Thứ năm, 16 Tháng 3 2023 00:11

Giới thiệu về hình thức, phương thức, bước giá trong đấu giá tài sản công theo pháp luật hiện hành

1. Hình thức, phương thức đấu giá tài sản công

Pháp luật Đấu giá tài sản của Việt Nam hiện ghi nhận 04 hình thức đấu giá áp dụng trong đấu giá tài sản nói chung và đấu giá tài sản công nói riêng, bao gồm: Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp và đấu giá trực tuyến[1].

Đấu giá bằng lời nói là hình thức đấu giá được quy định từ văn bản pháp luật chuyên ngành đầu tiên của nước ta về đấu giá tài sản[2]. Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá bắt đầu được quy định tại Nghị định số 05/2005/NĐ-CP[3]. Cho đến nay, hai hình thức đấu giá truyền thống này vẫn chủ yếu được sử dụng trên thực tế. Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp là hình thức đấu giá mới được quy định trong Luật đấu giá tài sản, nhưng trên thực tế, hình thức đấu giá này đã hình thành từ thời điểm thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, ngoài đấu giá bằng lời nói và đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp, nếu người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản có thỏa thuận thì cuộc đấu giá có thể thực hiện bằng các hình thức khác, nhưng phải tuân theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và Thông tư số 23/2010/TT-BTP. Thực tế thời gian thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, có một số ít cuộc đấu giá đã được thực hiện bằng “hình thức đấu giá khác” nhằm hạn chế tình trạng thông đồng, dìm giá, hạn chế tình trạng người tham gia đấu giá bị một số đối tượng tác động, khống chế khi tham gia đấu giá, trả giá. Và đây chính là những phác thảo đầu tiên cho hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp được ghi nhận chính thức trong Luật đấu giá tài sản.

Đấu giá trực tuyến là hình thức đấu giá được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, đấu giá trực tuyến lần đầu tiên được ghi nhận tại Nghị định số 05/2005/NĐ-CP[4]. Mặc dù đã được pháp luật quy định nhưng hình thức đấu giá này đã không được triển khai trên thực tế trong suốt quá trình thực hiện Nghị định số 05/2005/NĐ-CP và không được tiếp tục quy định trong Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Đến nay, hình thức đấu giá này đã được Luật đấu giá tài sản ghi nhận trở lại. Theo quy định của Luật đấu giá tài sản và Nghị định số 62/2017/NĐ-CP, để được thực hiện đấu giá tài sản theo hình thức trực tuyến, tổ chức đấu giá tài sản phải thiết lập Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến, lập và gửi Đề án đấu giá trực tuyến đến Sở Tư pháp nơi tổ chức đấu giá tài sản có trụ sở để xin cấp giấy phép thực hiện. Sau khi thẩm định, nếu đủ điều kiện, Giám đốc Sở Tư pháp sẽ phê duyệt cho Tổ chức đấu giá tài sản được thực hiện đấu giá trực tuyến. Tổ chức đấu giá tài sản chỉ được thực hiện đấu giá trực tuyến trên Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức mình sau khi được cấp phép[5].

Ở Việt Nam, phương thức đấu giá phổ biến là phương thức trả giá lên gọi là đấu giá tăng dần. Phương thức đặt giá xuống gọi là đấu giá giảm dần trước đây đã được quy định trong Luật thương mại năm 2005[6], nhưng chỉ áp dụng đối với đấu giá hàng hóa thương mại và rất ít được sử dụng trên thực tế. Theo xu hướng chung của các nước trên thế giới, Luật đấu giá tài sản đã ghi nhận phương thức đấu giá giảm dần, nhưng chỉ áp dụng đối với việc đấu giá tài sản của tổ chức, cá nhân tự nguyện lựa chọn bán tài sản thông qua các tổ chức đấu giá tài sản. Đối với việc đấu giá tài sản công, tổ chức đấu giá chỉ được thực hiện việc đấu giá tài sản công theo một phương thức duy nhất là phương thức trả giá lên[7].

Quy định về hình thức, phương thức đấu giá tài sản nói chung và đấu giá tài sản công nói riêng của Việt Nam còn khá hạn chế. Ngoài các hình thức, phương thức đấu giá Việt Nam đã quy định, các quốc gia trên thế giới đã ghi nhận và sử dụng nhiều hình thức, phương thức đấu giá khác, như: đấu giá kín theo giá thứ nhất, đấu giá kín theo giá thứ hai (đấu giá Vickrey), đấu giá câm, đấu giá nến, đấu giá giảm dần, v.v..,[8] qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức đấu giá tài sản có nhiều cơ hội lựa chọn được những hình thức, phương thức đấu giá phù hợp tùy theo từng tài sản và tính chất mỗi cuộc đấu giá.

Đấu giá trực tuyến là hình thức đấu giá được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng còn khá mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, pháp luật về đấu giá tài sản hiện chưa có những quy định để khuyến khích phát triển hình thức đấu giá trực tuyến, thậm chí còn có những quy định quá chặt chẽ khi đánh vào thu nhập của Tổ chức đấu giá tài sản, ví dụ như quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 9 Nghị định số 62/2017/NĐ-CP. Mặt khác, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các tổ chức đấu giá tài sản, thực trạng đội ngũ đấu giá viên phần lớn chưa có kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chi phí xây dựng và vận hành trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến lớn, những quy định của pháp luật hiện hành chưa khuyến khích được các tổ chức đấu giá tài sản đầu tư tiền bạc, công sức, trí tuệ để đeo đuổi và phát triển hình thức đấu giá mới này. Vì vậy, tính đến thời điểm hiện nay, mặc dù Luật đấu giá tài sản đã có hiệu lực được hơn 04 năm nhưng mới chỉ có 05 tổ chức đấu giá tài sản của Việt Nam được cấp phép thực hiện đấu giá trực tuyến, đó là: Công ty đấu giá hợp danh Số 5 - Quốc gia[9], Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt[10]; Công ty đấu giá hợp danh Rồng Việt[11]; Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thành phố Đà Nẵng[12] và Công ty đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam[13]. Do vậy, việc sửa đổi quy định của pháp luật về đấu giá trực tuyến nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển hình thức đấu giá mới này rất cần thiết trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Một trong các cách phân loại theo lý thuyết chung về đấu giá tài sản là phân loại đấu giá thành đấu giá có bảo lưu và đấu giá không có bảo lưu. Tuy nhiên, từ trước đến nay, Việt Nam mới chỉ quy định và áp dụng mô hình đấu giá không có bảo lưu.

Theo mô hình này, đối với việc đấu giá tài sản công, người có tài sản công sẽ xác định giá khởi điểm của tài sản trước khi đưa tài sản công ra đấu giá và giá này được công bố công khai. Tổ chức đấu giá tài sản, mà trực tiếp là đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá sẽ tổ chức việc đấu giá tài sản công theo một trình tự, thủ tục pháp luật quy định, qua đó thực hiện giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá với người trả giá cao nhất hợp lệ (người trúng đấu giá). Giá hợp lệ là giá cao nhất tại cuộc đấu giá và giá đó tối thiểu phải bằng hoặc cao hơn giá khởi điểm mà người có tài sản đấu giá là tài sản công đã đưa ra. Với đặc thù người có tài sản đấu giá là tài sản công không hoàn toàn là chủ sở hữu tài sản, với quy định công khai giá khởi điểm và có thể trúng đấu giá chỉ bằng giá khởi điểm, mô hình đấu giá không có bảo lưu có nguy cơ phát sinh tình trạng thông đồng giữa các chủ thể liên quan trong quá trình đưa tài sản công ra đấu giá (thông đồng giữa người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá, giữa những người tham gia đấu giá với nhau).

2. Bước giá trong đấu giá tài sản công

Trong đấu giá tài sản nói chung và đấu giá tài sản công nói riêng bước giá được quy định tại khoản 1 Điều 5; điểm d khoản 1 Điều 41 và khoản 1 Điều 42 Luật đấu giá tài sản là mức chênh lệch tối thiểu của lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề, được sử dụng trong những cuộc đấu giá tài sản theo phương thức trả giá lên theo hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói và đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá. Ngoài những quy định trên, pháp luật về đấu giá tài sản hiện không có quy định nào khác về bước giá. Trước đó, Bộ luật dân sự năm 1995, Nghị định số 86/CP, Bộ luật dân sự năm 2005, Luật Thương mại năm 2005 không có quy định về bước giá. Nghị định số 05/2005/NĐ-CP không quy định về bước giá, nhưng có quy định về việc khi mở đầu cuộc đấu giá tài sản, đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá “quy định mức chênh lệch của mỗi lần trả giá”[14]. Bước giá chính thức được quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP[15] và Thông tư số 23/2010/TT- BTP[16].

Quy định về bước giá trong đấu giá tài sản nói chung và trong đấu giá tài sản công nói riêng thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Do pháp luật chưa có quy định cụ thể nên các cuộc đấu giá tài sản công hiện đang quy định và sử dụng bước giá rất khác nhau, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá tài sản như:

Trường hợp ấn định bước giá cụ thể, không quy định bước giá tối đa, ví dụ, quy định bước giá là 1 triệu đồng; và trong một lần trả giá, người tham gia đấu giá có thể trả một hoặc nhiều bước giá nhưng phải bằng số nguyên lần bước giá. Trường hợp này, nếu người tham gia đấu giá trả một bước giá bằng 1 triệu đồng, hai bước giá bằng 2 triệu đồng, v.v.. là phù hợp; nhưng nếu trả 1,5 triệu đồng là trả sai bước giá;

Trường hợp chỉ quy định bước giá là một mức tối thiểu, không quy định mức tối đa, ví dụ, quy định “bước giá tối thiểu là 1 triệu đồng” người tham gia đấu giá có thể trả giá tùy chọn nhưng thấp nhất phải từ 1 triệu đồng trở lên (có thể trả bước giá lẻ 1,1 triệu đồng);

Trường hợp quy định bước giá trong khoảng giá, ví dụ, quy định “bước giá tối thiểu là 1 triệu đồng, tối đa là 50 triệu đồng”, người tham gia đấu giá chỉ được trả giá trong phạm vi mức tối thiểu và mức tối đa;

Trường hợp không quy định mức tối thiểu mà chỉ quy định mức tối đa, ví dụ, quy định “bước giá tối đa là 100 triệu đồng”. Trường hợp này, người tham gia đấu giá có thể trả giá tùy chọn ở tối thiểu nhưng tối đa không vượt quá 100 triệu đồng, v.v.. Bên cạnh đó, pháp luật hiện cũng chưa có quy định định lượng về bước giá, dẫn đến sự tùy tiện trong quy định và sử dụng bước giá trong đấu giá tài sản nói chung và đấu giá tài sản công nói riêng.

Pháp luật về đấu giá tài sản trước đây quy định về thẩm quyền quyết định bước giá là tổ chức đấu giá tài sản[17]. Thực tiễn thực hiện đã phát sinh trường hợp tổ chức đấu giá tài sản lạm quyền, quyết định bước giá không phù hợp[18]. Nhằm khắc phục tình trạng trên, Luật đấu giá tài sản đã quy định người có tài sản đấu giá là người có thẩm quyền quyết định bước giá[19]. Tuy nhiên, thực tế thực hiện quy định này lại dẫn đến sự lạm quyền của người có tài sản đấu giá nên việc thay đổi thẩm quyền quyết định bước giá từ tổ chức đấu giá tài sản sang người có tài sản đấu giá cũng chưa ngăn chặn được tiêu cực phát sinh. Do vậy, cần có cơ chế kiểm soát để hạn chế sự lạm quyền của tổ chức đấu giá tài sản cũng như của người có tài sản đấu giá khi quy định và sử dụng bước giá trong đấu giá tài sản nói chung và đấu giá tài sản công nói riêng.

Về việc điều chỉnh bước giá tại cuộc đấu giá, trước đây, đấu giá viên được quyền “điều chỉnh bước giá cho phù hợp với từng vòng đấu giá trong khi điều hành cuộc bán đấu giá”[20]. Thực tiễn thực hiện, một số đấu giá viên đã lạm dụng quyền được điều chỉnh bước giá. Hiện nay, pháp luật hiện hành không quy định về việc điều chỉnh bước giá nên hầu hết các cuộc đấu giá tài sản công đều không thực hiện việc điều chỉnh bước giá và do vậy chưa phát huy hết được tính hiệu quả trong đấu giá tài sản công.

Về thời điểm thông báo bước giá, cuộc đấu giá trực tiếp bằng lời nói và đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá là cuộc đấu giá bắt buộc phải có bước giá. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, đến tận thời điểm mở cuộc đấu giá, đấu giá viên mới bắt buộc phải thông báo công khai bước giá. Do không biết trước về bước giá nên trong một khoảng thời gian ngắn, đấu giá bằng lời nói trả giá liên tục, đấu giá bằng bỏ phiếu thì thời gian ghi và nộp phiếu thường diễn ra từ 10 đến 30 phút, người tham gia đấu giá rất khó khăn trong việc tính toán trước mức giá trả cho phù hợp với quy định về bước giá của người có tài sản đấu giá, phù hợp với khả năng tài chính của mình nhưng lại có cơ hội mua được tài sản mà không quá chênh lệch so với giá thị trường, nhất là trong đấu giá quyền sử dụng đất.

Bên cạnh những bất cập nêu trên, một số vấn đề vẫn đang tiếp tục gây tranh cãi giữa các tổ chức đấu giá tài sản, giữa các đấu giá viên và vẫn đang được thực hiện theo những cách thức khác nhau, như: nếu bỏ phiếu trực tiếp một vòng thì có bắt buộc áp dụng bước giá không? Trường hợp người có tài sản đấu giá yêu cầu vòng thứ nhất người tham gia đấu giá phải trả bằng giá khởi điểm cộng (+) ít nhất một bước giá có đúng không? Cách thức giải quyết như thế nào trong trường hợp trả sai bước giá? Quy định về cách thức áp dụng bước giá trong trường hợp rút lại giá đã trả mà người tham gia đấu giá tiếp tục tham gia đấu giá, v.v..

 


[1] Quốc hội (2016), Luật đấu giá tài sản, Nội, Điều 40.

[2] Chính phủ (1996), Nghị định số 86/CP ngày 19/12/1996 về việc ban hành Quy chế bán đấu giá tài sản, Nội, Điều 6.

[3] Chính phủ (2005), Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 về bán đấu giá tài sản, Hà Nội, Điều 17.

[4] Chính phủ (2005), Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 về bán đấu giá tài sản, Hà Nội, Điều 17

[5] Chính phủ (2017), Nghị định 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 quy định chi tiết một số điều về biện pháp thi hành Luật đấu giá tài sản, Nội, Điều 13, 14, 15.

[6] Quốc hội (2005), Luật Thương mại, Nội, điểm b khoản 2 Điều 185.

[7] Quốc hội (2016), Luật đấu giá tài sản, Nội, Điều 55 và khoản 2 Điều 58.

[8] Dân Đức (2006) “Bán đấu giá tài sản ở Nhật Bản”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, (10), tr.28-32; Thanh Minh, Mai Hoa, Huyền Trang (2012) “Kinh nghiệm bán đấu giá tài sản theo pháp luật của một số quốc gia trên thế giới”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, tr. 118-135; Vijay Krishna (2002), Auction theory, New York: Elsevier. ISBN 978-0-12- 426297-3, p.173-184.

[9] Sở Tư pháp thành phố Hà Nội (2020), Quyết định số 112/QĐ-STP ngày 12/5/2020 về việc phê duyệt tổ chức đấu giá tài sản đủ điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến, Hà Nội.

[10] Sở Tư pháp thành phố Hà Nội (2020), Quyết định số 163/QĐ-STP ngày 17/6/2020 về việc phê duyệt tổ chức đấu giá tài sản đủ điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến, Hà Nội.

[11] Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng (2020), Quyết định số 236/QĐ-STP ngày 12/11/2020 về việc phê duyệt tổ chức đấu giá tài sản đủ điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến, Đà Nẵng.

[12] Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng (2021), Quyết định số 33/QĐ-STP ngày 23/02/2021 về việc phê duyệt tổ chức đấu giá tài sản đủ điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến, Đà Nẵng.

[13] Sở Tư pháp thành phố Hà Nội (2021), Quyết định số 362/QĐ-STP ngày 11/8/2021 về việc phê duyệt tổ chức đấu giá tài sản đủ điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến, Hà Nội.

[14] Chính phủ (2005), Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 về bán đấu giá tài sản, Hà Nội, điểm a khoản 2 Điều 17

[15] Chính phủ (2010), Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 về bán đấu giá tài sản, Nội, khoản 5 Điều 2.

[16] Bộ Tư pháp (2010), Thông tư số 23/TT-BTP ngày 06/12/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 về bán đấu giá tài sản, Nội, Điều 13.

[17] Chính phủ (2010), Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 về bán đấu giá tài sản, Nội, khoản 5 Điều 2.

[18] Đỗ Văn Nhân (2012), Quy định bước giá trong hoạt động bán đấu giá chưa hợp lý, Địa chỉ: https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/469602-.html [Truy cập 11/10/2019].

[19] Quốc hội (2016), Luật đấu giá tài sản, Nội, khoản 1 Điều 5.

[20] Bộ Tư pháp (2010), Thông tư số 23/TT-BTP ngày 06/12/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 về bán đấu giá tài sản, Nội, Khoản 2, Điều 5.

Sửa đổi lần cuối Thứ ba, 04 Tháng 4 2023 00:13

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành