Thứ năm, 25 Tháng 5 2023 21:59

Nguyên tắc và đặc trưng của quá trình đô thị hóa kiểu mới ở Trung Quốc

Dựa trên các vấn đề của đô thị hóa truyền thống và đặc điểm thời đại, điều kiện quốc gia mà đô thị hóa sẽ phải đối mặt trong tương lai, đô thị hóa kiểu mới cần coi quan điểm phát triển khoa học là phương châm, kiên trì nguyên tắc “toàn diện, hài hòa, bền vững”, coi đô thị hóa dân số là nội dung cốt lõi, thông tin hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp và công nghiệp hóa kiểu mới là động lực, coi “tăng trưởng nội hàm" là phương thức phát triển, coi chính phủ định hướng và thị trường văn hành” là cơ chế đảm bảo, đi theo con đường phát triển bền vững, xây dựng đô thị Trung Quốc nhất thể hóa thành thị - nông thôn.

1. Nguyên tắc cơ bản của quá trình đô thị hóa kiểu mới

Thúc đẩy quá trình đô thị hóa kiểu mới cần kiên trì quan điểm phát triển khoa học

Trong giai đoạn và tình hình phát triển mới, phát triển đô thị cũng đối mặt với yêu cầu cấp bách về thay đổi mô hình phát triển. Đô thị hóa kiểu mới cần phải giải quyết tốt các mối quan hệ và mâu thuẫn trong quá trình thực hiện, lấy quan điểm cơ bản, yêu cầu cơ bản và phương pháp cơ bản của phát triển khoa học để định hướng thực tiễn quá trình đô thị hóa. Lấy nguyên tắc phát triển bền vững định hướng và thúc đẩy tiến trình, khiến đô thị duy trì được trạng thái cân bằng động về khả năng thu hút dân số, thu hút việc làm, năng lực chịu tải của môi trường và của cơ sở hạ tầng thành thị cũng như năng lực quản lý đô thị, không ngừng mở rộng và tối ưu hóa để số lượng, quy mô, kết cấu, đẳng cấp và năng lực của thành phố. Bên cạnh đó, thực hiện phát triển hài hòa các yếu tố dân số, kinh tế, xã hội, tài nguyên và môi trường của thành thị. Đây là sự lựa chọn tất yếu của quá trình đô thị hóa hiện đại.

Thúc đẩy quá trình đô thị hóa kiểu mới cần tuân thủ quy luật cơ bản của đô thị hóa

Đô thị hóa là một loại hiện tượng phổ biến, có quy luật phát triển riêng trong phát triển kinh tế - xã hội của nhân loại. Trong lịch sử phát triển đô thị hóa của các nước trên thế giới, con đường đô thị hóa của các quốc gia khác nhau, các khu vực khác nhau dù có nhiều điểm không tương đồng nhưng đều tuân thủ theo quy luật chung của phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa.

Trong quá trình đô thị hóa, Trung Quốc đã chú trọng sự tăng trưởng từng bước của thành phố phát triển một bộ phận của đô thị nhỏ thành thành phố nhỏ, phát triển một bộ phận của thành phố nhỏ thành thành phố vừa, phát triển một bộ phận của thành pha và thành thành phố lớn. Thông thường, tỷ lệ đầu tư sản xuất của thành phố lớn cao hơn thành phố vừa, tỷ lệ đầu tư sản xuất của thành phố vừa lại phải lớn hơn của thành phố nhỏ và đô thị nhỏ. Vì thế, xét về mặt lợi nhuận, phát triển thành phố vừa và lớn là lựa chọn tối ưu. Nhưng khi phát triển thành phố vừa và lớn sẽ tồn tại vấn đề là vốn đầu tư lớn, rủi ro cao. Hiện tại, khi nguồn vốn vẫn còn hạn chế, nên đẩy mạnh phát triển hài hòa cả ba loại thành phố lớn, vừa và nhỏ. Đồng thời, cần chia giai đoạn, chia khu vực để xác định phương thức tiến hành đô thị hóa ở các thời kỳ, các khu vực khác nhau của Trung Quốc.

Thúc đẩy quá trình đô thị hóa kiểu mới gắn xuất phát từ thực tế

Trong quá trình thúc đẩy quá trình đô thị hóa kiểu mới ở Trung Quốc, mỗi vùng cần xem xét đặc điểm và thực tế phát triển của mình, tập trung vào các vấn đề nổi cộm và mâu thuẫn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xác định con đường đô thị hóa kiểu mới phù hợp với đặc điểm riêng và yêu cầu phát triển theo quan điểm phát triển khoa học. Tập trung chuyên sâu và khoán cạnh tác là hai phương thức tồn tại trong phát triển kinh tế xã hội. Hai phương thức này có chung mục tiêu là thông qua một khoản đầu tư nhất định để thu về lợi ích lớn hơn, điểm khác nhau là, phát triển theo phương thức khoán canh tác chỉ dựa vào mở rộng đơn thuần số lượng đầu tư để thu về lợi nhuận lớn hơn; còn phát triển tập trung chuyên sâu lại luôn nhấn mạnh mức đầu tư có hạn, thông qua nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn đầu tư này để thu về lợi ích lớn nhất.

Sau hơn 30 năm cải cách mở cửa, thành quả phát triển kinh tế của Trung Quốc rất rõ ràng. Nhưng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc là dạng phát triển thô, quảng canh, được xây dựng trên cơ sở đầu tư cao và tiêu hao cao. Đô thị hóa truyền thống chỉ đơn thuần chạy theo sự phát triển về số lượng và quy mô đô thị. trưng dụng và sử dụng đất đai theo lối quảng canh, tiêu hao nhiều năng lượng, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chất lượng đô thị hóa không cao. Trong giai đoạn lịch sử mới, phương thức phát triển dạng khoán canh tác khó duy trì. Vì thế, trong quá trình đẩy mạnh phát triển đô thị hóa, cần phải tổng kết và tiếp thu các bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển trước đây, kiên trì nguyên tắc phát triển theo hướng tập trung chuyên sâu, nhấn mạnh phân phối tối ưu và sử dụng tài nguyên hiệu quả, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nâng lên cả về chất và lượng.

Thúc đẩy quá trình đô thị hóa kiểu mới cần học tập kinh nghiệm đô thị hóa ở cả trong và ngoài nước

Bài học kinh nghiệm về việc xây dựng thành thị trong và ngoài nước đã cho thấy, để thúc đẩy quá trình đô thị hóa một cách thuận lợi, cần kiên trì phát triển hài hòa và tính đến lợi ích của tất cả các bên. Tích cực học tập kinh nghiệm đô thị hóa ở trong và ngoài nước, một mặt sẽ có thể bỏ qua các bước phát triển không cần thiết trong quá trình đi lên đô thị hóa ở nước ngoài và ở Trung Quốc trước đây, mặt khác còn có thể tiếp thu kinh nghiệm thành công ở các nước trên thế giới, thúc đẩy chính sách đô thị hóa hợp lý và khoa học. Về thực trạng và xu thế phát triển đô thị hóa hiện nay của Trung Quốc, đã tiến tới việc phát triển hài hòa giữa đô thị hóa kiểu mới với công nghiệp hóa kiểu mới, tin học hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và tối ưu hóa kết cấu ngành nghề của thành thị, tạo điều kiện để công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình phát triển đô thị. Trong quá trình phát triển đô thị hóa Trung Quốc đã đảm bảo việc giữ vững nguyên tắc phát triển hài hòa giữa dân cư, tài nguyên và môi trường, thực hiện phát triển hòa hợp giữa con người và thiên nhiên; cần phải kiên trì phát triển tổng thể kinh tế - xã hội giữa thành thị và nông thôn; kiên trì phát triển hài hòa giữa thành phố lớn, vừa và nhỏ với đô thị nhỏ, hoàn thiện hệ thống đô thị và giữa các đô thị cần hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau về chức năng; kiên định nguyên tắc phát triển hài hòa khu vực, các khu vực miền Đông, miền Tây và miền Trung dựa vào các ưu thế riêng về vị trí, kinh tế, khoa học kỹ thuật và nhân tài để giúp nhau cùng đẩy mạnh tiến trình đô thị hóa kiểu mới.

2. Đặc trưng chủ yếu của quá trình đô thị hóa kiểu mới

Chính phủ định hướng, đô thị hóa theo cơ chế thị trường phát huy vai trò nền tảng

Đô thị hóa yêu cầu hoàn thiện hệ thống cơ chế thị trường, nhưng do thị trường đã mất đi tính linh hoạt nên nếu chỉ dựa vào sự sàng lọc của thị trường thì khó có thể đạt được trạng thái cân bằng tối ưu. Để thúc đẩy đô thị hóa phát triển bền vững và lành mạnh, chính quyền cần tạo ra “môi trường cứng” và “môi trường mềm” phù hợp, vừa có lợi cho các dòng chảy chính của thị trường, làm cho không gian thị trường có thể tốt lên, vừa chú ý đến “hiệu quả và công bằng” trong việc sử dụng không gian đất đai. Vì thế, chức năng chủ yếu của chính quyền là: dựa trên quy luật phát triển đô thị hóa, tiến hành quy hoạch một cách khoa học và có tầm nhìn đối với đô thị hóa; xây dựng công trình cơ sở hạ tầng công cộng thống nhất trong phạm vi khu vực trực thuộc; cung cấp dịch vụ công bình đẳng cho các khu vực dân cư khác nhau; cung cấp môi trường chế độ đã được chuẩn hóa; công bằng không thiên vị, đồng đều và thống nhất cho doanh nghiệp và cư dân hoạt động tại các khu vực không gian khác nhau.

Cơ hội tăng trưởng bình đẳng, thực hiện đô thị hóa “công bằng, chính nghĩa”

Thúc đẩy quá trình đô thị hóa kiểu mới, Trung Quốc đã thực hiện thống nhất mối quan hệ giữa đô thị hóa và phát triển xã hội cùng với việc thúc đẩy đô thị hóa trong bối cảnh xã hội hài hòa. Về phương diện chính trị, để ngày càng có nhiều người có cơ hội tham gia quyết sách, nghị sự, tạo cơ hội và không gian phát triển cho người dân ở các tầng lớp khác nhau trong xã hội, để tất cả mọi người đều được chia sẻ thành quả của phát triển và tiến bộ. Về phương diện xã hội, giải quyết thấu đáo mối quan hệ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cư dân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nông dân và cư dân thành thị, tôn trọng nguyện vọng và lựa chọn của nhân dân; giải quyết thấu đáo mối quan hệ giữa cư dân địa phương và cư dân nhập cư, bảo đảm quyền và lợi ích thiết thực của cư dân nhập cư, để cư dân nhập cư và cư dân địa phương chung sống hài hòa; giải quyết thấu đáo mỗi quan hệ giữa các tầng lớp nhân dân có thu nhập khác nhau, vừa khích lệ họ sáng tạo, lập nghiệp và làm giàu, vừa quan tâm và bảo vệ nhóm người yếu thế, thực hiện ưu đãi phúc lợi cho nhóm người yếu thế, xây dựng và hoàn thiện chính sách bảo đảm xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo.

Phát triển đô thị xanh, đô thị hóa thân thiện với môi trường

Đô thị hóa kiểu mới ở Trung Quốc thực hiện mục tiêu không đi theo con đường cũ là phát triển trước quản trị sau, cũng không đi theo hướng phát triển mà không quan tâm đến môi trường, cần phải thực hiện phát triển hài hòa giữa đô thị hóa với công nghiệp hóa và giảm thiểu lượng phát thải khí CO2. Do đó, trong những năm qua, Trung Quốc đã khuyến khích phát triển các ngành sản xuất thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu các ngành sản xuất tiêu hao và phá hủy tài nguyên sinh thái năng lượng, tài nguyên nước và không khí; hỗ trợ việc nghiên cứu mô hình kinh tế tuần hoàn để tạo ra giá trị kinh tế lớn trên cơ sở nguồn tài nguyên ít ỏi; yêu cầu tập trung các ngành công nghiệp vào các khu, cụm, thúc đẩy các cụm công nghiệp, không những có thể xử lý ô nhiễm tập trung, mà còn cho phép các ngành công nghiệp chia sẻ các nguồn lực kinh tế đối ngoại; tăng cường bảo tồn năng lượng và bảo vệ môi trường, khuyến khích cư dân đô thị thực hiện bảo tồn năng lượng và bảo vệ môi trường trong cuộc sống hằng ngày; tăng cường xanh hóa đô thị, nâng cao khả năng tự thanh lọc của môi trường sinh thái; khích lệ tiêu dùng thông thái, thân thiện với môi trường và giảm thiểu hoạt động tiêu dùng gây ô nhiễm; chú trọng giai quyết và hóa giải xung đột, mâu thuẫn trong sử dụng và phân phối tài nguyên cũng như vấn đề ô nhiễm môi trường, thúc đẩy sự tương tác tốt đẹp giữa đô thị hóa và bảo vệ môi trường.

Thúc đẩy sáng tạo đô thị hóa, dẫn dắt tương lai

Trung Quốc là quốc gia thực hiện đô thị hóa sau các nước khác, nên đã thực hiện chiến lược thúc đẩy sáng tạo. Thực hiện thúc đẩy các yếu tố đối mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cố gắng vượt lên các quốc gia phát triển. Để làm tốt những điều trên, Trung Quốc đã đặt trọng tâm vào việc coi giáo dục là nhiệm vụ ưu tiên phát triển hàng đầu, tiếp tục đầu tư hơn nữa cho giáo dục, kéo dài giáo dục bắt buộc, mở rộng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục cho người trưởng thành, xây dựng hệ thống giáo dục nhiều tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các thành phố ở Trung Quốc trong tương lai. Mặt khác, Trung Quốc đã không ngừng đầu tư khoa học kỹ thuật, bồi dưỡng, giáo dục chủ thể sáng tạo, hình thành mạng lưới sáng tạo, xây dựng nền tảng sáng tạo, tích cực phát triển hệ thống đổi mới khoa học kỹ thuật có phân công, phân tầng tương thích với hệ thống ngành nghề và phù hợp với thị trường. Trung Quốc cũng tích cực việc thực hiện đổi mới chế độ và quản lý, bảo đảm để quá trình đô thị hóa kiểu mới được thúc đẩy bền vững. Điều này không chỉ đòi hỏi phải không ngừng đổi mới trong lĩnh vực kỹ thuật mà còn không ngừng đổi mới trong quản lý, đặc biệt là phương thức phát triển, cố gắng xuất phát sau nhưng về đích trước, tiến hành sau nhưng hiệu quả hơn, dẫn dắt trào lưu của thế giới.

Khai thác tài nguyên địa phương, đô thị hóa thể hiện bản sắc

Đô thị kiểu mới thành công là do dựa vào tình hình và bảo tồn bản sắc của địa phương. Đô thị ở mỗi địa phương đều có cơ sở hạ tầng, bối cảnh, môi trường và điều kiện phát triển khác nhau, mỗi đô thị đều nên có đặc điểm riêng và cần làm nổi bật tính đa dạng này. Về phương diện văn hóa, kiên trì kết hợp giữa tính đa dạng của quốc tế hóa với trào lưu văn hóa bản địa. Một mặt, cần thực hiện theo phương châm “trăm con sông đều đổ về biển cả”, tích cực tiếp thu những yếu tố văn hóa ngoại lai ưu tú; mặt khác, cần chú trọng bảo vệ và kế thừa di sản văn hóa, tôn trọng văn hóa và thói quen sinh hoạt của cư dân bản địa, để khẳng định sức hấp dẫn của văn hóa trong quá trình giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, thực hiện tồn tại đa dạng và phát triển hội nhập giữa văn hóa bản địa và văn hóa ngoại lai.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành