Thứ sáu, 14 Tháng 7 2023 08:03

Bình luận về thu hồi tài sản tham nhũng không dựa trên kết án ở góc độ pháp lý

Ở Việt Nam, vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những biện pháp chống tham nhũng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ cách đây hơn 30 năm, tại Quyết định số 240/HĐBT ngày 26/6/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về đấu tranh chống tham nhũng và Chỉ thị số 416/CT ngày 3/12/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc tăng cường công tác thanh tra, điều tra, xử lý các việc tham nhũng và buôn lậu. Vấn đề này sau đó tiếp tục được tái quy định trong Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998, Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung sau đó vào các năm 2010, 2012), Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 và Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020 của Chính phủ. Tuy nhiên, các quy định về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam hiện mới chỉ mang tính nguyên tắc và chưa được chú trọng áp dụng trong thực tế. Hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng thường thấp, tính chung trong giai đoạn 2006 - 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chưa đến 10%[1], và 10 tháng đầu năm 2022 tổng số phải thi hành là 3.973 việc, tương ứng với 89.609 tỷ 972 triệu đồng; trong đó: số có điều kiện thi hành là 2.739 việc tương ứng với 43.593 tỷ 296 triệu đồng; đã thi hành xong 1.895 việc, tương ứng với 15.989 tỷ 592 triệu đồng (tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021)[2], trong đó việc thu hồi tài sản tham nhũng không dựa trên kết án chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó trước tiên là sự thiếu vắng một khuôn khổ pháp lý toàn diện và hiệu quả cho hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng bằng các biện pháp phi hình sự. Điều đó đòi hỏi cần có những nghiên cứu chuyên sâu để hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng không dựa trên kết án để vận dụng phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.

Thu hồi tài sản tham nhũng là cách khắc phục hậu quả về vật chất của hành vi tham nhũng, được coi là khâu khó khăn nhất đối với các nhà nước, trong bối cảnh tội phạm tham nhũng ngày càng tinh vi trong việc che dấu tài sản. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, việc chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng là cách tiếp cận phù hợp vì việc thu hồi tài sản giúp triệt tiêu động cơ và động lực tham nhũng nhằm thu lợi bất chính. Tuy nhiên, thu hồi tài sản tham nhũng theo cách thức truyền thống, thông qua việc kết án nhằm gián tiếp thu lại các tài sản bị “đánh cắp” để trả lại cho chủ sở hữu hoặc sung công, đang ngày càng trở nên kém hiệu quả vì tài sản bị “đánh cắp” được “tẩu tán” nhanh hơn nhiều so với dấu vết để lại. Do vậy, các chính phủ trên thế giới bắt đầu chuyển hướng trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, bằng các hình thức phi hình sự. Kết quả cho thấy hiệu quả thu hồi bằng các biện pháp phi hình sự tỏ ra hiệu quả hơn, dù vậy, hầu hết các quốc gia chỉ áp dụng khi các biện pháp thu hồi bằng bản án tỏ ra không hiệu quả, kèm theo các lo ngại xâm phạm đến quyền con người.

Thu hồi tài sản tham nhũng không qua thủ tục kết tội là quy trình đặc biệt của cơ quan nhà nước, không xét xử bị cáo hay hành vi phạm tội mà tập trung vào xử lý tài sản được cho là có nguồn gốc hoặc có liên quan đến tội phạm, với mục đích thu hồi về cho ngân sách nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp của tài sản. Đây là cách tiếp cận mới trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án về kinh tế, tham nhũng, nảy sinh từ yêu cầu thực tiễn khi những biện pháp thu hồi tài sản theo cách thức truyền thống không giải quyết được các bất cập do gặp khó khăn trong xác minh, thu thập chứng cứ và chứng minh mối liên hệ giữa tài sản và hành vi phạm tội.

Ưu điểm chính của các biện pháp thu hồi tài sản không qua kết tội là yêu cầu tiêu chuẩn về chứng cứ tại các phiên tòa dân sự thấp hơn so với các phiên tòa hình sự, qua đó tạo thuận lợi cho việc thu hồi tài sản. Nói cách khác, biện pháp thu hồi không thông qua thủ tục kết tội giúp khắc phục được một trong những khó khăn lớn nhất là việc phải chứng minh tội phạm và nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản được cho là do phạm tội mà có. Ngoài ra, ưu điểm của biện pháp này còn thể hiện ở chỗ, việc khởi kiện dân sự có thể được mở rộng tới các bên thứ ba, có thể là bất kỳ ai đã hỗ trợ cho bị đơn chính như: các thành viên gia đình, cộng sự thân thiết, các bên trung gian, các định chế tài chính, luật sư, kế toán…; và trong khởi kiện dân sự, các quan chức hoặc cựu quan chức cùng tài sản của họ không được hưởng quyền miễn trừ.

Tuy nhiên, thực hiện cơ chế này cũng đặt ra hàng loạt vấn đề cần giải quyết như phạm vi và mục tiêu của cơ chế này nhằm vào nhóm tội phạm nào, các trường hợp nào cần thiết sử dụng cơ chế, phương thức tịch thu ra sao… Bên cạnh đó, cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội sẽ không hiệu quả nếu không tính đến các cơ chế hỗ trợ như: tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan…

Tuỳ theo hệ thống pháp luật quốc gia, căn cứ để thu hồi tài sản tham nhũng có thể dựa trên dấu hiệu làm giàu bất chính hoặc nguyên tắc không ai được hưởng lợi từ tài sản được thủ đắc một cách bất hợp pháp trong khi người sở hữu tài sản không thể chứng minh được nguồn gốc của tài sản... Khi đó, nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản thuộc về người đang thủ đắc tài sản. Với biện pháp này, cơ quan chức năng chỉ cần chứng minh rằng tài sản có liên quan đến một hành vi bất hợp pháp dựa trên tiêu chuẩn bằng chứng “xác suất đáng tin” - một tiêu chuẩn thấp hơn so với tiêu chuẩn của bằng chứng hình sự. Mặc dù đây là một biện pháp rất nhanh chóng và hiệu quả nhưng gây tranh cãi lớn vì nếu không áp dụng thận trọng sẽ dẫn đến nguy cơ vi phạm một số quyền cơ bản của con người như quyền được xét xử công bằng, quyền suy đoán vô tội, quyền bí mật đời tư.

Biện pháp này thường được áp dụng trong các trường hợp thu hồi tài sản tham nhũng không có tranh chấp hoặc đối với khoản tiền mặt không lớn. Ở Đức, Luật Vi phạm Hành chính (German Administrative Offence Act)[3] quy định trừng phạt hành vi hối lộ bằng việc ấn định các khoản tiền phạt lớn. Cụ thể, ngay cả khi chưa thể truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân, các doanh nghiệp có thể phải chịu hình phạt lên tới 01 triệu Euro do hành vi tham nhũng thực hiện bởi người đại diện hoặc nhân viên của họ. Việc thực thi hình phạt tiền không loại trừ khả năng thu hồi những lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp có được nhờ hành vi hối lộ. Trong vụ án của tập đoàn Siemens Telecom, tập đoàn này đã phải nộp khoản tiền phạt lớn theo quy định của pháp luật hành chính do hành vi đưa hối lộ tại nhiều quốc gia để giành được các hợp đồng với chính phủ. Trong khi đó, pháp luật Mỹ quy định, Chính phủ có thể sử dụng các biện pháp hành chính để thu hồi bất cứ tài sản nào có giá trị không quá 500.000 đô-la; bất cứ tài sản hay phương tiện nào có liên quan đến tội phạm, các phương tiện vận chuyển không giới hạn giá trị và mệnh giá[4]. Tuy nhiên, biện pháp này không áp dụng đối với các bất động sản.

Thái Lan là một trong số ít quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cho phép thu hồi tài sản tham nhũng bằng biện pháp hành chính, tuy nhiên chỉ áp dụng đối với tội trốn thuế. Theo đó, các cơ quan thuế có thể áp dụng biện pháp tịch thu hành chính đối với mọi loại tài sản mà không đặt ra bất cứ giới hạn nào về giá trị tài sản. Nếu chủ sở tài sản không đồng tình thì tranh chấp về tài sản sẽ được tòa án giải quyết[5].

Thực tiễn cho thấy, đa số các quốc gia đều ghi nhận quyền tài sản là quyền hiến định. Vì vậy, thu hồi tài sản tham nhũng bằng biện pháp hành chính không phổ biến và được khuyến nghị chỉ áp dụng đối với các động sản hoặc các khoản tiền mặt nhỏ.

 


[1] Chính phủ CHXHCN Việt Nam (2014), Báo cáo số 382/BC-CP ngày 09/10/2014 của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014.

[2] Chính phủ CHXHCN Việt Nam (2022), Báo cáo số 410/BC-Chính phủ ngày 12/10/2022 của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

[3] Jost Arnsperger (2013), Anti-Corruption Blog: German Anti-Bribery and Anti-Corruption Law:   An Introduction, http://www.anticorruptionblog.com/germany/german-anti-bribery-and- anti-corruption-law-an-introduction/ (truy cập ngày: 30/9/2021)

[4] Richard M.Thompson II (2015), Asset Forfeiture: Selected Legal Issues and Reforms, pg.4.

[5] Tilleke & Gibbins Lawyers, Karsta Straaub (2004), An overview of Thailand’s Anti-corruption Legislation, pg.96.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành