Thứ năm, 04 Tháng 8 2022 16:21

Một số giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật của chế định trưng cầu dân ý

Việc đề xuất các nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện chế định trưng cầu dân ý hiện hành được xây dựng hướng đến mục tiêu làm sao để chế định trưng cầu dân ý hoàn thiện cả về mặt lý luận và thực tiễn, thiết lập cơ chế đảm bảo quyền và lợi ích cho các chủ thể có liên quan. Việc hoàn thiện cả về mặt lý luận và thực tiễn, thiết lập cơ chế đảm bảo quyền và lợi ích cho các chủ thể có liên quan ở đây tập trung vào ba nhóm chính như sau:

1. Nhóm giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật của chế định trưng cầu dân ý (ý dân)

Xây dựng và ban hành văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện một số nội dung quan trọng của Luật trưng cầu dân ý

Chính phủ cần xem xét việc xây dựng và ban hành một nghị định hướng dẫn thực hiện các nội dung quan trọng liên quan đến công tác tổ chức trưng cầu dân ý, đề xuất này xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:

Căn cứ vào quy định của chế định trưng cầu dân ý hiện hành, Chính phủ là cơ quan được giao chịu trách nhiệm chính tổ chức thực hiện các công việc liên quan đến trưng cầu dân ý như:

“Chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các công việc trong tổ chức trưng cầu dân ý theo quy định của pháp luật”;

“Chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình tổ chức trưng cầu dân ý”;

“Hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí trong tổ chức trưng cầu dân ý”;

“Phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và kiểm tra, giám sát việc tổ chức trưng cầu dân ý”[1].

Những công việc, nhiệm vụ nêu trên đều mang tính chất quan trọng và cần thiết nên rất cần có một văn bản quy phạm pháp luật để có thể cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn mọi vấn đề có liên quan đến tất cả các nội dung của công tác tổ chức thực hiện.

Căn cứ theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, điều 19 Chính phủ ban hành nghị định để quy định “chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong luật của Quốc hội; các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành luật của Quốc hội”[2]. Chế định trưng cầu dân ý hiện tại đã xác định thẩm quyền của Chính phủ tổ chức chỉ đạo thực hiện trưng cầu dân ý ở một số điều khoản nhất định nên việc ban hành Nghị định nhằm chi tiết hóa, cụ thể hóa những nội dung này là hợp pháp và cần thiết.

Căn cứ theo quy định về nhiệm vụ và quyền hạn tại điều 6 Luật tổ chức Chính phủ 2015, Chính phủ trách nhiệm “Ban hành kịp thời đầy đủ các văn bản pháp luật để thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội” đồng thời có quyền “quyết định các biện pháp để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội”[3]. Hiện tại, Luật trưng cầu dân ý 2015 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 01/7/2016, dựa trên những căn cứ pháp lý về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ nêu trên, do đó, Chính phủ cần nhanh chóng soạn thảo và ban hành nghị định nhằm cụ thể hóa các quy định của chế định trưng cầu dân ý và hướng dẫn thực thi trong thực tế những nội dung liên quan đến Luật trưng cầu dân ý2015.

Về vị trí, chức năng Chính phủ được xác định là “cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”[4], về mặt thực tiễn, Chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực thi những chủ trương, chính sách, quy định pháp luật của Đảng, Nhà nước vào thực tế đời sống xã hội. Do đó, việc Chính phủ tự mình soạn thảo và ban hành văn bản pháp luật cụ thể nhằm thống nhất hướng dẫn và tổ chức thực hiện là phù hợp với quy định pháp luật, với vai trò, vị trí của Chính phủ và các yêu cầu, đòi hỏi của tình hình thực tế.

2. Mở rộng quy định về nhóm chủ thể thẩm quyền đề xuất trưng cầu dân ý

Chủ thể có thẩm quyền đề xuất trưng cầu dân ý hiện tại được quy định tại điều 14 Luật Trưng cầu dân ý gồm: Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội.

Đối với điều 14 Luật Trưng cầu dân ý cần xem xét, ghi nhận và bổ sung thêm các đối tượng sau đây vào nhóm các chủ thể có thẩm quyền đề nghị trưng cầu:

Nhân dân phải là một trong những nhóm chủ thể có thẩm quyền đề nghị trưng cầu dân ý. Bên cạnh việc ghi nhận Nhân dân là chủ thể sáng kiến trưng cầu, chế định cần có thêm quy định về tập hợp số lượng chữ ký ủng hộ cần có mới đảm bảo đề nghị được xem xét, chấp thuận. Đề xuất này xuất phát từ những cơ sở lý luận sauđây:

Một là, xuất phát từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân, “lấy dân làm gốc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.”[5]. Cũng chính vì vậy, theo Bác “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân”[6], phải tạo mọi điều kiện cho nhân dân tham gia vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Nhà nước cần ý thức vai trò quan trọng của nhân dân “đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết”[7], có như vậy mới thực sự là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Hai là, quyền tham gia vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội của nhân dân là một trong những quyền con người cơ bản đã được hiến định qua các bản Hiến pháp của nước ta. Hiến pháp đầu tiên 1946 đã quy định về hai quyền cơ bản và quan trọng của nhân dân bao gồm: (một) quyền phúc quyết của nhân dân, được Hiến pháp ghi nhận khá đầy đủ từ vấn đề được phúc quyết gồm “Hiến pháp và những việc liên quan đến vận mệnh quốc gia” (điều 21), căn cứ phúc quyết “Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”(điều 71), trình tự đưa vấn đề phúc quyết ra cho toàn dân bỏ phiếu; (hai) quyền bãi miễn của nhân dân đối với “các đại biểu mình đã bầu ra” (điều 20). Có thể thấy rằng dù là bản Hiến pháp đầu tiên nhưng Hiến pháp 1946 đã thể hiện bản chất dân chủ, coi trọng chủ quyền nhân dân thể hiện qua các quy định về dân chủ trực tiếp và phương thức để người dân thực hiện các quyền lực của chính mình.

Hiến pháp 1959 không ghi nhận rõ quyền phúc quyết, bãi miễn của nhân dân dù có quy định về quyền hạn “trưng cầu ý dân thuộc về Ủy ban thường vụ Quốc hội”, không thể hiện được bản chất dân chủ rõ nét như Hiến pháp 1946 nhưng cũng đã dành riêng chương 3, hiến định một số quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong đó có quy định về quyền tham gia quản lý nhà nước của người dân thông qua chế định bầu cử và ứng cử.

Hiến pháp 1980 cũng ghi nhận quyền “tham gia quản lý công việc của Nhà nước của hội” của công dân tại điều 56. Hiến pháp 1992 đã sự thay đổi tích cực hơn khi kế thừa tinh thần của Hiến pháp 1946, ở chương V quyền và nghĩa vụ công dân đã hiến định rõ ràng một trong những quyền cơ bản của công dân là “tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý”.

Hiến pháp 2013 đã có sự tiến bộ vượt bậc, thể hiện tư tưởng coi trọng dân chủ, tôn trọng chủ quyền nhân dân khi ghi nhận ngay tại điều 6 nội dung “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” và tiếp tục khẳng định tại điều 28 và điều 29 công dân có quyền “tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý”. Nhà nước có trách nhiệm “tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”. Như vậy về cơ sở pháp lý cả năm bản Hiến pháp đều ghi nhận và hiến định tại các điều khoản khác nhau về quyền của nhân dân tham gia quản nhà nước, quản hội.

Ba là, xét về mặt thực tiễn, người dân nước ta đã tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong thực tế bằng nhiều hình thức khác nhau.

Căn cứ vào tiến trình phát triển của đất nước kể từ năm 1945 cho đến nay, dựa trên quy định của nhiều văn bản pháp luật, người dân nước ta đã có nhiều hình thức khác nhau để tham gia, đóng góp công sức, thể hiện vai trò của mình trong hoạt động quản lý của Nhà nước và chính quyền các cấp. Cụ thể nhất có thể kể đến đầu tiên là tham gia đóng góp ý kiến khi Nhà nước tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Hiến pháp, dự thảo luật, pháp lệnh, các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng dưới luật. Trong thời gian qua, chúng ta đã tổ chức một số đợt lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung và gần đây nhất là Hiến pháp 2013 với hơn 15 triệu lượt ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các nội dung dự thảo[8] thu được rất nhiều nội dung đóng góp giá trị, bổ ích, rất có ý nghĩa, trở thành “đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi trong cả nước, thu hút sự tham gia và chú ý của nhiều tầng lớp nhân dân, các quan, tổ chức các ngành, các cấp”[9]. Hình thức kể đến đã và đang được tổ chức rất hiệu quả để người dân tham gia quản lý nhà nước, xã hội trong thực tế hiện nay đó là Nhân dân trực tiếp thực hiện các quyền của mình tại cấp cơ sở căn cứ vào quy định của Pháp lệnh 34/2007/PL- UBTVQH11 về “Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn” (còn gọi là Quy chế dân chủ cơ sở). Nội dung pháp lệnh quy định rất rõ về những vấn đề cần công khai để dân biết, dân bàn và quyết định trực tiếp hoặc để dân bàn và biểu quyết sau đó chuyển lên cấp có thẩm quyền trực tiếp quyết định. Liệt kê những việc phải để Nhân dân tham gia ý kiến trước khi quyết định, những vấn đề Nhân dân có quyền giám sát, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực thi những vấn đề Nhân dân đã quyết định trước đó. Có thể nói các quy định của Pháp lệnh đã tạo điều kiện và cơ hội cho người dân thực hiện quyền làm chủ của chính mình, nếu được triển khai thực thi nghiêm túc và hiệu quả tại tất cả các địa phương trên cả nước thì phần lớn các chính sách và hoạt động của chính quyền cấp cơ sở sẽ thực sự dần đạt đến mục tiêu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” như chúng ta mong muốn.

 


[1]Quốc hội (2015), Luật trưng cầu ý dân 2015, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, HàNội

[2]Quốc hội (2015), Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, HàNội

[3]Quốc hội (2015), Luật tổ chức Chính phủ, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội

[4]Quốc hội (2015), Luật tổ chức Chính phủ, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội

[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[7]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội

[8]Đặng Minh Tuấn (2015), “Bàn về một số vấn đề của Luật trưng cầu ý dân”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 20(300)

[9]Đặng Minh Tuấn (2015), “Bàn về một số vấn đề của Luật trưng cầu ý dân”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 20(300)

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành