Thứ ba, 20 Tháng 6 2023 22:23

Giới thiệu phương pháp luận trong nghiên cứu xây dựng chính sách về quan hệ sở hữu đối với đất đai

Có thể nói, đất đai, là tài nguyên không thể thay thể được, là lãnh thổ quốc gia, là không gian sinh tồn của cả một dân tộc. Đất đai là khu vực hành chính, địa vực sinh sống của một cộng đồng dân cư nhất định - Đất đai là không gian sống - sản xuất - sinh tồn và phát triển của mỗi gia đình có tính cha truyền con nối. Do đó, đất đai còn mang nặng dấu ấn tinh thần, đạo lý đời sống của các hộ nông dân và nông thôn, nếu giải quyết không đúng sẽ dẫn đến suy thoái không chỉ kinh tế, mà suy thoái cả về tinh thần, đạo đức con người và xã hội.

Hiện nay, trên thế giới, sự đa dạng của các quan niệm về quan hệ sở hữu đất đai nói chung và ruộng đất nói riêng đang đòi hỏi phải có cách tiếp cận đúng đắn đối với vấn đề quan hệ sở hữu ruộng đất, để từ đó đưa ra một quan niệm khoa học về chế độ sở hữu ruộng đất, phù hợp với thực tiễn khách quan của nước ta.

Mặt khác, đối với đất đai, đặc biệt là quan hệ sở hữu ruộng đất, khi nghiên cứu quan hệ sở hữu ruộng đất phải xác định rõ điểm mấu chốt của hệ thống quan hệ sở hữu ruộng đất để từ đó nhìn ra bản chất của nó. Ở đây đó chính là tính đặc thù của quan hệ đất đai và sự tồn tại đặc thù của kinh tế hộ nông dân bị quy định bởi những yếu tố sinh học. Chính sự tồn tại của kinh tế hộ nông dân đã quy định sự tồn tại cũng mang tính đặc thù của sở hữu hộ nông dân, mà trong đó cốt lõi là mối quan hệ giữa người nông dân với ruộng đất. Cần làm rõ các phương diện khác nhau chứa đựng trong quan hệ sở hữu đất đai. Có thể nêu lên các yếu tố cơ bản sau:

Đất đai là điều kiện, là tiền đề của sản xuất nông nghiệp. Với tính cách là tư liệu sản xuất, đất đai phải là kết quả đầu tư lao động, vốn của người lao động cụ thể, của các hộ gia đình từ thế hệ này sang thế hệ khác. Như vậy, đất đai nói chung không đồng nhất với đất đai - tư liệu sản xuất, nó phải gắn liền với người chủ cụ thể, người lao động cụ thể.

Mặt khác, đất đai - tư liệu sản xuất trong nền kinh tế tự cung tự cấp là điều kiện sinh tồn, còn đất đai - tư liệu sản xuất trong nền kinh tế hàng hóa đã có một bản chất mới là điều kiện và yếu tố của sản xuất hàng hóa.

Đất đai - tư liệu sản xuất với tính cách là điều kiện sản xuất hàng hóa không hoàn toàn đồng nhất với bản thân đất đai là hàng hóa.

Quan hệ đất đai bao hàm tất cả các phương diện trên. Mỗi phương diện trên đòi hỏi phải có sự điều tiết, chế định khác nhau về mặt pháp lý. Tuyệt đối hóa về một phương diện nào đó sẽ làm cho quan hệ sở hữu ruộng đất không có hiệu quả, thậm chí rối loạn.

Như vậy, xem xét tổng thể bản chất đặc trưng của quan hệ đất đai thì nổi bật trong đó là mối quan hệ giữa nhà nước và người sử dụng, đặc biệt là nông dân. Có thể thấy rằng, bất kỳ chế độ sở hữu đất đai nào, thì nhà nước với vai trò của mình cũng tham dự trực tiếp vào quan hệ sở hữu đất đai với các cấp độ và hình thức khác nhau. Nhà nước không bao giờ từ bỏ quyền năng tối cao của mình. Tuy nhiên, tuyệt đối hóa quyền năng của nhà nước, xem nhẹ tính đặc thù của sở hữu hộ nông dân - số là một sai lầm lớn. Do đó phải từ nội dung kinh tế - xã hội để xác định hợp lý quyền năng của nhà nước tương ứng với đó là quyền và nghĩa vụ của người chủ sử dụng đất, để tạo nên một động lực cho sự phát triển.

Chính từ sự đa dạng của các loại đất, các hình thức và trình độ sản xuất kinh doanh, cần tìm một cấu trúc (cấp độ) sở hữu - sử dụng đất đai hợp lý.

Xét về mặt bản chất, cũng như mọi quan hệ sở hữu khác, quan hệ sở hữu đất đai có yếu tố cốt lõi chính là quan hệ lợi ích. Lợi ích này cũng mang tính đặc thù và có bước phát triển về chất khi chuyển từ nền kinh tế tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa. Lợi ích của nhà nước, xã hội và cộng đồng được thực hiện thông qua sự tôn trọng và phát triển lợi ích của nông dân, trước hết thông qua quan hệ đất đai.

Mặt khác, sự phát triển của xã hội gắn liền với sự phát triển của nền nông nghiệp hàng hóa và với quá trình xã hội hóa và phân công lao động trong nông nghiệp, nông thôn và trong toàn xã hội. Điều này cũng quy định con đường xã hội hóa đặc thù của quan hệ sở hữu ruộng đất. Con đường tập thể hóa ruộng đất, canh tác chung đã chứng tỏ tính không hiệu quả của nó. Việc trao quyền làm chủ ruộng đất cho hộ nông dân đang đặt ra sự vận động mới của các hình thức xã hội hóa quan hệ ruộng đất và xã hội hóa nền sản xuất nông nghiệp.

Có thể khẳng định rằng, quan hệ sở hữu đất đai luôn chứa đựng trong nó tính lịch sử, là kết quả của một quá trình lịch sử. Nó bao hàm cả yếu tố chính trị - xã hội - tự nhiên, thậm chí mang đặc trưng của vùng. Quan điểm lịch sử cụ thể và quan điểm phát triển là cơ sở quan trọng để luận chứng cơ sở khoa học cho cấu trúc quan hệ sở hữu ruộng đất và những giải pháp thực tiễn.

Quan niệm khoa học nhất quán về quan hệ sở hữu đất đai là rất quan trọng, đây được coi là cơ sở cho việc xây dựng các chế định pháp lý và giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Cần phải có những luận cứ mang tính khoa học rõ ràng về quan hệ sở hữu đất đai phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội và thời đại đối với mỗi hình thái nhà nước, đặc biệt là đối với nhà nước ta khi chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và khẳng định rõ sở hữu đất đai thuộc về toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.

Về mặt thực tiễn, quan hệ đất đai phải hướng tới hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội. Làm cho quan hệ đất đai đi vào kinh tế thị trưởng, đất đai được sử dụng có hiệu quả hơn để phát triển sản xuất hàng hóa, đồng thời phải bảo đảm được sự bình đẳng, công bằng, dân chủ, ổn định xã hội trong quá trình quan hệ đất đai vận động.

Về mặt pháp lý đối với sự vận động của quan hệ đất đai theo cơ chế mới phải được điều chỉnh bằng những chế định pháp lý, trong đó phải làm rõ được hai vấn đề then chốt sau đây: quyền năng tối cao của Nhà nước đối với mọi loại đất và mọi sự vận động của quan hệ đất đai; chế định rõ các quyền của người sử dụng đất đai đối với từng loại đất cụ thể gắn với nền kinh tế thị trường.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành