Thứ năm, 11 Tháng 5 2023 18:15

Giới thiệu các nhóm tội phạm về môi trường trong pháp luật hình sự Liên bang Nga

Luật hình sự của Liên bang Nga có nhiều nét tương đồng với Luật hình sự Việt Nam khi rất nhiều nhà nghiên cứu được đào tạo từ quốc gia này. Với một thời kỳ lịch sử dài cùng chế độ XHCN, đến nay, Luật hình sự Việt Nam vẫn có nhiều quan điểm, lý luận, cách thức xây dựng quy phạm khá tương đồng với Luật hình sự Liên bang Nga. Chính vì vậy, việc lựa chọn nghiên cứu các tội phạm môi trường trong Luật hình sự Liên bang Nga để học hỏi kinh nghiệm nước bạn là phù hợp với tình hình phòng, chống tội phạm môi trường ở nước ta hiện nay.

Bộ luật hình sự của Liên bang Nga được ban hành năm 1996, sửa đổi năm 2010 đã dành hẳn một chương riêng để quy định các tội phạm môi trường. Đó là chương XXVI “Các tội phạm về sinh thái” với 17 điều (từ Điều 246 đến Điều 262) quy định về các tội phạm môi trường khác nhau[1]. Có thể phân loại các tội phạm môi trường này theo 03 nhóm như sau:

Nhóm 1: Các tội phạm môi trường xâm hại đến yếu tố thuộc môi trường tự nhiên và nhân tạo

Điều 250. Tội gây ô nhiễm nước (Điều 250); Tội gây ô nhiễm không khí (Điều 251); Tội gây ô nhiễm môi trường biển (Điều 252); Tội làm suy thoái đất (Điều 254); Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng lòng đất (Điều 255).

Tội gây ô nhiễm nước được quy định là hành vi làm “ô nhiễm, tắc nghẽn và cạn kiệt nước mặt, nước ngầm, nguồn cung nước sinh hoạt hay bất kỳ thay đổi nào khác về tính chất tự nhiên của chúng” dẫn tới “tổn hại động, thực vật, trữ lượng cá, cho lâm nghiệp hay nông nghiệp” hoặc “gây thương tích cho con người, sức khỏe con người”. Hành vi gây ô nhiễm không khí (Điều 251) được mô tả là hành vi “vi phạm các quy tắc giải phóng chất ô nhiễm vào khí quyển hoặc vi phạm các hoạt động lắp đặt, xây dựng và các điều kiện khác” dẫn tới “ô nhiễm hoặc bất kỳ thay đổi nào khác về tính chất không khí”, “gây thương tích cho con người hoặc sức khỏe” sẽ bị phạt tiền lên tới 200 nghìn Rub hoặc phạt tù lên tới 5 năm. Tội gây ô nhiễm môi trường biển được mô tả là hành vi làm ô nhiễm từ “các nguồn trên đất liền” hay “xả thải từ tàu thuyền, các công trình xây dựng trên biển” dẫn tới “gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, sinh vật biển, tài nguyên biển” hay hệ động vật, thực vật trong môi trường. Tội làm suy thoái đất được quy định là hành vi gây “nhiễm độc, ô nhiễm khác gây ra bất kỳ sự suy thoái đất nào”, nguyên nhân xuất phát từ việc vi phạm các nguyên tắc sử dụng, lưu trữ, vận chuyển hóa chất trong nông nghiệp như phân bón, chất kích thích tăng trưởng, chất diệt cỏ dẫn tới “sự tổn hại đến sức khỏe con người hoặc môi trường”. Theo quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng lòng đất, thì đó là hành vi “vi phạm các quy tắc để bảo vệ và sử dụng lớp đất dưới đất trong quá trình thiết kế, chọn địa điểm, xây dựng, vận hành, và hoạt động của các doanh nghiệp khai thác hoặc các cấu trúc ngầm không liên quan đến khai thác khoáng sản, và tương tự như vậy, xây dựng trái phép trên các khu vực của các mỏ khoáng sản”. Những hành vi này có liên quan đến những thiệt hại cho môi trường sẽ bị coi là tội phạm.

Nhóm 2: Các tội xâm phạm về môi trường xâm hại đến hoạt động quản lý Nhà nước về môi trường, gồm có:

Tội vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường xung quanh trong khi tiến hành sản xuất (Điều 246); Tội vi phạm các quy định về sử dụng các chất và phế thải nguy hiểm (Điều 247); Tội vi phạm các quy định về an toàn khi tiếp xúc với các độc tố vi sinh hoặc độc tố sinh học khác (Điều 248); Tội vi phạm các quy định về thú y và các quy định về chống bệnh tật phá hại cây cối (Điều 249). Đó là những tội cố ý hoặc bất cẩn (vô ý) tạo ra một “mối đe dọa hoặc gây ra tác hại đáng kể đến sức khỏe của con người hoặc môi trường” trong quá trình sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức. Phân tích một cách chi tiết hơn, có thể thấy:

Điều 246 mô tả hành vi của tội phạm là những “vi phạm các quy tắc bảo vệ môi trường trong quá trình thiết kế, bố trí, xây dựng, vận hành, hoặc hoạt động của các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, khoa học hoặc các cơ sở khác của những người chịu trách nhiệm về việc tuân thủ quy tắc tại các cơ sở này, nếu điều này có liên quan đến một sự thay đổi đáng kể trong môi trường, gây thương tích cho sức khỏe con người, thương tích ở quy mô lớn đối với động vật hoặc bất kỳ hậu quả nghiêm trọng nào khác”.

Điều 247 liệt kê một loạt những hành vi sau là tội phạm môi trường gồm: Sản xuất chất thải nguy hiểm bất hợp pháp, vận chuyển, lưu trữ, đổ, sử dụng hoặc bất kỳ lưu thông nào khác của chất phóng xạ, vi khuẩn, hoặc hóa chất hoặc chất thải, với sự vi phạm các quy tắc cố định, nếu những hành vi này có tạo ra một mối đe dọa gây ra tác hại đáng kể đến sức khỏe con người hoặc môi trường ....; Các hành vi tương tự, có liên quan đến ô nhiễm, ngộ độc hoặc ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường gây tổn hại cho sức khỏe con người hoặc thương tích ở quy mô lớn đối với động vật và các hành vi tương tự được thực hiện trong một khu sinh thái hoặc trong một khu vực sinh thái khẩn cấp ...; Các hành vi tương tự tại khoản 1 và khoản 2 nêu trên kéo theo hậu quả gây ra các bệnh viêm nhiễm của người dân, nguyên nhân chính dẫn tới cái chết...

Điều 248 mô tả tội vi phạm các quy định về an toàn khi tiếp xúc với các độc tố vi sinh hoặc độc tố sinh học khác như: Vi phạm các quy tắc an toàn trong việc xử lý vi sinh hoặc bất kỳ sinh học, tác nhân hoặc độc tố nào khác, nếu điều này có liên quan đến việc gây thương tích cho sức khỏe con người, lây lan dịch bệnh hoặc bất kỳ hậu quả nghiêm trọng nào khác ...; Hành động tương tự, đã gây ra hậu quả không mong muốn là chết người, ...

Điều 249 mô tả hành vi của tội phạm là: vi phạm các quy tắc thú y làm lây lan dịch bệnh hoặc bất kỳ thiệt hại nào khác” và “vi phạm các quy tắc kiểm soát dịch bệnh và sâu hại cây trồng. ”.

Điều 253 mô tả hành vi xâm hại thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, bao gồm có các hành vi “xây dựng trái phép công trình trên thềm lục địa”, tạo ra sự bất ổn về an ninh xung quanh thềm lục địa hay vùng đặc quyền kinh tế; vi phạm các quy tắc xây dựng, vận hành, bảo vệ và tháo dỡ các công trình, các cơ sở an toàn hàng hải; điều tra, thăm dò tài nguyên thềm lục địa hoặc vùng đặc quyền kinh tế mà không có giấy phép sẽ bị phạt tiền tới 300 nghìn Rub, phạt tù hoặc lao động công ích tới 2 năm, cấm hoạt động trong lĩnh vực tương tự tối đa 3 năm.

Nhóm 3: Các tội phạm môi trường xâm hại đến chế độ sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên

Tội chặt trái phép cây gỗ và cây bụi (Điều 260) và Tội hủy hoại hay tàn phá rừng (Điều 261). Những tội danh này liên quan trực tiếp đến việc khai thác trái phép các sản vật từ rừng, chủ yếu là gỗ. Được mô tả là hành vi “chặt hạ trái   phép”, “gây thiệt hại cho cây cối, cây bụi và dây leo” đến mức “chấm dứt sự phát triển” của các nhóm loài trong rừng. Ngoài ra, Điều 260 và Điều 261 Bộ luật hình sự Liên bang Nga cũng nhấn mạnh việc tội phạm môi trường về rừng thuộc trường hợp tăng nặng trách nhiệm hình sự khi gây thiệt hại trên quy mô đặc biệt lớn hay tội phạm có tổ chức. Hành vi hủy hoại hoặc tàn phá rừng cũng như khai thác trái phép gỗ không chỉ gồm có rừng tự nhiên mà còn bao gồm các khu vực rừng trồng, do bất cẩn trong xử lý hỏa hoạn hoặc bất kỳ nguồn nguy hiểm nào khác như đốt, phá, xả thải đều được Bộ luật hình sự Liên bang Nga quy định là tội phạm môi trường.

Các tội khai thác trái phép động, thực vật sống dưới nước (Điều 256), vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn cá dự trữ (Điều 257); săn bắn trái phép (Điều 258) đều mô tả đây là hành vi đánh bắt cá, động thực vật ở biển hay trên cạn trái phép gây ra “những thiệt hại lớn”, sử dụng các phương tiện trái phép hay hóa chất, điện để đánh bắt; đánh bắt vào mùa sinh sản; khai thác trong khu bảo tồn hoặc khu vực đang bị suy thoái sinh thái; các hoạt động xây dựng, khai thác làm tiêu hủy hàng hoạt cá hay thức ăn dự trữ của chúng, gây hậu quả nghiêm trọng.

Tội phá huỷ nơi trú ngụ của các sinh vật được ghi trong sách đỏ của Liên bang Nga đang ở trong tình trạng nguy hiểm (Điều 261). Các sinh vật này được liệt kê trong sách đỏ, nên nếu môi trường sống quan trọng của chúng bị phá hủy sẽ hủy hoại những quần thể này. Bộ luật hình sự Liên bang Nga phạt tù đối với tội phạm môi trường này tối đa 3 năm. Tương tự như vậy, Tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu thiên nhiên và các công trình thiên nhiên trong Bộ luật hình sự Liên bang Nga (Điều 262) cũng quy định đây là lãnh thổ được Nhà nước bảo vệ đặc biệt, nếu gây ra thiệt hại đáng kể ở khu vực này sẽ bị phạt tiền, phạt tù tối đa 18 tháng và không được tham gia vào những hoạt động trong lĩnh vực liên quan tối đa 3 năm.

Kết quả nghiên cứu những quy định của pháp luật hình sự của Liên Bang Nga về các tội phạm về sinh thái cho thấy:

Trong số 35 cấu thành tội phạm xâm hại an toàn sinh thái được quy định trong Bộ luật hình sự (cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng và cấu thành tội phạm đặc biệt tăng nặng) có 18 cấu thành tội phạm nghiêm trọng không lớn, 15 cấu thành tội phạm nghiêm trọng trung bình và 2 tội cấu thành tội phạm nghiêm trọng. Phần lớn các tội phạm này được thực hiện với hình thức lỗi cố ý (Khoản 1 Điều 261) và 05 trường hợp được thực hiện với hình thức cố ý gián tiếp, chỉ có 1 tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý (Khoản 1 Điều 261) và 5 trường hợp được thực hiện với hai hình thức lỗi cố ý đối với hành vi và vô ý đối với hậu quả chết người. Cấu thành tội phạm về môi trường được xác định hầu hết là những cấu thành vật chất nghĩa là đòi hỏi phải có hậu quả xảy ra như trong Nhóm 1, cấu thành được mô tả là tạo ra “mối đe dọa hoặc gây ra tác hại đáng kể đến sức khỏe của con người hoặc môi trường”, hay “gây thương tích quy mô lớn”, “gây bệnh viêm nhiễm là nguyên nhân dẫn đến tử vong của con người” hay gây hậu quả “chết người”. Trong Nhóm 2, cấu thành tội phạm cũng được xây dựng tương tự với yêu cầu về hậu quả là gây thiệt hại cho môi trường, đất đai và nguồn nước với 3 trong tổng số 4 điều luật. Nhóm 3 tội phạm có cấu thành được mô tả là “gây thiệt hại cho cây cối, cây bụi và dây leo” đến mức “chấm dứt sự phát triển” của các nhóm loài trong rừng. Mô tả trong cấu thành cả vật chất và hình thức là gây ra “ô nhiễm hoặc bất kỳ thay đổi tính chất không khí”, “gây thương tích” cho con người hoặc sức khỏe con người (Điều 251), “gây thiệt hại lớn”hay “thiệt hại đáng kể” về môi trường sống của các loài sinh vật nguy cấp, các khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 253 đến Điều 259). Một số tội phạm có cấu thành hình thức như Điều 255 Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng lòng đất chỉ là các hành vi vi phạm quy tắc sử dụng và bảo vệ lòng đất hay xây dựng trái phép trên mỏ khoáng sản hay Điều 253 là hành vi “xây dựng trái phép công trình trên thềm lục địa” đã bị coi là tội phạm môi trường.

Nhu vậy có thể thấy, với 17 điều khoản tội phạm môi trường trong Bộ luật hình sự Liên bang Nga thì có tới 12/17 điều luật xây dựng cấu thành vật chất và chỉ có 2 điều luật là cấu thành hình thức. Trong các điều luật này, các nhà làm luật thường chỉ ra cụ thể những hậu quả đặc trưng chủ yếu nhất và điển hình nhất do các hành vi phạm tội gây nên, còn các phạm trù “những hậu quả nghiêm trọng khác”, “những hậu quả nghiêm trọng” hay “thiệt hại đáng kể” rất ít khi được sử dụng. Chỉ có 5 cấu thành tội phạm (khoản 1 Điều 245, khoản 2 Điều 249, Điều 257, Điều 262) trong tổng số 35 cấu thành tội phạm là quy định những dấu hiệu kể trên.

Về vấn đề hình phạt: Đối với các tội phạm môi trường xâm hại đến chế dộ sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, Bộ luật hình sự Nga quy định mức hình phạt thấp nhất là phạt tiền (phạt tiền 50 lần mức tối thiểu của mức thu nhập, mức lương hay nguồn thu nhập khác của người bị kết án áp dụng đối với tội chặt trái phép các cây gỗ và các bụi cây), mức phạt cao nhất là phạt tù (tước tự do đến 8 năm áp dụng đối với tội vi phạm các quy định về sử dụng các chất và phế thải nguy hiểm đối với sinh thái trong trường hợp do vô ý mà dẫn đến hậu quả chết người hay gây bệnh hàng loạt cho mọi người và tội hủy hoại hay làm hư hỏng rừng, do phương pháp nguy hiểm cho nhiều người khác, hay do gây ô nhiễm bằng các chất, các phế liệu, các rác thải hoặc phế thải độc hại).

Về chủ thể của tội phạm môi trường: Bộ luật hình sự Liên bang Nga chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự với cá nhân, không truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân trong lĩnh vực môi trường. Nếu liên quan đến pháp nhân thì chỉ có người đại diện của pháp nhân hay người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn pháp nhân chủ yếu là xử phạt hành chính. Điểm này giống quan điểm lập pháp trong BLHS năm 1999 tuy nhiên hoàn toàn khác biệt so với Bộ luật hình sự năm 2015. Bộ luật hình sự Nga chỉ quy định tội phạm là pháp nhân trong một số lĩnh vực như hoạt động ngân hàng, tín dụng trái phép; rửa tiền; các hành động độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh; cưỡng bức ký kết hợp đồng hoặc cưỡng bức từ chối ký kết hợp đồng và một số tội danh khác mà không có tội phạm môi trường.

Về kỹ thuật lập pháp về thiết kế điều luật thuộc Phần các tội phạm cụ thể của Bộ luật hình sự, mặc dù chủ thể của các tội phạm về sinh thái là cá nhân, nhưng để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, các nhà làm luật Liên bang Nga không nêu chủ thể thực hiện hành vi mà chỉ nêu hành vi bị coi là tội phạm. Cách thiết kế điều luật Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự này là hoàn toàn phù hợp với tư duy pháp lý hình sự mới, khi mà Luật hình sự Liên bang Nga coi chủ thể của tội phạm không chỉ là thể nhân và còn cả tổ chức (pháp nhân). Để có thể bảo đảm tính logic và chính xác của quy định pháp luật hình sự về tội phạm, nhất là ở Việt Nam, chủ thể của các tội phạm môi trường không chỉ là thể nhân mà còn cả pháp nhân thương mại phạm tội, thiết nghĩ nhà làm luật Việt Nam cần tiếp thu kinh nghiệm lập pháp này của Liên bang Nga và một số nước khác.

 


[1] Trường Đại học Luật Hà Nội (2006), BLHS Liên bang Nga, Nxb Công an nhân dân, Chương XXVI, tr. 446-497, Hà Nội

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành