Thứ tư, 12 Tháng 4 2023 15:59

Vai trò của chủ nghĩa hiến pháp trong mở rộng của xã hội công dân ở Việt Nam

Quá trình Đổi Mới về kinh tế và hội nhập quốc tế đã thúc đẩy nhu cầu nội tại cải cách chính trị theo hướng dân chủ-pháp quyền-thị trường, mặc dù những cải cách chủ yếu được thực hiện từ trên xuống (top-down) và từ bên ngoài (tiếp nhận, nội luật hóa pháp luật quốc tế). Cả hai quá trình đưa đến những thay đổi quan trọng trong xã hội Việt Nam trên nhiều phương diện, đặc biệt về kinh tế. Chất lượng cuộc sống gia tăng và sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và công nghệ phát triển đã thúc đẩy nhu cầu tham gia chính trị của công dân và sự hình thành, phát triển của xã hội công dân như một hệ luận tất yếu. Các trụ cột nhà nước-thị trường-xã hội công dân được hình thành như các trụ cột nền tảng nâng đỡ và thúc đẩy xã hội phát triển.

Trong đời sống chính trị hiện đại, xã hội công dân-nhà nước pháp quyền- kinh tế thị trường được xem là ba trụ cột chính nâng đỡ xã hội phát triển. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, các vấn đề Nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường được quan tâm nghiên cứu, thảo luận rất nhiều ở Việt Nam, trong khi đó, nghiên cứu thảo luận về xã hội công dân rất hạn chế, mặc cho sự tồn tại thực tế và phát triển nhanh chóng của nó. Bản thân thuật ngữ xã hội công dân là một khái niệm khá mơ hồ, khó nắm bắt, và hiện cũng chưa có một cách hiểu chung thống nhất. Các nghiên cứu hiện có cho thấy, đây là khái niệm được phát triển theo thời gian, mang những hàm nghĩa có thể rất khác biệt, và đôi khi được “sử dụng” cho các mục đích cụ thể. Nhìn chung, xã hội công dân được coi là khoảng không gian hay các thiết chế nằm ngoài nhưng không hoàn toàn tách biệt với nhà nước và thị trường, mà giữa chúng có sự hỗ trợ, phối hợp và tương tác với nhau. Theo đó, hoạt động của xã hội công dân không hướng đến mục tiêu chính trị giành các vị trí trong chính quyền, nhưng có thể có tính chính trị như: tác động chính sách, giám sát hoạt động nhà nước. Hoạt động của xã hội công dân không hướng đến  tìm kiếm lợi nhuận, nhưng nguồn tài chính từ thương mại có thể là phương tiện cho hoạt động của xã hội công dân. Theo Larry Diamod, xã hội công dân là một thực thể, hiện tượng có tính trung gian giữa lĩnh vực tư nhân và nhà nước. Ông định nghĩa xã hội công dân là “lãnh vực của một đời sống xã hội có tổ chức mang tính chất tự nguyện, tự sinh, (phần lớn) tự duy trì, [độc lập] tự trị với nhà nước, bị ràng buộc bởi một trật tự pháp lý hay một tập hợp các quy tắc chung”. Như vậy, có thể thấy, đặc trưng nổi bật của xã hội công dân là sự tham gia của người dân vào đời sống xã hội thông qua các tổ chức tự nguyện, không tìm kiếm lợi nhuận, độc lập nhưng không đối lập với nhà nước nhằm chia sẻ, thúc đẩy các mục tiêu chung và giải quyết các vấn đề cần thiết của cá nhân, tổ chức hoặc của cộng đồng mà không qua nhà nước. Trong một nền dân chủ, theo Larry Diamond, xã hội công dân có các chức năng: Thứ nhất, và cơ bản nhất, hạn chế và kiểm soát quyền lực nhà nước bằng cách kiểm tra, theo dõi cách thức quyền lực được sử dụng. Thứ hai, phơi bày những hành vi tham nhũng, thúc đẩy các cải cách quản trị tốt. Thứ ba, thúc đẩy sự tham gia chính trị của người dân thông qua giáo dục tư cách công dân. Thứ tư, phát triển các giá trị khác của cuộc sống dân chủ (như: khoan dung, hòa giải, thỏa hiệp, tôn trọng các quan điểm đối lập). Thứ năm, đối tác xây dựng và phát triển các chương trình giáo dục công dân. Thứ sáu, diễn đàn thể hiện các lợi ích đa dạng của các nhóm trong xã hội. Thứ bảy, cung cấp các hình thức liên kết mới về mối quan tâm, tình đoàn kết trong xã hội. Thứ tám, môi trường đào tạo các lãnh đạo chính trị tương lai. Thứ chín, diễn đàn tranh luận, trao đổi và thông tin đến công chúng về các vấn đề công quan trọng. Thứ mười, làm trung gian, giúp đỡ giải quyết các xung đột xã hội. Thứ mười một, và rất quan trọng, giám sát hoạt động bầu cử. Qua các chức năng kể trên, có thể thấy, xã hội công dân thực chất là đối tác thiết yếu của nhà nước, một trợ lực của dân chủ. Theo đó, xã hội công dân khiến cho hoạt động của nhà nước minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả hơn; đồng thời cũng giúp thúc đẩy sự tôn trọng và sự tham gia của công dân vào các công việc nhà nước, trong khuôn khổ của pháp luật. Nhà nước và xã hội công dân không phải là hai lĩnh vực hoàn toàn đối lập nhau, mà là các đối tác phối hợp và rất cần thiết đối với nhau.

Trong ba trụ cột Nhà nước-thị trường-xã hội công dân, thiếu vắng đi bất cứ trụ cột nào cũng đều sẽ dẫn tới sự thiếu ổn định của nền dân chủ. Ở đây, sự phân chia các lĩnh vực của đời sống xã hội thành ba trụ cột đã hàm ý có sự phân quyền, trong đó mỗi bộ phận đều có vị trí, vai trò nhất định của nó. Trong một xã hội, bản thân hiến pháp và các định chế chính trị dân chủ sẽ không mặc nhiên dẫn đến nền dân chủ hiến định. Các định chế đều do con người sáng tạo ra, để phục vụ con người, và yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Chủ nghĩa hiến pháp, với mục tiêu giới hạn quyền lực nhà nước để bảo vệ cuộc sống và tự do của con người, sẽ chỉ có ý nghĩa khi các định chế được thiết kế sao cho vừa có sự kiểm soát bên trong của nhà nước và sự kiểm soát bên ngoài từ phía xã hội, hay là sự phối kết hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc trưng bởi sự tham gia của công dân. Sự tham gia đó chỉ  thực chất, hiệu quả khi thông qua xã hội công dân với các chức năng, vai trò của nó trong việc thúc đẩy sự phát triển và ổn định của xã hội.

Ở Việt Nam hiện nay, thuật ngữ “xã hội công dân” và đặc biệt thuật ngữ đồng nghĩa của nó “xã hội dân sự” chưa được thừa nhận chính thức trong các văn bản pháp luật của Nhà nước và văn kiện của Đảng, nhưng các hình thức tổ chức của xã hội công dân đã tồn tại, phát triển từ khá sớm như: đời sống xã hội làng, xã ở miền Bắc, hội, phường. Nhiều nghiên cứu cho thấy, xã hội công dân đang có sự phát triển nhanh chóng ở Việt Nam, với khoảng 70% dân số hiện là thành viên của ít nhất một hội hoặc hiệp hội xã hội công dân. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy, khuôn khổ pháp lý về xã hội công dân ở nước ta vẫn còn thiếu và yếu; các tổ chức xã hội công dân thường có quan hệ mật thiết với nhà nước, tính độc lập không cao; hệ quả là hiệu quả hoạt động của xã hội công dân còn hạn chế so với kỳ vọng. Cùng sự phát triển của kinh tế, đặc biệt là sự hỗ trợ của công nghệ thông tin giúp cho các cá nhân kết nối với nhau thuận lợi hơn, xã hội công dân ở Việt Nam ngày càng mở rộng về phạm vi hoạt động, hình thức tổ chức; tính độc lập, chủ động và hiệu quả trong việc tham gia vào các công việc của xã hội, nhà nước ngày càng cao hơn như: hoạt động thiện nguyện, bảo trợ xã hội; giám sát, tư vấn, phản biện chính sách; chống tham nhũng. Vai trò của xã hội công dân phần nào được Nhà nước thừa nhận, minh chứng rõ nhất là thông qua các văn bản pháp luật về hội, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của xã hội công dân cũng đang được xây dựng, dần hoàn thiện. Những dấu hiệu phát triển của xã hội công dân mang đến sự thuận lợi cho việc nâng cao nhận thức và khả năng thực hành chủ nghĩa hiến pháp ở Việt Nam.

Trong cuộc sinh hoạt chính trị sửa đổi hiến pháp năm 2013, các tổ chức xã hội đã tạo ra nhiều phương thức kết nối với nhau và với công chúng trong quá trình góp ý, thảo luận về các vấn đề của hiến pháp, góp phần tạo nên cuộc sinh hoạt chính trị dân chủ sôi động và rộng mở chưa từng có như: nhóm Kiến nghị 72, Cùng viết Hiến pháp, nhóm Cựu sinh viên luật Hà Nội, Hội đồng Giám mục Việt Nam, các nhóm xã hội yếu thế và dễ bị tổn thương. Cuộc sinh hoạt trở thành không gian, diễn đàn cho các chủ thể trong xã hội, bao gồm chính quyền, thảo luận và thỏa hiệp về các vấn đề của hiến pháp. Đồng thời, đây cũng là diễn đàn giáo dục ý thức và nhận thức của công dân về những vấn đề chính trị quan trọng của đất nước.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành