Thứ tư, 12 Tháng 4 2023 16:51

Khái quát những vấn đề cơ bản về tách hợp tác xã

Tổ chức lại theo hình thức tách hợp tác xã được hiểu là việc hợp tác xã thực hiện chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã hiện có để thành lập một hoặc một số hợp tác xã mới mà không chấm dứt tồn tại của hợp tác xã bị tách.

Trong quá trình hoạt động của hợp tác xã, các thành viên có thể quyết định tách hợp tác xã hiện có để thực hiện các hoạt động tái cấu trúc lại của hợp tác xã phù hợp với nhu cầu và mong muốn của các thành viên. Tách hợp tác xã được thực hiện bằng cách chuyển một phần tài sản hiện có, chuyển các quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã để thành lập hợp tác xã mới.

Trong các hình thức tái cấu trúc hợp tác xã, thì loại hình tách hợp tác xã có đặc thù là hợp tác xã trước khi tách sẽ thực hiện chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ để thành lập hợp tác xã mới, hợp tác xã bị tách sẽ không chấm dứt tồn tại. Theo đó, hợp tác xã bị tách sẽ thay đổi đăng ký kinh doanh và hợp tác xã được tách sẽ đăng ký thành lập tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, tách hợp tác xã sẽ có sự khác biệt với chia hợp tác xã, nếu như chia hợp tác xã thì hợp tác xã bị chia sẽ chấm dứt hoạt động sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, còn tách hợp tác xã thì cả hợp tác xã bị tách và hợp tác xã được tách sẽ vẫn tồn tại và hoạt động sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi nhận việc tách.

Có thể khái niệm tách hợp tác xã như sau: Tách hợp tác xã được hiểu việc hợp tác xã thực hiện chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã hiện có (gọi là hợp tác xã bị tách) để thành lập một hoặc một số hợp tác xã mới (gọi là hợp tác xã được tách) mà không chấm dứt tồn tại của hợp tác xã bị tách.

Hợp tác xã là một loại hình kinh tế tập thể có tư cách pháp nhân, vì thế việc tách hợp tác xã xuất phát từ nền tảng lý luận của tách pháp nhân nói riêng và tổ chức lại pháp nhân nói chung. Theo đó, một pháp nhân có thể tách thành nhiều pháp nhân theo quy định của điều lệ hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi tách, pháp nhân bị tách và pháp nhân được tách thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình phù hợp với mục đích hoạt động của các pháp nhân đó.

Việc tách hợp tác xã có những đặc điểm pháp lý cơ bản như sau:

Thứ nhất, tách hợp tác xã là một hình thức tái cấu trúc hợp tác xã. Trong các phương thức tái cấu trúc hợp tác xã, thì hình thức tách hợp tác xã mang tính đặc trưng khi hợp tác xã ban đầu chỉ chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã để hình thành ra một hoặc một số hợp tác xã mới, hợp tác xã bị tách sẽ không chấm dứt hoạt động của mình. Việc tái cấu trúc bằng hình thức tách sẽ giúp hợp tác xã hoạt động hiệu quả hơn, trong lĩnh vực kinh doanh nhất định. Vì thế, các hợp tác xã thực hiện tái cấu trúc bằng hình thức tách là những hợp tác xã có đa dạng các ngành nghề khác nhau, muốn hợp tác xã ra thành các hợp tác xã mới đảm nhiệm những ngành nghề kinh doanh nhất định. Hợp tác xã mới sẽ được chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ, các xã viên nhất định để thực hiện các hoạt động kinh doanh ngành nghề nhất định phù hợp và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, các hợp tác xã có quy mô lớn, số lượng xã viên quá nhiều làm giảm tính hiệu quả của mô hình hợp tác xã. Khi hợp tác xã có quy mô quá lớn rất dễ dẫn đến tình trạng mất cân bằng trong việc quản lý hợp tác xã. Các xã viên muốn tách hợp tác xã nhằm đảm bảo tính hiệu quả hơn đối với các xã viên của hợp tác xã.

Thứ hai, sau khi thực hiện tách, hợp tác xã bị tách không chấm dứt hoạt động: Khác với hình thức chia hợp tác xã, khi hợp tác xã được chia đăng ký thành lập, thì hợp tác xã chia sẽ chấm dứt hoạt động. Đối với hình thức tách hợp tác xã, thì hợp tác xã bị tách vẫn tồn tại cùng với hợp tác xã được tách. Việc tách hợp tác xã chỉ là việc chuyển một phần tài sản của hợp tác xã hiện có sang để thành lập hợp tác xã mới, vì thế hợp tác xã bị tách sẽ chỉ thay đổi về tài sản và xã viên và vẫn hoạt động kinh doanh.

Thứ ba, hợp tác xã bị tách và được tách phải liên đới chịu trách nhiệm về  các nghĩa vụ pháp lý: Các nghĩa vụ pháp lý bao gồm các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ khác của hợp tác xã bị tách. Việc liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán hay hợp đồng lao động chỉ phát sinh thời điểm trước khi thực hiện việc tách hợp tác xã, còn những khoản nợ sau khi tách thì độc lập với nhau. Hợp tác xã mới sẽ kế thừa quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã bị tách.

Về chủ thể thực hiện hoạt động tách hợp tác xã:

Chủ thể trực tiếp quyết định việc tách hợp tác xã là các thành viên của hợp tác xã, bởi việc tách hợp tác xã sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền lợi hợp pháp của các thành viên trong hợp tác xã. Các thành viên có quyền bình đẳng, quyền biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp vào hợp tác xã.

Thông qua biểu quyết tại đại hội thành viên, các thành viên có quyền quyết định việc hợp tác xã có thực hiện tách hay không, tỷ lệ thông qua nghị quyết của đại hội thành viên hợp tác xã được pháp luật quy định cụ thể. Việc thực hiện quyền biểu quyết về tách hợp tác xãthể hiện quyền tự do ý chí của các thành viên.

Cơ quan của hợp tác xã thực hiện xây dựng phương án tách, phương án giải quyết các vấn đề liên quan đến việc tách hợp tác xã (như: người lao động, chủ nợ, nợ thuế, các hợp đồng với đối tác, khách hàng) đề trình đại hội thành viên quyết định là Hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý hợp tác xã bao gồm chủ tịch và các thành viên.

Bởi là cơ quan quản lý của hợp tác xã, vì thế khi đại hội thành viên thông qua nghị quyết về việc tách hợp tác xã, hội đồng quản trị có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản cho các chủ nợ, các tổ chức và cá nhân có quan hệ kinh tế với hợp tác xã về quyết định chia, tách và giải quyết các vấn đề có liên quan trước khi tiến hành thủ tục thành lập hợp tác xã mới.

Việc tách hợp tác xã được thực hiện phải thông qua các thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:

Thứ nhất, đăng ký thành lập hợp tác xã mới được tách ra từ hợp tác xãban đầu. Việc thực hiện thủ tục này là do người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã được tách thực hiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chỉ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thì hợp tác xã được tách mới thực hiện các hoạt động kinh doanh. Hồ sơ đăng ký thành lập hợp tác xã mới phải kèm theo biên bản và nghị quyết của đại hội thành viên hợp tác xã bị tách.

 Thứ hai, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của hợp tác xã bị tách. Người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã bị tách sẽ thực hiện thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, sự thay đổi có thể về vốn điều lệ của hợp tác xã, về số lượng xã viên của hợp tác xã hoặc về các quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã bị tách.

Các hồ sơ, trình tự, thủ tục tách hợp tác xã được thực hiện thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hồ sơ và trình tự thủ tục tách tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền được pháp luật quy định.

Về nguyên tắc khi thực hiện việc tách hợp tác xã

Trong quá trình thực hiện việc tách hợp tác xã, các chủ thể phải tuân thủ các nguyên tắc nhất định để đảm bảo việc tách hợp tác xã đúng theo quy định của pháp luật. Các nguyên tắc của việc tách hợp tác xã đó là:

Nguyên tắc các thành viên của hợp tác xã có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau trong việc quyết định tách hợp tác xã: Khi hội đồng quản trị của hợp tác xã đề xuất và xây dựng phương án tách hợp tác xã, phải được đại hội thành viên quyết định. Trong cuội họp của đại hội thành viên quyết định về việc tách hợp tác xã phải được các thành viên thảo luận dân chủ, tỷ lệ biểu quyết thông qua nghị quyết phải theo quy định của pháp luật. Ví như trong Luật hợp tác xã 2012, thì tỷ lệ biểu quyết thông qua việc tách hợp tác xã phải đảm bảo ít nhất 75% các thành viên dự họp đồng ý. Mỗi thành viên biểu quyết tại đại hội thành viên có quyền ngang nhau, mỗi người một phiếu bầu không phụ thuộc vào số vốn góp vào hợp tác xã.

Nguyên tắc tuân thủ trình tự, thủ tục và hồ sơ khi thực hiện việc tách hợp tác xã: Trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các cơ quan trong hợp tác xã thực hiện các bước, quyết định các vấn đề phải tuân thủ quy định của pháp luật. Hội đồng quản đề xuất, xây dựng phương án tách, đại hội thành viên quyết định. Hồ sơ tách hợp tác xã cũng được phân thành hồ sơ thành lập mới của hợp tác xã được tách và hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của hợp tác xã bị tách.

 Nguyên tắc trách nhiệm pháp lý liên đới sau khi tách hợp tác xã: Với bản chất của việc tách hợp tác xã, thì hợp tác xã bị tách và được tách đều tồn tại sau khi tách. Hợp tác xã bị tách và hợp tác xã được tách cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác của hợp tác xãbị tách. Nghĩa là, các chủ nợ, chủ thể quyền có quyền yêu cầu bất kỳ hợp tác xã nào (hợp tác xã bị tách và hợp tác xã được tách) có trách nhiệm phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ đối với mình.

Từ những vấn đề trên có thể thấy, hệ quả pháp lý phát sinh sau khi thực hiện tách hợp tác xã xuất phát từ bản chất của hoạt động tách hợp tác xã. Theo đó, tách hợp tác xã là việc hợp tác xã thực hiện chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã hiện có để thành lập một hoặc một số hợp tác xã mới mà không chấm dứt tồn tại của hợp tác xãbị tách. Như vậy, từ một hợp tác xã ban đầu sẽ được tách ra thành hợp tác xã mới nhưng hợp tác xã ban đầu không chấm dứt tồn tại. Tuy vậy, quy mô của hợp tác xã có sự thay đổi. Vì thế, các vấn đề pháp lý phát sinh khi đại hội xã viên quyết định tách hợp tác xã có thể kể đến như:

Thứ nhất, xuất phát từ bản chất của tách hợp tác xã là chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã hiện có để tách sang thành lập hợp tác xã mới. Vì thế, cả hợp tác xã bị tách và hợp tác xã được tách cùng tồn tại. Vì vậy, cùng với việc đăng ký thành lập hợp tác xã mới hình thành sau khi tách, thì hợp tác xã bị tách cũng phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của mình cho phù hợp sau khi thực hiện việc tách. Việc tách hợp tác xã khác biệt với chia hợp tác xã khi hợp tác xã bị chia sẽ chấm dứt hoạt động.

Thứ hai, Nghị quyết tách hợp tác xã của đại hội thành viên phải có các nội dung chủ yếu về tên, địa chỉ trụ sở chính của hợp tác xã bị tách; tên hợp tác xã được tách sẽ thành lập; phương án sử dụng lao động; cách thức tách hợp tác xã; giá trị tài sản, các quyền và nghĩa vụ được chuyển từ hợp tác xã bị tách sang hợp tác xã được tách; thời hạn thực hiện tách hợp tác xã.

 Thứ ba, các thành viên của hợp tác xã được tách thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị và tiến hành đăng ký kinh doanh của hợp tác xã theo quy định của Luật hợp tác xã. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký hợp tác xã phải kèm theo quyết định tách công ty.

Thứ tư, về trách nhiệm pháp lý, khi đại hội thành viên hợp tác xã quyết định việc tách và hợp tác xã đã thực hiện thông báo đến các chủ nợ, người lao động hoặc đối tác của hợptác xã về tài sản hoặc quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã được tách ra như thế nào cho hợp tác xã mới. Sau khi đăng ký hợp tác xã, các hợp tác xã được tách và bị tách đều phải cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của hợp tác xã bị tách.

Thứ năm, tuy vậy về trách nhiệm pháp lý của hợp tác xã sau khi tách cũng  có thể có ngoại lệ trong trường hợp hợp tác xã bị tách, hợp tác xã mới thành lập, chủ nợ, khách hàng và người lao động của hợp tác xã bị tách có thoả thuận khác.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành