Thứ hai, 21 Tháng 8 2023 03:19

Giới thiệu các bước xác định mục tiêu trong phân tích chính sách bảo đảm an ninh nguồn nước

1. Mục tiêu toàn cầu về nước: Đảm bảo nguồn nước bền vững

Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước đối với sự phát triển của con người, đối với môi trường và và với sự phát triển kinh tế. UN-Water và các đối tác đã phát triển các đề xuất cho một mục tiêu toàn cầu về Nước, “Đảm bảo nguồn nước bền vững toàn cầu”.

Chương trình khung của mục tiêu chính toàn cầu về nước được thiết kế để nâng cao sức khỏe con người, thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế và bảo tồn môi trường. Chương trình khung có chứa cả ba hướng của phát triển bền vững: xã hội, kinh tế và môi trường.

Đề xuất mục tiêu này nhằm hỗ trợ công tác bảo vệ tài nguyên nước, tránh tình trạng khai thác quá mức và gây ô nhiễm đồng thời vẫn đáp ứng nhu cầu nước uống và vệ sinh môi trường, năng lượng, nông nghiệp và các mục đích sử dụng khác. Mục tiêu này nhằm mục đích là bảo vệ cộng đồng khỏi các thảm họa liên quan đến nước. Nó hỗ trợ việc thực hiện các quyền con người với nước sạch an toàn và vệ sinh môi trường cũng như các quyền khác về chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người. Đề xuất này là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, làm cơ sở cho tất cả các nỗ lực khác để xóa bỏ tình trạng đói nghèo cùng cực vào năm 2030.

Sơ đồ trên cho thấy mục tiêu được đề xuất và các chỉ tiêu chính được liên kết với nhau. Mục tiêu toàn cầu về nước được thiết kế để phù hợp với bối cảnh và các ưu tiên của mỗi quốc gia. Thực hiện mục tiêu này đối với nước tạo ra các lợi ích về xã hội, kinh tế, tài chính và các lợi ích khác. Sự phát triển y tế, giáo dục, nông nghiệp, công nghiệp và các hoạt động kinh tế và xã hội khác đều phụ thuộc vào hiệu quả của việc quản lý, bảo vệ nguồn nước, cung cấp nước và phân phối các dịch vụ cấp nước và vệ sinh. Cộng đồng cũng cần được bảo vệ khỏi những rủi ro liên quan đến nước.

Đáp ứng mục tiêu này kêu gọi việc cải thiện công tác quản lý nguồn nước và hành động trong các lĩnh vực xây dựng chính sách, pháp luật, quy hoạch, điều phối và quản lý. Các công cụ cho việc chuẩn bị dự án, giám sát, và quản lý cũng sẽ cần phải được phát triển để đạt được mục tiêu đề ra. Tất cả điều này sẽ đòi hỏi nâng cao năng lực tổ chức và năng lực con người ở tất cả các cấp.

2. Mục tiêu quốc gia của Việt Nam

Đối với mục tiêu tổng quát của Việt Nam được xác định bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý.

Chủ động tích trữ, điều hoà nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả đi đôi với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó hiệu quả với các thảm hoạ, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.

Bên cạnh đó Việt Nam cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2025:

+ Hoàn thành việc lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến nước;

+ 95% hộ gia đình ở thành thị và 60% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn;

+ Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất, đặc biệt là các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, miền núi phía Bắc;

+ Cơ bản sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng chống lũ theo thiết kế.

- Đến năm 2030:

+ Cân đối đủ nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn.

+ Giải quyết căn bản nước sinh hoạt cho các đảo có đông dân cư; hoàn thiện đồng bộ hệ thống công trình điều tiết nước mặn, nước ngọt, tích trữ nước trên các lưu vực sông lớn;

+ Hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ;

+ Bước đầu khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng tại một số lưu vực sông, hệ thống công trình thuỷ lợi lớn; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu;

+ Xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, đánh giá, giám sát an ninh nguồn nước quốc gia theo phương thức quản trị nguồn nước của quốc tế.

- Đến năm 2045:

+ Chủ động được nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn;

+ Dự báo, cảnh báo dài hạn để xử lý ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu;

+ Kiểm soát và khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông, hệ thống công trình thuỷ lợi; hoàn thiện chính sách về nước đồng bộ, thống nhất liên ngành, liên vùng, bảo đảm an ninh nguồn nước.

3. Các mục tiêu phụ

Một là, đạt được tiếp cận phổ cập tới nước sạch, vệ sinh môi trường

Hai là, cải thiện việc sử dụng bền vững và phát triển bền vững tài nguyên nước ở tất cả các quốc gia.

Ba là, tăng cường công bằng, tăng cường sự tham gia và trách nhiệm quản lý tài nguyên nước.

Bốn là, giảm lượng nước thải chưa qua xử lý (bằng x%), giảm ô nhiễm chất dinh dưỡng (y%) và tăng tái sử dụng nước thải (bằng z%)

Năm là, giảm tỷ lệ tử vong (x%) và thiệt hại kinh tế (y%) do các thảm họa liên quan đến nước gây ra.

4. Mối liên hệ giữa các mục tiêu bộ phận

Các mục tiêu về nước có mối quan hệ tương quan với nhau, giúp chúng hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ, tiếp cận nguồn nước uống và để đảm bảo nó được chia sẻ một cách công bằng đòi hỏi công tác quản lý tốt, cân đối nhu cầu cạnh tranh, và yêu cầu việc bảo vệ hệ thống cung cấp tự nhiên khỏi sự ô nhiễm và các thiên tai liên quan đến nước. Hơn nữa, mục tiêu về nước liên quan trực tiếp đến việc giải quyết các mục tiêu khác được đề xuất trong khuôn khổ chương trình khung sau năm 2015, như chất lượng nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp góp phần bảo đảm an ninh lương thực và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân, bình đẳng giới và phát triển bền vững môi trường. Vì nước là rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững, nên cần chứng minh sự liên kết chặt chẽ giữa nước và các mục tiêu khác, cũng như mối liên hệ với các mục tiêu liên quan. Lồng ghép các mục tiêu phát triển khác nhau thành một cấu trúc mạch lạc hướng tới việc cung cấp những lợi ích bền vững tối đa cho số lượng người lớn nhất.

5. Chủ thể có thể ảnh hưởng tổ chức thực hiện

a. Các tỉnh uỷ, thành uỷ, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện; cụ thể hoá các nội dung về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

b. Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và giám sát thực hiện trên phạm vi cả nước.

c. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Kế hoạch, Chương trình hành động thực hiện; phê duyệt và tổ chức triển khai hiệu quả Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước trình Quốc hội ban hành, hoặc phê duyệt theo thẩm quyền, bảo đảm nhất quán, đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực hiện; rà soát, sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nguồn nước theo hướng thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương; có đầu mối tổ chức triển khai bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; nghiên cứu thống nhất đơn vị quản lý, khai thác, vận hành hệ thống thuỷ lợi vùng, quốc gia.

d. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện và giám sát thực hiện Kết luận.

e. Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kết luận này; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành