cho cơ quan đại diện cao nhất và do đó là cơ quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đảm được tính thường xuyên, thực chất của hoạt động giám sát và cơ chế giám sát quyền tư pháp nói chung và hoạt tố tụng hình sự nói riêng đa dạng và phong phú hơn. Tuy nhiên, mô hình tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập quyền cùng với đặc điểm giám sát trên dễ dẫn đến sự can thiệp quá sâu vào hoạt động tố tụng hình sự và làm mất đi tính độc lập của tư pháp.

2. Cơ chế giám sát hoạt động tố tụng

Giám sát trong tố tụng hình sự có đạt được mục đích hay không có nhiều yếu tố tác động trong đó không thể thiếu cơ chế giám sát pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và vận hành trôi chảy. Cơ chế pháp lý giám sát đối với hoạt động tố tụng hình sự là một bộ phận của cơ chế giám sát quyền tư pháp nói chung nhằm đảm bảo cho hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được phân công hướng tới đảm bảo cho mục đích của tố tụng hình sự là không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, đảm bảo công lý, quyền con người trong tố tụng hình sự. Nói đến cơ chế nói chung và cơ chế giám sát trong tố tụng hình sự nói riêng là đề cập hệ thống các thiết chế và mối quan hệ giữa các thiết giám sát, các biện pháp, các điều cần thiết để các chủ thể giám sát thực hiện việc giám sát, các nguyên tắc, các quy định chi phối hoạt động giám sát. Nói cách khác, “Cơ chế kiểm tra, giám sát trong hoạt động tố tụng hình sự được hiểu là tập hợp những thành tố, hình thức các mối quan hệ, thiết chế, tổ chức mà qua đó thực hiện việc xem xét, đánh giá, hiệu quả hoạt động của các quan tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ án hình sự hướng tới việc bảo đảm tuân theo pháp luật, tôn trọng và bảo đảm quyền công dân”[4] .

Để thực hiện mục đích của hoạt động giám sát trong tố tụng hình sự thì cơ chế giám sát nó phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, cơ chế giám sát trong tố tụng hình sự phải đảm bảo thực thi quyền lực nhân dân một cách tốt nhất và nó cũng quyết định sự đa dạng của các cơ chế giám sát khác nhau đối với hoạt động tố tụng hình sự. Thể hiện ở việc nhân dân có thể phát hiện vi phạm pháp luật trong tố tụng hình sự một cách trực tiếp hoặc thông qua các cơ quan đại biểu dân cử, các tổ chức và các đoàn thể xã hội. Chính vì vậy, trong cơ chế giám sát tố tụng hình sự cần chú trọng đến việc ghi nhận đầy đủ theo hướng mở rộng các quyền giám sát của các chủ thể đặc biệt là quyền giám sát trực tiếp của nhân dân đối với hoạt động tố tụng hình sự và quyền giám sát của công luận như áo cáo Chính trị tại Đại hội XI của Đảng (năm 2011) đã chỉ rõ: “Tăng cường các cơ chế giám sát, bảo đảm sự tham gia giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp”. Nếu coi việc giám sát trong tố tụng hình sự là một hệ thống gồm nhiều lớp khác nhau thì cơ chế giám sát trực tiếp của công dân hoặc thông qua các tổ chức đại diện của mình là cơ chế giám sát vòng bên ngoài và có phạm vi rộng nhất mang tính đặc thù không chỉ là chủ thể giám sát mà còn ở pháp luật điều chỉnh, phương pháp, hình thức giám sát.

Thứ hai, cơ chế giám sát thứ hai đó là giám sát trong hệ thống cơ quan nhà nước đối với hoạt động tố tụng hình sự. Đây là cơ chế giám sát của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động tố tụng hình sự. Hiệu quả của cơ chế giám sát này phụ thuộc vào mức độ hoàn thiện và hiệu quả hoạt động của các thiết chế (chủ thể) thực hiện việc giám sát. Đối với cơ quan dân cử là vấn đề tổ chức bộ máy, thẩm quyền giám sát phải rõ ràng, rành mạch tránh chồng chéo thiếu hiệu quả. Cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử còn phụ thuộc vào tính chuyên nghiệp của Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các Ủy ban của Quốc hội. Đối với đại biểu dân cử là trình độ, năng lực, tính chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm của các đại biểu dân cử bởi lẽ, hiệu quả hoạt động của giám sát phụ thuộc vào năng lực giám sát và tinh thần trách nhiệm trong giám sát của các Đại biểu Quốc hội. Tố tụng hình sự là hoạt động đặc biệt có tính chất chuyên môn cao, chính vì vậy việc giám sát không thể có hiệu quả nếu thiếu hiểu biết về luật hình sự và luật tố tụng hình sự hoặc những vấn đề thuộc chuyên môn, nghiệp vụ của Thẩm phán, Kiểm sát viên và Điều tra viên. Thiếu những hiểu biết đó, chẳng những việc giám sát không có hiệu quả mà ngược lại còn ảnh hưởng tiêu cực đến độc lập của tư pháp trong tố tụng hình sự.

Đối với cơ chế giám sát xã hội với đặc trưng là loại giám sát không mang tính quyền lực nhà nước thì quyết định tới hiệu quả giám sát là vấn đề mở rộng các kênh để tạo điều kiện cho người dân giám sát hoạt động tố tụng hình sự, bên cạnh đó là minh bạch quá trình tố tụng hình sự để người dân có thể tiếp cận thông tin từ hoạt động tố tụng hình sự từ đó thực hiện quyền giám sát của mình.

Thứ ba, bên cạnh cơ chế giám sát từ bên ngoài, cơ chế giám sát bên trong hệ thống tố tụng hình sự cũng có vai trò quan trong trong việc giám sát hoạt động tố tụng hình sự. Đó là sự giám sát của các cơ quan tiến hành tố tụng theo nguyên tắc chế ước trong tố tụng hình sự. Theo đó, các trong các giai đoạn tố tụng hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền phát hiện các vi phạm pháp luật của cơ quan khác và yêu cầu khắc phục. Đây là cơ chế mà các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự tự kiểm soát lẫn nhau trong quá trình tố tụng hình sự. Bên cạnh đó trong cơ chế giám bên trong còn có “lớp” giám sát cuối cùng là giám sát trong nội bộ cơ quan tiến hành tố tụng. Theo đó, Thủ trưởng Cơ quan Điều tra, Viện trưởng Viện Kiểm sát, Chánh án Tòa án thường xuyên kiểm tra các hoạt động tố tụng hình sự của mình, của những người tiến hành tố tụng thuộc cơ quan mình trong việc thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự.

Trong hệ thống tố tụng hình sự, còn cơ chế giám sát rất quan trọng đó là cơ chế giám sát của Viện trưởng Viện Kiểm sát đối với hoạt động tố tụng hình sự. Cơ chế giám sát này xuất phát từ chức năng của Viện trưởng Viện Kiểm sát trong bộ máy nhà nước ta. Theo đó, trong tố tụng hình sự, Viện trưởng Viện Kiểm sát bên cạnh thực hiện quyền công tố còn có chức chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp. Kiểm sát tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự là một trong những nội dung của nguyên tắc riêng trong tố tụng hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, dưới góc độ cơ chế giám sát trong tố tụng hình sự thì đây là một trong cơ chế giám sát trong tố tụng hình sự nằm trong cơ chế giám sát trong tố tụng hình sự nói chung. Viện Kiểm sát vừa là đối tượng giám sát với tư cách là cơ quan nhà nước, vừa là chủ thể giám sát trong tố tụng hình sự. Cơ chế giám sát hoạt động tố tụng hình sự của Viện Kiểm sát khác với các cơ chế khác và tác động rất lớn đến hiệu quả giám sát trong tố tụng hình sự. Thể hiện ở chỗ, cơ chế này được luật hóa một cách rất rành mạch và có hệ thống trong pháp luật tố tụng hình sự, tính chuyên môn của hoạt động giám sát này rất cao đồng thời phạm vi giám sát xuyên suốt tố tụng hình sự, hiệu lực của giám sát rất cao có thể tác động làm thay đổi hiệu lực của các hoạt động tố tụng hình sự…Chính vì vậy, hiệu quả của cơ chế giám sát của Viện trưởng Viện Kiểm sát phụ thuộc vào hiệu quả của kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự của Viện trưởng Viện Kiểm sát. Ở đây liên quan đến nhận thức thống nhất và đúng đắn về chức năng kiểm sát tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, về nhiệm vụ, thẩm quyền năng lực của Viện trưởng Viện Kiểm sát trong việc thực hiện nhiệm vụ này và đặc biệt mô hình tố tụng hình sự, chất lượng hệ thống pháp luật tố tụng hình sự.

Trong cơ chế giám sát bên trong hệ thống tố tụng hình sự còn phải kể đến cơ chế giám sát trong hệ thống Tòa án đó chính là chức năng giám đốc xét xử của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới. Theo đó, Tòa án cấp trên kiểm tra tính đúng đắn, tính hợp pháp của hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân cấp dưới. Giám đốc xét xử nhằm phát hiện, khắc phục các sai lầm, thiếu sót, vi phạm pháp luật của Tòa án cấp dưới trong việc xét xử vụ án hình sự. Đây cũng là cơ chế quan trong tác động đến kết quả giám sát trong tố tụng hình sự. Nếu năng lực của Tòa án cấp trên đảm bảo đủ để phát hiện những sai lầm, vi phạm pháp luật thiếu sót của Tòa án cấp dưới từ đó chấn chỉnh, yêu cầu khắc phục thậm chí là cơ sở để người có thẩm quyền ra kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chẳng những đảm bảo cho tố tụng hình sự đạt được mục đích không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, đảm bảo công lý mà thông qua đó còn đảm bảo quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Bên cạnh đó, với tính chất đặc thù của hệ thống Tòa án về bản chất, chức năng và bộ máy tổ chức, việc giám đốc xét xử có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào việc giám đốc xét xử phải đảm bảo tính độc lập của Tòa án cấp dưới trong quan hệ với Tòa án cấp trên, nhất là trong mô hình tổ chức Tòa án ở Việt Nam hiện nay, Tòa án cấp trên quản lý Tòa án cấp dưới về mặt tổ chức.

3. Sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật

Giám sát trong tố tụng hình sự là việc tất yếu đối với hoạt động tố tụng hình sự, một trong những lĩnh vực hoạt động của Nhà nước. Giám sát trong tố tụng hình sự có đạt được hiệu quả như mong muốn hay không phụ thuộc rất lớn vào hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ giám sát trong tố tụng hình sự và hệ thống pháp luật nói chung. Hệ thống pháp luật tác động đến việc giám sát trong tố tụng hình sự gồm hai bộ phận. Hệ thống pháp luật trực tiếp điều chỉnh quan hệ giám sát. Đó là hệ thống các quy phạm điều chỉnh quan hệ giữa chủ thể giám sát và đối tượng bị giám sát bao gồm các quyền nghĩa vụ của các bên. ộ phận thứ hai làm cơ sở cho việc đánh giá tính hợp pháp của hoạt động tố tụng hình sự như Luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tạm giữ, tạm giam….

Hệ thống pháp luật tác động đến việc giám sát trong tố tụng hình sự ở các khía sau đây:

Thứ nhất, Pháp luật trước hết là Hiến pháp ghi nhận và khẳng định chủ quyền nhân dân như là nguồn gốc của quyền giám sát của nhân dân đối với quyền lực nhà nước và cơ sở Hiến định cho việc giám sát trong tố tụng hình sự. Chỉ khi nào quyền lực thực sự thuộc về nhân dân quy định trong Hiến pháp đầy đủ và thực thi nghiêm chỉnh trên thực tế, khi đó, việc giám sát quyền lực nhà nước mới hiệu quả và thực chất.

Bên cạnh đó, pháp luật tác động đến việc giám sát trong tố tụng hình sự thể hiện ở việc pháp luật ghi nhận đầy đủ các quyền giám sát trong tố tụng hình sự cho các chủ thể. Đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội là chức năng, nhiệm vụ quyền hạn trong việc giám sát, tổ chức bộ máy các cơ quan có thẩm quyền giám sát. Đối với cá nhân là các quyền giám sát đối với hoạt động tố tụng hình sự của họ và các biện pháp, các bảo đảm để cá nhân thực hiện quyền giám sát.

Thứ hai, pháp luật quy định trình tự, thủ tục để các chủ thể giám sát thực hiện quyền giám sát của mình. Đây là các quy định ấn định các bước, cách thức, biện pháp được sắp xếp với nhau theo trật tự nhất định để các chủ thể thực hiện việc giám sát. Chủ thể giám sát trong tố tụng hình sự là rất rộng. Mỗi chủ thể giám sát có những đặc điểm riêng do đó, pháp luật quy định thủ tục giám sát đòi hỏi phải phù hợp với mỗi chủ thể nhất định và đảm bảo tính thống nhất đồng bộ hướng đến đảm bảo mục đích của giám sát trong tố tụng hình sự. Thủ tục giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải khác so với giám sát của Mặt trận Tổ quốc cũng như giám sát của công dân.

Thứ ba, pháp luật tạo ra trách nhiệm chính trị, pháp lý đối với các đối tượng bị giám sát. Như trên đã nói kết quả của mỗi cơ chế giám sát là khác nhau. Đối với các hậu quả giám sát mang tính chất cưỡng chế thì pháp luật xác lập các quy định nhằm thực hiện nghiêm chỉnh hiệu lực của các biện pháp mang tính chất cưỡng chế. Đối với nhóm hậu quả pháp lý không mang tính chất cưỡng chế là những kiến nghị, yêu cầu giải trình, khắc phục vi phạm, sai sót cần có quy định về trách nhiệm khi không thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát.

Thứ tư, Pháp luật tác động đến hiệu quả giám sát trong tố tụng hình sự thông qua việc xác định giới hạn giám sát trong tố tụng hình sự. Tố tụng hình sự là hoạt động đặc biệt, có tính chuyên môn cao và một số hoạt động có nguyên tắc đảm bảo bí mật thông tin, bí mật công tác. ên cạnh các cơ quan tiến hành tố tụng đặc biệt là Tòa án trong xét xử các vụ án hình sự luôn đảm bảo nguyên tắc độc lập xét xử. Giới hạn giám sát được xem xét dưới các góc độ: phạm vi giám sát, phương pháp, hình thức giám sát, thẩm quyền giám sát…Giới hạn giám sát do pháp luật quy định nếu rộng quá làm cho thiếu hụt quyền và các nghĩa vụ giám sát, thiếu công cụ thủ tục pháp lý thực hiện việc giám sát, việc giám sát không có trọng tâm trọng điểm, lãng phí nguồn lực do đó không đạt hiệu quả giám sát. Đặc biệt giới hạn giám sát quá rộng dễ dẫn đến lạm quyền của chủ thể giám sát, xâm phạm đến hoạt động của các chủ thể tiến hành tố tụng. Ngược lại giới hạn giám sát quá hẹp dẫn đến việc giám sát không bao quát hết các hoạt động của các chủ thể tiến hành tố tụng hình sự dẫn đến có những hoạt động tố tụng hình sự nằm ngoài sự giám sát. Giới hạn giám sát chính là hoạt động đúng đắn của các cơ quan tiến hành tố tụng mà các chủ thể giám sát không được xâm phạm. Ranh giới của nó chính là các quyền, nghĩa vụ, đối tượng giám sát. Pháp luật cần phải quy định một cách rõ ràng, rành mạch giới hạn này mới đảm được hiệu quả giám sát trong tố tụng hình sự.

4. Mô hình tố tụng

Mô hình tố tụng là khái niệm khoa học pháp lý nghiên cứu về kiểu, mô hình tố tụng hình sự, “Việc nghiên cứu tố tụng hình sự ở một quốc gia nào đó thường được xuất phát từ các quan điểm, học thuyết khác nhau về nhà nước và pháp luật”[5].

“Từ cuối thế kỷ XIX khoa học tố tụng hình sự đã có những nghiên cứu về sự đa dạng phong phú trong cách thức tổ chức hoạt động tố tụng hình sự trên thế giới nói chung và ở mỗi quốc gia nói riêng trong tiến trình phát triển lịch sử hàng nghìn năm của tố tụng hình sự để tìm ra những quy luật chung, những sự khác biệt và xu hướng vận động của hoạt động tố tụng hình sự. Hướng nghiên cứu này trong khoa học tố tụng hình sự được gọi là nghiên cứu về kiểu, mô hình tố tụng hình sự hay còn gọi là mô hình hóa tố tụng hình sự[6]. Trên thế giới hiện nay tồn tại ba kiểu tố tụng chủ yếu: tố tụng tranh tụng, tố tụng thẩm vấn và tố tụng pha trộn. Với những đặc điểm khác nhau nên mỗi mô hình tố tụng này được giám sát bởi những cơ chế khác nhau.

“Cơ sở phân loại các mô hình tố tụng hình sự là tiêu chí: có hay không có tranh chấp - xung đột pháp lý giữa các bên tranh tụng bình đẳng với nhau trước Tòa án độc lập. Có - đó là tố tụng hình sự tranh tụng. Không có - đó là tố tụng hình sự thẩm vấn. Nếu như tranh chấp giữa các bên chỉ có ở một số giai đoạn của tố tụng hình sự thì tố tụng hình sự là mô hình pha trộn”[7].

Mô hình tố tụng thẩm vấn có đặc điểm: bên bị buộc tội và bên bào chữa không độc lập vì các cơ quan tiến hành tố tụng chủ động hoạt động trong tố tụng hình sự; Bị cáo hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan tiến hành tố tụng và là đối tượng xem xét của những cơ quan này; Không có tranh chấp pháp lý của các bên, thay vào đó là ý chí của nhà nước, của pháp luật. Tố tụng thẩm vấn nhấn mạnh vào giai đoạn điều tra của quá trình tố tụng, bởi vậy việc điều tra, thẩm tra chứng cứ trong các vụ án được yêu cầu khắt khe và kỹ lưỡng, ưu tiên sự chính xác, khách quan trong việc xác định sự thật của vụ án và xác định chính xác kẻ phạm tội.

Đặc trưng của mô hình này là chuyển giao nhiệm vụ xác định sự thật của vụ án từ cá nhân sang nhà nước. Từ đó dẫn đến vai trò của các cơ quan tiến hành tố tụng đặc biệt là Thẩm phán trong tố tụng hình sự là rất lớn. Thẩm phán từ vai trò của người trọng tài công minh trở thành người thẩm tra chủ yếu. Lý giải điều này dưới giác độ chứng minh đó là ngoài tư cách độc lập, Tòa án vẫn có nhiệm vụ bảo vệ trật tự xã hội nói chung. Chính vì vậy, việc giám sát các hoạt động tố tụng hình sự trong mô hình này có khó khăn bởi tính khép kín của mô hình cũng như tính chiếm ưu thế của nhà nước.

Vai trò của Thẩm phán được đề cao trong suốt quá trình tố tụng thẩm vấn. Thẩm phán không chỉ thể hiện quyền năng tại phiên toà hay giai đoạn xét xử mà còn có quyền và nghĩa vụ tham gia tích cực trong quá trình điều tra, thẩm tra chứng cứ. Điều này khẳng định việc tham gia trực tiếp của Thẩm phán trong tố tụng thẩm vấn với ý nghĩa quan trọng, tích cực, trái ngược với sự ảnh hưởng gián tiếp của Thẩm phán trong quá trình tố tụng ở mô hình tố tụng tranh tụng.

Mô hình tố tụng thẩm vấn thường bị chỉ trích là không tôn trọng đầy đủ quyền của các bên đương sự bởi vì họ không có nghĩa vụ chứng minh chứng cứ. Vì chứng cứ là do Thẩm phán điều tra tập hợp nên người ta cho rằng tố tụng thẩm vấn đi ngược lại nguyên tắc vô tư, khách quan và cho rằng đôi khi Thẩm phán đã có sẵn trong đầu quyết định xét xử trước khi diễn ra giai đoạn xét xử. Xét dưới góc độ đó, việc tranh luận tại phiên toà trở nên vô nghĩa. Người ta cũng chỉ trích rằng, thủ tục tố tụng thẩm vấn thường kéo dài, làm mất nhiều thời gian vì có thêm giai đoạn điều tra. Dưới góc độ giám sát, mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn vì nhà nước giữ vai trò chủ động, sự tham gia của bên gỡ tội hạn chế, nên mức độ minh bạch kém, sự giám sát hoạt động tố tụng hình sự của bên gỡ tội là không đáng kể.

Mô hình tố tụng tranh tụng có đặc điểm: Có hai bên tranh tụng đối trọng nhau là bên buộc tội và bên bào chữa; Hai bên này hoàn toàn bình đẳng với nhau về địa vị tố tụng; Tòa án hoàn toàn độc lập đối với các bên. Mô hình này dựa trên quan điểm cho rằng, tố tụng là một cuộc tranh đấu tại Tòa án giữa một bên là Nhà nước (thông qua đại diện) và một bên là công dân bị nghi thực hiện tội phạm; mà đã là cuộc tranh đấu thì hai bên đều được sử dụng các quyền và nghĩa vụ pháp lý như nhau trong việc thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ, phân tích và đưa ra các kết luận đối với những việc cụ thể.

“Tranh tụng được nhìn nhận như là một quá trình tồn tại, vận động, đấu tranh nhằm phủ định lẫn nhau giữa hai chức năng cơ bản (chức năng buộc tội và chức năng bào chữa) là hai chức năng có định hướng ngược chiều nhau, đối trọng nhau, có quyền ngang nhau trong việc bảo vệ ý kiến, lập luận, lợi ích của mình và phản bác ý kiến, lập luận, lợi ích của phía bên kia mà đỉnh điểm của quá trình này diễn   ra tại phiên toà sơ thẩm trước Toà án có vai trò là trọng tài”[8].

Bên cạnh đó, mô hình tranh tụng đảm bảo sự bình đẳng giữa bên buộc tội, bên gỡ tội đồng thời đảm tính độc lập, vô tư, khách quan của bên xét xử là Tòa án. Bình đẳng ở đây là bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng trong tố tụng hình sự để thực hiện chức năng của mình. Mô hình này cho phép luật sư có thể tham gia đầy đủ vào quá trình tố tụng nên Tòa án có thể thêm được một nguồn thông tin giá trị để khám phá sự thật khách quan của vụ án. Thay vì chỉ xem xét các chứng cứ có trong hồ sơ hình sự thì đoàn bồi thẩm được tiếp cận chứng cứ của cả bên buộc tội và bên gỡ tội. Điều này bảo đảm cho mục đích tìm ra sự thật khách quan và chất lượng tranh tụng được nâng lên. Dưới góc độ giám sát trong tố tụng hình sự, mô hình tố tụng hình sự đem đến sự minh bạch của quá trình tố tụng hình sự với việc đề cao vai trò của bên gỡ tội, sự độc lập, khách quan vô tư của Tòa án trong quá trình xét xử và kết quả việc giải quyết vụ án dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Như vậy mô hình tranh tụng đã tạo ra cơ chế giám sát hiệu quả của bên gỡ tội với buộc tội và vai trò trung gian trọng tài của Tòa án.

Từ góc độ giám sát tố tụng hình sự cho thấy, trong mô hình tố tụng hình sự tranh tụng việc giám sát từ phía bên ngoài (giám sát xã hội) rất quan trọng và dễ dàng hơn bởi tính chất minh bạch của nó. Bên cạnh đó, với việc phân chia rành mạch các chức năng tố tụng hình sự là buộc tội - gỡ tội - xét xử và các chủ thể thực hiện chức năng công tố - bào chữa - xét xử đó nên việc tự giám sát trong hệ thống đem lại hiệu quả cao đặc biệt là giám sát từ phía người bào chữa đối với hoạt động tố tụng hình sự của bên buộc tội.

Về mô hình tố tụng pha trộn (xét hỏi - tranh tụng): đặc điểm là trong quá trình giải quyết vụ án hình sự yếu tố xét hỏi - tranh tụng pha trộn với nhau, với những biến đổi theo một trong hai hướng: pha trộn thiên về thẩm vấn hoặc pha trộn thiên về tranh tụng. Mô hình tố tụng pha trộn có thiên hướng về thẩm vấn hoặc tranh tụng thì sẽ có những đặc điểm riêng trong việc thực hiện nguyên tắc giám sát phù hợp với đặc trưng của mô hình tố tụng đó.

Như vậy, mô hình tố tụng hình sự có tác động rất lớn đến việc giám sát trong tố tụng hình sự. Nó quyết định chủ thể giám sát, đối tượng giám sát, phương pháp giám sát, nguồn thông tin cho việc giám sát và đặc biệt là hậu quả của việc giám sát. Tùy theo, mô hình tố tụng hình sự, sẽ thiết kế các cơ chế giám sát phù hợp.

5. Mức độ minh bạch và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin trong tố tụng hình sự

Muốn giám sát quyền lực nhà nước nói chung và hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng trong tố tụng hình sự các chủ thể giám sát cần phải có thông tin về hoạt động của đối tượng bị giám sát. Trên cơ sở thông tin mới có cơ sở để đánh giá tính hợp pháp, mức độ đạt được các mức độ của tố tụng hình sự Nguồn thông tin mà chủ thể giám sát trong tố tụng hình sự có được trước hết phụ thuộc vào mức độ minh bạch của các hoạt động tố tụng hình sự. Mức độ minh bạch của tố tụng hình sự phụ thuộc vào mô hình tố tụng hình sự. Thực tế cho thấy, nếu thừa nhận tranh tụng trong tố tụng hình sự sẽ đảm bảo đảm cho hoạt động tố tụng hình sự được công khai, minh bạch, khách quan.

Khác với các lĩnh vực khác, tố tụng hình sự là hoạt động đặc thù, trừ hoạt động xét xử công khai của Tòa án, các hoạt động tố tụng hình sự mang tính chất chuyên môn, nghiệp vụ khó tiếp cận từ bên ngoài. Chính vì vậy, hoạt động giám sát không thể trông chờ tuyệt đối vào báo cáo từ phía đối tượng giám sát mà cần có nhiều nguồn thông tin khác. Đảm bảo minh bạch trong tố tụng hình sự trên cơ sở đó có thông tin phục vụ việc giám sát còn phụ thuộc rất lớn vào việc ghi nhận và thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân, tự do báo chí, tự do ngôn luận đồng thời với đó là đề cao trách nhiệm cung cấp thông tin trong tố tụng hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với người dân và công luận… Bởi lẽ đây là những kênh thông tin cung cấp thông khá phong phú và tin cậy để các chủ thể thực hiện quyền giám sát.

Việc thực hiện Nguyên tắc giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng hình sự bị tác động bởi nhiều yếu tố. Chính các yếu tố này sẽ quyết định việc giám sát trong tố tụng hình sự có đạt hiệu quả giám sát hay không. Đó là mô hình tổ chức nhà nước, mô hình tố tụng hình sự, chế đảm bảo cho việc giám sát, hệ thống luật… Làm sáng tỏ nội dung, ý nghĩa của các yêu tố tác động, khắc phục nhưng bất cập, hạn chế của mỗi yếu tố nhằm đảm bảo cho việc giám sát trong tố tụng hình sự đạt hiệu quả cao.

Tài liệu tham khảo

Nguyễn Mạnh Kháng (2003), “Cơ sở khoa học của cơ chế kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước”, Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay, NX Công an nhân dân, tr.34-45

Nguyễn Ngọc Chí (2011), “Cơ chế kiểm tra, giám sát trong hoạt động tố tụng

hình sự Việt Nam - thực trạng và phương hướng hoàn thiện”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học (27), tr.111-117

Phạm Hồng Hải (2003), Mô hình lý luận Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam,

NX Công an nhân dân

Nguyễn Thái Phúc (2007), “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam - Những vấn

đề lý luận và thực tiễn”, Tạp chí Kiểm sát (18), tr.2-15

 


[1] Nguyễn Mạnh Kháng (2003), “Cơ sở khoa học của cơ chế kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước”, Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay, NX Công an nhân dân, tr.37

[2] Nguyễn Mạnh Kháng (2003), “Cơ sở khoa học của cơ chế kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước”, Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay, NX Công an nhân dân, tr.38

[3] Nguyễn Mạnh Kháng (2003), “Cơ sở khoa học của cơ chế kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước”, Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay, NX Công an nhân dân, tr.38

[4] Nguyễn Ngọc Chí (2011), “Cơ chế kiểm tra, giám sát trong hoạt động tố tụng hình sự Việt Nam - thực trạng và phương hướng hoàn thiện”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học (27), tr.112.

[5] Phạm Hồng Hải (2003), Mô hình lý luận Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam, NX Công an nhân dân, tr.26

[6] Nguyễn Thái Phúc (2007), “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Tạp chí Kiểm sát (18), tr.42

[7] Nguyễn Thái Phúc (2007), “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Tạp chí Kiểm sát (18), tr.42

[8] Nguyễn Thái Phúc (2007), “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Tạp chí Kiểm sát (18), tr.58

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành