Từ sau đổi mới (năm 1986), Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng phát triển tư duy và từng bước triển khai trên thực tế quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Đến nay, Việt Nam đang từng bước hội nhập khu vực và quốc tế một cách sâu rộng và toàn diện trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, hối lộ. Việt Nam là một trong 136 quốc gia trên thế giới đã phê chuẩn Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp quốc (UNCAC). UNCAC là công cụ pháp lý có giá trị ràng buộc đầu tiên trên toàn cầu trong cuộc chiến chống tham nhũng; nhằm thúc đẩy và tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng có hiệu quả; tạo thuận lợi và hỗ trợ hợp tác quốc tế và hỗ trợ kỹ thuật trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thúc đẩy liêm chính, trách nhiệm giải trình và quản lý đúng đắn tài sản công của các quốc gia trên thế giới. Nhằm hiện thực hóa các cam kết quốc tế về phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là UNCAC, ngày 12/5/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; ngày 30/6/2009, Chủ tịch nước đã có Quyết định phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng.
Trong khi đó, “toàn cầu hóa” là “một khái niệm chỉ quá trình vận động của lịch sử xã hội loài người từ những bộ phận, quốc gia riêng lẻ, tương đối độc lập và tách biệt đến sự hình thành những mối liên kết chặt chẽ, tác động qua lại và phụ thuộc lẫn nhau trên tất cả các mặt ở phạm vi toàn cầu của đời sống xã hội mà nền tảng là sự liên kết kinh tế cùng với sự hình thành các tổ chức, các định chế quốc tế nhằm quản lý và điều chỉnh các hoạt động mang tính toàn cầu đó”[1]. Toàn cầu hóa với sự gia tăng trao đổi ở mọi cấp độ cũng như sự bùng nổ các dòng dịch chuyển không ngừng của hoạt động tài chính, thương mại và công nghiệp, đã tạo nên hiệu ứng “dồn nén thời gian và không gian”[2], dẫn tới “sự thủ tiêu không gian và thời gian”, khiến cho biên giới quốc gia - một trong những biểu tượng của quyền lực nhà nước và chủ quyền quốc gia dần trở thành “rỗng”[3], thoát khỏi sự kiểm soát của nhà nước. Sự suy yếu của biên giới quốc gia còn đến từ sự tác động của các tiến bộ khoa học - công nghệ mang đến cho cá nhân và các chủ thể khác các phương tiện hữu hiệu hơn để “thoát khỏi” khỏi sự kiểm soát của biên giới quốc gia - sự kiểm soát truyền thống của nhà nước.
Như vậy, quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa đã trở thành một yếu tố tác động ngày càng lớn vào công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, trong đó có tội nhận hối lộ, và đi kèm với tội nhận hối lộ là tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ. Sự tác động của hội nhập quốc tế đối với thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, hối lộ ở đặt ra những vấn đề phức tạp, khó khăn và thách thức cũng như thuận lợi cho thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, hối lộ như sau:
Một là, hội nhập quốc tế sẽ dẫn tới tình trạng tham nhũng, hối lộ ngày càng tinh vi, phức tạp hơn bởi có yếu tố nước ngoài trong các hành vi tham nhũng, như việc chuyển tài sản, tiền tham nhũng ra nước ngoài hoặc hành vi tiếp tay cho hoạt động rửa tiền của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài vào Việt Nam.
Hai là, người tham nhũng, hối lộ có thể lựa chọn nước ngoài là nơi không chỉ tẩu tán tài sản tham nhũng, hối lộ mà còn là nơi để trốn tránh sau khi có hành vi tham nhũng, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với tội phạm nguy hiểm này.
Ba là, cũng qua quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, các dạng thức khác nhau của hành vi tham nhũng, hối lộ trên thế giới sẽ được áp dụng vào thực tiễn Việt Nam, điều này sẽ gây không ít khó khăn trong việc xác định hành vi tham nhũng, trong đó có hối lộ và các biện pháp đấu tranh phòng, chống.
Bốn là, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa đồng thời cũng tạo những điều kiện thuận lợi cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, hối lộ bởi lẽ, khi tham gia các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương về phòng, chống tham nhũng, hối lộ sẽ là một áp lực đòi hỏi Việt Nam phải có nhiều nỗ lực hơn trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm này. Sự hối thúc của hội nhập sẽ đặt ra những đòi hỏi từ phía nhà nước trong việc xây dựng các chiến lược, chủ trương, chính sách và pháp luật để đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, hối lộ. Cùng với đó, Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là tội nhận hối lộ là qua việc học hỏi các nước có nhiều thành công trên lĩnh vực này. Học tập kinh nghiệm quốc tế sẽ góp phần hoàn thiện hơn pháp luật về phòng, chống tham nhũng, hối lộ cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của thực hiện pháp luật về lĩnh vực này. Cùng với đó, cũng là cơ hội để Việt Nam nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, như các vấn đề đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, thu thập, trao đổi và phân tích thông tin ... Liên Hợp quốc và các tổ chức lớn trên thế giới đều có các chương trình hỗ trợ các quốc gia trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vì vậy, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ các dự án tài trợ của các tổ chức này.
Gần đây, Việt Nam đã được Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) và Liên minh châu Âu (EU) tài trợ một số tiền không hoàn lại là để tiến hành dự án Tăng cường năng lực của Thanh tra và Chính phủ Việt Nam trong công tác theo dõi và báo cáo về thực trạng tham nhũng và phòng, chống tham nhũng, trong đó có tội nhận hối lộ.
Năm là, qua quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, Việt Nam cũng tuyên truyền cho thế giới hiểu rõ hơn về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, hối lộ, từ đó tạo niềm tin để thu hút đầu tư, kêu gọi tài trợ của nước ngoài để phục vụ phát triển kinh tế. Đặc biệt, qua hoạt động này cũng góp phần nâng vị thế của quốc gia của nước ta ngày càng cao hơn trên trường quốc tế[4].
Như vậy, Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã cụ thể hóa những điều thể hiện trong Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, như: Quy định tại Phần chung của BLHS năm 2015 liên quan đến tội phạm về hối lộ, cụ thể: Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 28 về không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và Điều 61 về không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ khi thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng. Với quy định này, những người phạm tội tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng nêu trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị thi hành bản án về các tội này bất cứ lúc nào, nếu cơ quan chức năng phát hiện được hành vi phạm tội của họ hoặc phát hiện bản án chưa được thi hành. Đây là nỗ lực của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC- Điều 29).
Tội phạm hóa một số hành vi tội phạm về hối lộ trên cơ sở yêu cầu của những điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, cụ thể: Phạm vi các tội tham ô tài sản (Điều 353), nhận hối lộ (Điều 354), tội đưa hối lộ (Điều 364) và tội môi giới hối lộ (Điều 365) đã được mở rộng sang khu vực ngoài Nhà nước. Bổ sung này có ý nghĩa thiết thực trước những thay đổi của nền kinh tế và xu thế hội nhập quốc tế. Việc sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi các tội phạm về chức vụ này được luận giải bởi một số lý do: một là, hiện tượng tư nhân hóa mạnh mẽ các hoạt động trước đây vốn thuộc chức năng công như: giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội... đã phát sinh một loại hệ quả mang tính tiêu cực là tham nhũng trong khu vực tư với tính chất ngày càng nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng ngày càng lan rộng; hai là, hình sự hóa những hành vi xâm hại hoạt động thực hiện nhiệm vụ trong khu vực tư là cần thiết để duy trì sự cạnh tranh lành mạnh trong khu vực kinh tế ngoài Nhà nước; ba là, việc mở rộng khái niệm tham nhũng sang khu vực tư giúp bảo vệ cộng đồng khỏi những hậu quả nguy hiểm mà hành vi tham nhũng trong khu vực tư gây ra cho lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là cho những lợi ích về tài chính và một số lợi ích khác của đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) đã khuyến nghị các quốc gia thành viên tăng cường các biện pháp đấu tranh chống tham nhũng không chỉ trong khu vực công mà cả trong khu vực tư và điều này cũng trở thành một yếu tố quan trọng thúc đẩy việc mở rộng khái niệm tham nhũng trong luật hình sự Việt Nam. Ngoài ra, Bộ luật hình sự năm 2015 cũng tội phạm hóa hành vi hối lộ công chức nước ngoài trên cơ sở thực tiễn và theo yêu cầu của UNCAC. Hành vi hối lộ công chức nước ngoài đã chính thức được ghi nhận là một trường hợp của tội đưa hối lộ theo khoản 6 Điều 364. UNCAC yêu cầu các quốc gia thành viên hình sự hóa hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài và công chức của các tổ chức quốc tế công (Điều 16).
Như đã nêu trên, quốc tế hóa là một trong những xu hướng có ảnh hưởng mạnh mẽ và toàn diện đến việc cải cách trong thời gian gần đây, xu hướng này được tiếp cận và phát triển trong pháp luật hình sự Việt Nam bởi yêu cầu thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của các điều ước quốc tế, bởi nhu cầu của hội nhập quốc tế và của việc hài hòa hóa pháp luật. Những dấu ấn của xu hướng quốc tế hóa thể hiện một cách rõ nét từ Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2009 và đặc biệt là trong một loạt sửa đổi, bổ sung quan trọng của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Ảnh hưởng của xu hướng này đang đem đến những kết quả tích cực cho sự phát triển của luật hình sự Việt Nam, nhưng cũng đặt ra những thách thức, đòi hỏi tiếp theo đối với việc hoàn thiện luật hình sự quốc gia[5].
[1] Mai Thị Quý (2009), Toàn cầu hóa và vấn đề kế thừa một số giá trị truyền thống của dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.17.
[2] David Harvey (1989), The Condition of Postmodernity, an enquiry into the origins of cultural change, Oxford; Cambridge: Blackwell, p.8.
[3] Jacques Chevallier (2014), L’État post-moderne, Paris, LGDJ, p.29.
[4] Ban Nội chính Trung ương (2021), Các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, https://noichinh.vn/, truy cập ngày 27/6/2021.
[5] Đào Lệ Thu (2020), “Xu hướng quốc tế hóa của luật hình sự Việt Nam và vấn đề đặt ra cho lập pháp hình sự”, Tạp chí Điện tử Việt Nam hội nhập, (Chuyên đề), vietnamhoinhap.vn, truy cập ngày 20/01/2021.