Thứ tư, 19 Tháng 7 2023 08:19

Pháp luật hình sự trong bối cảnh toàn cầu hóa

Trong bối cảnh toàn cầu hóa những thay đổi quan trọng gần đây của pháp luật Việt Nam đối với lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm, mà trước hết là pháp luật hình sự và tố tụng hình sự đã cho thấy rõ hai phương diện chính là thay đổi cấu trúc tội phạm và giá trị con người.

Sự thay đổi của pháp luật hình sự với sự tác động của các hiện tượng toàn cầu đã làm thay đổi cấu trúc tội phạm, trong đó có những loại tội mới chưa từng có ở Việt Nam hoặc các tội phạm xuyên quốc gia, và theo đó là sự phản ứng nhanh nhạy của pháp luật Việt Nam bảo đảm thích ứng và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm này, bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế trong lĩnh vực phòng chống tội phạm.

Bên cạnh đó, dưới tác động của những tư tưởng tiến bộ và giá trị phổ biến toàn cầu là tư tưởng nhân đạo, pháp quyền, các giá trị cần được tăng cường bảo vệ như quyền con người, công bằng và công lý, pháp luật hình sự và tố tụng hình sự đã có những thay đổi theo hướng nhân đạo hóa trách nhiệm hình sự, hình phạt, thi hành án hình sự, quy định chặt chẽ và minh bạch các thủ tục tố tụng để phòng, chống lạm dụng các quyền tố tụng dẫn đến oan, sai; tiếp thu các yếu tố tố tụng công bằng, bảo đảm quyền tiếp cận công lý của người dân.

Dưới ảnh hưởng của toàn cầu hóa, những thay đổi của chính sách hình sự được thể hiện thông qua việc mở rộng phạm vi của trách nhiệm hình sự đối với các hành vi với tính cách là những “sản phẩm không mong đợi” của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa. Những thay đổi theo hướng mở rộng này liên quan chủ yếu đến những hành vi nguy hiểm mới dưới các hình thức tổ chức tội phạm và tham gia các tổ chức tội phạm, trước hết và nguy hiểm nhất là tội khủng bố. Chẳng hạn, Điều 113 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã coi các hành vi “cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo huấn luyện phần tử khủng bố, chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố” là hành vi “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” và tương tự, Điều 300 của Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã xác định những hành vi nào thuộc tội khủng bố nhằm xâm phạm an toàn công cộng. Những quy định này nhằm thực hiện các điều ước quốc tế về phòng chống khủng bố mà Việt Nam đã tham gia như Công ước năm 1963 về các tội phạm thực hiện trên tàu bay; Công ước năm 1970 về trừng trị việc chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay; Công ước quốc tế năm 1999 về trừng trị việc tài trợ khủng bố; Công ước ASEAN năm 2007 về chống khủng bố. Tham gia Công ước của Liên hợp quốc năm 2003 về chống tham nhũng, năm 2003 Nhà nước Việt Nam đã ban hành Luật Phòng chống tham nhũng và đã hai lần sửa đổi, bổ sung đạo luật này vào năm 2012 và 2018. Những bổ sung, sửa đổi đó đã tỏ ra rất kịp thời nhằm mục đích bảo đảm kịp thời đấu tranh phòng, chống các tội phạm mới và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Chẳng hạn, về tội rửa tiền: ngày 18/6/2012 Quốc hội Việt Nam đã ban hành một văn bản riêng: Luật Phòng, chống rửa tiền. Tiếp đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng đã bổ sung tội rửa tiền (Điều 324). Các biện pháp phòng chống rửa tiền đã lần lượt được quy định một cách đồng bộ trong những văn bản pháp luật khác như Luật Ngân hàng nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm v.v… Những giải pháp lập pháp của Việt Nam đã bảo đảm phù hợp hơn với yêu cầu của Công ước chống tham nhũng, theo đó, Công ước đòi hỏi quốc gia thành viên thiết lập một chế độ giám sát và điều tiết toàn diện đối với các ngân hàng, các tổ chức tài chính, kể cả các thể nhân hay pháp nhân cung cấp dịch vụ về chuyển tiền hoặc vật có giá trị, và khi thích hợp, cả những tổ chức khác có khả năng phát sinh rửa tiền, ngăn chặn mọi hình thức rửa tiền.

Bộ luật Hình sự Việt Nam cũng đã quy định những tội phạm mới khác có nguồn gốc từ mặt trái của toàn cầu hóa như tội mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ, nô lệ tình dục (các Điều 150 và 151), cưỡng bức lao động theo kiểu nô lệ nói chung và đối với trẻ em nói riêng (Điều 297).

Nhằm đảm bảo phù hợp với công ước của LHQ năm 2003 (United Nation Convention against Corruption - UNCAC) về tội phạm hóa các biểu hiện tham nhũng trong khu vực tư, các hành vi mua chuộc công chức các cơ quan công quyền quốc gia cũng như những người có chức vụ trong tổ chức quốc tế và cũng đồng thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh chống tội phạm, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mở rộng hơn phạm vi một số hành vi phạm tội tham nhũng sang lĩnh vực ngoài nhà nước và doanh nghiệp (khoản 5 Điều 533 - Tội tham ô; khoản 6 Điều 364 - Tội đưa hối lộ; khoản 7 Điều 365 - Tội môi giới hối lộ).

Phù hợp với xu hướng chung của thế giới, chính sách hình sự và pháp luật hình sự Việt Nam đã có sự thay đổi trong quan điểm về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Bộ luật Hình sự năm 2015, bổ sung, sửa đổi năm 2017 đã dành một chương riêng (chương XI) để quy định về pháp nhân thương mại phạm tội. Việc đưa các pháp nhân kinh doanh vào quỹ đạo tác động của tư pháp hình sự là điều cần thiết, phù hợp với xu hướng chung trên thế giới, đáp ứng những đòi hỏi của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, chẳng hạn như Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000 (United Nations Convention against Transnational Organized Crime). Song song với việc quy định thêm một số tội phạm mới nhằm đấu tranh kịp thời và có hiệu quả với tình hình tội phạm ở nước ta trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế của Nhà nước ta, chính sách hình sự của Việt Nam vẫn luôn luôn nhất quán với xu hướng tiếp cận với những giá trị pháp quyền nhân văn của dân tộc và của thời đại.

Việt Nam nằm trong số 65 quốc gia vẫn duy trì và áp dụng hình phạt tử hình. Tuy nhiên, như Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đã xác định là “hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Theo tinh thần đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã tăng số lượng các điều luật quy định các tội không áp dụng tử hình, từ 6 điều theo Bộ luật Hình sự năm 1999, lên 26 điều, chỉ duy trì hình phạt tử hình đối với 18/314 tội danh (giảm 17 tội danh so với Bộ luật Hình sự năm 1999). Bộ luật quy định chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc các nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về tham nhũng, ma túy. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên và phụ nữ đang mang thai. Bộ luật cũng quy định không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình nhưng đã chủ động giao nộp lại cho Nhà nước tối thiểu là ¾ số tiền tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn (Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Trong tố tụng hình sự, xu hướng xác lập những hình thức tố tụng công bằng nhằm thỏa mãn nhu cầu thực hiện quyền tiếp cận công lý và bảo vệ công lý cho người dân đã được pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam tiếp cận mạnh mẽ trong những năm gần đây trên cơ sở chủ trương cải cách tư pháp và những quy định có tính vượt trội của Hiến pháp năm 2013 thông qua việc tiếp cận và ghi nhận những nguyên tắc được coi là có vai trò xoay chuyển tính chất và định hướng của mô hình tố tụng hình sự Việt Nam. Đó là nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự.

Nguyên tắc suy đoán vô tội là nguyên tắc quan trọng bậc nhất có giá trị bảo đảm và bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự, lần đầu tiên được ghi nhận trong Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 (Điều 9.1), sau đó là trong Công ước của Liên hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Điều 14.2). Cụ thể hóa nguyên tắc suy đoán vô tội, Điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Tố tụng tranh tụng là mô hình đặc trưng của hệ thống Thông luật, trong khi mô hình đặc trưng của hệ thống Dân luật là mô hình thẩm vấn. Có thể thấy rằng, ngày nay trong quá trình tiếp cận và xích lại gần nhau giữa hai hệ thống lớn của pháp luật trên thế giới thì xu hướng thâm nhập các yếu tố của Thông luật vào hệ thống Dân luật là rõ nét nhất qua việc ngày càng có nhiều hệ thống pháp luật của các quốc gia theo hệ Dân luật thừa nhận áp dụng án lệ của Tòa án, áp dụng chế định bồi thẩm đoàn, thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong các vụ án hình sự[1]. Tính ưu việt của mô hình tố tụng tranh tụng xuất phát từ khả năng bảo đảm cao hơn tính công khai, công bằng của quá trình tố tụng, nhất là trong việc chứng minh sự thật của vụ án, tránh oan, sai; tạo lợi thế cho người bị buộc tội tiếp cận công lý. Vì lẽ đó, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc và tiếp cận một cách khoa học những yếu tố ưu việt chủ đạo này, Nghị quyết 49 năm 2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đã coi Tòa án là trung tâm của hệ thống tư pháp và nâng cao chất lượng tranh tụng là khâu đột phá của hoạt động tư pháp[2] và trên cơ sở đó, Hiến pháp năm 2013 đã chính thức hiến định nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.

 


[1] Đào Trí Úc (2011), “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam cần được đổi mới và hoàn thiện theo hướng nào?”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (15), tr. 26-33; Nguyễn Thị Thủy (2014), Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam và vấn đề áp dụng tố tụng tranh tụng, Luận án Tiến sĩ Luật học, Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật; Nguyễn Văn Hiển (2010), Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận án Tiến sĩ luật học, Viện Nhà nước và Pháp luật.

[2] Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam (2005), Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nội.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành