In trang này
Thứ sáu, 07 Tháng 4 2023 22:51

Tác động của lao động nước ngoài trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa

Theo Karl W. Deutsch: “Hội nhập quốc tế là trụ cột, xem hội nhập trước hết là sự liên kết các quốc gia thông qua phát triển các luồng giao lưu như thương mại, đầu tư, thư tín, thông tin, du lịch, di trú, văn hóa… từ đó hình thành dần các cộng đồng an ninh”[1]. Đây là cách tiếp cận hội nhập quốc tế theo nghĩa đa chiều trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội giữa các chủ thể của luật quốc tế. Ngoài ra, khái niệm “hội nhập quốc tế” còn được hiểu là hiện tượng các nước mở rộng và làm sâu sắc hóa quan hệ hợp tác với nhau trên cơ sở phân công lao động quốc tế có chủ đích, dựa vào lợi thế của mỗi nước và mục tiêu theo đuổi.

Toàn cầu hóa là khái niệm được bao phủ hầu hết trong các lĩnh vực đời sống xã hội và được tiếp cận theo nhiều khía cạnh khác nhau. Tiến sĩ Nayef R.F. Al-Rodhan, một nhà chính sách xã hội, nhận định: “Toàn cầu hóa là một quá trình bao hàm nguyên nhân, diễn biến và hậu quả của hội nhập xuyên quốc gia và đa văn hóa của các hoạt động nhân loại và phi nhân loại”[2]. Dưới góc độ kinh tế, trong tác phẩm Why Globalization Work: The Case for the Global Market Economy, Volf, M quan niệm: “Toàn cầu hóa là sự hội nhập của các hoạt động kinh tế xuyên qua biên giới lãnh thổ và thông qua các loại thị trường khác nhau”[3]. Toàn cầu hóa có ảnh hưởng mạnh mẽ đến vấn đề lao động cũng như đến pháp luật lao động.

Ở Việt Nam, thuật ngữ “hội nhập kinh tế quốc tế” bắt đầu được sử dụng từ khoảng giữa thập niên 1990 cùng với quá trình Việt Nam gia nhập ASEAN, tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và các thể chế kinh tế quốc tế khác. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có định nghĩa thống nhất về khái niệm “hội nhập quốc tế”. Qua nghiên cứu cho thấy, hiện nay “hội nhập quốc tế” được hiểu theo nghĩa hẹp và nghĩa rộng như sau: theo nghĩa hẹp, coi “hội nhập quốc tế” là sự tham gia vào các tổ chức quốc tế và khu vực. Theo nghĩa rộng, “hội nhập quốc tế” là sự mở cửa và tham gia vào mọi mặt của đời sống quốc tế, đối lập với tình trạng đóng cửa, cô lập hoặc ít giao lưu quốc tế[4]. Do đó, trong phạm vi nghiên cứu, có thể hiểu hội nhập quốc tế theo nghĩa rộng. Bởi lẽ, hội nhập quốc tế tạo cơ hội cho mỗi quốc gia tiến sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, được đối xử bình đẳng hơn trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, hội nhập quốc tế đem lại nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt là việc làm chất lượng đòi hỏi tri thức cao, trình độ chuyên môn tốt. Đây cũng là cơ hội thúc đẩy thiết lập cơ cấu lao động theo nhu cầu của thị trường lao động. Hội nhập quốc tế về lao động nhằm phát huy tiềm năng nội lực, tranh thủ môi trường, nguồn lực quốc tế góp phần phát triển kinh tế đất nước. Đối với lĩnh vực lao động, hội nhập quốc tế nhằm mục tiêu hoàn chỉnh thể chế về lao động theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, trong đó có các tiêu chuẩn của ILO, đồng thời quốc gia tham gia các công ước quốc tế về lao động và đảm bảo nghĩa vụ thực thi các công ước đó (áp dụng trực tiếp hoặc nội luật hóa các cam kết quốc tế). Để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động chất lượng cao, các quốc gia chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, từ đó tăng cơ hội việc làm chất lượng cho người lao động. Hơn nữa, hội nhập quốc tế về lao động huy động tối đa nguồn lực từ hợp tác đa phương, song phương phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội quốc gia.

Như vậy, toàn cầu hóa tạo ra môi trường cạnh tranh về lực lượng lao động trên phạm vi toàn cầu. Thông qua toàn cầu hóa làm xuất hiện các xu hướng dịch chuyển nhân công (thuật ngữ tiếng Anh là Offshoring). Đây là xu hướng dịch chuyển tất yếu trong quá trình toàn cầu hóa, trong đó có hai hình thức chủ yếu là: (1) dịch chuyển lao động phổ thông thường diễn ra từ những nước thừa lao động sang nước thiếu lao động; và (2) dịch chuyển lao động chất lượng cao từ nước phát triển sang những nước đang phát triển hoặc kém phát triển. Theo ước tính của Liên hợp quốc, trên thế giới hiện có đến 175 triệu người lao động di trú, chiếm 3% dân số toàn cầu và con số này đang ngày càng tăng lên. Hiện nay, cứ 35 người dân trên thế giới thì có một người sống và làm việc ở ngoài đất nước mình. Di trú vì việc làm đã trở thành yếu tố cơ bản của kỷ nguyên toàn cầu hóa[5].

Quá trình toàn cầu hóa tạo nên hệ quả tất yếu về di cư quốc tế vì việc làm. Tác động tích cực tới nền kinh tế là điều không phủ nhận. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn những khó khăn, thách thức mà các Chính phủ và người lao động di trú khắp nơi phải đối mặt[6]. Sự chuyển dịch lao động trong bối cảnh toàn cầu hóa chính là giải quyết nhu cầu lao động giữa nước xuất khẩu lao động và nước nhập khẩu lao động. Vì vậy, lao động di trú có những tác động nhất định đối với cả hai quốc gia này. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của lao động di trú đối với nước tiếp nhận lao động trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là vấn đề cần phải nghiên cứu đánh giá để có những điều chỉnh thích hợp với điều kiện phát triển của mỗi quốc gia thông qua các yếu tố tích cực và tiêu cực trong xây dựng và hoạch định chính sách.

Xem xét đến tác động tích cực có thể khái quát lên một số điểm như sau:

Thứ nhất, người lao động nước ngoài tăng hiệu quả tài chính đối với nước tiếp nhận.

Người lao động nước ngoài giúp nước tiếp nhận lao động giải quyết được hai vấn đề: lương và thuế thu nhập. Những quy định về tiền lương, thời giờ làm việc và loại hình công việc đối với người lao động nước ngoài luôn được quy định cụ thể trong pháp luật của mỗi quốc gia. Bởi thế, khi thỏa thuận về hợp đồng lao động, người lao động nước ngoài có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận làm việc với mức lương thấp hơn mức lương của lao động trong nước nên các doanh nghiệp có thể tiết kiệm tiền lương. Ngoài ra, các quy định về nghĩa vụ đóng thuế thu nhập của người lao động nước ngoài cũng được pháp luật quốc gia quy định chặt chẽ, vì vậy hạn chế được những khoản thất thu về thu nhập của người lao động nước ngoài. Ở Việt Nam, có 90.8% người lao động nước ngoài đang đóng thuế thu nhập cá nhân với nhiều mức khác nhau, chiếm từ 10% đến trên 20% tổng thu nhập[7]. Bên cạnh đó, người lao động nước ngoài chuyên môn cao đem lại những lợi ích tài chính nhiều hơn cho nước tiếp nhận, bởi theo cách đánh giá của nhiều chuyên gia thế hệ nhập cư đầu tiên có thể khiến nước tiếp nhận phải trang trải các vấn đề về an sinh xã hội cho người nhập cư, gây ra những chi phí tài chính tương đối lớn so với mức đóng góp của người nhập cư, nhưng sang các thế hệ nhập cư tiếp theo lại có xu hướng tạo ra thặng dư tài chính lớn cho Chính phủ nước tiếp nhận[8].

Thứ hai, lao động nước ngoài tăng hiệu quả kinh tế và sự phát triển đối với nước tiếp nhận. Người lao động nước ngoài làm tăng nguồn vốn nhân lực cho quốc gia đó bởi những kinh nghiệm, kĩ năng, công nghệ, khoa học - kĩ thuật mà những lao động di trú mang đến từ những nước phát triển. Từ đó, mang lại những hiệu quả kinh tế tích cực cho nước tiếp nhận lao động. Theo nhận định của Mark C. Regrets, nước tiếp nhận lao động chuyên môn cao nước ngoài nhận được rất nhiều tác động tích cực, đặc biệt trong vấn đề phát triển và chuyển giao công nghệ, tăng hiệu quả của hệ thống giáo dục và tài chính[9].

Thứ ba, người lao động nước ngoài đem đến những tác động tích cực đối với thị trường lao động của nước tiếp nhận lao động. Người lao động nước ngoài giúp bù đắp tình trạng thiếu hụt lao động của nước sở tại. Theo dự báo của Cơ quan nghiên cứu dân số toàn cầu (PRB), trong khi dân số toàn cầu tăng 37% và sẽ đạt tới 9,5 tỷ người vào năm 2050, sự gia tăng dân số phân bố rất không đồng đều. Trong khi dân số các nước đang phát triển tăng quá nhanh, trong đó dân số châu Phi sẽ tăng gấp đôi mức hiện nay vào năm 2050, dân số 25 nước như các nước Đông Á, Đông Âu... lại có nguy cơ giảm tới 25%[10]. Điều đó có nghĩa sẽ nhiều quốc gia phụ thuộc vào việc “nhập khẩu” lao động do tình trạng bị dân số già, đặc biệt là các nước phát triển. Đồng thời, lao động nước ngoài cũng thúc đẩy tính cạnh tranh trên thị trường lao động của nước sở tại góp phần nâng cao chất lượng lao động. Chất lượng nguồn nhân lực trong nước được cải thiện do người lao động phải tự mình nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và ngoại ngữ để cạnh tranh việc làm với lao động nước ngoài.

Xem xét đến tác động tiêu cực có thể khái quát lên một số điểm như sau:

Thứ nhất, người lao động nước ngoài có những tác động tiêu cực tới thị trường lao động của nước tiếp nhận. Việc làm luôn là mối quan tâm hàng đầu trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia, lao động nước ngoài làm việc tại nước sở tại sẽ làm giảm cơ hội tìm kiếm việc làm cho lao động trong nước, tăng nguy cơ thất nghiệp. Từ đó làm gia tăng một loạt các bất ổn về kinh tế, chính trị và xã hội. Chẳng hạn, có hiện tượng người dân Indonesia đã biểu tình yêu cầu Chính phủ từ chối lao động phổ thông nước ngoài, để dành cơ hội việc làm cho người dân trong nước.

Thứ hai, người lao động nước ngoài có những tác động tiêu cực về mặt xã hội. Người lao động nước ngoài đến từ nhiều quốc gia với đa dạng văn hóa, phong tục và ngôn ngữ, mang theo văn hoá của dân tộc tới nước tiếp nhận lao động, gây ra tình trạng khó thích nghi được với môi trường văn hóa của nước sở tại. Sự xung đột văn hóa là một nguy cơ rất khó giải quyết, gây nên nhiều hệ lụy về mặt chính trị và xã hội. Như các lao động trẻ Hồi giáo ở châu Âu bị cô lập trong môi trường của họ, cách biệt về kinh tế đang dần trở nên cực đoan, dễ bị kích động và trở thành "mồi ngon" của khủng bố[11]. Đồng thời người lao động nước ngoài có thể chưa có sự hiểu biết sâu về pháp luật của nước sở tại và ý thức pháp luật chưa cao sẽ dẫn đến việc gây rối an ninh trật tự.

Thứ ba, lao động nước ngoài có tác động tiêu cực về mặt kinh tế, làm giảm thu nhập yếu tố thuần (NX) trong tổng thu nhập quốc gia (GNI). Người lao động nước ngoài đến nước tiếp nhận lao động làm việc, họ có thu nhập và được chuyển về nước phần thu nhập còn lại. Chính điều này làm giảm thu nhập yếu tố thuần trong tổng thu nhập quốc gia; kết quả là làm giảm tổng thu nhập quốc gia[12].

Thứ tư, người lao động nước ngoài tác động đến công tác quản lý nhà nước về lao động. Hiện nay, phần lớn các nước đều phát triển thị trường lao động mở để thu hút người nước ngoài vào làm việc. Vấn đề được đặt ra là mỗi quốc gia cần phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật thích hợp nhằm quản lý và sử dụng lao động nước ngoài có hiệu quả để phục vụ cho phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, đứng trước tình trạng lao động nước ngoài trái phép thì Nhà nước cần tăng cường thiết chế quản lý, đẩy mạnh công tác thanh tra và xây dựng những chế tài chặt chẽ để xử lý hành vi vi phạm.

 


[1] Karl W. Deutsch and all (1957), Political Community and the North Atlantic Area, Princeton, N.J., Princeton University Press, USA, tr.14.

[2] Dr. Nayef R.F. Al-Rodhan (2006), Definitions of globalization: A comprehensive overview and a proposed definition, Program on the geopolitical implications of globalization and transnational security, Geneva Centre for Security Policy, pg. 2.

[3] Phạm Trọng Nghĩa (2008), “Pháp luật lao động trong quá trình toàn cầu hóa”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (134), tr.20.

[4] Ngô Trí (2019), Đi XKLĐ Malaysia phải biết 5 điều dưới đây, https://cungunglaodong.net.vn/di-xkld-malaysia-2019-phai-biet-5- dieu-duoi-day/, truy cập ngày 8/11/2019.

[5] Phạm Quốc Anh và đồng tác giả (2008), Những điều cần biết về lao động di trú, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.2.

[6] Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội (2011), Lao động di trú trong pháp luật quốc tế và Việt Nam, Nxb. Lao động – xã hội, Hà Nội, tr.1

[7] Viện Khoa học Lao động và xã hội (2016), Báo cáo phân tích kết quả khảo sát LĐNN tại 09 tỉnh/thành phố Việt Nam, Nxb. Lao động – xã hội, Hà Nội, tr.40

[8] Nguyễn Bình Giang (2011), Di chuyển lao động quốc tế, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.56.

[9] Mark C.Regrets (2001), Research and policy in high skilled supplies of labour, The Manchester School of economic and social studies, The United Kingdom,pg.139

[10] Đỗ Quyên (2018), Biểu tình đòi hạn chế tiếp nhận LĐNN tại Indonesia, https://www.vietnamplus.vn/bieu-tinh-doi-han-che-tiep-nhan-lao- dong-nuoc-ngoai-tai-indonesia/500170.vnp, truy cập ngày 01/05/2018.

[11] Diệp Trà (2016), Người Hồi giáo trẻ tuổi: 'Quả bom nổ chậm' tại châu Âu, https://news.zing.vn/nguoi-hoi-giao-tre-tuoi-qua-bom-no-cham- tai-chau-au-post636830.html, truy cập ngày 25/3/2017

[12] Lê Hồng Huyên (2009), “Tác động của di chuyển lao động quốc tế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế”, Tạp chí Quản lý kinh tế, (24), tr.13.