Thứ tư, 19 Tháng 7 2023 04:21

Quy trình thu hồi tài sản tham nhũng không dựa trên kết án

Đối với bất kỳ nền tài phán nào muốn có đầy đủ các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng và rửa tiền phải điều kiện tiên quyết là cơ chế tịch thu tài sản. Tịch thu liên quan tới việc tước đoạt vĩnh viễn tài sản thông qua lệnh của toà án hay của một cơ quan chức năng có thẩm quyền (Điều 2 UNCAC, Điều 2 UNTOC, Điều 1 Công ước Liên hợp quốc về chống chất gây nghiện và chất hướng thần). Quyền sở hữu thuộc về nhà nước hoặc chính phủ mà không phải bồi thường người nắm giữ tài sản. Các công cụ và chuẩn mực quốc tế nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ chế tịch thu tài sản thông qua yêu cầu, ở mức độ tối thiểu, các thành viên thiết lập các cơ chế tịch thu hình sự như là một công cụ chống và đẩy lùi tham nhũng, rửa tiền và các tội phạm nghiêm trọng khác (Các Điều 2, 31, 54, 55 của UNCAC, các Điều 2, 6, 12, 13 của UNTOC, các Điều 1, 5 của Công ước Liên hợp quốc về chống chất gây nghiện và chất hướng thần, và các khuyến nghị số 3 và 38 trong 40+9 Khuyến nghị của FATF). Tịch thu tài sản tham nhũng không dựa trên kết án được khuyến khích trong Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (các Điều 54 (1) (c) của UNCAC) và 40+9 Khuyến nghị số 3 của FATF và hiện đang được áp dụng nhiều hơn khi các nền tài phán mở rộng các chương trình tịch thu tài sản. Lý lẽ cơ bản cho tịch thu là rõ ràng:

Thứ nhất, đối với những tội phạm liên quan đến tham nhũng và tội phạm cướp bóc tài chính khác, có những nạn nhân (dù là một nhà nước, một chính phủ hay một cá nhân) cần phải được bồi thường với bất kỳ khoản tiền nào thu hồi được.

Thứ hai, bởi lòng tham là động cơ chính đằng sau tham nhũng và tội phạm tài chính, tịch thu sẽ có tác dụng phòng ngừa, răn đe thông qua việc xoá bỏ khả năng được hưởng thụ những tài sản bất hợp pháp. Nói cách khác, tịch thu tài sản truyền tải thông điệp “tội ác chẳng đem lại lợi lộc gì”.

Giống tất cả các luật khác, luật về tịch thu tài sản đã gặp những thách thức pháp lý ở nhiều nền tài phán và các toà án quốc tế. Một trong những thách thức là đã có sự tranh cãi về quyền sở hữu tài sản và liệu các đối tượng bị tịch thu có quyền hiến định đối với những tài sản liên quan đến các vấn đề hình sự hay không, trong đó có quyền suy đoán vô tội, quyền được xét xử tại toà án hình sự và quyền không buộc tội chính bản thân mình, không chịu hình phạt kép và không chịu hình phạt hồi tố. Đã có rất nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề liệu tịch thu có nên được coi là một hình phạt hay là một biện pháp khắc phục: nếu nó là hình phạt, tài sản phải được xử lý theo quy trình hình sự; nếu nó là một biện pháp khắc phục, phạm vi áp dụng mở rộng và có thể bao gồm các phiên xét xử tại các cơ quan hành chính hay toà án dân sự, sử dụng tiêu chuẩn chứng cứ khác, sử dụng các giả định có thể bác bỏ, mặc dù nhiều nền tài phán chấp nhận các giả định có thể bác bỏ đối với một số tội phạm nhất định và áp dụng hồi tố. Cuối cùng thì nhiều toà án đã lựa chọn phương thức cho phép phạm vi áp dụng rộng hơn. Toà án Nhân quyền Châu Âu (ECHR) đã phán quyết rằng khi số tiền đó chỉ là lợi ích có được và không thể thay thế bằng hình phạt tù mà bằng các biện pháp giá trị kinh tế khác, việc tịch thu tài sản do phạm tội mà có đó sẽ mang tính chất khắc phục. Vụ án Welch và United Kingdom, Số 17440/90 (ECHR, 9/2/1995); Vụ án Philips và Vương quốc Anh, Số 41087/98 (ECHR, 5/7/2001); Vụ án Butler và Vương quốc Anh, Số 41661/98 (ECHR, 27/6/2002).

Thu hồi tài sản không dựa trên kết án khác với tịch thu hình sự ở quy trình tịch thu tài sản. Muốn thực hiện tịch thu hình sự cần phải có xét xử và bản án hình sự, và sau đó là quy trình tịch thu; tịch thu tài sản không dựa trên kết án không cần phải có xét xử và bản án, mà chỉ tiến hành quy trình tịch thu. Ở nhiều nền tài phán, tịch thu tài sản không dựa trên kết án có thể thực hiện với điều kiện tiêu chuẩn về chứng cứ thấp hơn (ví dụ, “xác suất khả dụng của chứng cứ” hay “ưu thế vượt trội của chứng cứ”), và điều này giúp giảm nhẹ gánh nặng lên các cơ quan chức năng. Các nền tài phán khác (chủ yếu là các nền tài phán theo hệ thống luật dân sự) yêu cầu chuẩn mực chứng cứ cao hơn - cụ thể là áp dụng chuẩn mực tương tự như đối với chuẩn mực để ra được bản án hình sự. Tuy nhiên, do tịch thu tài sản không dựa trên kết án không phải là hình thức được áp dụng ở tất cả các nền tài phán, những người thực hiện thu hồi tài sản có thể gặp khó khăn trong tìm kiếm sự tương trợ tư pháp nhằm hỗ trợ công tác điều tra và thực thi các lệnh tịch thu tài sản không dựa trên kết án.

Loại tịch thu này thường diễn ra theo một trong hai cách. Cách thứ nhất là tịch thu trong khuôn khổ tố tụng hình sự, nhưng không cần phải có bản án cuối cùng hoặc kết luận phạm tội, Ví dụ một số nền tài phán: Liechtenstein, Slovenia, Thụy Sỹ và Thái Lan. Trong trường hợp này, quy định pháp luật về tịch thu tài sản không dựa trên kết án được lồng ghép vào luật hình sự, luật chống rửa tiền hoặc các văn bản pháp luật hình sự khác; và được coi là hoạt động tố tụng “hình sự” và áp dụng các quy định của luật tố tụng hình sự.

Cách thứ hai là tịch thu thông qua một đạo luật độc lập có quy định về quy trình tố tụng riêng biệt có thể tiến hành độc lập hoặc song song với các hoạt động tố tụng hình sự liên quan, và thường được điều chỉnh bởi luật tố tụng dân sự, chứ không phải luật tố tụng hình sự. Ví dụ một số nền tài phán: Colombia, Nam Phi, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Các hệ thống “Tịch thu dân sự” - gọi là “Civil confiscation” hay “civil forfeiture” - sẽ phù hợp với loại này. Ở những nền tài phán áp dụng tố tụng dân sự, yêu cầu tiêu chuẩn chứng cứ thấp hơn cho việc tịch thu: “xác suất khả dụng của chứng cứ” hoặc “bằng chứng ưu thế” như vậy sẽ giảm gánh nặng chứng cứ cho việc truy tố.

Một số nền tài phán theo đuổi tịch thu tài sản không dựa trên kết án chỉ sau khi quá trình tố tụng hình sự đã kết thúc hoặc không thành công. Ở một số nền tài phán khác, quá trình tố tụng tịch thu tài sản không dựa trên kết án bị đình lại theo lệnh cho đến khi hoạt động điều tra hình sự đã hoàn tất. Quy định dân sự cho phép phát hiện tiền xét xử (chẳng hạn như lời khai của nhân chứng, các kết quả thẩm vấn, và các lệnh cung cấp hay tiết lộ tài liệu) có thể có tác động ngược đối với cuộc điều tra hình sự đang tiến hành. Tịch thu tài sản không dựa trên kết án là một biện pháp hiệu quả trong nhiều bối cảnh, nhất là khi tịch thu hình sự là không thể hoặc không có, chẳng hạn như khi người phạm tội đã chết, bỏ trốn ra nước ngoài hoặc được hưởng quyền miễn trừ truy tố; tài sản được tìm thấy còn người chủ sở hữu không xác định được; hoặc không có đủ chứng cứ để có thể buộc tội hình sự hoặc kết quả của quá trình tố tụng hình sự là trắng án (áp dụng ở những nền tài phán áp dụng tiêu chuẩn chứng cứ thấp hơn). Phương thức tịch thu này có thể là hữu hiệu đối với những vụ việc lớn và phức tạp khi điều tra hình sự đang tiến triển và cần phải phong toả và tịch thu tài sản trước khi có buộc tội hình sự chính thức. Trong khi nhiều nền tài phán theo hệ thống luật dân sự cho phép lệnh phong toả trong các trường hợp đó; nhưng nhiều nền tài phán theo thông luật hoặc không cho phép ban hành lệnh phong toả hoặc yêu cầu phải có cáo buộc chính thức trong một khoảng thời gian cụ thể sau khi ban hành lệnh phong toả.

Hình thức thu hồi tài sản không dựa trên kết án không nhằm mục đích thay thế hệ thống tịch thu hình sự. Trong các trường hợp có thể truy tố và kết án thì cần phải kết án và phương thức tịch thu hình sự đầy quyền uy và khá kinh tế cần phải được các công tố viên thực hiện.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành