Thứ sáu, 12 Tháng 5 2023 23:03

Giới thiệu các nhóm tội phạm về môi trường trong pháp luật hình sự của Trung Quốc

Là quốc gia láng giềng, có sự tương đồng nhất định về văn hóa với Việt Nam, pháp luật Trung Quốc và pháp luật Việt Nam cũng có nhiều quan điểm lập pháp khá giống nhau. Trung Quốc là nước đang phát triển với tốc độ mạnh mẽ, cũng giống nước ta phải đối mặt với các vấn đề về môi trường nghiêm trọng. Bộ luật Hình sự Trung Quốc cũng nhiều lần sửa đổi, bổ sung để điều chỉnh kịp thời những quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực môi trường. Quan điểm tiếp cận của Trung Quốc về xử lý các tội phạm môi trường khá giống Việt Nam, đó là để bảo vệ lợi ích của con người, lấy lợi ích con người làm trung tâm, chỉ khi nào các hành vi xâm hại đến môi trường mà làm ảnh hưởng tới con người như gây thiệt hại cho tính mạng sức khỏe, tài sản… của con người mới bị xử lý hình sự.

Bộ luật hình sự của Trung Quốc được Quốc hội nước này thông qua vào tháng 3/1997, sửa đổi năm 2005, 2009. Bộ luật này đã dành một tiết riêng trong chương “Các tội xâm phạm trật tự quản lý xã hội” để quy định đối với các tội phạm môi trường. Đó là Tiết 6 “Các tội phạm việc bảo vệ tài nguyên môi trường” bao gồm 9 điều luật, từ Điều 338 đến Điều 346 (Mục 6. Phá hoại tài nguyên môi trường thuộc chương VI). Các tội xâm phạm trật tự quản lý xã hội[1], ngoài ra, còn những quy định rải rác trong các văn bản khác liên quan đến BVMT có nhắc đến các tội phạm môi trường.

Về nội dung quy định: Chủ thể của tội phạm này có thể là cá nhân hoặc tổ chức; hành vi được liệt kê ở các cấu thành tội phạm; hình phạt gồm: cải tạo lao động, phạt tiền, quản chế, tịch thu tài sản, tù có thời hạn 10 năm trở lên. Ngoài ra, Bộ luật hình sự còn quy định xử phạt nặng đối với hành vi chặt trộm, lạm phá rừng hoặc cây lấy gỗ trong khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia.

Các tội phạm môi trường trong Bộ luật hình sự Trung Quốc có thể được phân loại thành nhiều nhóm như sau:

Nhóm 1 gồm các tội phạm môi trường có cấu thành hình thức, không nhất thiết dẫn đến hậu quả nguy hiểm cho xã hội như: Tội buôn lậu động thực vật quý hiếm và đặc biệt quý hiếm (Điều 151); Tội nhập khẩu trái phép chất thải rắn (Điều 339); Tội khai thác gỗ bất hợp pháp là hủy hoại rừng (Điều 344); Tội vi phạm các quy định về kiểm dịch động và thực vật (Điều 413).

Đây là nhóm tội phạm được xác định là tội hoàn thành khi chủ thể là chỉ cần thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm mà không cần có kết quả hay hậu quả gây hại cần được chứng minh. Chẳng hạn, theo Điều 339 thì “Bất kỳ một hành nào vi phạm các quy định của Nhà nước về xả chất thải nhập khẩu từ nước ngoài, hoặc xử lý chất thải trên lãnh thổ Trung Quốc” sẽ bị kết án phạt tù tối đa 10 năm và phạt tiền, hoặc “bất kỳ hành vi nào, nhập khẩu chất thải rắn bị cấm để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất” cũng đều bị coi là toọi phạm môi trường.

Nhóm 2: Các tội phạm môi về trường cần chứng minh được hậu quả thiệt hại mới cấu thành tội phạm như: Tội bỏ qua các quy định kiểm dịch động và thực vật (Điều 337); Tội gây ô nhiễm lớn (Điều 338); Tội nhập khẩu trái phép chất thải rắn (Điều 339); Tội lấn chiếm đất trái phép (Điều 342); Tội khai thác trái phép là hủy hoại tài nguyên (Điều 343); Tội chặt phá rừng (Điều 345); Tội thiếu trách nhiệm trong giám sát môi trường (Điều 408); Tội thiếu trách nhiệm liên quan đến kiểm dịch động thực vật (Điều 413).

Nhóm tội phạm này có đặc trưng là phải chứng minh được hậu quả xảy ra trong thự tế như đã quy định cấu thành tội phạm. Chẳng hạn, Điều 338 quy định: “Bất cứ ai, vi phạm các quy định của Nhà nước về thu phí, quản lý, xử lý chất thải phóng xạ, chất thải chứa mầm bệnh truyền nhiễm, các chất độc hại hoặc chất thải nguy hại khác trên đất hoặc dưới nước, không khí gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, thiệt hại nặng nề về tài sản của cá nhân cũng như Nhà nước thì sẽ bị phạt tù từ 3 đến 7 năm hoặc phạt tiền”.

Nhóm 3: Các tội phạm môi trường được quy định là tội phạm rất nghiêm trọng với các tình tiết định khung là gây hậu quả nghiêm trọng do có tổ chức, hoặc số tiền bất chính lớn, gồm có: Tội chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái phép (Điều 228); Tội đánh bắt thủy sản trái phép (Điều 340); Tội giết, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng (Điều 341); Tội cấp giấy phép khai thác rừng trái phép (Điều 407); Tội phê duyệt trái phép trưng dụng và chiếm hữu đất đai và bán quyền sử dụng đất thuộc sở hữu Nhà nước với giá thấp (Điều 410).

Nhóm tội danh này được xác định bởi có “gây hậu quả nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng” và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với hậu quả gây ra. Ngoài ra, có thể thấy nhóm tội này liên quan đến quyền sử dụng đất, một tài sản đặc biệt nhưng cũng là tài nguyên đặc biệt thuộc quyền quản lý của Nhà nước, vì vậy bị coi là tội phạm liên quan đến đất đai và tội phạm môi trường.

Các tội phạm môi trường của Trung Quốc được quy định tại Bộ luật hình sự, Luật hình sự bổ trợ, Luật hình sự riêng biệt. Trong ba luật trên thì Bộ luật hình sự là nguồn chính yếu tập trung hầu hết các tội phạm và hình phạt, luật hình sự bổ trợ quy định về tội phạm trong các văn bản pháp luật chuyên ngành để bổ sung cho Bộ luật hình sự, trong đó có các tội phạm môi trường, cụ thể như ở Điều 62 Luật phòng chống và kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn quy định hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khi Bộ luật hình sự không có điều luật quy định về tội phạm tương ứng.

Qua phân tích quy định của pháp luật hình sự đối với các tội phạm môi trường ở Trung Quốc, có thể rút ra một số nhận xét như sau:

Hầu hết các tội phạm môi trường được quy định trong Bộ luật hình sự Trung Quốc là những hành vi gây ô nhiễm hoặc gây thiệt hại cho tài nguyên thiên nhiên vi phạm các quy định của lĩnh vực pháp luật liên quan. Tuy nhiên, một số điều luật (Điều 341 và Điều 342) không quy định rõ là hành vi vi phạm các quy phạm của pháp luật liên quan, mà chỉ quy định rằng các hành vi vi phạm là những hành vi trái pháp luật, xâm hại các khách thể môi trường được luật hình sự bảo vệ.

Các tội quy định tại tiết 6 bao gồm các tội có cấu thành vật chất, nghĩa là hành vi bị coi là phạm tội chỉ khi nó gây ra hậu quả nhất định (Điều 338, Điều 342, Điều 343) và một số tội cấu thành hình thức, nghĩa là cứ thực hiện hành vi nguy hiểm được quy định trong điều luật là phạm tội mà không cần phải gây ra hậu quả (Điều 339, Điều 340, Điều 341). Đối với các tội danh có cấu thành hình thức thì hậu quả là tình tiết định khung tăng nặng.

Mức hình phạt dành cho các tội xâm phạm việc bảo vệ tài nguyên môi trường được quy định căn cứ vào tính chất của hành vi, loại dụng cụ, phương tiện phạm tội, hậu quả gây ra, loại đối tượng bị xâm hại (môi trường, tài sản hay con người) và mức đội xâm hại. Hầu hết các điều luật đều coi yếu tố hậu quả (nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng) là tình tiết định khung tăng nặng.

Các nhà làm luật Trung Quốc đã cố gắng đưa một số yếu tố mang tính chất định lượng trong các điều luật của tiết này như: chặt trái phép cây rừng với số lượng tương đối lớn sẽ bị coi là phạm tội (Điều 345), gây sự cố môi trường lớn, gây tổn thất lớn về tài sản, làm chết người và gây tổn hại đến sức khỏe con người (Điều 338 và Điều 339),… Tuy nhiên, những yếu tố định lượng đặc trưng cho các tội phạm môi trường như: thế nào là gây sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; diện tích lớn, đặc biệt lớn; hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng,… lại được quy định một cách chung chung chưa cụ thể trong các điều luật này của Bộ luật hình sự.

Kết quả nghiên cứu các tội phạm môi trường được quy định trong Bộ luật hình sự Trung Quốc cho phép nhận xét rằng, phạm vi bảo vệ của pháp luật hình sự Trung Quốc trong lĩnh vực môi trường còn tương đối hẹp, chỉ tập trung vào những yếu tố truyền thống như bảo vệ nguồn nước, động vật hoang dã, thực vật và đất canh tác. Việc xác định tên và cấu thành cụ thể của tội phạm môi trường thiếu chính xác và dứt khoát nên thiếu tính răn đe và còn cứng nhắc. Hình phạt chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này, chủ yếu là phạt tiền và cam kết không tái phạm (biện pháp hành chính)[2].

Để khắc phục điều đó, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc vào ngày 26/12/2016 đã ban hành văn bản giải thích pháp luật, trong đó xác định 18 loại tội phạm môi trường là nghiêm trọng và 13 loại hậu quả nghiêm trọng của các tội phạm môi trường trong pháp luật hình sự, từ đó tăng hình phạt với loại tội phạm này. Hành vi của các tội phạm môi trường được xác định gồm cả việc làm sai lệch dữ liệu hành chính về môi trường, không vận hành thiết bị kiểm soát ô nhiễm cần thiết, nhập khẩu và vận chuyển các chất thải nguy hại[3].

Tuy nhiên, ở Trung Quốc quan điểm tiếp cận xây dựng pháp luật về hình sự, đặc biệt là về các tội phạm môi trường nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của con người, lấy lợi ích con người làm trung tâm, chỉ khi nào các hành vi xâm hại đến môi trường mà làm ảnh hưởng tới con người như gây thiệt hại cho tính mạng sức khỏe, tài sản… của con người mới bị xử lý hình sự. Những quan điểm này rõ ràng không phù hợp với quan điểm của các quốc gia có pháp luật hình sự bởi vì các quốc gia như Cộng hoà Liên bang Đức, Philippines, Liên bang Nga… tiếp cận với quan điểm coi môi trường là một thực thể độc lập, có lợi ích riêng, tồn tại độc lập với lợi ích của con người cần được pháp luật hình sự bảo vệ.

Như vậy, các quy định của Bộ luật hình sự Trung Quốc về các tội phạm trong lĩnh vực môi trường về cơ bản có sự tương đồng với Bộ luật hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có những quy định rộng hơn so với Bộ luật hình sự Việt Nam như tội khai thác khoáng sản trái pháp luật; Tội chặt trộm cây rừng. Đặc biệt là Bộ luật hình sự Trung Quốc từ lâu đã quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong lĩnh vực môi trường, tuy nhiên ở Việt Nam mới chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại nhưng chỉ giới hạn ở một số tội danh. Việc nghiên cứu mở rộng phạm vi các tội về môi trường mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự như Trung Quốc là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Có như vậy mới xử lý được tình trạng các tổ chức - pháp nhân thương mại có hành vi xâm hại đến môi trường một cách tràn lan ở Việt Nam hiện nay nhưng không thể xử lý hình sự mà chỉ bị xử lý bằng các chế tài hành chính, không đủ sức răn đe.

 


[1] Đinh Bích Hà (biên dịch) (2007), BLHS nước Cộng hòa DCND Trung Hoa, Nxb Tư pháp, tr.15.

[2] Faure Michael and Hao Zhang (2018), Environmental Criminal Law in China: A Critical Analysis, Maastricht University, Environmental Law Institute, USA, pg4.

[3] Cong Ma (2014), “Problems of Chinese Environmental Criminal Law and Its Developing Trend”, International Conference on Global Economy, Commerce and Service Science (GECSS 2014), pp.15

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành