Thứ hai, 22 Tháng 9 2014 00:00

Một số học thuyết cơ bản về cân đối ngân sách nhà nước

1. Các học thuyết  về cân đối ngân sách nhà nước

Trước  thế kỷ thứ 19, trong các nền kinh tế tự cung - tự cấp, kinh tế hàng hóa giản đơn và kinh tế thị trường tự do cạnh tranh, chức năng cơ bản của nhà nước  là thực hiện các nhiệm vụ truyền thống như: cảnh sát, tư pháp, quốc phòng và ngoại giao. Còn các hoạt động kinh tế thì để mặc cho khu vực tư nhân quyết định, nhà nước không  can thiệp. Hay nói khác  hơn là  nhà nước đứng ngoài  các hoạt động kinh tế. Trong bối cảnh đó, mục đích của NSNN là cung cấp những nguồn lực cần thiết  để tài trợ cho các hoạt động chính trị, quản lý hành chính, tư pháp  và quốc phòng   của  nhà  nước.  Và điều  quan  trọng  là,  NSNN không làm  bóp  méo  thị trường, không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của khu vực tư thông qua các chính sách phân phối thu nhập. Bước sang thể kỷ 20, đặc biệt sau cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ nhất (1914 -1918), vai trò của nhà nước  có nhiều thay đổi cho phù hợp với bối cảnh kinh tế – xã hội:  (i) nền kinh tế vận  hành  theo cơ chế thị trường  có sự can thiệp của nhà nước; (ii) hệ thống  tiền tệ không ổn định; (iii) nền kinh tế phát  triển  theo xu hướng  quốc  tế hóa. Trong bối cảnh  đó, NSNN không những là công cụ để nhà nước huy động  các nguồn  lực  của xã hội nhằm  tài trợ mọi nhu cầu chi tiêu  của nhà nước,  mà còn là công  cụ để nhà nước  can thiệp vào các hoạt động kinh tế – xã hội.

Như vậy,  từ tài chính công cổ điển  đến tài chính công hiện đại, vai trò của NSNN đã có nhiều thay đổi. Với thực tế đó, quan điểm về cân đối NSNN cũng có nhiều thay đổi theo thời gian. Thực tế, hoạc thuyết về cân đối ngân sách chia ra làm học thuyết cổ điển và học thuyết hiện đại.

1. Học thuyết  cổ điển về cân bằng  ngân  sách nhà nước

Theo quan điểm cổ  điển, nhà nước chỉ nên thực hiện  những  hoạt  động như cảnh sát, tư pháp, đối ngoại  và quốc phòng,  còn những hoạt động khác nên để cho khu vực tư nhân  đảm nhận.  Nhất   là trong hoạt động kinh tế,  nhà  nước không được can thiệp mà phải để cho qui luật thị trường, sự tự do cạnh tranh và sáng kiến tư nhân chi phối. Theo quan niệm  đó thì nhà  nước  là bộ máy  ăn bám, không có đóng  góp gì vào việc  tạo ra của cải vật chất  cho xã hội. Do vậy, NSNN chỉ là công  cụ  cung cấp cho nhà nước những  nguồn  tài chính cần thiết  nhằm  tài trợ  những  chi phí cho hoạt động hành  chính, tư pháp,  quốc phòng; nhà nước cũng chỉ cần huy động  đủ nguồn  lực cho những nhu cầu chi tiêu hạn hẹp đó của  mình mà thôi  (nghĩa là chỉ  cần  duy trì ngân sách  tiêu dùng, ngân sách thường xuyên). Để thu hẹp ảnh hưởng  của NSNN người ta đã cắt giảm tới mức  tối thiểu các khoản chi của NSNN, không  để cho chúng vượt quá các khoản  thu của NSNN. Trong bối cảnh đó, cân đối NSNN cần phải tôn trọng triệt để nguyên tắc tổng  thu thuế = chi NSNN mỗi năm.  Nguyên tổng thống Pháp, ông G.Doumergue,  trong bài diễn  văn đọc năm 1934, đã tóm tắt học thuyết cổ điển  về cân bằng  NSNN như sau: “Người   đàn bà nội trợ đi chợ không được tiêu quá số tiền có trong túi. Nhà nước cũng trong tình trạng y hệt: không được chi tiêu quá số  thu”. Quan điểm này bao gồm 2 nguyên tắc: (i) nhà nước  chỉ được phép chi tiêu trong phạm vi số thu thuế  và chỉ được khai thác nguồn thu thuế để trang trải chi tiêu; (ii) số thu thuế cũng không được lớn hơn số chi của NSNN.

Như vậy, theo quan điểm này NSNN phải cân bằng  tuyệt đối, bội thu hay bội chi NSNN, nếu có, đều biểu hiện sự lãng phí nguồn  lực của nhân dân. Bên cạnh đó, thuyết   cổ điển  về sự cân đối NSNN cũng cho rằng NSNN phải cân bằng cả khi lập kế hoạch và trong quá trình thực hiện. Nếu NSNN chỉ cân bằng khi lập kế hoạch, còn trong quá trình thực hiện lại không cân bằng được thì không thể coi là cân  bằng thực sự. “Sự thăng  bằng  ngân  sách phải có thực, nghĩa là ngân  sách sau khi thi hành  sẽ thăng   bằng…  Phải  cố tránh   những   ngân  sách  chỉ  thăng   bằng trên  giấy  tờ chưa được đem thi hành.  Phải chờ khi thi hành xong rồi mới  rõ được ngân sách có thăng  bằng hay không”.

2. Các học thuyết  hiện đại về cân đối ngân  sách nhà nước

Bước sang thế  kỷ 20, có nhiều sự kiện kinh tế – xã hội đáng  ghi nhận xẩy ra như chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các cuộc khủng khoảng kinh tế chu kỳ, lạm phát, thất nghiệp, đặc biệt   là siêu  lạm phát 1921-1923 ở  Đức và khủng khoảng kinh tế thế  giới  1929-1933…Tất  cả những  sự  kiện đó  cho thấy rằng nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh với cơ chế tự điều tiết không thể duy trì được sự phát triển bền vững. Do vậy, cần phải có sự can thiệp của nhà nước. NSNN lúc này trở thành  công cụ để nhà nước can thiệp vào hoạt động kinh tế. Trong bối cảnh đó, quan điểm cân đối NSNN cũng có nhiều thay đổi.

- Thuyết  ngân sách theo chu kỳ

Nền kinh tế trải qua một chuỗi  dài các chu kỳ, mỗi chu kỳ gồm  có 3 giai đoạn phồn thịnh - khủng khoảng -  suy thoái. Sự vận động  có tính chu kỳ tự phát theo các qui luật kinh tế khách  quan của thị trường là một biểu hiện bản chất của kinh tế thị trường.  Sự can thiệp của nhà nước chỉ có thể giúp cho nền kinh tế không rơi vào trạng thái quá “nóng” hoặc quá “nguội” trong chu kỳ phát triển  của nó, chứ không  thể loại trừ hoàn toàn tính chu kỳ đó. Bởi vậy, thu – chi NSNN cũng  có tính chu kỳ.

Khi nền kinh tế   ở giai đoạn phồn thịnh,  của  cải vật  chất được tạo ra nhiều, năng suất lao động xã hội cao, thất nghiệp ít… Do vậy, NSNN có cơ sở để có thể huy động được số thu thuế lớn hơn so với nhu cầu chi tiêu. Mặt khác, trong giai đoạn này cũng nên tăng thuế suất, giảm chi tiêu NSNN để kìm hãm nền kinh tế không phát triển quá “nóng”. Trong bối cảnh  đó, NSNN thặng dư là điều  dễ hiểu.   Nếu  không   xem xét cân đối NSNN theo chu kỳ, chính phủ rất dễ dùng  số thặng dư này để chi tiêu, đầu tư vào những hoạt động không cần thiết, hoặc điều chỉnh chính sách thuế để giảm thu. Những hành động này dễ làm cho nền kinh tế rơi vào khủng khoảng. Ngược lại, khi khủng hoảng xảy ra, nền kinh tế  chuyển sang giai đoạn  suy thoái,  của  cải vật  chất  tạo ra giảm, năng suất lao động  xã hội thấp, thất nghiệp gia tăng… Thu NSNN trong giai đoạn này sẽ khó khăn hơn. Mặt khác, để kích thích phục hồi kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội thì nhà nước cần phải giảm thuế và tăng chi tiêu. Kết quả, NSNN sẽ bội  chi. Nếu vì ngại bội chi NSNN, cố giữ cân đối NSNN theo quan điểm cổ điển trên cơ sở hạn chế chi tiêu thì sẽ làm  cho nền kinh tế khó vượt qua suy thoái hơn.

Như vậy, theo quan điểm  này, sự cân bằng của NSNN sẽ không  duy trì trong khuôn khổ một năm  mà sẽ duy trì trong khuôn khổ của một chu kỳ kinh tế.  Nghĩa là,  vẫn  tôn  trọng nguyên tắc  cân  đối  giữa  số  thu và  số  chi của NSNN, nhưng thực hiện sự cân bằng này trong một thời kỳ gồm nhiều  tài khóa liên tục ứng với từng chu kỳ phát triển kinh tế. Khi đó, tình trạng bội thu hay bội chi NSNN trong từng tài khóa  không   hẳn  là mất  cân  đối,  chúng   có thể  bù trừ cho nhau trong cả chu kỳ. Tuy nhiên, mức bội thu hay bội chi, đặc  biệt  là bội chi, phải được khống chế trong một giới hạn nhất định mà chính phủ có thể kiểm soát được.

- Lý thuyết   về ngân  sách cố ý thiếu hụt

Lý thuyết này  xuất   phát  từ quan điểm cho rằng kinh tế quyết định tài chính. Vấn  đề  tài  chính công  nói chung và  NSNN nói  riêng phải được giải quyết tùy theo tình trạng kinh tế   và ảnh hưởng của NSNN vào tình trạng kinh tế.

Như đã phân  tích ở  phần trên, muốn thực hiện nguyên  tắc ngân sách cân bằng tuyệt đối   trong giai đoạn kinh tế suy thoái, nhà nước phải tiết kiệm chi tiêu hoặc / và tăng  thuế. Cả hai phương pháp trên đều kìm hãm sự phát triển  của nền kinh tế, và càng làm cho nền kinh tế khó thoát khỏi suy thoái hơn. Do vậy, khi kinh tế suy thoái  cần phải tránh  sử dụng chúng  và tránh  bằng  cách cố ý  hi sinh sự cân bằng của NSNN. Hơn thế nữa, phải sử dụng sự mất cân bằng  của ngân sách để góp phần đưa nền kinh tế thoát  khỏi suy thoái trên cơ sở tăng chi tiêu ngân sách hoặc/ và giảm thuế để kích cầu. Tuy nhiên, việc cố   ý tạo sự thiếu hụt NSNN có thể  tác động tiêu cực đến tình hình lưu thông tiền tệ, lạm phát có thể  gia tăng.  Bởi vì, muốn có tiền để tài trợ cho những chương trình, dự  án trong giai đoạn kinh tế  suy thoái  thì nhà  nước phải  in thêm  giấy  bạc ngân hàng. Thế nhưng, những   người   ủng hộ lý thuyết  này cho rằng sự phục hồi kinh tế sẽ đem lại nguồn để NSNN trở về tình trạng cân bằng và đẩy  lùi lạm phát. Họ đưa ra các lý do sau để lý giải  cho quan điểm của mình:

- Việc  thúc đẩy những  hoạt động kinh tế đang đình trệ  sẽ làm nhẹ gánh nặng của NSNN đối với khoản  chi trợ cấp thất nghiệp.

- Chính sách cố  ý tạo ra sự mất cân đối của NSNN xét cho cùng chỉ là một việc  làm trước  hạn, căn cứ vào những việc chắc chắn sẽ xẩy ra trong tương lai. Nhờ chính sách kích cầu hiệu quả, kinh tế sẽ dần dần  hồi phục, và  khi đó  nhà  nước sẽ  dần  dần  cắt giảm  chi tiêu. Mặt khác, khi nền kinh tế bước sang giai đoạn hưng thịnh, thuế sẽ đánh một  cách lũy  tiến.  Kết  quả  là tránh  được nạn lạm  phát  và NSNN sẽ cân bằng.

- Thuyết hạn chế tiêu dùng thi hành trong thời chiến

Lý thuyết này chỉ liên  hệ một phần nào đó với vấn  đề cân đối NSNN, và nó đã từng  được thực hiện lần đầu trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất và áp dụng triệt  để  trong chiến tranh thế  giới lần  thứ  hai. Lý  thuyết hạn chế tiêu dùng cho rằng, trong thời chiến để thỏa mãn những  nhu cầu của chiến tranh NSNN đã chi tiêu rất nhiều, trong khi đó khối  lượng hàng hóa cung cấp trên thị trường lại khan hiếm hơn thời bình. Lúc này nhà nước nên thực hiện chế độ hạn chế công chúng chi tiêu và kiểm soát giá cả. Do sự hạn chế chi tiêu nên công chúng không chi xài hết thu nhập  khả dụng của họ, nguồn tài chính dư thừa này sẵn sàng gia nhập thị trường.  Lúc này, nhà nước  có thể thu vào một phần số tiền  mà mình đã tung ra qua chi tiêu NSNN thông qua hai công cụ: thuế và phát hành công trái.

Tóm lại, mỗi  một  lý thuyết xem xét cân đối NSNN ở  một giác độ nhất định và   phù hợp với từng bối cảnh cụ thể. Do vậy, trong bối cảnh ngày nay, quan điểm cổ  điển  trở nên  hơi cứng  nhắc.  Duy trì ngân sách  tiêu  dùng như quan điểm  cổ điển là cần thiết,  nhưng theo chúng tôi là chưa đủ trong điều kiện nền kinh tế bước  vào giai đoạn hiện đại. Một mặt, sự ra đời, tồn tại  và phát triển của nhà nước  đòi hỏi phải có một ngân sách  đủ tiềm lực bảo đảm hoạt động của bộ máy quản lý hành chính,  duy trì và cải thiện  cơ sở hạ tầng, bảo đảm an ninh quốc  phòng,  đảm bảo công  bằng  và an ninh trật tự xã  hội. Nhưng mặt khác, nhà nước cần phải tổ chức điều  hành chính sách kinh tế vĩ mô, can thiệp hợp lý  và đúng cách vào nền kinh tế, khắc  phục những khiếm khuyết của cơ chế thị trường,  đảm bảo cho nền kinh tế xã hội phát  triển bền vững. Chúng  tôi cũng đồng  ý  với  quan điểm hiện đại rằng, bội  chi NSNN trong một  vài  tài khóa là điều không thể tránh khỏi,  và nó cũng  chưa hẳn là do tình trạng yếu kém của nền kinh tế hay do thiếu hiệu quả trong điều hành NSNN của   nhà nước. Tuy nhiên, dầu chấp nhận bội chi NSNN theo chu kỳ, hay cố  ý gây bội chi thì cũng  là để tạo tiền đề nhằm đạt được sự cân bằng NSNN  trong dài hạn.

Đặc biệt, qua nghiên cứu các lý thuyết này chúng tôi nhận thấy rằng, cân đối NSNN luôn được bắt đầu  từ việc   quyết định vai trò của nhà nước,  bởi vì các quyết định về vai trò của nhà nước sẽ tạo ra các nghĩa vụ chi trả của nhà nước trong tương lai. Bởi thế, trong thời kỳ thực hiện cơ chế kế hoạch hóa tập trung ở  các nước  xã hội chủ nghĩa trước đây, do vận hành theo cơ chế hành chính, bao cấp nên cân đối NSNN có các đặc điểm: (i) bị chi phối  nặng  nề bởi các qui định hành chính, phi thị trường. Thu, chi NSNN được thực hiện theo cơ chế giao - nộp, xin – cho đã làm thất thoát vốn, cạn kiệt nguồn  lực của nhà nước, gây phương hại cho tính ổn định kinh tế vĩ mô.  Điều  đó có nghĩa là, phân  bổ và sử dụng nguồn  lực tài chính kém hiệu quả, tùy tiện và vi phạm kỷ luật  tài khóa; (ii) cân đối NSNN mang tính hình thức, chủ yếu phục vụ cho cơ chế bao cấp  toàn  bộ nhu cầu  nền  kinh tế quốc  dân;  (iii) sự  bị  động  trong thu, chi NSNN. Thật vậy, do nhu cầu bao cấp ngày càng gia tăng nên áp lực tăng chi ngân sách rất lớn, nguồn thu thuế  không  đủ để đáp ứng trong khi thị trường  tài chính lại chưa phát triển,  buộc nhà nước thường  xuyên  phải phát hành tiền để bù đắp  bội chi NSNN.  Do vậy, cùng với thời gian hầu hết các quốc  gia đều chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường và hướng  đến  ứng dụng một cách linh hoạt hơn các học thuyết cân đối NSNN hiện đại vào trong hoạt động thực tiễn.

Sửa đổi lần cuối Thứ năm, 06 Tháng 11 2014 06:23

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành