Công tác quản lý lao động nước ngoài không chỉ bị tác động bởi các chính sách quốc gia mà còn chịu sự chi phối của các điều ước quốc tế. Sự tác động này dẫn tới việc hình thành hệ thống các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quản lý lao động nước ngoài. Cụ thể:
Nguyên tắc thứ nhất: Tôn trọng quyền con người. Phạm vi điều chỉnh của Công ước ICRMW được xác định trên bản chất cơ bản và phổ biến của quyền con người: “Công ước này được áp dụng, trừ khi được quy định khác sau đó, đối với mọi người lao động di trú và các thành viên gia đình họ, không có bất kỳ sự phân biệt nào như giới tính, chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc tín ngưỡng, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc xã hội hoặc dân tộc, quốc tịch, độ tuổi, địa vị kinh tế, tài sản, tình trạng hôn nhân, thành phần xuất thân và các địa vị khác” (Điều 1). Nhằm nhấn mạnh những quyền lợi mà lao động di trú được nhận xuất phát từ hai bản chất này, Công ước nhận định: “Theo các văn kiện quốc tế về quyền con người, các quốc gia thành viên Công ước này cam kết tôn trọng và bảo đảm cho người lao động di trú và các thành viên gia đình họ trong lãnh thổ hoặc thuộc quyền tài phán của mình được hưởng các quyền theo Công ước mà không có bất kỳ sự phân biệt nào về giới tính, chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc tín ngưỡng, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc xã hội hoặc dân tộc, quốc tịch, độ tuổi, thành phần kinh tế, tài sản, tình trạng hôn nhân, thành phần xuất thân và địa vị khác” (Điều 7). Hiến pháp 2013 của Việt Nam quy định quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Chương 2 bởi luôn nhận định quyền con người là cốt lõi của đời sống chính trị hiện đại. Vì vậy, nguyên tắc quan trọng nhất của pháp luật quản lý lao động nước ngoài chính là tôn trọng quyền con người.
Nguyên tắc thứ hai: Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Người lao động nước ngoài bên cạnh những ảnh hưởng tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, đôi khi gây rắc rối cho các vấn đề an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.”Một lực lượng lớn người lao động đến từ quốc gia thù địch thường có tác động tiêu cực cho quốc gia sở tại. Thế giới đã chứng kiến một quốc gia sử dụng quân bài ngoại kiều ở nhiều nước khác. Do đó bảo đảm an ninh chính trị là một vấn đề không thể bỏ qua trong hoạt động quản lý lao động nước ngoài.
Sự khác biệt về văn hóa, lối sống, và sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, cũng như sự khác biệt về tâm lý, ngôn ngữ… khiến người lao động nước ngoài có thể hành xử không phù hợp với các quy tắc về trật tự, an toàn xã hội của nước sở tại. Chỉ thị số 02/2009/CT-UBND ngày 11/02/2009 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường quản lý nhà nước đối với việc nhập cảnh, cư trú và lao động của người nước ngoài trên địa bản thành phố Hồ Chí Minh có đoạn viết: “thời gian qua, tình hình người nước ngoài cư trú trên địa bàn thành phố có nhiều hành vi vi phạm pháp luật diễn ra liên tục và kéo dài. Có nhiều trường hợp người nước ngoài không thực hiện đúng các quy định pháp luật về xuất nhập cảnh, pháp luật về cư trú; đã sinh sống tại các công viên, nơi công cộng, tụ tập buôn bán trái phép trên vỉa hè, lòng đường… gây mất an ninh trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn. Nghiêm trọng hơn, có trường hợp người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự; tuy các cơ quan chức năng của thành phố đã có biện pháp xử lý, bước đầu có hiệu quả nhất định, nhưng tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp”. Như vậy, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội sẽ gặp nhiều trở ngại do biện pháp quản lý chưa nghiêm. Vì vậy bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là một nguyên tắc không thể thiếu trong quản lý lao động nước ngoài. Hiện tượng người di cư từ Trung Đông sang châu Âu làm nổi bật tầm quan trọng của nguyên tắc quản lý lao động nước ngoài. Khoảng gần 10 năm trước, các phần tử hồi giáo cực đoan tự xưng IS đã gây rối nền an ninh chính trị tại nhiều quốc gia phát triển tại châu Âu và Mỹ. Lao động di cư cũng là một trong các nguồn khiến tệ nạn xã hội và dịch bệnh bị tăng cao. Do đó, đảm bảo sức khoẻ và đời sống xã hội cho người dân cũng là việc cần được chú ý trong quản lý lao động nước ngoài.
Nguyên tắc thứ ba: Bảo đảm hiệu quả kinh tế và bảo vệ việc làm cho người lao động trong nước. Số lượng người lao động nước ngoài gia tăng khiến việc làm cho lao động trong nước có thể sụt giảm, dẫn đến nguy cơ đất nước có thể vướng phải những vấn đề xã hội. Không ai có thể phủ nhận sự gia tăng số lượng lao động nước ngoài giúp người sử dụng lao động có cơ hội lựa chọn người lao động phù hợp và thúc đẩy cạnh tranh. Nhu cầu sử dụng lao động có trình độ chuyên môn cao có thể được đáp ứng và hiệu quả kinh tế có thể được cải thiện. Ở một số nước, lao động nước ngoài bù đắp cho những thiếu hụt về lao động do dân số già hoặc lao động trong nước không đáp ứng đủ cho một lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên áp lực của các vấn đề xã hội cũng cần phải được giải quyết. Vì vậy, nguyên tắc này là một nguyên tắc không thể bỏ qua trong quản lý lao động nước ngoài, giúp người quản lý luôn luôn chủ động trong việc bảo đảm hiệu quả kinh tế, đồng thời bảo vệ việc làm cho người lao động bản xứ.
Nguyên tắc thứ tư: Tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nước ngoài. Là hệ quả tất yếu của nguyên tắc tôn trọng quyền con người, nguyên tắc này đòi hỏi không thể vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động di trú. Không phân biệt đối xử giữa người lao động nước ngoài và người lao động trong nước là vấn đề mà đã được Công ước số 97 và Công ước số 143 của ILO quy định. Điều đó có nghĩa là quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nước ngoài phải được tôn trọng như quyền và lợi ích hợp pháp của lao động trong nước. Nhà nước thực hiện việc quản lý lao động trong nền kinh tế thị trường trước hết là để bảo vệ các bên tham gia quan hệ lao động, bảo đảm quyền tự do của các bên tham gia quan hệ lao động, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật các bên tham gia quan hệ lao động. Mục đích việc quản lý lao động của Nhà nước thể hiện sự điều hành ở tầm vĩ mô và vi mô đối với quá trình quản lý lao động, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thi hành chính sách, pháp luật lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình lao động. Hay nói cách khác, quyền quản lý nhà nước về lao động thực chất là sự thể hiện quyền lực nhà nước trong lĩnh vực lao động nhằm bảo vệ tốt nhất cho các chủ thể tham gia quan hệ lao động. Nhà nước phải thực hiện bổn phận đảm bảo gìn giữ, bảo vệ, sử dụng hợp lý và có hiệu quả nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nhà nước thực hiện quyền quản lý lao động trong đó có lao động nước ngoài phải đảm bảo các tiêu chuẩn lao động trong hoạt động quản lý. Vì hiện nay, các tiêu chuẩn lao động được coi là rào cản đối với thị trường lao động, sẽ không còn cần thiết để xây dựng các tiêu chuẩn lao động cấp quốc tế nếu như các tiêu chuẩn lao động được sử dụng để điều chỉnh những thiếu sót của thị trường lao động ở các quốc gia khác nhau. Bởi xuất phát từ việc bảo đảm cạnh tranh công bằng (trên cơ sở chi phí về lao động); và bảo đảm quyền cơ bản của người lao động tại nơi làm việc (khi các quốc gia giảm điều kiện lao động, tước bỏ quyền lợi của người lao động để tăng lợi thế cạnh tranh) trong việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động trong hoạt động quản lý.
Nguyên tắc thứ năm: Đảm bảo thống nhất quản lý, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý lao động là người nước ngoài. Trong lĩnh vực lao động cũng như các lĩnh vực khác, để hoạt động quản lý của nhà nước đạt hiệu quả thì bắt buộc phải có cơ chế phối, kết hợp giữa các cơ quan hữu quan. Theo đó, sự phối kết hợp phải đảm bảo:
Một là, về yêu cầu trong phối hợp. Trong lĩnh vực lao động, nguyên tắc thống nhất, phối hợp quản lý giữa các cơ quan phải đáp ứng các yêu cầu như sau: Nội dung phối hợp phải liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan phối hợp và dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo sự thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; Bảo đảm tiến độ, nội dung phối hợp, tính khách quan trong quá trình phối hợp; Bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động phối hợp; đề cao trách nhiệm cá nhân của Thủ trưởng cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và cán bộ, công chức tham gia phối hợp.
Hai là, về nội dung phối hợp quản lý giữa các cơ quan trong việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo đó, thực hiện lồng ghép hướng dẫn, tuyên truyền các nội dung cơ bản của pháp luật lao động về quản lý lao động nước ngoài đến những người lao động nước ngoài cư trú và làm việc trên các địa bàn quản lý thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công phụ trách; Phối hợp hướng dẫn các đơn vị có sử dụng lao động là người nước ngoài thực hiện thống kê, phân tích tình hình người nước ngoài nhập cảnh với mục đích lao động đúng quy định pháp luật hiện hành; Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, quản lý lao động nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp và phối hợp đề xuất xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công phụ trách; Cung cấp thông tin theo yêu cầu giữa các cơ quan tham gia thực hiện việc quản lý lao động nước ngoài; Định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài trong phạm vi quản lý.