Thứ ba, 11 Tháng 7 2023 07:12

Giới thiệu về tiến trình cải tạo thành phố cổ của Trung Quốc

Cải tạo thành phố cổ (hay đổi mới thành phố cổ) việc cải tạo và tu sửa các khu phố cổ có giá trị kinh tế cao nằm trong khu vực trung tâm của thành phố, nhằm cải thiện môi trường đô thị và đổi mới các chức năng của thành phố. Do đất đô thị của Trung Quốc thuộc sở hữu của Nhà nước nên việc cải tạo thành phố cổ là hoạt động do chính phủ lãnh đạo, điều này được thể hiện trong từng bước như ban hành chính sách, bồi thường giải tỏa và xây dựng kế hoạch. Đặc điểm của quá trình này là quy mô lớn, tốc độ cao, một phần là do Trung Quốc cần phải giải quyết một lượng lớn các “khu nhà không thể ở” còn lại từ thời kỳ trước trong thời gian ngắn. Mặt khác, đó cũng là kết quả tất yếu của quá trình chính quyền địa phương tiến hành theo tư tưởng “điều hành thành phố”, đặc biệt là sau khi có sự can thiệp của các lực lượng thị trường như các nhà phát triển bất động sản mô hình phát triển “chính phủ chỉ đạo và thị trường vận hành” đã dần hình thành.

Trung Quốc đã nghiên cứu và đưa ra rất nhiều phương pháp để cải tạo làm mới các thành phố cổ:

- Đối với các thành phố cổ, có phong cách truyền thống và giá trị văn hóa nhất định thì áp dụng phương pháp cải tạo quy mô nhỏ và thực hiện từng bước, qua đó thực hiện việc bảo vệ tổng thể các khu vực lịch sử.

- Đối với các công trình kiến trúc được xây dựng sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, có chất lượng kém, kiểu cách không phù hợp và không có giá trị văn vật thì sẽ được cải tạo làm mới, tăng diện tích sàn và tăng khả năng tiếp nhận dân cư trên cơ sở duy trì đặc điểm chung của thành phố.

- Đối với một số khu vực có tài nguyên di sản văn hóa phong phú thì áp dụng mô hình “di tích lớn” bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của các khu vực xung quanh, đem đến một cách thức mới để cải tạo các thành phố cổ trong quá trình đô thị hóa. Ví dụ như khi công viên di tích cố cung Đại Minh ở Tây An được cải tạo phát triển, việc tiến hành phá dỡ 3,5 triệu m2 những khu phố lụp xụp không chỉ giúp cho công tác bảo vệ di tích sau này và các công việc cần triển khai khác được tiến hành thuận lợi hơn, mà thông qua việc bố trí lại diện tích đất và cải tạo nhà ở đã giúp giảm thiểu ở một mức độ nhất định mâu thuẫn giữa việc bảo vệ các khu di tích lớn và sự khan hiếm tài nguyên đất đô thị, tạo sự gắn kết giữa việc bảo vệ di tích và phát triển đô thị hóa.

Ví dụ mô hình: Thành phố Y Xuân, khu Kim Sơn Đồn, Hắc Long Giang Phố cổ cải tạo thành thị trấn du lịch nổi tiếng

Thành phố Y Xuân, khu Kim Sơn Đồn nằm ở chân núi phía Nam của dãy Tiểu Hưng An, trung du sông Thang Vượng, hiện đang được quản lý theo thể chế hành chính - doanh nghiệp hợp nhất, tổng số dân là 48.100 người, tổng diện tích 184.949 hécta và tỷ lệ che phủ rừng là 93,3%[1]. Từ khi thành lập khu năm 1952 đến nay, do chịu ảnh hưởng của quan niệm coi trọng sản xuất, coi nhẹ đời sống sinh hoạt trong thời kỳ kinh tế kế hoạch, nên hầu hết người dân ở đây sống trong các tòa nhà gạch và nhà đất được xây dựng từ thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước. Tổng diện tích nhà mái bằng (khu nhà tồi tàn) là 527.000 m2, chiếm 90% tổng diện tích nhà ở của khu vực, diện tích nhà ở bình quân đầu người chỉ có 10,96 m2. Những ngôi nhà mái bằng này được xây dựng trong giai đoạn đầu phát triển rừng hoặc trong giai đoạn đầu cải cách mở cửa, với đặc điểm là thiết kế rất đơn giản, không đủ điều kiện, chất lượng nhà ở kém, nhiều nguy cơ hỏa hoạn, hơn nữa diện tích nhà ở nhỏ, cơ sở hạ tầng không hoàn chỉnh, nhiều năm không sửa chữa, từ lâu đã trở thành những ngôi nhà nguy hiểm. Một số vấn đề nổi cộm của loại nhà ở này là cư dân gặp khó khăn trong việc sưởi ấm, đi lại, vệ sinh, ăn uống,...

Sau khi khu nhà cũ được cải tạo, khu Kim Sơn Đồn đã nắm bắt cơ hội lịch sử này và thực hiện một chính sách chưa từng có để cải thiện điều kiện nhà ở, chất lượng cuộc sống của người dân và nâng cấp đô thị. Đây chính là cuộc cách mạng nhà ở mang tính lịch sử với tính pháp lý mạnh nhất, độ bao phủ rộng nhất, nhiệm vụ nặng nề nhất, khối lượng kỹ thuật lớn nhất. Trong quá trình cải tạo, khu Kim Sơn Đồn không chỉ làm một công việc là thay đổi nhà ở cũ, không né tránh mâu thuẫn, mà đứng ở góc nhìn của việc xây dựng một thị trấn du lịch nổi tiếng để thiết kế lại thị trấn, dựa vào nguồn lực từ chính sách cải cách nhà ở cũ để tạo ra một Kim Sơn Đồn hoàn toàn mới, đồng thời trên cơ sở cải thiện triệt để nhà ở cho cư dân để nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một thị trấn du lịch nổi tiếng. Các biện pháp cụ thể như sau:

Một là, dựa trên những lợi thế có sẵn, thiết lập mục tiêu phát triển cho thị trấn du lịch nổi tiếng. Khu Kim Sơn Đồn có những lợi thế như địa hình núi độc đáo, tài nguyên du lịch phong phú và vị trí địa lý thuận lợi. Nơi đây có những điều kiện tiên quyết và lợi thế cơ bản để xây dựng các thị trấn du lịch nổi tiếng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp liên quan. Môi trường sinh thái tuyệt vời, Kim Sơn Đồn có núi non hùng vĩ, độ che phủ rừng cao, được bao quanh bởi hai nguồn nước tự nhiên của sông Thang Vượng và sông Đại Phong, tạo nên một bán đảo tuyệt đẹp non nước trong xanh với bốn mặt là núi, ba mặt là nước. Tài nguyên du lịch phong phú. Các tài nguyên du lịch như đi thuyền trên sông Đại Phong, chèo thuyền tre ở Kim Sơn, các khu nuôi nai ở Kim Sơn, sơn trại Phong Nham, khu thắng cảnh tổng hợp núi Bạch, di tích Đại Lạp Tự, khu cổ mộ núi Hoành đều là cơ sở để phát triển ngành du lịch. Vị trí địa lý được thiên nhiên ưu đãi. Khu Kim Sơn Đồn nằm giữa ba thành phố Y Xuân, Hạc Cương, Giai Mộc Tư, giao thông thuận tiện. Vị trí địa lý này đã mang lại một không gian rộng lớn để phát triển du lịch và trở thành một lợi thế độc nhất của khu Kim Sơn Đồn. Có thể nói rằng, khu Kim Sơn Đồn hội tụ đủ những lợi thế trong việc xây dựng thành một thị trấn du lịch nổi tiếng. Bởi vậy, chính quyền địa phương đã xác định nỗ lực 3 đến 5 năm để xây dựng nơi đây thành một bán đảo xinh đẹp, một thành phố mới đầy sức hấp dẫn, phù hợp để sinh sống, làm việc hoặc du lịch.

Hai là, quy hoạch dẫn đường, kết cấu lại bố cục đô thị. “Quy hoạch tổng thể đô thị khu Kim Sơn Đồn” tập trung vào bố cục tổng thể của đô thị, coi việc quy hoạch đô thị cấp cao là kim chỉ nam cho việc xây dựng đô thị, xác định khu trọng điểm ngành phía Bắc và khu dịch vụ sinh hoạt phía Nam, đồng thời dựa vào quy hoạch để xây dựng một sa bàn lớn về thị trấn du lịch nổi tiếng núi Kim. Một mặt, kết hợp giữa công tác cải tạo khu nhà cũ và quy hoạch tổng thể đô thị, bố trí khoa học chức năng đô thị phân khu khoa học, chất lượng cao. Trong khu vực dịch vụ sinh hoạt phía Nam, một mạng lưới đường đô thị “một vòng, ba trục ngang và ba trục dọc” đã được quy hoạch và xây dựng, tạo khung khổ cho công cuộc xây dựng đô thị. Các cửa hàng dịch vụ đồ uống, khu giải trí văn hóa được quy hoạch xây dựng hai bên đường; xây dựng các khu dân cư, khu nghỉ dưỡng tập luyện thể thao được xây dựng dọc các đường phố, gần khu vực sông hồ thì quy hoạch xây dựng khách sạn gia đình, các khu nhà ở cao cấp kết hợp thương mại gần công viên thì xây dựng các trung tâm dưỡng lão, các khu thắng cảnh du lịch. Mặt khác, kết hợp giữa việc cai tạo các khu nhà cũ và quy hoạch phát triển ngành nghề nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề có liên quan với xây dựng đô thị. Tại khu trọng điểm ngành nghề phía Bắc, di dời 2.630 hộ gia đình trong khu vực đến khu sinh hoạt phía Nam, xây dựng kế hoạch phát triển của từng khu vực, phân khu theo chức năng; hỗ trợ các dự án ngành nghề như dệt may, sản xuất giấy, khai thác, chế biến lâm sản, vật liệu đá, chế biến gỗ và các ngành sản xuất khác nằm ở tại khu vực này, dần dần hình thành một cấu trúc ngành nghề lấy sinh thái làm chủ đạo với bố cục tập trung và phát triển bổ trợ lẫn nhau. Ngoài ra, lâm trường Tiểu Côn Lôn gần khu vực này thích hợp cho việc phát triển chăn nuôi đã được quy hoạch thành một khu chăn nuôi quy mô lớn. Tại khu kinh doanh Phong Câu đã quy hoạch khu đất gây trồng mộc nhĩ với năng suất 10 triệu bao, xây dựng các chính sách ưu đãi, cải thiện cơ sở hạ tầng nước, điện, đường giao thông, thúc đẩy phát triển chuyên sâu, tiêu chuẩn hóa và quy mô lớn của các ngành chăn nuôi đặc trưng.

Ba là, thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết hiệu quả vấn đề xây dựng đô thị. Công cuộc cải tạo các khu nhà cũ liên quan đến lợi ích sống còn của người xét một cách toàn diện những khó khăn cụ thể, qua đó xác định một mặt cần duy trì sự liên tục của các chính sách, tái định cư một cách nhân văn. Các thiết kế phải phù hợp với nhu cầu nhà ở của những nhóm người dân có thu nhập khác nhau để những người có nhà tại khu cải tạo có thể lựa chọn. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính quyền phối hợp tái định cư khu vực nhà máy để đảm bảo hoạt động bình thường. Sau nhiều nỗ lực, hợp sức kiên trì của các bên, công tác này đã có được sự thấu hiểu và ủng hộ của quần chúng. Quần chúng đã chuyển từ sự tháo dỡ và từ chối tháo dỡ sang mong chờ tháo dỡ và chủ động tháo dỡ. Đồng thời, để đảm bảo chất lượng và tiến độ của dự án, một đội giám sát xã hội đã được thành lập với các thành viên đến từ các bộ phận như Ủy ban Kiểm tra kỷ luật khu, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Công đoàn, Giám sát an toàn, cùng với đại diện cộng đồng và đại diện hộ tái định cư. Đội giám sát này sẽ thực hiện giám sát toàn bộ hoạt động của việc cải tạo khu nhà ở cũ. Cán bộ lãnh đạo các cấp và doanh nghiệp thi công áp dụng mô hình làm việc “năm cộng hai, sáng thêm tối[2], toàn lực nắm bắt tiến độ của dự án và đảm bảo rằng mọi người có thể nhanh chóng tái định cư, an tâm định cư.

Bốn là, hỗ trợ theo dõi, cải thiện năng lực chịu tải của đô thị. Trong khi đẩy nhanh xây dựng đô thị, các công trình hỗ trợ cũng sẽ được quy hoạch và thi công đồng bộ. Một là, xây dựng mạng lưới đường bộ đồng bộ. Dựa trên nguyên tắc dưới mặt đất trước, trên mặt đất sau, tiến hành lắp đặt toàn diện các đường ống nước, dẫn điện, dẫn khí đốt, dẫn nhiệt theo tiêu chuẩn có thể sử dụng trong vòng 100 năm. Đường ống dưới những tuyến đường chủ chốt “một vòng, ba trục dọc, ba trục ngang” có đường kính lớn nhất lên tới 1,6 m, nước mưa và nước thải có đường ống riêng. Quy mô của các hạng mục ngầm được thiết kế bảo đảm đời sống cho từ 70.000 người trở lên, loại bỏ hoàn toàn tình trạng phải “mổ xẻ công trình lần nữa” sau khi hoàn thành dự án chính trên mặt đất. Hai là, phủ xanh đồng bộ. Mô hình truyền thống thực hiện phủ xanh sau khi hoàn thành dự án cải tạo sẽ thúc đẩy đồng bộ việc làm đẹp và phủ xanh các khu vực trọng điểm như các công trình công cộng xanh, điểm danh lam thắng cảnh, lối ra vào của thị trấn và khu dân cư mới. Trong khái niệm phủ xanh, tập trung vào việc kết hợp các loại phủ xanh nơi sở tại với phủ xanh từ bên ngoài vào, thể hiện rõ nét hiệu quả phủ xanh “hoa cỏ xanh mướt, cảnh sắc tươi mới”. Ba là, xây dựng các cơ sở dịch vụ cộng đồng một cách đồng bộ. Từ trường học, nhà trẻ đến nhà tắm công công, trung tâm giải trí, nhà hàng, khách sạn, khu thương mại, từ bãi đậu xe, nhà chở xe, nhà trông giữ xe đạp, nhà vệ sinh công cộng đến thùng rác, tất cả đều được quy hoạch thống nhất và tiến hành đồng bộ.

Năm là, đẩy mạnh phát triển chung và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các dự án ngành nghề. Để tránh đô thị hóa “rỗng”, căn cứ vào chiến lược phát triển sản xuất tích hợp trong thành phố, cần tập trung vào việc kết hợp xây dựng đô thị với phát triển các dự án ngành nghề, không ngừng cải thiện giá trị văn hóa và nội hàm của các thị trấn du lịch nổi tiếng. Làm nổi bật những đặc điểm nổi bật của du lịch, xây dựng đồ thị và phát triển ngành du lịch bổ sung cho nhau. Làm nổi bật hơn nữa vai trò chủ đạo chiến lược của ngành du lịch trong việc xây dựng các thị trấn du lịch, điều chỉnh và cải thiện công tác quy hoạch tổng thể và bố trí khoa học quá trình phát triển ngành du lịch trong toàn khu vực; tăng mức độ phổ biến của các thương hiệu dự án du lịch nổi tiếng như “đi thuyền trên sông Đại Phong, chèo thuyền tre ở Kim Sơn, ngắm nai ở Kim Sơn, nghỉ dưỡng ở sơn trại Phong Nham”, khởi động phát triển dự án du lịch đặc sắc ở bốn ngọn núi trong thị trấn với trọng tâm là khu thắng cảnh núi Tây. Xây dựng và cải thiện các điểm du lịch quen thuộc hơn trong thị trấn như Công viên Kim Sơn và di tích Đại Lạp Tự nhằm tăng thêm sức sống và động lực cho ngành du lịch. Bên cạnh đó, làm nổi bật các đặc sắc của thương mại, tạo nên một thị trấn thương mại kiểu mới. Một hệ thống dịch vụ thương mại hoàn hảo là đòn bẩy quan trọng cho việc xây dựng các thị trấn du lịch nổi tiếng. Với quan điểm này, việc xây dựng các công trình như thành phố giải trí cao cấp, hội quán thương mại Kim Thủy Loan, tòa nhà chung cư cao cấp ven sông do tập đoàn Tử Duy Hồng Công kêu gọi đầu tư và xây dựng trung tâm hội nghị cấp cao có thể tổ chức các hội nghị cấp cao và phục vụ cho ở ăn uống đã giúp cho quan hệ thương mại với bên ngoài và khả năng tổ chức hội nghị của thị trấn tăng lên đáng kể.

Ngoài ra, thiết kế này làm nổi bật đặc sắc nhân văn, di sản lịch sử và văn hóa của thị trấn. Đi sâu vào lịch sử và yếu tố nhân văn kết hợp văn hóa Kim Tổ, văn hóa tôn giáo, văn hóa chống liên minh, văn hóa rừng và văn hóa giải trí vào việc xây dựng thị trấn, tăng nội hàm văn hóa và cải thiên giá trị thị trấn. Bảo tàng Kim Sơn và Trung tâm hoạt động văn hóa Kim Sơn quy mô lớn đã được mở cửa cho công chúng. Công viên giải trí Kim Sơn với diện tích 100.000 m tích hợp các chức năng nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí và tham quan. Việc mở rộng Công viên Văn hóa tôn giáo chùa Thiên Long có diện tích 200.000 m2 và triển khai các dự án văn hóa như nhà thờ Cơ đốc giáo và nhà thờ Hồi giáo đã thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng của du lịch và văn hóa, đem đến nội hàm văn hóa to lớn vào các thị trấn du lịch.

 


[1] Hoàng Lưu Quốc: Con đường đô thị hóa đặc sắc Trung Quốc: Mô hình, động lực và sự bảo đảm”, Học báo đại học Trịnh Châu, 2020

[2] “Năm cộng hai, sáng thêm tối" ý chỉ do mật độ công việc cao, nhiều áp lực nên phải áp dụng mô hình làm việc tăng ca, thêm giờ làm. “Năm cộng hai" nghĩa là ngoài việc làm 5 ngày hành chính trong tuần thì cộng thêm 2 ngày cuối tuần. “Sáng thêm tối nghĩa là ngoài làm việc 8 giờ/n gày (theo giờ hành chính) còn phải làm tăng ca đến tối (BT).

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành