Thứ hai, 17 Tháng 7 2023 14:58

Sự thay đổi trong phương pháp điều chỉnh và cấu trúc điều chỉnh của pháp luật

1.Sự thay đổi trong phương pháp điều chỉnh pháp luật

Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, ngày càng xuất hiện nhiều những ngành luật mới, trong số đó có những ngành mà thực chất là những tổ hợp phức hợp các quy phạm và chế định luật công và luật tư với nhau như luật lao động, luật nông nghiệp, pháp luật về sở hữu công nghiệp và quyền tác giả, luật hàng không, luật về rừng, luật về mỏ, luật bảo hiểm, luật vận tải và tư pháp quốc tế[1].

Cùng với xu hướng đó, trong cấu trúc của hệ thống pháp luật Việt Nam cũng đã ngày càng có nhiều các tổ hợp pháp luật điều chỉnh một cách tổng hợp những quan hệ mới, chẳng hạn như pháp luật về đất đai, pháp luật an sinh xã hội bao gồm trong đó pháp luật về bảo hiểm xã hội, về ưu đãi xã hội, pháp luật về bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa; pháp luật về giáo dục, về y tế, về khoa học và công nghệ. Bộ luật Lao động năm 2015 đã xác định rõ: “Quan hệ lao động giữa người lao động hoặc tập thể lao động với người sử dụng lao động được xác lập qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau (Điều 7 Bộ luật Lao động); người lao động được làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm” (Điều 10 Bộ luật Lao động).

Ví dụ điển hình nhất của “yếu tố tư” trong luật hành chính là chế định hợp đồng hành chính. Ở Việt Nam, hình thức hợp đồng được áp dụng phổ biến gần đây trong các cơ quan công quyền là hợp đồng tuyển dụng công chức ngoại ngạch như lái xe, bảo vệ; hợp đồng cung ứng vật tư, kỹ thuật cho cơ quan nhà nước, trong đó bên cung ứng có thể là bất kỳ cá nhân, tổ chức nào đáp ứng các điều kiện do bên yêu cầu cung ứng đặt ra; hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) là hợp đồng giữa một bên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền với bên khác là nhà đầu tư để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng. Ngày 10/4/2019 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Theo Nghị định này, trong các trường hợp như đặt hàng (Điều 14), đấu thầu (Điều 16) cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (Điều 19); đặt hàng, đấu thầu sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích (Điều 21) đều áp dụng hình thức ký kết hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhà sản xuất, kinh doanh. Dự thảo Luật Hành chính công đang được trình Quốc hội xem xét, ban hành đã đưa ra các khái niệm dịch vụ công, dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích, theo đó những loại hình dịch vụ này đều được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau, trong đó coi trọng xã hội hóa cung ứng dịch vụ công, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ công khi đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ. Trong số các cách thức cung ứng dịch vụ hành chính công, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, cung ứng dịch vụ công ích, Dự thảo Luật đều quy định việc thuê, mua dịch vụ hành chính công của tổ chức, cá nhân (Điều 20, Điều 25 và Điều 31).

2.Sự thay đổi trong cấu trúc điều chỉnh pháp luật

Quá trình tương tác giữa các hệ thống pháp luật trên thế giới cũng đã dẫn đến sự tiếp thu lẫn nhau trong cấu trúc truyền thống của hệ thống pháp luật. Ngoài việc tiếp nhận những giá trị của nhau như lẽ công bằng, án lệ của Tòa án, vai trò của pháp luật thực định của các loại nguồn pháp luật mới như đã nêu ở phần trên, quá trình tương tác ấy đã cho thấy có nhiều yếu tố của hệ thống Thông luật đã được tiếp thu vào hệ thống Dân luật và ngược lại. Hiện tượng đó trước hết có thể được thấy rất rõ trong việc các hệ thống pháp luật trong hệ Dân luật ngày càng tiếp cận với quan điểm của Thông luật đề cao vai trò của luật tố tụng.

Có thể thấy rằng, nếu xem xét từ góc độ so sánh và góc độ thay đổi trong cấu trúc như vậy thì việc trong hệ thống pháp luật Việt Nam càng ngày càng có nhiều hơn các hình thức tố tụng tư pháp là một điều hoàn toàn phù hợp, khi Hiến pháp tuyên bố Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN (Điều 2) và việc “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân” đã được đặt lên vị trí ưu tiên của việc điều chỉnh pháp luật. Vì thế, Nghị quyết số 49 nêu trên của Bộ Chính trị đã chỉ rõ một nhiệm vụ quan trọng trong cải cách tư pháp là coi trọng hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp. Từ đó, trong hệ thống pháp luật Việt Nam pháp luật tố tụng đã dần dần có vị trí xứng đáng.

Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 1988 là bộ luật thủ tục đầu tiên ở Việt Nam, đã nhiều lần được sửa đổi, bổ sung (2003, 2015) theo hướng công bằng và minh bạch hơn. Kế đó là sự ra đời của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2011 và 2015. Năm 2010, Luật Tố tụng Hành chính đã được ban hành đánh dấu một mốc quan trọng của tố tụng tư pháp về hành chính tại Việt Nam, bao gồm các thủ tục giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính; khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống; khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh (Điều 28 Luật Tố tụng Hành chính). Mặc dù vẫn cần thấy rằng, đây chỉ là bước đi đầu tiên trong quá trình hoàn thiện thủ tục tố tụng quan trọng này, nhưng vẫn có thể   nói một cách không hề cường điệu rằng, sự ra đời và vận hành thủ tục tư pháp vềtố tụng hành chính là chỉ dấu hết sức vượt trội của việc cụ thể hóa tư tưởng pháp quyền ở Việt Nam, nếu chúng ta nhớ lại rằng, tàn dư nhận thức mà chế độ phong kiến và gần nhất là cơ chế hành chính, tập trung, quan liêu để lại là những “vùng cấm”, là tư tưởng không chấp nhận việc “dân kiện quan”!

Dưới ảnh hưởng và để phù hợp với đòi hỏi của toàn cầu hóa, khu vực hóa, phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh và phương thức điều chỉnh của pháp luật Việt Nam đã có sự thay đổi lớn trong những năm qua. Về lập pháp, Nhà nước Việt Nam đã xác lập cơ chế bảo đảm sự tương thích của pháp luật nước nhà với pháp luật quốc tế; đồng thời, bằng các kênh chuyển hóa pháp luật đã có nhiều chế định, quy phạm pháp luật mới tương thích với các chuẩn mực pháp luật quốc tế; tiếp nhận nhiều chế định pháp luật tiến bộ và phù hợp từ các hệ thống pháp luật khác; xác lập cơ chế và hình thức bảo đảm cho thực tiễn áp dụng pháp luật có khả năng thích ứng hơn với thực tiễn pháp luật quốctế.

 


[1]RenéDavid(1978),LesGrandsSistêmsdeDroitComtemporains,Dalloz,Paris, p.280

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành