Thứ tư, 22 Tháng 3 2023 23:56

Sự ảnh hưởng của chủ nghĩa hiến pháp đối với quá trình đổi mới, cải cách mở cửa và hội nhập quốc tế Việt Nam

Sau khi đất nước được hoàn toàn thống nhất vào năm 1975, Việt Nam dần thoát khỏi tình trạng chiến tranh và bước vào giai đoạn hòa bình, ổn định, phát triển đất nước. Chính sách Đổi Mới đất nước chính thức được đặt ra tại Đại hội Đảng khóa VI (1986), với trọng tâm đổi mới kinh tế. Qua hơn ba thập kỷ thực hiện chính sách Đổi Mới, xã hội Việt Nam đã có nhiều thay đổi quan trọng trên nhiều phương diện, đặc biệt là sự tăng trưởng năng động của nền kinh tế. Tuy nhiên, các cải cách thể chế lại không diễn ra tương xứng với đòi hỏi của những thay đổi kinh tế-xã hội. Thực tiễn này đã dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng như: tham nhũng trở thành quốc nạn, lạm dụng quyền lực nhà nước, chính phủ thiếu khả năng giải quyết vấn đề khủng hoảng kinh tế, sự suy đồi đạo đức trong đời sống chính trị-xã hội,… Điều này thúc đẩy nhu cầu “nội tại” của Nhà nước Đảng phải thực hiện các cải cách, đổi mới hệ thống chính trị để duy trì tăng cường tính chính danh của mình (như: mở rộng dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách hệ thống quản trị quốc gia,…). Trong quá trình này, Việt Nam đã hướng về phương Tây để tìm kiếm lời giải cho những vấn đề của Đổi Mới và phát triển đất nước.

Cũng giống như Trung Quốc, Việt Nam thực hiện cải cách kinh tế trước khi tiến hành cải cách chính trị. Chính sách Đổi Mới đất nước từ năm 1986 đặt nền tảng quan trọng cho việc hình thành bản Hiến pháp năm 1992 của thời kỳ Đổi Mới và tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Hiến pháp có vai trò quan trọng trong việc xác lập các yếu tố của kinh tế thị trường như: nền kinh tế nhiều thành phần, đa sở hữu, quyền tự do kinh doanh. Nền kinh tế thị trường lại kéo theo yêu cầu về pháp quyền (Rule of Law) và bảo vệ quyền sở hữu (quyền tài sản) - hai nhân tố quan trọng nhất bảo đảm thị trường vận hành hiệu quả, dẫn đến chuyển biến nhận thức của Nhà nước và Đảng về pháp quyền/nhà nước pháp quyền (quản lý nhà nước, xã hội bằng pháp luật), về phân công-phối hợp (trong lần sửa đổi hiến pháp vào năm 2001), và phân công-phối hợp-kiểm soát (trong Hiến pháp năm 2013) giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lực nhà nước (gồm các quyền lập pháp-hành pháp-tư pháp). Trên phương diện chủ trương-đường lối, định hướng cải cách theo pháp quyền và kinh tế thị trường bắt đầu định hình từ Đại hội Đảng khóa VI (1986), liên tục phát triển và hoàn thiện cho đến ngày nay. Nhìn chung, về bản thể thấy, quá trình dân chủ hóa, cải cách hệ thống chính trị và thể chế ở Việt Nam có xu hướng chủ yếu được thực hiện từ trên xuống, theo xu thế của thời đại.

Trong văn kiện Đại hội Đảng khóa VI (1986), mặc dù vẫn sử dụng thuật ngữ “nhà nước chuyên chính vô sản” và khẳng định đây là hình nhà nước của thời kỳ quá độ, nhận thức về chức năng và nhiệm vụ của nhà nước đã có sự đổi mới: “thể chế hóa bằng pháp luật quyền hạn, lợi ích, nghĩa vụ của nhân dân lao động và quản lý kinh tế, xã hội theo pháp luật… bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân” (yếu tố pháp quyền)[1]. Tiếp đó, vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền, phân công-phối hợp trong thực hiện quyền lực nhà nước, tổ chức và hoạt động của nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quản lý xã hội bằng pháp luật đã được nêu ra tại Hội nghị của Đảng khóa VII từ những năm 1991, tiếp tục được khẳng định và cụ thể hóa ít nhiều qua các Đại hội Đảng khóa VIII (1996), khóa IX (2002), và khóa X (2006)[2]. Đến Đại hội Đảng khóa XI (2011) và khóa XII (2016), các vấn đề: kiểm soát trong việc thực hiện quyền lập pháp-hành pháp-tư pháp; tổ chức-hoạt động của nhà nước phải tuân thủ nguyên tắc pháp quyền; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật được bổ sung vào lý luận xây dựng Nhà nước pháp quyền của Đảng[3]. Thực tiễn này cho thấy, Đảng luôn quan tâm tìm kiếm, thử nghiệm xây dựng hình nhà nước-pháp luật phù hợp với mục tiêu chính trị của Đảng là xây dựng chế độ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đồng thời phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và xu thế phát triển của các nhà nước hiện đại. Nhận thức, quan điểm và chính sách của Đảng đã có nhiều thay đổi theo thời gian, trong đó, chuyển biến mạnh mẽ nhất diễn ra kể từ khi Đảng phát động chính sách Đổi Mới năm 1986.

Như vậy, quy tắc và luật chơi chung của quá trình hiện đại hóa dường như đang diễn ra ở Việt Nam: phát triển kinh tế dẫn đến nhu cầu đòi hỏi tự do chính trị của người dân khi họ trở nên độc lập hơn về vật chất, trí tuệ và xã hội[4], và đưa quốc gia tiến tới những cải cách chính trị theo hướng dân chủ. Tuy nhiên, cũng không nên quá lạc quan về xu hướng này mà Trung Quốc là thí dụ điển hình – quốc gia đã duy trì được tăng trưởng kinh tế trong một khoảng thời gian dài (gần 40 năm) trong khi vẫn duy trì các thể chế chính trị thiếu dân chủ vốn có[5]. Ngoại lệ này được coi là một kiểu cải cách điển hình (catch-22): “Nếu chế độ không thực hiện được những điều người dân kỳ vọng – trật tự và phát triển kinh tế – để đánh đổi hay chấp nhận chế độ chuyên chế – thì nó sẽ bị mất tính chính danh”[6]. Có nghĩa là các thể chế thiếu dân chủ vẫn có thể có tính chính danh (được chấp nhận) khi nó giải quyết được các vấn đề của xã hội (kỳ vọng của người dân). Nhưng mâu thuẫn nội tại của tình trạng này là một khi kỳ vọng của người dân (trật tự, phát triển kinh tế) đã được giải quyết thì cũng không còn cần thiết duy trì các thể chế thiếu dân chủ. Do đó, dân chủ hóa dường như là tiến trình tất yếu sẽ diễn ra. Hàn Quốc, Đài Loan là các ví dụ điển hình ở Đông Á, đã có sự đánh đổi giữa dân chủ và phát triển ở giai đoạn đầu (phát triển đi trước, dân chủ theo sau). Ở cả hai trường hợp, dân chủ hóa có tính chất “từ dưới lên” (bottom-up) với vai trò của người dân và các tổ chức xã hội trong nước. Dân chủ hóa song hành với cải cách thể chế và dường như là nhu cầu của xã hội nhiều hơn là nhu cầu, ý chí chính trị hay sự cam kết của chính quyền. Do đó, khi sự trưởng thành của xã hội công dân (civil society) đủ lớn, nó sẽ tạo ra những chuyển biến lớn về thể chế[7].

Cùng với Đổi Mới đất nước về kinh tế, Việt Nam cũng tích cực, chủ động hòa nhập vào cộng đồng quốc tế trên nhiều phương diện (như: tham gia ký kết các điều ước, hiệp ước song phương-đa phương, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ứng cử vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an, tích cực thúc đẩy hợp tác, phát triển trong khối ASEAN). Như một hệ luận tất yếu, Việt Nam phải chấp nhận những “quy tắc và luật chơi chung” để hòa nhập với thế giới, tìm tiếng nói chung trong quá trình tìm kiếm thịnh vượng cho quốc gia. Những giá trị hay chuẩn mực quốc tế phổ quát như: pháp quyền, chủ nghĩa hiến pháp, nhân quyền, dân chủ,… đã có ảnh hưởng, tác động nhất định đến đời sống chính trị-pháp lý ở Việt Nam, ngày càng được nội luật hóa trong hiến pháp và hệ thống pháp luật quốc gia.

Như vậy, có thể thấy, nhu cầu cải cách hệ thống chính trị ở Việt Nam diễn ra dựa trên hai lý do: Thứ nhất, sau hơn ba thập kỷ thực hiện chính sách Đổi Mới, xã hội Việt Nam diễn ra nhiều thay đổi quan trọng trên nhiều phương diện, đặc biệt là về kinh tế. Tuy nhiên, những mặt trái của phát triển cũng dần bộc lộ, cùng với ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế toàn cầu, đã thúc đẩy nhu cầu “nội tại” của Nhà nước và Đảng phải tiến hành các cải cách (hiện đại hóa) hệ thống chính trị và thể chế để thích nghi với yêu cầu của tình hình mới. Thứ hai, quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế nhằm tìm kiếm thịnh vượng cho quốc gia buộc Việt Nam phải chấp nhận một số “luật chơi”, chuẩn mực giá trị chung của thế giới, và phải tiến hành các cải cách thể chế-pháp lý cho phù hợp. Trên phương diện pháp lý, ở cấp độ cao nhất, thực tiễn này được thể hiện rõ nét qua các lần sửa đổi hiến pháp đầu thế kỷ 21. Các thảo luận hiến pháp tập trung nhiều hơn vào các khía cạnh của chủ nghĩa hiến pháp ở phương Tây như: bản hiến pháp khế ước, phân quyền, giới hạn-kiểm soát quyền lực, tư pháp độc lập, tài phán hiến pháp, bảo vệ nhân quyền,… Mặc dù hiến pháp vẫn duy trì mô hình hiến pháp chủ nghĩa xã hội, nhưng cách tiếp cận ôn hòa và cởi mở hơn với việc chấp nhận một số khái niệm, công cụ pháp lý như: Nhà nước pháp quyền, phân công-phối hợp-kiểm soát quyền lực, xác định rõ thiết chế thực hiện quyền lập pháp-hành pháp-tư pháp, tòa án thực hiện quyền pháp với nhiệm vụ bảo vệ công lý-quyền con người-quyền công dân, các chế định trưng cầu dân ý, bỏ phiếu tín nhiệm, (khả năng thành lập) cơ chế bảo vệ hiến pháp.

 


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ Đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.124-125.

[2] Vũ Công Giao (2014), “Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam: Nhận thức, triển vọng và thách thức nhìn từ Hiến pháp năm 2013”, trong: Đào Trí Úc, Vũ Công Giao (đồng chủ biên), Bình luận khoa học Hiến pháp nước CHXHCH Việt Nam năm 2013, Nxb. Lao động-xã hội, Hà Nội, tr.658-665.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr.52, 246-347; và Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.175.

[4] Larry Diamond (2017), Tinh thần dân chủ: Cuộc đấu tranh nhằm xây dựng xã hội tự do trên toàn thế giới, (Phạm Nguyên Trường dịch), Nxb. Giấy vụn, Hoa Kỳ, tr.149.

[5] Plato (1991), The Republic of Plato (translated with notes and an interpretive essay by Allan Bloom), Harper Collins Publishers, New York.

[6] Larry Diamond (2017), Tinh thần dân chủ: Cuộc đấu tranh nhằm xây dựng xã hội tự do trên toàn thế giới, (Phạm Nguyên Trường dịch), Nxb. Giấy vụn, Hoa Kỳ, tr.133-134.

[7] Phan Văn Trường (1926), Pháp luật lược luận, Nhà in Xưa-Nay, Sài Gòn, tr.51-65.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành