Một dân tộc đã sinh hoạt trong khuôn khổ của một xã hội chắc chắn phải có pháp luật, dù được điển chế hay chưa. Nền pháp luật đó không những phải phản ánh được các điều kiện xã hội, mà còn phù hợp với dân tộc tính và truyền thống pháp lý của dân tộc. Các điều kiện xã hội có thể thay đổi theo thời gian, nhưng dân tộc tính và truyền thống pháp lý là những yếu tố trường cửu, nhất là định chế về gia đình-xã hội, đây là yếu tố kiến tạo nên cơ sở xã hội vững chắc của dân tộc. Lịch sử cho thấy, dù trải qua ba lần Bắc thuộc với chính sách đồng hóa và ngu dân hơn 1000 năm, thời kỳ Pháp thuộc gần 80 năm, dân tộc Việt Nam vẫn khôi phục được nền độc lập chính trị và chủ quyền lập pháp. Trong cổ luật Việt Nam, nhiều thí dụ cho thấy nhà làm luật không thể tuỳ ý vay mượn những pháp chế ngoại lai không phù hợp với bối cảnh xã hội và nguyện vọng của dân chúng[1]. Do đó, khi nghiên cứu chính trị-pháp lý hiện tại, chúng ta không thể không tìm hiểu nền cổ luật, bối cảnh chính trị-xã hội và nguồn gốc dân tộc.
Đã có nhiều lý thuyết được đưa ra về nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Trong Cổ-luật Việt-Nam và Tư-pháp Sử (1973), tác giả Vũ Văn Mẫu xác định bốn lý thuyết được coi là chính yếu như lý thuyết của Léonard Aurousseau về cuộc di cư của người Ư Việt hay Ngô Việt sang Âu Lạc dựa trên sử liệu; lý thuyết của Claude Madroll về cuộc di cư của người Mân Việt sang Âu Lạc theo nhân trắc học; lý thuyết của tác giả Đào Duy Anh và Hồ Hữu Tường về sự di cư do thời tiết theo thuyết hậu điểu; lý thuyết trong khoa khảo cổ học về nguồn gốc và diễn tiến dân tộc[2]. Trong đó, có lẽ lý thuyết về khảo cổ học là đáng tin nhất, và tác giả Vũ Văn Mẫu đưa ra nhận định: đã có dân Lạc Việt luôn sinh trưởng trên địa bàn Bắc Việt và Bắc Trung Việt ngay từ thời đại Cổ thạch. Thời kỳ nguyên sử bắt đầu với thời kỳ đồ đồng và có lẽ pháp luật chỉ bắt đầu xuất hiện từ thời kỳ thanh đồng, trước đó chỉ có những tục lệ. Ông cũng đưa ra một nhận định rất quan trọng: dân Lạc Việt đã “biết thu hút ảnh hưởng ngoại lai để làm phong phú bản chất văn hóa của mình chứ không chịu khuất phục hay đồng hóa”[3]. Dù bị Trung Quốc đô hộ và Pháp cai trị, “nền luật pháp Việt Nam đã vượt qua mọi thử thách của thời gian, không những phản chiếu cá tính dân tộc, mà còn biết vay mượn những kỹ thuật pháp lý của Trung Hoa cũng như của Tây phương”[4].
Để minh chứng cho nhận định này, dựa vào sử liệu và các bộ luật cổ hiện còn, tác giả Vũ Văn Mẫu chia diễn tiến của nền luật cổ Việt Nam thành ba giai đoạn[5]: Thứ nhất, giai đoạn tự chủ: từ thời An Dương Vương (257-207 tr.CN) đến thời Hai Bà Trưng (40-43), dân Lạc-Việt có một nền pháp luật rất riêng biệt có thể sánh ngang với nền pháp luật Trung Hoa, và trong thời gian bị ngoại bang thống trị (Triệu Đà và nhà Tây Hán), dân Lạc-Việt vẫn giữ và sống theo các luật lệ, phong tục cũ (của mình) bởi phương thức cai trị tản quyền khéo léo và mềm mỏng của Triệu Đà.
Thứ hai, giai đoạn Bắc-thuộc (43-939): từ thời Đông Hán cho đến hết nhà Đường, các triều đại phong kiến Trung Quốc áp dụng triệt để chính sách đồng hóa của Mã Viện và thi hành chính sách ngu dân. Do đó, có thể chắc chắn rằng, pháp luật được áp dụng ở Việt Nam trong giai đoạn này là pháp luật của Trung Hoa, mà chính yếu là hai bộ luật của nhà Hán và nhà Đường; nếu không thì đó là sự cai trị độc đoán và không theo pháp luật của các quan lại thời ấy. Ngoài ra, với chính sách ngu dân thì nền giáo dục và các học thuyết, tư tưởng về pháp luật không thể nảy nở và phát triển được.
Thứ ba, giai đoạn độc lập (939-1884): từ nhà Ngô cho đến trước khi Việt Nam hoàn toàn trở thành xứ thuộc địa-bảo hộ của Pháp. Các triều đại Ngô (939-944), Đinh (968-980) và Tiền Lê (981-1009), một phần do thời gian cầm quyền ngắn, phần khác do phải lo đối phó với mối đe dọa quân sự từ phía Trung Quốc và dẹp loạn trong nước, cho nên pháp luật chưa có những cải cách quan trọng. Chế độ (chính thể) quân chủ chính thức xuất hiện từ thời nhà Đinh. Sau khi lên ngôi, Đinh Bộ Lĩnh đã bắt chước nhà Hán, Đường bên Trung Hoa thiết lập nền quân chủ thế tập, chế triều nghi, định phẩm hàm quan lại, đặt pháp luật và quân chế. Các triều đại sau đều tiếp tục có những sửa đổi triều nghi, triều chính nhằm củng cố uy thế và hoàn thiện nền quân chủ[6].
Những cải cách chính trị và pháp luật quan trọng được thực hiện dưới thời nhà Lý (1010-1225) và Hậu Lê (1428-1788), với các bộ luật Hình-thư và Quốc triều hình luật (hay Bộ luật Hồng Đức). Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của pháp luật Trung Hoa, đặc biệt luật của nhà Đường, pháp luật của nhà Lý và Hậu Lê vẫn có những sắc thái riêng biệt cả về hình thức và nội dung, phản ánh rõ nét tinh thần dân tộc, ví dụ như: pháp luật triều Lý có một tinh thần chiết trung nhờ sự ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo; pháp luật triều Hậu Lê có những định chế rất mới mà chưa từng được ban hành ở Trung Hoa thời đó. Nhìn chung, pháp luật thời Lý và Hậu Lê đã phản ánh được thực trạng và nhu cầu của xã hội Việt Nam thời kỳ đó, trình độ và kỹ thuật pháp lý đã tiến đến mức độ chuyên môn khá cao (ví dụ như: biện pháp tuyển chọn pháp quan và luật gia dưới thời Lý, thời Hậu Lê đã có một bộ luật tố tụng riêng biệt).
Pháp luật dưới thời nhà Trần (1225-1400) và Nguyễn (1802-1945) lại đánh dấu những giai đoạn suy vi của nền cổ luật Việt. Pháp luật nhà Trần khắc nghiệt với những hình phạt rất nặng. Ngoài ra, vì quyền lợi riêng của dòng tộc (quốc thị), các vua nhà Trần đôi khi không ngần ngại vượt khỏi các điều luật đã ban hành và cả luân thường đạo lý, pháp luật áp dụng không tề nhất. Dưới thời nhà Nguyễn, pháp luật về cơ bản sao chép gần như hoàn toàn bộ luật của nhà Thanh, cả về hình thức lẫn nội dung, đánh mất hết cá tính đặc thù của nền cổ luật Việt. Nhiều điều luật tiến bộ, phản ánh đặc trưng xã hội Việt Nam dưới thời Hậu Lê đã không còn được chế định. Tuy vậy, với những vấn đề mà luật nhà Nguyễn không quy định, người dân vẫn sống theo khuôn khổ các tục lệ cũ để bổ khuyết. Bắt đầu từ nửa sau thế kỷ 19, Việt Nam dần bị thuộc địa hoá, pháp luật được sửa đổi và ngày càng cho thấy sự ảnh hưởng rõ rệt của Pháp. Từ năm 1885 trở đi, quyền lập pháp của nhà Nguyễn chỉ còn trên danh nghĩa, nền pháp luật Việt không còn giữ được bộ mặt thuần túy cổ điển và ngày càng trở nên lệ thuộc vào Pháp[7].
Như vậy, từ thời kỳ độc lập cho đến gần cuối thế kỷ 19, Việt Nam là một xã hội quân chủ phương Đông điển hình với nền pháp luật riêng chịu ảnh hưởng và được làm phong phú thêm bởi nền văn hóa Trung Hoa. Chế độ quân chủ có đặc trưng là quyền lực chính trị rộng rãi được tập trung vào Nhà vua và chỉ bị hạn chế bởi quan niệm đức trị Nho giáo (vua phải biết cư xử đức độ, nghe theo nguyện vọng dân chúng, lời can gián của đình thần), chế độ thôn xã tự trị (một đặc trưng của người Việt), chính sách trung ương tản quyền, và đến một mức độ nhất định là chế độ tuyển chọn quan chức[8]. Nền cổ luật Việt phản ánh rõ nét các đặc tính riêng của dân tộc cũng như các đặc tính chung của nền pháp luật quân chủ phương Đông, có thể sánh ngang với các quốc gia quân chủ đương thời. Điều này được thể hiện ở:
Thứ nhất, nền pháp luật phản ánh được dân tộc tính và truyền thống pháp lý của người Việt. Sau hơn mười thế kỷ Bắc-thuộc với chính sách đồng hóa và ngu dân, tinh thần của nền cổ luật Việt vẫn được gìn giữ và duy trì. Dưới thời nhà Lý và Hậu Lê đã phát huy một nền pháp luật đặc sắc, đã vừa phản ánh được thực trạng và nhu cầu xã hội của người Việt, lại vừa phù hợp với tinh thần và truyền thống pháp lý của dân tộc Việt Nam.
Thứ hai, nền cổ luật Việt chịu ảnh hưởng của ý thức hệ và pháp luật Trung Hoa, phản ánh rõ các đặc điểm chung của nền pháp luật quân chủ phương Đông. Nguồn của pháp luật là các luật lệ do vua ban hành và thường có tính hằng cửu qua các triều đại, hoặc là các tục lệ; án lệ và học thuyết pháp lý không phát triển khi việc xét xử chỉ trong khuôn khổ pháp luật, không được phép bình luận về luật lệ của Nhà vua. Pháp luật không có sự phân biệt giữa các ngành luật, giữa phạm trù luân lý và pháp luật, chịu ảnh hưởng lớn của quan niệm luân lý Nho giáo đã thích ứng với đặc trưng của dân tộc (tư tưởng nhân trị), phản ánh ảnh hưởng quan trọng của quan niệm pháp trị (pháp gia) với những hình phạt rất nặng để các quan niệm Nho giáo được mọi người tuân theo.
Sau Hòa ước Giáp Thân (1884), Bắc Kỳ và Trung Kỳ trở thành xứ bảo hộ, còn Nam Kỳ trở thành đất thuộc địa từ năm 1867. Triều đình nhà Nguyễn dù vẫn tồn tại nhưng có vai trò rất hạn chế và chỉ được duy trì một cách hình thức như là công cụ cai trị của chính quyền bảo hộ, nước ta mất hẳn quyền tự chủ và bị đặt dưới sự thống trị của Pháp. Quá trình thuộc địa, bỏ qua một bên những mặt trái, đã dẫn đến sự thay đổi, chuyển biến khá quan trọng trong xã hội Việt Nam trên nhiều phương diện, từ việc du nhập các phong tục, tập quán, tư tưởng, học thuật cho đến việc áp dụng cách thức tổ chức chính trị, hành chính, và pháp luật của phương Tây như: ở Nam Kỳ và một số khu vực nhượng địa, luật lệ đều do Pháp đặt ra; các vùng thuộc bảo hộ, chính quyền phong kiến cai trị theo sự điều khiển và kiểm duyệt của Pháp. Nhìn chung, sự canh tân một mặt củng cố sự thống trị và chính sách đồng hóa của Pháp, mặt khác đã làm cho nền chính trị-pháp lý ở nước ta phần nào theo kịp sự phát triển chung trên thế giới.
Ở các phương diện xã hội khác, chính quyền bảo hộ cũng đã chú trọng đến việc khai hóa dân trí, mở rộng sự học hành (Pháp-Việt học đường, hệ thống các trường thuộc địa). Ở mức độ nào đó, tự do học thuật và báo chí được tôn trọng và thúc đẩy, là kênh chủ yếu giới thiệu và truyền bá văn minh thế giới tại Việt Nam, khai phóng dân trí, tất cả nhằm để cải biến thực tại xã hội, giúp thay đổi chế độ xã hội theo hướng tốt hơn; đồng thời cũng là phương tiện đấu tranh cho quyền tự quyết dân tộc, quyền tự do của người dân Việt Nam.
[1] Vũ Văn Mẫu (1973), Cổ-luật Việt-Nam và Tư-pháp sử, Quyển I- Tập I, Sài Gòn.
[2] Vũ Văn Mẫu (1973), Cổ-luật Việt-Nam và Tư-pháp sử, Quyển I- Tập I, Sài Gòn, tr.13-50
[3] Vũ Văn Mẫu (1973), Cổ-luật Việt-Nam và Tư-pháp sử, Quyển I- Tập I, Sài Gòn, tr. 50 và Pierre Huard, Maurice Durand (1993), Hiểu biết về Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.11
[4] Vũ Văn Mẫu (1973), Cổ-luật Việt-Nam và Tư-pháp sử, Quyển I- Tập I, Sài Gòn, tr.50
[5] Vũ Văn Mẫu (1973), Cổ-luật Việt-Nam và Tư-pháp sử, Quyển I- Tập I, Sài Gòn, tr.115-216.
[6] Cao Huy Thuần (2007), “Nhà nước pháp quyền”, báo điện tử Tia Sáng Online ngày 24/12/2007, tại: http://tiasang.com.vn/-dien- dan/nha-nuoc-phap-quyen-89, [truy cập: 12/3/2019], tr.54-55.
[7] Vũ Văn Mẫu (1973), Cổ-luật Việt-Nam và Tư-pháp sử, Quyển I- Tập I, Sài Gòn, tr.56-57, 215
[8] Cao Huy Thuần (2007), “Nhà nước pháp quyền”, báo điện tử Tia Sáng Online ngày 24/12/2007, tại: http://tiasang.com.vn/-dien- dan/nha-nuoc-phap-quyen-89, [truy cập: 12/3/2019], tr.56-64