Thứ tư, 12 Tháng 4 2023 16:25

Giới thiệu các hình thức tổ chức lại hợp tác xã

Theo từ điển mở Wikipedia, khái niệm tổ chức lại hoặc tái cấu trúc là một thuật ngữ quản trị doanh nghiệp dùng để chỉ hành động tái cấu trúc về mặt pháp lý, sở hữu, hoạt động hoặc các cấu trúc khác của một một công ty với mục đích làm cho công ty gia tăng khả năng sinh lời hoặc được tổ chức theo một cách tốt hơn cho nhu cầu hiện tại.

Trong pháp luật Việt Nam không có khái niệm về tổ chức lại hợp tác xã, mà chỉ có quy định về tổ chức lại trong Luật doanh nghiệp, theo đó: “Tổ chức lại doanh nghiệp là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình  doanh nghiệp”. Như vậy, dựa vào khái niệm về tổ chức lại doanh nghiệp, tổ chức lại hợp tác xã có thể hiểu là một thuật ngữ chung dùng để chỉ các hoạt động bao gồm hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hợp tác xã.

Đối với các hình thức tổ chức lại hợp tác xã có sự khác biệt so với tổ chức  lại doanh nghiệp, theo đó tổ chức lại hợp tác xã không có việc chuyển đổi hình thức pháp lý giống như doanh nghiệp.

Tổ chức lại hợp tác xã là một trong những biện pháp nhằm tạo ra, tìm kiếm những điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của hợp tác xã. Trong quá trình hoạt động, các xã viên có quyền mở rộng, thu hẹp quy mô hoặc chuyển đổi hình thức kinh doanh phù hợp với khả năng của xã viên trong các giai đoạn khác nhau. Tổ chức lại hợp tác xã là những biện pháp nhằm thay đổi quy mô hoặc loại hình, theo quyết định của Đại hội thành viên bao gồm tất cả các xã viên của hợp tác xã.

Như vậy, tổ chức lại hợp tác xã được hiểu là tái cấu trúc lại hợp tác xã theo các hình thức như: chia, tách, hợp nhất, sáp nhập sao cho phù hợp hơn với mục tiêu hợp tác xã hướng tới.

Mục đích của việc tổ chức lại hợp tác xã là tạo ra một quy mô hợp lý nhất cho sự ổn định và phát triển của hợp tác xã, bảo đảm đạt được năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Việc tổ chức lại hợp tác xã có thể được thực hiện theo hướng hợp nhất nhiều hợp tác xã nhỏ thành hợp tác xã lớn hơn hoặc chia tách một hợp tác xã lớn thành những hợp tác xã nhỏ hơn. Đại hội xã viên bao gồm tất cả các xã viên là cơ quan duy nhất có quyền quyết định việc sáp nhập hoặc chia tách hợp tác xã. 

Từ đó, có thể khái quát được đặc điểm của các hình thức tổ chức lại hợp tác xã như sau:

Thứ nhất, là hình thức tổ chức lại của pháp nhân. Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể có tư cách pháp nhân. Theo đó, “mục đích của việc xác lập tư cách pháp nhân là việc tách biệt tài sản. Như vậy, chỉ có những tổ chức thực hiện nguyên tắc tách bạch về mặt tài sản mới có được điều kiện quan trọng đầu tiên để trở thành pháp nhân”. Ý nghĩa của sự ra đời pháp nhân là để bảo vệ tốt lợi ích chung của nhóm với những người có quan hệ, cùng mục đích liên kết với nhau, cũng như lợi ích của người thứ ba có quan hệ với nhóm, cần công nhận sự tồn tại độc lập của nhóm so với cá nhân.

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tự chủ có tư cách pháp nhân, có khối tài sản riêng độc lập, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều dựa trên khối tài sản đó. Vì vậy, việc tổ chức lại hợp tác xã dựa trên nền tảng lý luận của tổ chức lại pháp nhân. Ngoài hợp tác xã có tư cách pháp nhân, thì các loại hình doanh nghiệp cũng có những đặc điểm của pháp nhân tương đồng nhau. Tổ chức lại pháp nhân bao gồm chia, tách, sáp nhập, hợp nhất pháp nhân.

Thứ hai, tổ chức lại hợp tác xã nhằm đảm bảo sự hiệu quả trong hoạt động của hợp tác xã. Với mục đích phát huy được khả năng của hợp tác xã khi các điều kiện khách quan, chủ quan có sự thay đổi, pháp luật quy định về vấn đề tổ chức lại hợp tác xã. Tổ chức lại hợp tác xã là biện pháp tốt nhất để hợp tác xã khắc phục tình trạng làm ăn kém hiệu quả, tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển.

Hợp tác xã được tổ chức lại chủ yếu theo hướng sáp nhập, hợp nhất nhiều hợp tác xã nhỏ thành một hợp tác xã lớn hơn. Hoặc chia tách một hợp tác xã lớn thành những hợp tác xã nhỏ hơn. Việc thực hiện phương hướng sáp nhập, hợp nhất hay chia tách thuộc quyền quyết định của đại hội xã viên hợp tác xã.

Thứ ba, tổ chức lại hợp tác xã sẽ hình thành các hợp tác xã mới. Pháp nhân hợp tác xã mới được hình thành sẽ kế thừa các quyền và nghĩa vụ pháp lý của hợp tác xã ban đầu. Nếu việc tổ chức lại làm hình thành nhiều hợp tác xã mới, thì các hợp tác xã mới này phải cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ pháp lý của hợp tác xã trước khi thực hiện việc tổ chức lại.

Thứ tư, tổ chức lại hợp tác xã phải thực hiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trình tự, thủ tục và hồ sơ thực hiện tổ chức lại hợp tác xã phải được thực hiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Các pháp nhân hợp tác xã mới được hình thành sau khi tổ chức lại phải thực hiện thủ tục thành lập mới. Đối với hình thức tách hoặc sáp nhập thì hợp tác xã bị tách hoặc hợp tác xã sáp nhập phải thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh  để phù hợp với sự thay đổi sau khi thực hiện việc tổ chức lại hợp tác xã.

 Việc chia hợp tác xã được hiểu là việc hợp tác xã có thể chia các thành viên và tài sản hợp tác xã để thành lập hai hoặc nhiều hợp tác xã mới. Hợp tác xã bị chia sẽ chấm dứt hoạt động, các hợp tác xã mới sẽ phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của hợp tác xã bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các hợp tác xã mới thực hiện các nghĩa vụ này.

Việc tách hợp tác xã được hiểu việc hợp tác xã thực hiện chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã hiện có để thành lập một hoặc một số hợp tác xã mới mà không chấm dứt tồn tại của hợp tác xã bị tách.

Hai hình thức tổ chức lại hợp tác xã là chia và tách hợp tác xã có những điểm giống và khác nhau như sau:

Thứ nhất, cả hình thức chia và tách hợp tác xã đều là hình thức tổ chức lại mà hợp tác xã sẽ tiến hành chia thành viên và nguồn lực kinh doanh mà hợp tác xã đang nắm giữ. Hậu quả của việc chia và tách hợp tác xã đều dẫn đến sự hình thành nhiều hợp tác xã mới;

Thứ hai, hình thức chia và tách hợp tác xã có điểm khác nhau về hệ quả pháp lý của việc chia và tách hợp tác xã: Đối với hình thức chia hợp tác xã, thì hợp tác xã bị chia sẽ chấm dứt tồn tại khi HTX mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký. Đối với hình thức tách hợp tác xã, thì hợp tác xã bị tách sẽ không chấm dứt sự tồn tại mà chỉ chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ để thành lập nên một hợp tác xã mới khác.

Đối với những trường hợp hợp nhất hoặc sáp nhập hợp tác xã cũng có những đặc điểm riêng biệt. 

Hợp nhất hợp tác xã được hiểu là việc hai hoặc một số hợp tác xã (gọi là hợp tác xã bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một hợp tác xã mới (gọi là hợp tác xã hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các hợp tác xã bị hợp nhất.

 Sáp nhập hợp tác xã được hiểu là việc một hoặc một số hợp tác xã (gọi là hợp tác xã bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một hợp tác xã khác (gọi là hợp tác xã nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang hợp tác xã nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của hợp tác xã bị sáp nhập.

Hai hình thức tổ chức lại hợp tác xã là hợp nhất và sáp nhập hợp tác xã có những điểm giống nhau và khác nhau như:

Thứ nhất, điểm giống nhau: Hợp nhất và sáp nhập hợp tác xã là  hình  thức tổ chức lại mà hợp tác xã  thực hiện bằng cách kết hợp năng lực kinh doanh của  các hợp tác xã tham gia tổ chức lại để hình thành năng lực kinh doanh thống nhất trong một hợp tác xã. Hợp nhất và sáp nhập đều dẫn đến chấm dứt sự tồn tại của hợp tác xã bị sáp nhập;

Thứ hai, điểm khác nhau: Hợp nhất hợp tác xã sẽ dẫn đến sự hình thành hợp tác xã mới. Còn hình thức sáp nhập hợp tác xã không dẫn đến sự hình thành hợp tác xã mới mà chỉ dẫn đến những thay đổi bên trong hợp tác xã nhận sáp nhập.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành