Thứ ba, 15 Tháng 8 2023 02:29

Khái quát các khái niệm liên quan đến biện pháp đầu tư quốc tế

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là xu thế chung, tất yếu đối với các quốc  gia trên thế giới, có tác động nhiều mặt đến phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu thương mại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu. Việt Nam là nước đang phát triển cũng không nằm ngoài xu thế đó. Nhiều chính sách liên quan tới phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập đã và đang được Việt Nam triển khai. Cùng với đó, việc đàm phán gia nhập các tổ chức quốc tế, tham gia vào FTAs thế hệ mới đã và đang đặt ra cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển đất nước, phát triển kinh tế, phát triển con người... nâng cao vị thế và tiếng nói của quốc gia trên trường quốc tế. Các biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại (Trade-Related Investment Measures- TRIMs) thường được các quốc gia sử dụng nhằm định hướng đầu tư cho mục tiêu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc sử dụng biện pháp TRIMs sẽ mang tính hai mặt, có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực tới thương mại quốc tế, đặc biệt là thương mại hàng hóa

Để hiểu rõ được bản chất của các biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại (Trade-Related Investment Measures - TRIMs), cần phải làm rõ được nội dung, định nghĩa về thuật ngữ “các biện pháp đầu tư” và tác động đối với thương mại hàng hóa.

1. Các biện pháp đầu tư

Trên phương diện lý luận, có thể coi biện pháp là cách thức, là con đường tác động đến đối tượng để đạt được mục đích cụ thể. Trong mối quan hệ giữa “đầu tư” với chính sách pháp luật thì mỗi một quốc gia đều có quyền quyết định, ban hành chính sách nhằm quản lý xã hội nói chung và từng lĩnh vực nói riêng trong phạm vi lãnh thổ mình. Điều này xuất phát từ chủ quyền của mỗi quốc gia, được biểu hiện cụ thể là quyền tối cao trong các hoạt động đối nội, đối ngoại, là sự độc lập ý chí trong quan hệ quốc tế của quốc gia. Như vậy các biện pháp đầu tư trong mối quan hệ với pháp luật quốc gia có thể được hiểu là: Cách thức, phương thức mà nhà nước ban hành nhằm tác động đến đầu tư thông qua việc sử dụng nguồn vốn để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh và nó tương ứng với giai đoạn thứ hai của đầu tư (thực hiện đầu tư). Biện pháp này có thể dựa trên mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia để khuyến khích hoặc không khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực cụ thể.

Dựa trên những quyền về tài sản (vốn đầu tư) thì nhà đầu tư có quyền sở hữu, chiếm hữu, sử dụng và định đoạt khoản đầu tư của mình theo quy định của pháp luật nước sở tại và các điều ước quốc tế liên quan. Trong đó quyền tự do sử dụng nguồn vốn theo cách thức, phương thức do nhà đầu tư tự quyết định. Nói cách khác là việc nhà đầu tư bỏ vốn như thế nào (hình thức đầu tư), cách thức thực hiện đầu tư ra sao, đầu tư vào lĩnh vực gì, sản xuất hàng hóa gì, khối lượng chất lượng như thế nào đều thuộc về quyền tự quyết của nhà đầu tư. 

Theo góc độ kinh tế học thì đầu tư  có thể được hiểu là: Bỏ vốn vào một doanh nghiệp, một công trình hay một sự nghiệp bằng nhiều biện pháp như cấp phát ngân sách vốn tự có, liên doanh,  hoặc vay dài hạn để mua sắm thiết  bị, xây  dựng mới, hoặc thực hiện việc  hiện đại hoá, mở rộng xí nghiệp nhằm thu doanh lợi hay phát triển phúc lợi công cộng…. Theo cách tiếp cận của Luật Đầu tư thì “đầu tư” luôn gắn với kinh doanh, trong đó theo Luật Doanh nghiệp 2020“kinh doanh” được hiểu là: việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đo n của quá trình từ đầu tư, sản xuất  đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Có thể thấy, cả đầu tư và kinh doanh đều có những đặc điểm giống nhau, luôn gắn liền và không thể tách rời trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm tìm kiếm lợi nhuận.

Như vậy, đầu tư có thể được hiểu là một hoạt động gồm 3 giai đoạn được thực hiện bởi nhà đầu tư: Thứ nhất, mục đích và mong muốn nhà đầu tư thể hiện thông qua việc nghiên cứu, tính toán khả năng sinh lời của khoản đầu tư; Thứ hai, thực hiện đầu tư thông qua các cách thức, phương thức sử dụng nguồn vốn của mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; Thứ ba, kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh thể hiện sự kỳ vọng đối với đầu tư: Có thể tạo ra lợi nhuận, hoặc không tạo ra lợi nhuận, hoặc mất đi nguồn vốn đầu tư, hoặc đạt được kết quả về phúc lợi xã hội.

Tại Các hiệp định đầu tư quốc tế (International investment agreements - IIAs), đầu tư (investment) thường được hiểu là tất cả tài sản được sở hữu bởi nhà đầu tư, có thể là sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp, ví dụ: Tiền, lợi nhuận, cổ phần, cổ phiếu, bất động sản, các quyền về tài sản như cầm cố, cho thuê… Nội dung này chủ yếu làm rõ giới hạn về đầu tư trong các cam kết bảo hộ, khuyến khích đầu tư. Để được bảo hộ theo IIAs thì tài sản của nhà đầu tư phải được thể hiện thông qua những đặc điểm khách quan của một khoản đầu tư, các đặc điểm về tài sản và luôn gắn với hoạt động đầu tư trong trong các trường hợp cụ thể, như: Cam kết về vốn, nguồn nhân lực, sự kỳ vọng về lợi nhuận và nguy cơ rủi ro trong khoản đầu tư. Để nhận biết đầu tư theo IIAs thì Hội đồng trọng tài của Trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (International Centre for Settlement of Investment Disputes - ICSID) thường dựa trên những yếu tố cần có, gồm: Tiến hành trong một khoảng thời gian nhất định; Có lợi nhuận thường xuyên; Có khả năng gặp rủi ro; Có cam kết đáng kể về vốn; Có đóng góp cho sự phát triển kinh tế của nước tiếp nhận đầu tư.

Như vậy, đầu tư được công nhận, bảo hộ và khuyến khích tại IIAs phải phát sinh trên thực tế (nhà đầu tư phải bỏ nguồn lực của mình) với mục đích tạo ra sự phát triển, đóng góp vào kinh tế của nước tiếp nhận đầu tư. Cách tiếp cận về IIAs, về đầu tư là tài sản của nhà đầu tư, có thể là hàng hóa, tài sản cố định, tài sản khác… được thể hiện thông qua việc mua hàng hóa để hình thành tài sản, mua hàng hóa để thực hiện hoạt động thương mại, sử dụng tiền, tài sản hữu hình (tài sản cố định) nhà xưởng máy móc để thành lập tổ chức kinh tế. Trong đó đầu tư phải gắn với sử dụng các nguồn lực tại địa phương trong hoạt động kinh doanh như: Sử dụng lao động tại địa phương, mua hàng hóa, nguyên liệu trong nước hoặc đơn giản chỉ là việc nhập khẩu hàng hóa để bán tại địa phương.

Từ những nội dung trên cho thấy, “đầu tư” là việc bỏ các nguồn lực, vốn để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh bằng các phương thức, cách thức đã được tính toán, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư hoặc tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về vốn. Về bản chất, việc ban hành quy định liên quan tới “biện pháp đầu tư” sẽ trực tiếp can thiệp vào cách thức, phương thức thực hiện đầu tư. Theo đó nhà đầu tư không được tự do thực hiện theo ý định của mình mà phải tuân thủ quy định mà cơ quan có thẩm quyền đề ra. Các biện pháp được nhà nước ban hành sẽ tác động đến ý định (giai đoạn đầu) hoặc làm thay đổi kế hoạch của nhà đầu tư (giai đoạn đang thực hiện). Vì vậy, khi một biện pháp đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế thì nhà đầu tư sẽ tự nguyện thực hiện, ngược lại nhà đầu tư sẽ không bỏ vốn đầu tư hoặc không thực hiện khi các biện pháp này không đem lại hiệu quả. Xét trên mối quan hệ giữa nhà nước (chủ thể điều tiết các mối quan hệ trong phạm vi quốc gia) và hoạt động “đầu tư” có thể hiểu, “biện pháp đầu tư” là: Những quy định, biện pháp hoặc hành vi của nhà nước nhằm định hướng đầu tư theo cách thức, phương thức nhất định để đạt được mục tiêu cụ thể.

2. Các biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005: Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu  tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Cả  thương mại và đầu tư đều là hoạt động nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận, trong đó hoạt động thương mại là một phần của quá trình đầu tư. Chính vì vậy các biện pháp đầu tư có thể sẽ ảnh hưởng tới thương mại thông qua hoạt động trao đổi mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ... Trong trường hợp này, mục tiêu cụ thể của các biện pháp đầu tư là hướng tới việc tác động đến hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc các hoạt động khác của nhà đầu tư để tạo ra lợi nhuận.

Guisinger (1986) cho rằng biện pháp TRIMs gồm “các yêu cầu thực hiện liên quan đến thương mại” thông qua các danh mục “khuyến khích và không khuyến khích đầu tư” ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của khoản đầu tư và liên quan đến thương mại hàng hóa, biện pháp này thể hiện thông qua quy định tỷ lệ giá trị xuất khẩu phải tương ứng với giá trị sản phẩm được mua trong nước hoặc các biện pháp hạn chế quyền sở hữu vốn và sử dụng nguồn lao động tại địa phương đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Moran và Pearson (1988) định nghĩa “biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại” là “tất cả biện pháp của chính phủ nước chủ nhà được ban hành để gia tăng việc sử dụng các sản phẩm trong nước hoặc liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài, từ đó gia tăng tỷ lệ xuất khẩu”. Biện pháp TRIMs rõ ràng nhất là yêu cầu xuất khẩu, quy định giá trị sản phẩm xuất khẩu phải tỷ lệ với giá trị sản phẩm được mua trong nước. Yêu cầu này gồm các chính sách và quy định khác nhau được chính phủ sử dụng để định hướng sản xuất, kiểm soát quy mô hoạt động và quá trình xuất khẩu của nhà đầu tư nước ngoài.

Ariff (1989) định nghĩa “các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại” là các quy định và yêu cầu khác nhau đối với nhà đầu tư nước ngoài, nó trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại quốc tế.

Greenaway (1992) phân biệt “các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại” dựa trên tác động đến nhập khẩu và xuất khẩu. Các biện pháp tác động đến nhập khẩu gồm: Yêu cầu nội địa hóa; Yêu cầu cân bằng thương mại; Hạn chế nhập khẩu; Hạn chế ngoại hối; Yêu cầu tỷ lệ cổ phần tối đa; Sử dụng lao động tại địa phương; Hạn ngạch; Yêu cầu nghiên cứu và phát triển; Chuyển giao công nghệ. Trong khi các biện pháp tác động đến xuất khẩu gồm: Yêu cầu tỷ lệ xuất khẩu tối thiểu, kiểm soát xuất khẩu; Yêu cầu cân bằng thương mại, dự trữ ngoại hối; Yêu cầu bắt buộc đối với sản phẩm; Yêu cầu cấp phép; Chuyển giao công nghệ.

Dunning (1993), cho rằng yêu cầu liên quan tới hoạt động của các công ty nước ngoài để tăng hiệu suất hoặc đáp ứng quy định của nước tiếp nhận đầu tư là một trong bốn loại biện pháp của chính sách FDI, bao gồm: Quy định hoặc yêu cầu đối với việc mua hàng hóa, nguyên liệu thô và dịch vụ tại địa phương; Tuyển dụng nhân sự đặc biệt ở cấp quản lý, việc làm và đào tạo; Tỷ lệ sản lượng xuất khẩu; Nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại địa phương, cung cấp các hoạt động độc quyền trong nội bộ doanh nghiệp, các điều kiện về việc chuyển giao công nghệ (các biện pháp đi kèm có thể là cấp giấy phép nhập khẩu bổ sung và bảo vệ khỏi sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài khác).

Kerry A. Chase (2004) cho rằng các biện pháp TRIMs không phải là thuế  quan thay vào đó, là các thỏa thuận (rõ ràng hoặc ngầm) giữa công ty nước ngoài và chính phủ nước chủ nhà. Nội dung các biện pháp trong Hiệp định TRIMs của WTO chỉ đơn giản hóa các quy tắc bị cấm như: Yêu cầu nội địa hóa, yêu cầu cân bằng thương mại, yêu cầu cân bằng ngoại hối và hạn chế xuất khẩu.

Thuật ngữ “các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại” thường được dùng để chỉ các biện pháp đầu tư có khả năng tác động trực tiếp đến thương mại và được thực hiện thông qua chính sách của một số nước. Ví dụ: Điều kiện để được đầu tư, như quy định tỷ lệ nội địa hóa, yêu cầu thực hiện xuất khẩu và các yêu cầu sản xuất (nghĩa là hạn chế tiếp cận thị trường và lựa chọn sản phẩm); Các biện pháp khác, như hạn chế ngoại hối, kiểm soát chuyển giao công nghệ, cấp phép, nghiên cứu và phát triển (R&D) hoặc yêu cầu về tỷ lệ vốn sở hữu. Các biện pháp này đều ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu đối với doanh nghiệp nước ngoài. Trong một số trường hợp, các biện pháp TRIMs có xu hướng bù đắp các ưu đãi đầu tư thông thường về tài chính hoặc các biện pháp thuận lợi cho thương mại (ví dụ như hàng rào thuế quan)

Các biện pháp TRIMs đã được các học giả nghiên cứu, đánh giá nhưng chưa có cách hiểu chung thống nhất về định nghĩa. Các nhà nghiên cứu thường nêu ra những biện pháp cụ thể hoặc tác động của các biện pháp tới thương mại quốc tế. Trong bài viết này các “biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại” (được gọi là “biện pháp TRIMs”) là các biện pháp đầu tư có ảnh hưởng tới thương mại nói chung, bao gồm các biện pháp được quy định tại BITs, FTAs và theo Hiệp định TRIMs tại WTO. 

Như vậy, từ những nội dung đã được phân tích ở trên có thể rút ra được khái niệm “biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại - biện pháp TRIMs” là: Những quy định, biện pháp hoặc hành vi của nhà nước nhằm điều chỉnh đầu tư theo cách thức, phương thức nhất định để tác động đến việc mua bán trao đổi hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc các hoạt động tạo ra lợi nhuận của nhà đầu tư.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành