Thứ hai, 22 Tháng 5 2023 17:20

Giới thiệu tổng quan về Chính phủ điện tử

1. Khái niệm Chính phủ điện tử

Trong Tiếng Anh, thuật ngữ Electronic Government được dịch là Chính phủ điện tử hay Chính quyền điện tử.

Khởi đầu với quá trình cải cách hành chính được diễn ra vào những năm 70 của Thế kỷ XX ở các nước phát triển. Tiếp theo là quá trình Chính phủ các nước đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan Chính phủ. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, khái niệm Chính phủ điện tử đã xuất hiện cùng với những khái niệm khác như thương mại điện tử, doanh nghiệp điện tử...

Vào những năm 1995 - 2000, Chính phủ điện tử đã được các nước tiếp thu và ứng dụng rộng rãi, ngày càng được các nước xem như là một giải pháp hữu hiệu để tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan Chính phủ, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Cho đến nay, các nước vẫn thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử mạnh mẽ và coi việc phát triển Chính phủ điện tử là một nhiệm vụ bắt buộc trong công cuộc cải cách hành chính công. Với sự bùng nổ của các phương tiện di động, băng rộng, công nghệ... nên nhiều nước đã đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử đa dạng hơn, liên thông hơn dưới khái niệm Chính phủ di động (m- government), Chính phủ điện tử thế hệ 2 (e-government 2.0).

Hiện nay, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về thuật ngữ Chính phủ điện tử. Khái niệm Chính phủ điện tử được Liên hợp quốc định nghĩa như sau:

Chính phủ điện tử là khái niệm về các cơ quan Chính phủ sử dụng công nghệ thông tin như mạng diện rộng, internet, các phương tiện di động để quan hệ với người dân, với doanh nghiệp và bản thân các cơ quan Chính phủ[1].

Còn theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Chính phủ điện tử được định nghĩa như sau:

Chính phủ điện tử là việc các cơ quan của Chính phủ sử dụng một cách có hệ thống công nghệ thông tin truyền thông để thực hiện quan hệ với người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, nhờ đó giao dịch của Chính phủ với người dân và các tổ chức sẽ được cải thiện, nâng cao chất lượng. Lợi ích thu được sẽ là giảm thiểu tham nhũng, tăng cường tính công khai, sự tiện lợi, góp phần vào sự tăng trưởng và giảm chi phí[2].

Hiện nay, khái niệm Chính phủ điện tử được Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới định nghĩa đã được thừa nhận rộng rãi và được nhìn nhận theo chiều thuận của quá trình chuyển đổi mạnh mẽ của các Chính phủ, nhà nước từ phương thức cai trị sang phục vụ với việc sử dụng hệ thống thông tin điện tử, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

Theo Sally Katzen, Phó Giám đốc điều hành cơ quan quản lý ngân sách thời Tổng thống Bill Clinton thì:

Chính phủ điện tử là việc người dân và doanh nghiệp có thể truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ Chính phủ 24h/7 ngày mỗi tuần. Các cơ quan của Chính phủ sử dụng Internet và và công nghệ tiên tiến khác để nhận và cung cấp thông tin, dịch vụ dễ dàng hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và rẻ hơn[3]. Khái niện này thể hiện sự khác biệt giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ truyền thống. Đây là khái niệm trong chiến lược xây dựng Chính phủ điện tử của nhiều quốc gia vì nó ngắn gọn, dễ hiểu.

Như vậy, Chính phủ điện tử là tên gọi của một Chính phủ mà mọi hoạt động của nhà nước được thay đổi theo một khái niệm hoàn toàn mới, Chính phủ đó gần và thuận lợi với công dân hơn, bằng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại. Mọi quan hệ giữa Chính phủ và công dân bảo đảm tính minh bạch, công khai, thuận tiện, bảo đảm sự kiểm soát và giám sát lẫn nhau giữa công dân với Chính phủ; một Chính phủ của dân, vì dân và vì sự phồn thịnh của đất nước trong một môi trường toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Từ những định nghĩa nêu trên, tác giả khái quát khái niệm về Chính phủ điện tử như sau: Chính phủ điện tử (e-government) là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của các cơ quan Chính phủ, thông qua việc cung cấp các dịch vụ công cộng để thực hiện các hoạt động của các cơ quan Chính phủ trên các nền tảng như website; giúp cho các cơ quan Chính phủ đổi mới phương thức giải quyết công việc theo hướng minh bạch, hiệu quả hơn, cung cấp đầy đủ, liên tục với chi phí thấp các dịch vụ công cho mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thông qua các phương tiện thông tin điện tử.

2. Đặc điểm của Chính phủ điện tử

Thứ nhất, Chính phủ điện tử là việc các cơ quan Chính phủ sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông để tự động hóa và triển khai các thủ tục hành chính, mang lại hiệu quả cao hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông. Chính phủ điện tử được triển khai thực hiện thông qua các nền tảng website trực tuyến: Cổng dịch vụ công trực tuyến; Dữ liệu quốc gia; Cổng thông tin điện tử; Dịch vụ hành chính công...

Thứ hai, mô hình Chính phủ điện tử bao gồm cách thức giải quyết mối quan hệ tương tác về thông tin giữa ba chủ thể: Chính phủ, người dân và doanh nghiệp. Trên cơ sở các mối quan hệ giữa ba chủ thể này, có 3 dạng giao dịch Chính phủ điện tử cơ bản bao gồm:

- Giao dịch giữa Chính phủ với Chính phủ (Government to Government - G2G): là các giao dịch giữa Chính phủ và các chính quyền địa phương, sở, ban, ngành, giữa các vụ với cơ quan có liên quan. Cấp độ tương tác Chính phủ điện tử này giúp cho các cơ quan hành chính chia sẻ dữ liệu, trao đổi công việc thuận tiện hơn, giảm thiểu chi phí và thời gian hội họp không cần thiết. Đồng thời, các giao dịch Chính phủ với Chính phủ còn có thể được sử dụng như một công cụ của mối quan hệ quốc tế và ngoại giao nhằm nâng cao việc chia sẻ thông tin và hợp tác quốc tế giữa các quốc gia.

- Giao dịch giữa Chính phủ với doanh nghiệp (Government to Business - G2B): là các giao dịch giữa các doanh nghiệp và Chính phủ bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau được trao đổi giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp bao gồm cả việc phổ biến các chính sách, biên bản ghi nhớ, các qui định và thể chế. Các dịch vụ được cung cấp bao gồm truy xuất các thông tin về kinh doanh, tải các mẫu đơn, gia hạn giấy phép, đăng ký kinh doanh, xin cấp phép và nộp thuế. Các dịch vụ được cung cấp thông qua các giao dịch G2B cũng hỗ trợ việc phát triển kinh doanh, đặc biệt là phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc đơn giản hóa các thủ tục xin cấp phép, hỗ trợ quá trình phê duyệt đối với các yêu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ thúc đẩy kinh doanh phát triển.

Ở mức cao hơn sẽ là các dịch vụ việc mua sắm điện tử và trao đổi trực tuyến giữa Chính phủ với các nhà cung cấp để mua sắm hàng hóa và dịch vụ cho Chính phủ.

- Giao dịch giữa Chính phủ với người dân (Government to Citizen - G2C): là giao dịch phổ biến thông tin và cung cấp các dịch vụ công của Chính phủ trực tiếp cho người dân: cung cấp cho người dân các thông tin về các quy định, chính sách, pháp luật...; cung cấp các dịch vụ công như cấp giấy khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn, kê khai các biểu mẫu nộp thuế thu nhập cũng như hỗ trợ người dân với các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế, thông tin bệnh viện, thư viện... và rất nhiều các dịch vụ khác[4].

Thứ ba, các mục tiêu của việc xây dựng Chính phủ điện tử sẽ góp phần quan trọng vào công cuộc cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý hành chính nhà nước của Chính phủ; nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong việc mang lại những thuận lợi, tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường sự minh bạch của nền hành chính nhà nước, giảm tình trạng tham nhũng của cán bộ, công chức nhà nước. Đồng thời, việc xây dựng Chính phủ điện tử còn có mục tiêu là giảm chi phí cho các cơ quan Chính phủ và tăng thu nhập quốc dân.

 


[1] Quang Trường (2015), “Chính phủ điện tử”, Tạp chí Điện tử Tổ chức nhà nước, https://tcnn.vn/news/detail/8061/Chinh-phu-dien-tu.html, [Truy cập ngày 09/6/201/21]

[2] Quang Trường (2015), “Chính phủ điện tử”, Tạp chí Điện tử Tổ chức nhà nước, https://tcnn.vn/news/detail/8061/Chinh-phu-dien-tu.html, [Truy cập ngày 09/6/201/21]

[3] Quang Trường (2015), “Chính phủ điện tử”, Tạp chí Điện tử Tổ chức nhà nước, https://tcnn.vn/news/detail/8061/Chinh-phu-dien-tu.html, [Truy cập ngày 09/6/201/21]

[4] Nhóm công tác e-ASEAN UNDP - APDIP (2003), Chính phủ điện tử, https://www.unapcict.org/sites/default/files/2019-01/eprimer-egov- vietnamese-version.pdf, [Truy cập ngày 06/9/2021].

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành