Thứ tư, 16 Tháng 8 2023 02:01

Bài học kinh nghiệm về chuyển nhượng tài sản thế chấp của một số nước

1. Pháp

Thủ tục áp dụng đối với tài sản bảo đảm là động sản và bất động sản về cơ bản là giống nhau, nghĩa là cần có sự can thiệp của tòa án. Cụ thể, Điều 2346 Bộ luật Dân sự Pháp cũng cấm chủ nợ được bán tài sản theo cách thỏa thuận do lo sợ việc chủ nợ sẽ bán với giá thấp hơn giá trị thực của tài sản đó. Tuy nhiên, Điều 2348 Bộ luật Dân sự Pháp cũng quy định: “Khi nghĩa vụ bảo đảm không được thực hiện, chủ nợ sẽ trở thành sở hữu của tài sản bảo đảm” với sự định giá tài sản bởi chuyên gia định giá tài sản do tòa chỉ định hoặc do các bên lựa chọn.

Đối với biện pháp cầm cố bất động sản hay thế chấp bất động sản, khi bên nợ không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán, chủ nợ có quyền tịch biên tài sản là bất động sản để bán thanh lý sau đó được chia trên giá trị thanh lý của bất động sản. Để thực hiện quy trình này, chủ nợ gửi cho bên nợ yêu cầu thanh toán và đăng yêu cầu này trên Trung tâm thế chấp. Từ đó, bất động sản này sẽ bị đóng băng, bên nợ không thể cho thuê, bán và phải được bán tại Tòa. Tài sản sau khi bị tịch biên sẽ được bán thỏa thuận dưới sự cho phép của tòa án hoặc bán đấu giá tại Tòa.

2. Mỹ

Bộ luật Thương mại thống nhất (Hoa Kỳ) quy định: “Sau khi xảy ra vi phạm, bên nhận bảo đảm: Có quyền thu hồi tài sản bảo đảm; Không cần di chuyển, có quyền dừng việc sử dụng tài sản và định đoạt tài sản bảo đảm ngay tại nơi của bên bảo đảm theo Điều 9-610. (b). Bên nhận bảo đảm có thể thực hiện không theo quy trình tư pháp miễn là việc thực hiện các thủ tục không vi phạm trật tự chung. Nếu có thỏa thuận, trong bất kỳ sự kiện vi phạm nào, bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu bên bảo đảm tập trung tại nơi mà bên nhận bảo đảm chỉ định sao cho thuận tiện hợp lý cho cả hai bên.” Như vậy, bên nhận bảo đảm có thể lựa chọn phương thức tự xử lý tài sản bảo đảm. Về phương thức định đoạt tài sản bảo đảm, Điều 9-610 (a) quy định: “(a) Sau khi vi phạm, bên nhận bảo đảm có quyền bán, cho thuê, cấp phép sử dụng hoặc thực hiện phương thức định đoạt khác đối với tài sản bảo đảm phù hợp với điều kiện thương mại hợp lý. Điều 9-610 (b) của UCC chấp nhận tài sản được định đoạt thông qua phương thức đấu giá công khai hoặc không thông qua đấu giá. Trong việc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản thế chấp, nhiều bang của Mỹ cũng thừa nhận việc xử lý tài sản bảo đảm không theo quy trình tư pháp. Trong vụ US Bank, NA v. Eckert, 264 Or App 189 (2014), tòa án phúc thẩm bang Oregon khẳng định: “Chúng tôi bắt đầu bằng việc tả khung pháp luật thành văn có liên quan. ORS chương 86 đưa ra quy trình bằng quy trình này người thụ thác (trustee) có thể xử lý tài sản bảo đảm không theo quy trình tư pháp - nghĩa là có thể thông qua quảng cáo và bán”[1].

Trong thực tiễn xét xử ở Mỹ, việc bán, chuyển nhượng tài sản bảo đảm không cần có sự đồng ý của bên bảo đảm. Trong vụ Suntrust Bank v Wasserman, 2013 NY Slip Op 31920(U) liên quan đến việc bên nhận bảo đảm (nguyên đơn) khởi kiện bên bảo đảm ra tòa án yêu cầu bị đơn trả số tiền dư nợ sau khi xử lý tài sản bảo đảm, bị đơn từ chối vì cho rằng việc xử lý tài sản bảo đảm không phù hợp với điều kiện thương mại hợp lý, tòa án tối cao bang New York nhận định: “Mặc dù, ngược với lập luận của bị đơn, nhưng không có quy định nào bắt buộc Thông báo phải chỉ ra nơi của tài sản bảo đảm. Điều 9-613 UCC yêu cầu thông báo về thời gian và địa điểm bán đấu giá công khai và thời gian của hình thức định đoạt khác như bán tài sản không qua đấu giá công khai. Và, Thông báo của nguyên đơn đã cung cấp ngày của việc bán tài sản bảo đảm không qua đấu giá công khai (15 ngày kể từ ngày ra thông báo này). Ngoài ra, Thông báo cũng đề nghị bị đơn phải liên hệ với nguyên đơn nếu cần thêm thông tin về việc bán tài sản…UCC không đòi hỏi nguyên đơn phải hợp tác với bị đơn trong nỗ lực bán tài sản bảo đảm”. Như vậy, thực tiễn áp dụng UCC ở Mỹ cho thấy, bên nhận bảo đảm có toàn quyền định đoạt tài sản bảo đảm mà không cần có sự đồng ý hay hợp tác của bên bảo đảm phù hợp với điều kiện thương mại hợp lý.

Điều kiện thương mại hợp lý được Tòa án phúc thẩm bang New York tả như sau: “Việc định đoạt tài sản bảo đảm được coi là phù hợp với điều kiện thương mại hợp lý nếu được thực hiện trong điều kiện thông thường trên bất kỳ thị trường nào được công nhận; hoặc đươc thực hiện theo giá hiện thời trên thị trường được thừa nhận tại thời điểm định đoạt; hoặc được thực hiện do phù hợp với tập quán thương mại giữa các nhà kinh doanh về loại tài sản thuộc đối tượng xử lý. (UCC 9-627 [1]- [3])…

Khái niệm “thị trường được thừa nhận” có nghĩa hẹp, chỉ áp dụng cho các thị trường ở đó có các báo giá chuẩn cho các tài sản cùng loại”[2]. Về nguyên lý chung, việc bán tài sản không nhất thiết phải quảng cáo nhưng nó bảo đảm rằng có người mua với giá tốt nhất có cơ hội được mua tài sản bảo đảm.

3. Anh

Luật Ngân hàng Anh cho phép một bên thực hiện quyền được quy định trong văn bản thỏa thuận về biện pháp bảo đảm đã thống nhất việc cần hoặc không cần tới phán quyết của tòa án[3]. Như vậy, ngoài việc xử lý tài sản bảo đảm theo phán quyết của tòa án, các bên có thể được trao quyền tự xử lý tài sản bảo đảm mà không cần thực hiện thủ tục khởi kiện ra tòa.

4. Úc

Pháp luật Úc có những quy định vừa nhằm bảo đảm thuận lợi cho chủ nợ có thể tự bán tài sản bảo đảm một cách nhanh chóng vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con nợ. Theo đó, bên nhận bảo đảm có nghĩa vụ thiện chí trung thực (nghĩa vụ cẩn trọng hợp lý) khi tiến hành xử lý tài sản bảo đảm. Điều 123 của Luật về các biện pháp bảo đảm bằng động sản năm 2009 quy định: “Bên nhận bảo đảm xử lý tài sản bảo đảm theo Điều 128 (ngoài mua tài sản bảo đảm) có nghĩa vụ đối với tất cả các bên có lợi ích liên quan đến tài sản bảo đảm và bên bảo đảm, ngay trước khi tiến hành bán, thực hiện nghĩa vụ cẩn trọng hợp lý để:

(a) Nếu tài sản bảo đảm có giá trị thị trường tại thời điểm xử lý thì giá bán phải ít nhất bằng giá thị trường; hoặc (b). Giá bán phải là tốt nhất đạt được một cách hợp lý tại thời điểm xử lý tài sản bảo đảm theo từng hoàn cảnh cụ thể tại thời điểm bán tài sản bảo đảm.”

Giá tốt nhất có thể là giá tối thiểu bằng giá thị trường của các tài sản được bán trên các thị trường được thừa nhận như sở giao dịch chứng khoán, OTC, sở giao dịch hàng hóa,… Đối với tài sản không có thị trường được công nhận thì một người bán cẩn trọng có nghĩa vụ phải tham khảo định giá của người định giá có năng lực.

5. Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Từ những kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về việc chuyển nhượng tài sản thế chấp nêu trên, có một số vấn đề sau mà Việt Nam có thể học tập, tham khảo:

Thứ nhất, thỏa thuận trước về việc các phương thức chuyển nhượng tài sản thế chấp không thông qua đấu giá hoặc có sự đồng ý của bên bảo đảm trong trường hợp xử lý tài sản bảo đảm không thông qua đấu giá là không cần thiết. Việc này giúp các chủ nợ có thể tự xử lý tài sản thế chấp, nhất là đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu. Bởi lẽ, bên thế chấp sử dụng tài sản của mình để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp thì mặc nhiên suy đoán rằng bên thế chấp đã trao cho bên nhận thế chấp quyền định đoạt có điều kiện đối với tài sản của mình. Chỉ cần phát sinh sự kiện bên có nghĩa vụ được bảo đảm vi phạm nghĩa vụ này đối với bên nhận thế chấp thì bên nhận thế chấp có quyền xử lý, định đoạt tài sản thế chấp theo phương thức mà bên nhận thế chấp cho là phù hợp miễn rằng việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện một cách thiện chí, trung thực theo nguyên tắc công bằng và hợp lý.

Thứ hai, giá chuyển nhượng tài sản thế chấp không thấp hơn giá thị trường hiện thời của tài sản thế chấp (trong trường hợp có thị trường được thừa nhận cho tài sản cùng loại) hoặc theo giá trị được định giá bởi tổ chức định giá có thẩm quyền (Điều 306 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ thừa nhận giá tài sản bảo đảm theo thỏa thuận hoặc theo định giá của tổ chức định giá đã loại trừ trường hợp tự xác định giá theo giá thị trường. Đối với các tài sản đã có giá giao dịch trên thị trường được công nhận như chứng khoán thì việc đòi hỏi phải được định giá lại gây ra tốn kém cho các bên).

 


[1] Suntrust Bank v Wasserman, 2013 NY Slip Op 31920(U).

[2] Suntrust Bank v Wasserman, 2013 NY Slip Op 31920(U).

[3] Hoàng Thiên Nga, “Cục Thi hành án đổ lỗi ngân hàng “liên tục cản trở” ?!”, Báo điện tử Tiền Phong đăng ngày 01/04/2019, điểm f, khoản 4, Điều 255.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành