Thứ hai, 22 Tháng 9 2014 00:00

Quan điểm đổi mới quản lý chi NSNN phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường

Thực trạng của quản lý chi NSNN hiện nay, mặc dù đã có những bước tiến đáng kể từ khi có Luật NSNN năm 1996 và ngày càng hoàn thiện hơn khi Luật ngân sách nhà nước được sửa đổi bổ sung năm 2002, song cũng đặt ra cho chúng ta những trăn trở: với nguồn lực hạn hẹp lại được sử dụng dàn trải, chưa có thước đo hiệu quả sử dụng ngân sách nên tình trạng lãng phí, thất thoát còn chưa được quan tâm đầy đủ.

Yêu cầu của quá trình hội nhập cũng đặt ra cho chúng ta phải tiếp cận với phương thức quản lý mới hiện đại và phù hợp với xu hướng chung.

Bước vào hội nhập và đổi mới, chúng ta đang thực hiện cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực trong đó tài chính công cũng phải được thay đổi mạnh mẽ về tư duy, thay đổi tâm lý muốn như kéo phương thức cũ đơn giản đã ăn sâu trong tiềm thức một thời gian dài của một nước nghèo lại trải qua chiến tranh suốt 30 năm. Đối mới phương thức quản lý chi thực chất là cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính công phù hợp với tư duy quản lý tiến bộ hơn và góp phần cho công cuộc cải cách hành chính đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.

Trước áp lực và cơ hội đặt ra cần phải đổi mới phương thức chi ngân sách, đây là đòi hỏi mang tính khách quan đảng bảo yếu tố quản lý luôn phải thay đổi theo hướng tích cực để phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế.

Định hướng phát triển kinh tế của đất nước ta là phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, vì vậy tất yếu quản lý nói chung và quản lý chi ngân sách nói riêng phải phù hợp với cơ chế thị trường, khắc phục phân hoá sâu sắc giàu nghèo, phải hướng về con người, đảng bảo phát triển bền vững và giải quyết vấn đề công bằng xã hội, đó là định hướng xã hội chủ nghĩa là, mục tiêu chúng ta theo đuổi.

Để tiếp cận công cụ và giải pháp quản lý mới, trước hết cần cụ thể hoá yêu cầu cơ bản, đó là cần quán triệt các quan điểm quản lý chi NSNN sau đây.

1. Quản lý chi NSNN phải lấy hiệu quả làm mục tiêu trọng tâm

Bản thân cơ chế thị trường được vận hành gắn liền với hiệu quả, hay nói cách khác nói đến cơ chế thị trường người ta nghĩ ngay đến đặt hiệu quả đặt lên mục tiêu hàng đầu: tiêu thức thể hiện hiệu quả là xác định chi phí thấp nhất cho một kết quả cụ thể hoặc đạt kết quả tết nhất với cùng một mức chi phí, quan điểm này chi phối toàn bộ quy trình sản xuất hàng hoá tư nhân của cơ chế thị trường. Đối với lĩnh vực cung cấp dịch vụ công cũng vậy, xu hướng chung là hướng tới mục tiêu hiệu quả, và để đạt tới mục tiêu đó, người ta áp dụng công cụ quản lý, tương tự như công cụ quản lý xí nghiệp tư nhân.

Xét thực trạng quản lý chi NSNN trong thời gian qua với những bất cập như nặng về tư duy bao cấp, lãng phí, dàn trải, không coi trọng hiệu quả cuối cùng; Mặt khác chủ trương của Nhà nước ta là phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, vì vậy việc tuân thủ quy luật của kinh tế thị trường là tất yếu, điều đó lý giải điều mà chúng ta đang hướng tới, là phát triển kinh tế hàng hoá đa dạng, phong phú dựa trên sự cạnh tranh lành mạnh để thoả mãn nhu cầu tăng lên không ngừng của xã hội. Trong đó hàng hoá dịch vụ công là bộ phận quan trọng của đời sống xã hội cũng bình đẳng như hàng hoá tư nhân khác, cũng phải được tính toán hiệu quả, sao cho với chi phí hợp lý, hàng hoá dịch vụ được cung cấp với chất lượng tốt nhất, thoả mãn tốt nhất nhu cầu người hưởng thụ.

2. Quản lý chi NSNN cần kết hợp các phương thức vừa truyền thống hiện có, vừa tiên tiến hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế

Như phân tích ở chương 2, quản lý chi theo yếu tố đầu vào truyền thống hiện vẫn đang được áp dụng phổ biến và về cơ bản cũng thể hiện tính tích cực, thậm chí ở một số nội dung vẫn cần duy trì phương thức này lâu dài. Tuy nhiên, phương thức quản lý chi NSNN theo đầu ra đang được nhiều nước áp dụng đã thể hiện tính ưu việt hơn hẳn sẽ từng bước thay thế cho phương thức cũ, song điều đó không có nghĩa là xoá bỏ hoàn toàn mà cần áp dụng đan xen cho phù hợp với mục đích quản lý, nội dung và đặc thù từng khoản chi. Đối với chương trình dự án và công cụ kế hoạch cũng như vậy, cần hướng tới sự phù hợp với thông lệ Quốc tế kết hợp với những yếu tố quản lý truyền thống còn tỏ rõ tính ưu việt để kế thừa và duy trì.

Các công cụ tiên tiến bao gồm hệ thống tiêu chuẩn định mức để xác định chi phí đầu vào, các thước đo kết quả đầu ra để xác định chi phí cho một đầu ra là bao nhiêu, đồng thời là căn cứ so sánh giữa các cơ quan cung ứng một đầu ra giống nhau chi phí hết bao nhiêu, từ đó mới xác định được đơn vị cung ứng đầu ra đạt hiệu quả ở mức độ nào. áp dụng chế độ kế toán dồn tích như các doanh nghiệp cung ứng hàng hoá tư nhân để tính toán đầy đủ chi phí (bao gồm cả chi phí khấu hao tài sản). Chế độ kế toán này cho phép tập hợp toàn bộ chi phí đầu vào, làm căn cứ phân bổ chi phí cho từng đầu ra.

Cơ chế thị trường luôn đòi hỏi hệ thống chính sách đồng bộ theo hướng mở để tạo điều kiện các đơn vị chủ động cao nhất, tạo động lực để các đơn vị cạnh tranh lành mạnh, cung cấp những hàng hoá dịch vụ công tết nhất thị trường đòi hỏi.

Hệ thống chính sách đồng bộ gồm luật ngân sách, các luật pháp liên quan luật ngân sách như luật tổ chức các cấp chính quyền, các chính sách tài chính về phân cấp ngân sách, trao quyền tự chủ, bộ máy biên chế, chính sách về quản lý bội chi và cân đối ngân sách v.v.. Hệ thống luật pháp đồng bộ cho phép quản lý chi ngân sách vận hành có cơ sở pháp lý và thống nhất.

3. Quản lý chi NSNN phải luôn gắn với chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước, đảm bảo thế cân đối động và có tầm nhìn dài hạn

Cơ chế thị trường tự bản thân nó mang tính linh hoạt, có nhiều biến động, mỗi biến động có tác động đến không chỉ một ngành, lĩnh vực mà có ảnh hưởng tới phạm vi rộng bởi những mối quan hệ trong cơ chế thị trường nhất là quan hệ kinh tế luôn đa dạng phong phú và có tác động ràng buộc lẫn nhau. Chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước cũng phải đáp ứng và tác động đến sự phát triển của các quan hệ kinh tế theo chiều thuận. Vì vậy chi ngân sách cũng phải gắn với chính sách kinh tế với sự nhạy cảm ở chỗ khi chính sách kinh tế thay đổi, chi ngân sách phải đáp ứng được sự thay đổi đó, phải luôn luôn tính toán nguồn lực phòng ngừa rủi ro, dự phòng để ngân sách luôn ở thế cân đối khi có thay đổi chính sách. Muốn vậy chi ngân sách không chỉ tính cho thường niên mà phải có tầm nhìn trung và dài hạn. Mối quan hệ ở đây luôn có tác động hai chiều. Ngân sách luôn phải gắn với chính sách kinh tế vì thực chất ngân sách là công cụ để Nhà nước thực hiện các chức năng kinh tế của mình, đồng thời chính sách kinh tế có tác động trở lại và giúp cho tính toán nguồn lực đáp ứng chi tiêu của Chính phủ trong trung và dài hạn có căn cứ.

 

Sửa đổi lần cuối Thứ năm, 06 Tháng 11 2014 06:19

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành